Sống trên đời, ai chẳng có ước mơ. Câu nói đó dường như đã lạc hậu, nếu bạn biết rằng trong giới trẻ hiện nay, một số em, có thể có cả con bạn, không hề biết mơ ước là gì.
Chẳng ai có thể phủ nhận giá trị to lớn của ước mơ (dĩ nhiên là hợp với lẽ phải), đặc biệt đối với con trẻ, những cá thể đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, ước mơ là một phần quan trọng để các em phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Nếu không có ước mơ, hoài bão, cuộc sống sẽ chẳng có mục tiêu để hướng đến, mọi giá trị đều nhạt nhòa, thậm chí trở nên vô nghĩa, người ta không biết mình sống vì cái gì. Từ đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không hiểu được giá trị sống, giá trị con người, dẫn đến coi thường cuộc sống, coi thường giá trị con người.
NHỮNG CÂU CHUYỆN TRONG THỰC TẾ
Bé Phương Anh, bốn tuổi, tuy còn nhỏ nhưng rất biết vòi vĩnh bố mẹ, nào là đồ chơi điều khiển từ xa, búp bê Ori, bút máy Panda, đến những bộ váy áo đắt tiền, những con thú cưng… Tất cả đều được bố mẹ đáp ứng không mảy may do dự như một món quà mua nụ cười của con trẻ. Nhưng bố mẹ em chẳng hiểu sao con mình rất mau chán, bé chẳng bao giờ chơi một món đồ nào quá ba ngày, và kho đồ “cũ” của bé ngày càng phình to ra, chẳng còn chỗ để.
Hoàng Hồng, năm nay lên lớp ba. Nhìn vào phòng riêng của em, có lẽ những anh chị đang học cấp ba hay đại học phải ghen tị vì những mô hình đồ chơi đồ sộ, bộ kim từ điển, dàn máy karaoke đắt tiền, cái iPhone chính hãng, chiếc laptop đời mới… mà từ những chuyến công du, ba mẹ mua về cho em. Thế nhưng nếu có ai hỏi, trong những món đồ ấy, em thích gì nhất, thì chỉ nhận được một cái lắc đầu.
Hoặc một cậu ấm nọ vừa vào học đại học năm nhất đã được ba mẹ mua tặng ngay một chiếc xe hơi sang trọng, và lời hứa như đinh đóng cột, ráng học xong, ba mẹ giao hết gia sản đồ sộ cho con quản lý…
Những câu chuyện như thế chẳng hiếm gì trong xã hội hiện nay, đặc biệt đối với những gia đình khá giả, ít con. Việc đáp ứng vô điều kiện những đòi hỏi vô hạn độ của con cái dường như là một cách thể hiện sự quan tâm, trở thành thước đo tình yêu đối với con trẻ. Tâm lý của người làm cha mẹ, ai chẳng yêu chiều con cái, nhất là khi mình có điều kiện thì sao phải để con thiệt thòi. Thế nhưng, những bậc cha mẹ đáng kính ấy có biết mình đang biến con cái trở thành những kẻ đáng thương? Hãy nghe lời bộc bạch của những “cục cưng”, “quý tử”, để biết mặt trái của “tấm huân chương”.
—————————
Cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung sướng là mong mỏi của tất cả những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này trở thành thái quá, nếu đáp ứng đòi hỏi của con không có giới hạn, vô tình, chính bạn đã tước đoạt niềm hạnh phúc của con, hạnh phúc được nhận lấy những gì mình mong muốn, mơ ước.
—————————
TÂM SỰ NGƯỜI TRONG CUỘC
“Con thích búp bê Barbie vì lớp con bạn nào cũng có. Bạn Vân Anh còn có nhiều hơn con nữa, mười ba búp bê lận”, một em nhỏ sở hữu một bộ sưu tập đồ chơi vào loại khủng tiết lộ.
Trong buổi thuyết trình trước lớp học, một cô sinh viên bày tỏ: “Từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng có ước mơ, mọi thứ trong cuộc sống tôi đều được cha mẹ cung cấp đầy đủ, thậm chí cả những thứ tôi không cần, tôi không nghĩ nhiều về tương lai, vì ra trường, tôi sẽ được quản lý công ty của ba tôi”.
Trên trang blog của một chàng trai vừa đi du học về, “Cuối tuần này đi đâu? Ai có gợi ý gì không? Loanh quanh bar hoài chán quá. Ông bà bu vẫn chưa bắt đi làm. Đành tận hưởng những gì… không muốn hưởng vậy. Đố ai biết cuộc sống màu hồng hay là màu xám?”
Thật may mắn, những dòng tâm sự ấy không phải là tuyên ngôn sống của đa số thanh niên hiện nay. Bởi vì, không thể tưởng tưởng được hậu quả nếu thế hệ tương lai của chúng ta sống mà như không tồn tại.
—————————
Nhiều nhà khoa giáo nổi tiếng cũng khuyên rằng, đối với con trẻ, hãy để cho chúng biết một chút đói khát, thiếu thốn, có như thế khi lớn lên chúng mới biết trân quý những giá trị của cuộc sống.
—————————
HÃY CHO CON MỘT ƯỚC MƠ
Nếu ngày xưa phải chờ cả năm, có khi đến dịp Tết, trẻ em mới được sắm một bộ quần áo mới, thì ngày nay, trong nhiều gia đình khá giả, con trẻ lại trở thành nạn nhân của hội chứng “khủng hoảng thừa”. So sánh một chút, kể cả phụ huynh lẫn con trẻ, ai sẽ thấm thía được giá trị của hạnh phúc? Bạn có vui không nếu con bạn nhận được món quà quý giá từ ba mẹ mà gương mặt bình thản như đang giúp bạn thi hành nghĩa vụ đóng thuế.
Cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung sướng là mong mỏi của tất cả những người làm cha mẹ. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này trở thành thái quá, nếu đáp ứng đòi hỏi của con không có giới hạn, vô tình, chính bạn đã tước đoạt niềm hạnh phúc của con, hạnh phúc được nhận lấy những gì mình mong muốn, mơ ước. Bởi lẽ, khi lúc nào con bạn cũng trong tình trạng có sẵn, thậm chí thừa thãi mọi thứ, không biết thiếu thốn, thì chắc hẳn con bạn cũng sẽ chẳng biết thế nào là thèm muốn, là cần, là đủ, xa hơn, là thiếu vắng hẳn những mơ ước trong cuộc đời khi đã trưởng thành. Và rõ ràng, bạn đang biến con mình thành những cậu ấm, cô chiêu chỉ quen cuộc sống thụ hưởng, khi rời vòng tay cha mẹ liệu chúng có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình?
Một người nổi tiếng từng tâm sự, cô luôn hướng dẫn con cái biết sống giản dị, tiết kiệm, quý trọng những đồng tiền lao động của bố mẹ làm ra. Bởi theo cô, khi ra đời, chẳng ai yêu chiều chúng vô điều kiện như cha mẹ. Cuộc sống phải có thiếu thốn để biết ước mơ và để có được cảm giác hạnh phúc khi ta đạt tới mơ ước của mình. Một đứa trẻ được đáp ứng hết mọi yêu cầu, luôn đầy đủ, chưa kịp thèm đã được bố mẹ dâng tận tay, chưa kịp đói đã có người cho ăn… sẽ bị rơi vào một bất hạnh khác: bất hạnh của người không biết đến thiếu thốn. Và kết luận của cô là, đừng nên cho con điều gì một cách dễ dãi.
Nhiều nhà khoa giáo nổi tiếng cũng khuyên rằng, đối với con trẻ, hãy để cho chúng biết một chút đói khát, thiếu thốn, có như thế khi lớn lên chúng mới biết trân quý những giá trị của cuộc sống. Việc bảo bọc con quá mức hay động viên, khích lệ con bằng vật chất sẽ khiến con cái ỷ lại, không biết quý trọng những thứ mình đang có và không biết đến giá trị của lao động hay những giá trị sống tích cực khác. Hậu quả là trẻ có thể rơi vào trạng thái sống lệch: đánh giá, đo lường mọi thứ bằng vật chất, sống không mục tiêu, khát vọng, không hoài bão, ước mơ, cuối cùng tìm đến những giá trị sống tiêu cực. Sau này, khi đương đầu trực tiếp với khó khăn trong cuộc sống, trẻ sẽ dễ bị tổn thương và gục ngã.
Những cách thể hiện tình yêu với con cái
|
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: