Để trẻ tự “dàn xếp” • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Để trẻ tự “dàn xếp”

Khi con bị bắt nạt, các bậc phụ huynh “xót con” thường có khuynh hướng răn đe “dọa dẫm” đứa trẻ “ăn hiếp” con mình. Thực tế, việc này chỉ khiến đứa trẻ đó cảm thấy… sợ chứ không nhận ra lỗi để sửa sai.

 

Bắt nạt để thể hiện bản thân

Bao giờ một môi trường học và chơi lành mạnh, chan hòa, đảm bảo an toàn cho trẻ cũng luôn được các bậc cha mẹ xem trọng. Mỗi ngày con đến trường mà phấn khởi đem về những bài học mới, điểm số đẹp, câu chuyện vui thì chắc rằng bậc làm cha mẹ nào cũng yên tâm. Trên thực tế, có những buổi con về với gương mặt “bí xị” hoặc rơm rớm nước mắt vì ấm ức chuyện bị bạn “ăn hiếp”. Môi trường lớp học với hàng chục đứa trẻ gặp gỡ, chạm mặt nhau mỗi ngày thì những mâu thuẫn, cãi cọ thậm chí bắt nạt nhau là hoàn toàn dễ xảy ra.

Chị Lê Lan (nhân viên văn phòng tại Quận 3) có con trai đang học một trường mẫu giáo cũng thuộc địa bàn này chia sẻ, khá nhiều lần con đi học về “méc” chuyện bị các bạn ăn hiếp. Theo lời con, lúc thì bạn giật bút chì, khi lại “ghẹo” hất mũ con đang đội xuống đất. Thậm chí có hôm con chị còn bị bạn đánh nhiều cái mạnh vào lưng.

Sợ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của con, chị Lan đến lớp trao đổi với giáo viên mới bất ngờ biết được, thì ra do con mình hiếu động đã nhiều lần trêu ghẹo, đánh bạn trước. Từ kinh nghiệm bản thân, chị Lan cho rằng, lời con trẻ cần được cha mẹ lưu tâm để theo dõi sát, tuy nhiên những phản ánh của trẻ cũng cần được phụ huynh tỉnh táo và tìm hiểu kỹ càng. Thay vì chỉ nghe lời con và vội lo lắng hoặc phản ứng thái quá, các ông bố bà mẹ cần chia sẻ với giáo viên, nhà trường để cùng uốn nắn, định hướng suy nghĩ lẫn hành vi ứng xử của trẻ.

Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bắt nạt bạn, từ việc thể hiện cái tôi, muốn chứng tỏ bản thân đến tranh đua với bạn bè… trong đó, chính yếu nhất vẫn là nhu cầu thể hiện cái tôi bản thân.

 

“Hù dọa” không giúp trẻ sửa sai

Phản ứng thường thấy ở nhiều bậc cha mẹ có con cái bị bạn bè bắt nạt là răn đe, hù dọa đứa trẻ “thủ phạm”. Mặc dù phụ huynh luôn nghĩ, điều này sẽ khiến đứa bé ấy sợ và không dám tái phạm nhưng thực tế đây được xem là cách làm phi giáo dục và không giúp trẻ cải thiện hành vi.

Chị Mỹ Lệ (kiến trúc sư ở Q. Bình Tân) nêu thực tế, vì xót con, rất nhiều bà mẹ mà chị biết đã từng đến trường tận mặt răn đe, hù dọa những trẻ bắt nạt con mình với những nội dung như “con mà còn đánh hay cắn bạn, cô sẽ gọi… công an tới bắt” hoặc “sẽ kêu chú xe ôm chở con đi bán”… “Điều này cũng khiến trẻ sợ, tuy nhiên sâu xa, chưa giúp các em nhận ra được hành vi của mình đúng sai như thế nào, vì sao cần sửa đổi”- chị Lệ nói.

Con trai chị Lệ cũng từng có những lần về nhà với đầu gối bầm tím, vết cắn trên tay… do bạn bè gây ra. Chị hỏi con cặn kẽ để tìm hiểu nguyên nhân và tình huống con bị bạn bắt nạt sau đó trao đổi với giáo viên để lưu tâm kỹ hơn và nhờ can thiệp. Cũng theo chị Lệ, giáo viên là người gần gũi, tiếp cận và nắm rõ tính cách của các trẻ hơn cả, do vậy rất thuận tiện trong việc uốn nắn, “rèn” trẻ. “Nếu phụ huynh nào cũng vì thương con mà lên mắng mỏ, hù dọa con người khác thì dễ dẫn đến mâu thuẫn. Chưa kể, trẻ còn có cảm giác mình bị người lớn “ăn hiếp” ngược trở lại. Khi đó, các em sẽ không thấy được hành vi của mình là xấu, việc sửa đổi lại càng không thể” – chị Lệ nêu.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đều cho rằng, đối với những hành vi bắt nạt thông thường, hãy để trẻ “tự vệ”, tự dàn xếp. Còn những hành vi có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần hay thể xác thì cần có sự phối hợp giữa phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường để cùng nhau phân giải, uốn nắn trẻ. Không nên chấp nhận con ứng xử kiểu “ăn miếng trả miếng”, chỉ khiến mâu thuẫn giữa trẻ lớn hơn, tác hại nghiêm trọng và khó giải quyết hơn.

Ở độ thiếu nhi, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách sống của trẻ. Các ông bố bà mẹ cần gần gũi, chuyện trò, chia sẻ với con. Quan trọng, việc yêu thương con cũng phải đúng cách, tránh nuông chiều quá mức. Đồng thời, giáo viên cũng cần giáo dục cho các em giá trị sống, tình bạn, lòng thương người, sự công bằng, quan tâm, giúp đỡ người khác…

Hù dọa trẻ là phi giáo dục!

(Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh – Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM):

  • Ở mức độ trẻ bắt nạt qua lại để thể hiện cái tôi và tranh đua với bạn bè thì không cần quá lo ngại, trẻ có thể tự “dàn xếp” dưới sự chỉ dẫn của thầy cô, cha mẹ. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng hơn cần được chú ý, theo dõi, xem xét và can thiệp. Bởi các hành vi này có thể do trẻ bị ảnh hưởng một cách “vô thức” từ gia đình, phim ảnh bạo lực…
  • Không khó để nhận biết trẻ bị bắt nạt vì các em thường hay “méc” cha mẹ, thầy cô những điều diễn ra xung quanh. Nếu trẻ chưa thông báo nhưng phát hiện trên người trẻ có những vết cắn, bầm tím hoặc biểu hiện sợ đến lớp…, phụ huynh cần phải lưu tâm và không nên ép buộc trẻ đến lớp ngay mà cần dò hỏi tìm hiểu sự việc.
  • Việc đến trường hù dọa trẻ bắt nạt con mình là cách làm không mang tính giáo dục, vừa ảnh hưởng tâm lý trẻ vừa gây thêm mâu thuẫn giữa các phụ huynh. Thậm chí tình trạng bắt nạt còn có thể tái diễn và tăng thêm.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment