DARE TO DREAM | Co-Founder & COO, Sách nói Fonos, Xuân Nguyễn: Chưa đến cuối cùng, không thể gọi là thất bại!

DARE TO DREAM | Co-Founder & COO, Sách nói Fonos, Xuân Nguyễn: Chưa đến cuối cùng, không thể gọi là thất bại!

Cho dù là khi còn trẻ, không phải ai cũng đủ can đảm để lao vào khởi nghiệp trong một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ so với kinh nghiệm bản thân. Nhưng với cô gái Xuân Nguyễn thì khác! Những thử thách không quen thuộc đó lại chính là chất kích thích đầy hưng phấn, giúp cô luôn hứng khởi chinh phục. 

Trước khi khởi nghiệp với ứng dụng sách nói, Xuân Nguyễn đã từng cùng em trai thành lập và phát triển một thương hiệu bánh mì. Trên con đường khám phá niềm đam mê của bản thân, cô và người đồng hành lại quyết định thành lập Fonos – một ứng dụng sách nói với định hướng “edutainment” khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Đối với Xuân Nguyễn, những điều chưa biết không phải là rào cản khiến cô chùn bước vượt qua giới hạn của chính mình.    

#1

THỬ THÁCH & HỌC HỎI

Xin chào Xuân Nguyễn, sau gần 4 năm thành lập Fonos với cộng sự, nhìn lại con đường khởi nghiệp của mình, bạn liên tưởng đến hình ảnh nào trong cuộc sống? Tinh thần và thái độ của bạn trên con đường khởi nghiệp vừa qua có thể đúc kết ra sao?

Khi vừa nghe câu hỏi này, tôi hình dung ngay đến hình ảnh chính mình đang đi trên một con đường dày đặc sương mù. Con đường này thật sự rất giống với tất cả những hành trình khởi nghiệp tôi từng trải qua. Đó là một con đường mà tôi không thể có tầm nhìn viễn cảnh được quá xa. Chỉ khi dám đi tới và tiếp tục bước tới, mọi thứ trước mắt mới dần hiển lộ và tôi hiểu mình đi đúng đường. 

phỏng vấn founder sách nói Fonos Xuân Nguyễn

Thật sự đôi khi bạn sẽ không biết điều gì sắp xảy đến với mình. Không chỉ trong cuộc sống mà trong kinh doanh cũng vậy. Sự háo hức vì không chắc chắn được con đường đang dẫn mình đến đâu dù biết rằng đây là đường đi đúng tạo cho tôi một sự hưng phấn xen lẫn nỗi sợ. Thế nhưng tôi tự hào rằng mình đã là một người gai góc và kiên định khi bước trên đường, nên tôi vẫn sẽ tiếp tục chọn hướng đi đó và sẵn sàng lao vào với tinh thần khám phá.

Nhiều người trẻ khởi nghiệp nhưng không đủ can đảm để dấn thân và kiên trì theo đuổi lâu dài. Theo bạn, đâu là những yếu tố đến từ tự thân lẫn bên ngoài đã giúp bạn phát triển kinh doanh đến hôm nay?

Tôi nghĩ tư tưởng khởi nghiệp của mình xuất phát từ việc được nuôi lớn trong môi trường gia đình là những hộ kinh doanh nhỏ. Nếu tôi lớn lên giữa một môi trường mà ai ai cũng là nhân viên công sở, có lẽ tôi sẽ thích được đầu quân cho một tập đoàn hay công ty nào đó chăng? Bên cạnh đó, tôi đã luôn khao khát một sự tự do từ khi còn rất nhỏ. Và kinh doanh sẽ là một công cụ giúp tôi chạm đến sự tự do ấy khi tôi được toàn quyền phát triển và quyết định những điều mình mong muốn.

“Tôi chưa bao giờ từ bỏ việc gì chỉ vì không biết!”

Xuân Nguyễn, Co-Founder & COO, Ứng dụng sách nói Fonos

Khi bắt đầu khởi nghiệp Fonos, Xuân Nguyễn có nhìn thấy bức tranh tương lai của sách nói như ngày hôm nay không? Con đường phát triển của sách nói tại Việt Nam có tương đồng với lộ trình phát triển doanh nghiệp của bạn?

Đến thời điểm hiện tại, mọi thứ đang diễn ra phần nào theo hướng chúng tôi đã dự đoán. Việt Nam có một thị trường sách nói không quá khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới. Và mỗi quốc gia đều có những nét đặc trưng mang tính địa phương để khai thác và Fonos cũng không ngoại lệ. 

Từ khi bắt đầu, tôi nhận thấy sách nói đã trở thành một sản phẩm có thể bán được độc lập, thay vì là một sản phẩm số miễn phí như ngày trước. Tuy nhiên, nếu để bàn về phát triển tương lai xa hơn, tôi cho rằng đó vẫn là một ẩn số vì sẽ có nhiều đối thủ mới bước vào. Nhưng để đúc kết lại, tôi có thể khẳng định con đường phát triển của sách nói Việt Nam có sự tương đồng với lộ trình phát triển của công ty chúng tôi. 

phỏng vấn founder sách nói Fonos Xuân Nguyễn

Bạn đã phải tự học những gì để bước vào ngành sách nói? Những điều chưa biết khi bắt đầu kinh doanh có từng khiến Xuân Nguyễn nao núng không?

Tôi chưa bao giờ từ bỏ việc gì chỉ vì không biết! Chính sự “không biết” đã trở thành chất “dopamine” khiến tôi lao vào công việc mà không hề nao núng. Chắc chắn là, cũng bởi vì “không biết” mà chúng ta mới phải học, học và học không ngừng. Tôi cũng thế! Khi bước vào ngành sách nói – một lĩnh vực quá mới mẻ, tôi đã bắt tay vào “học việc” bằng cách tham gia cùng làm từ những chi tiết nhỏ nhất với các voice-talents, các nhà xuất bản sách để cho ra một sản phẩm chỉn chu. Bên cạnh đó, tôi còn học hỏi nhiều kiến thức về nhu cầu thị trường, nắm bắt tâm lý người dùng, đặc biệt trong việc sử dụng công nghệ, tìm ra những khó khăn của thính giả khi trải nghiệm sách nói.

Vậy những khó khăn bạn đã trải qua và cả những thuận lợi nữa là như thế nào?

Tôi đánh giá điểm thuận lợi của tôi và cộng sự khi khởi nghiệp ngành này đó là người Việt Nam đặc biệt rất thích lắng nghe những câu chuyện được đọc bằng tông giọng truyền cảm. Và hầu hết hiện nay, mọi người đều sở hữu cho mình một chiếc điện thoại thông minh để dễ dàng tiếp cận những thông tin, kiến thức mà một ứng dụng sách nói mang đến. Tuy nhiên, những khó  khăn chính đến từ việc nhiều thính giả vì yêu thích một quyển sách nào nên đã tự thu âm và đăng tải lên các trang mạng xã hội. Thật sự có thể họ không hề biết nhưng đây là một hình thức vi phạm bản quyền. Thế nhưng, theo thực tế tôi nghĩ vấn đề này sẽ được cải thiện theo thời gian, khi thói quen và nhận thức của mọi người đã có nhiều sự thay đổi. 

Một cuốn sách như thế nào sẽ được chọn để chuyển thể thành sách nói? Nhiều người cho rằng sách nói sử dụng giọng đọc con người nên “phải có hồn”, hay nói cách khác phải truyền tải được cảm xúc, bạn có nghĩ vậy không?

Trên thế giới có vô vàn những tựa sách và chúng ta cần chọn lọc và tiếp thu những đầu sách thật sự có giá trị. Chúng tôi luôn mong muốn gửi đến các thính giả của mình những tác phẩm uy tín về mặt tuổi đời với những giải thưởng lớn trên thế giới. Nhưng không vì vậy mà chúng tôi bỏ qua những đầu sách mang hơi thở của hiện thực xã hội, dù đó là những tác phẩm có tuổi đời khiêm tốn. 

Để mang đến một tác phẩm sách nói có hồn, những voice-talent cũng là người góp phần không nhỏ. Tôi luôn khuyến khích họ là một người kể chuyện từ đáy lòng, chứ không phải là một cái máy đọc chán ngắt. Để cảm xúc được truyền tải trọn vẹn đến người nghe, giọng đọc phải là chất dẫn của nội dung nhưng không được đưa quá nhiều cảm xúc cá nhân vào tác phẩm. Chúng tôi không muốn sự tích cực hay tiêu cực của nội dung bị ấn định bởi một giọng đọc nào đó. 

#2

ĐỒNG HÀNH & KIÊN NHẪN

Hiện tại bạn và người đồng sáng lập đang phân công phụ trách như thế nào để bổ khuyết cho nhau và cùng điều hành doanh nghiệp? 

Trong khi tôi có vai trò theo sát quá trình của một sản phẩm từ giai đoạn bản quyền, sản xuất cho đến khi hoàn thành và được gửi đến thính giả, thì người đồng sáng lập của tôi chịu trách nhiệm chủ yếu về quản lý công nghệ và sự tăng trưởng. Chúng tôi luôn ý thức về điểm mạnh và điểm yếu của mình để luôn bổ khuyết cho nhau hiệu quả. Đối với hai mảng điều hành riêng biệt, chúng tôi thống nhất luôn tôn trọng và không can thiệp sâu vào công việc trong trách nhiệm của người kia. 

phỏng vấn founder sách nói Fonos Xuân Nguyễn

“Tôi thích là một người đồng hành hơn là một người lãnh đạo.”

Xuân Nguyễn, Co-Founder & COO, Ứng dụng sách nói Fonos

Là một nữ doanh nhân trẻ, phương châm điều hành của bạn là gì?

Tôi là người tập trung vào kết quả và luôn thẳng thắn trong công việc và giao tiếp, vì tôi không thích có quá nhiều lớp “filter” trong bất kỳ cuộc trao đổi nào. Tôi thích là người đồng hành hơn là một người lãnh đạo. Và do đó, tôi cũng mong muốn được làm việc với những người có cá tính độc lập và chủ động trong công việc. 

Bên cạnh đó, tôi cũng đề cao tính kiên nhẫn trong giao tiếp vì đôi khi bạn sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm trong cách truyền đạt. Hãy bình tĩnh, kiên nhẫn và thời gian sẽ làm sáng tỏ mọi thứ! Nhưng khi những quyết định vẫn chưa được thống nhất, đó cũng là lúc tôi cần một chút áp đặt để ra quyết định về các bức tranh tương lai mà mình đang dự đoán được. 

Trong nhiều doanh nghiệp và có lẽ doanh nghiệp của bạn cũng thế, giai đoạn hiện tại đang là thế hệ lao động của độ tuổi Gen Z. Bạn đánh giá về đội ngũ nhân sự của thế hệ đặc biệt này như thế nào? 

Bản thân tôi cũng là một nhà khởi nghiệp trẻ và tôi cũng thích làm việc với những người trẻ bởi họ mở ra cho tôi nhiều góc nhìn đa dạng. Chắc chắn sẽ có những xung đột trong suy nghĩ đến từ những khoảng cách tuổi tác, nhưng tôi thường không đặt nặng việc ai đúng, ai sai. Vì với tôi, khi được biết thêm một quan điểm mới từ người khác cũng là một điều rất thú vị. Còn về hạn chế, tôi nghĩ rằng bản thân các bạn nhân sự trẻ tuổi cũng giống như tôi trước đây, đó là thiếu trải nghiệm. Điều này cũng dẫn đến những suy nghĩ và hành động của họ chưa đến độ chín muồi. Nhưng tôi tin điều này có thể được khắc phục khi họ liên tục học hỏi và hoàn thiện mình trong tương lai.

Doanh nhân phần lớn gắn mình với chữ cầu toàn, còn Xuân Nguyễn thì sao? Khi một dự án không diễn ra như dự tính, bạn sẽ có phản ứng gì? 

Có lẽ tôi cũng không phải ngoại lệ là một người cầu toàn. Sự cầu toàn dẫn dắt tôi hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất. Tôi nghĩ hầu hết những người có thể chạm đến thành công đều là những người có bản tính cầu toàn. Nhưng, một người có kinh nghiệm dày dặn sẽ biết sử dụng đức tính đó một cách hiệu quả để tránh đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho cả đội ngũ. Nhờ luôn tâm niệm đặt sự cầu toàn vào đúng chỗ nên khi một dự án diễn ra không đúng dự tính, tôi luôn cố gắng tự nhủ đó là một chuyện hết sức bình thường. Sau khi giải tỏa hết những cảm xúc tiêu cực ban đầu, tôi sẽ tự đánh giá lại nguyên nhân thất bại và cố gắng đứng dậy một cách nhanh nhất. 

#3

TRƯỞNG THÀNH & SẴN SÀNG

Người khởi nghiệp trong những năm đầu thường gặp nhiều rủi ro và khó khăn. Xuân Nguyễn có chuẩn bị gì cho thất bại không? 

Đến thời điểm hiện tại, đối với tôi nếu chưa đi đến cuối cùng, thì không thể gọi là thất bại được. Khi mới bước vào kinh doanh, tôi đã có những thất bại đến cùng cực. Nhưng càng trưởng thành hơn, tính sát thương của những thất bại ấy đối với tôi cũng ngày càng giảm đi, vì tôi đã hiểu cuộc chơi hơn và đã có những tính toán của riêng mình. Tôi tìm lời khuyên từ các nhà cố vấn và không còn quyết định hấp tấp như những ngày còn trẻ. Và đó là cũng cách tôi đối mặt và chuẩn bị cho những trở ngại trong sự nghiệp.

phỏng vấn founder sách nói Fonos Xuân Nguyễn

Vậy còn thành công, bạn đã sẵn sàng cho thành công chứ? Sau thời gian khởi nghiệp, việc kinh doanh đã cho và lấy đi của Xuân Nguyễn những gì? 

Mỗi ngày, tôi đều đặt ra một cột mốc mới và thu thập những thành công nho nhỏ cho mình. Ngay cả những công việc chưa được hoàn thành hôm nay, tôi cũng nghĩ đó cũng là một… thành công. Vì điều đó giúp tôi khám phá về một góc chưa tốt của chính mình và hoàn thiện nó trong tương lai. Có thể nói, tôi là người luôn sẵn sàng cho những thành công mỗi ngày, mỗi giờ. 

Đến giờ, lĩnh vực kinh doanh này đã mở ra cho tôi nhiều góc nhìn khác biệt về sức mạnh công nghệ. Tôi có thể mở rộng độ lan tỏa của mình và hiểu biết thế giới ở tầm rộng lớn hơn. Cũng trong công việc này, tôi đã có cơ hội làm việc với các đối tác đến từ nhiều quốc gia, được tham gia những hội sách quy mô và có cơ hội gặp gỡ các nhà xuất bản uy tín trên thế giới. Và cũng chính vì những điều đó nên đối với tôi ở thời điểm này, tôi thấy mình không mất gì cả khi quyết định theo đuổi công việc kinh doanh này. 

Nhiều người cho rằng thế hệ trẻ ngày nay theo đuổi khởi nghiệp như là một xu hướng chứng minh bản thân, bạn có nghĩ như thế không? Liệu có thời điểm nào phù hợp cho việc khởi nghiệp mà chúng ta nên nắm bắt?

Tôi nghĩ là tùy trường hợp và hoàn cảnh của mỗi người. Nhiều khi họ cũng không biết mình đang khởi nghiệp vì đam mê hay đang cố chứng minh bản thân mình. Đôi lúc, chỉ vì quá trẻ mà họ khó có thể xác định nguyên nhân sâu xa cho một vấn đề. Và sau khi va vấp và nhìn lại những thất bại, thời gian sẽ tự cho họ câu trả lời thỏa đáng.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi đã có một dòng thu nhập từ một công việc khác để tập trung phát triển Fonos. Bên cạnh đó, số người sử dụng điện thoại thông minh và ví điện tử đang trở nên rất phổ biến tại Việt Nam. Tôi biết thị trường đã hoàn toàn sẵn sàng để chúng tôi đưa ra quyết định thành lập công ty. Từ câu chuyện của mình, tôi nghĩ không có một công thức chung cho tất cả nhà khởi nghiệp. Chỉ là thời điểm đó, bạn cảm thấy “thiên thời địa lợi” và quan trọng là thấy bản thân đã sẵn sàng để đương đầu với những thử thách mới, đó là lúc bạn nên dấn thân.

Theo bạn, như thế nào là một nữ doanh nhân có bản lĩnh?

Một nữ doanh nhân bản lĩnh là người luôn tin vào chính mình và chấp nhận những gì mình đang có.  

Cảm ơn bạn đã chia sẻ!

phỏng vấn founder sách nói Fonos Xuân Nguyễn

***

QUICK QUESTIONS

3 từ mô tả tính cách của bản thân

Khó tính – Thẳng thắn – Thoải mái

Sở thích ngoài công việc của bạn là gì?

Tôi thích nấu ăn, đàn hát và dành thời gian cho bản thân và những người yêu thương của mình. 

Bạn nghĩ phụ nữ nên khởi nghiệp khi còn độc thân hay đã có gia đình?

Tôi nghĩ phụ nữ khởi nghiệp khi đã lập gia đình sẽ cực lắm (cười). Tôi luôn muốn trải nghiệm trọn vẹn nhiều khoảnh khắc trong cuộc đời. Khi làm việc, tôi không muốn bị phân tâm rằng mình đang không dành thời gian đủ cho con cái. Ngược lại, khi có con, tôi không muốn bị cuốn theo công việc mà lơ là gia đình. Nếu được lựa chọn, tôi chỉ lựa chọn một thứ trong một thời điểm mà thôi. 

***

Bài viết đã được phát hành trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 143.2023 | Content Director: JENNI VÕ | Editor:  AN MI | Creative Director: HIEPLEDUC | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG | Makeup: THY TRAN 

Có thể bạn quan tâm:

Comment