Xin lỗi đã khó, nhưng khó hơn là chấp nhận lời xin lỗi một cách chân thành - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Khi xã hội vẫn tồn tại đâu đó những sai lầm, nếu chúng ta có thể bao dung hơn một chút, cuộc đời này có lẽ sẽ thanh thản và dễ sống hơn biết bao nhiêu…

Ai cũng có thể cho rằng mình là một người sống “biết điều”, nhưng mấy ai trong số đó chưa từng phạm phải một sai lầm nào. Và dù cho bạn luôn cố gắng sống đúng đi nữa, hạnh phúc vẫn chưa chắc sẽ mỉm cười. Vì bạn vẫn có thể bị tổn thương bởi sai lầm từ một ai đó. Lời xin lỗi nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng để có thể thốt ra một cách khẩu phục, mà tâm cũng phục thì không dễ chút nào. Và người nhận lời xin lỗi đó lại càng khó khăn hơn để đón nhận nó một cách chân thành.

Đừng nói “tôi không sao” khi thực ra bạn không hề ổn 

Lời xin lỗi dĩ nhiên phải nên được nói ra dẫu tổn thương bạn gây ra cho người khác là ít hay nhiều. Ngược lại, bạn nên tha thứ cho lỗi lầm của người khác để không chỉ họ được nhẹ lòng mà bản thân bạn cũng được thanh thản hơn. Đó là một cuộc đấu tranh tâm lý phức tạp cần sự can đảm và cả lòng vị tha. Nó xuất phát từ mức độ thiện chí đối với một mối quan hệ, rằng bạn thiết tha với nó tới đâu, có đủ để hạ mình bỏ qua tất cả, sẵn sàng tiếp tục đồng hành với nhau. Vậy mà câu trả lời chúng ta vẫn thường nói mỗi khi nhận được lời xin lỗi đó là: “Tôi không sao” hoặc “Tôi ổn mà”. Có nhiều lý do để người ta luôn trả lời theo cách đó, mặc dù sự thật là, dù ít dù nhiều, bạn không hề ổn. Bạn muốn “dĩ hòa vi quý” cho qua chuyện. Bạn muốn che giấu và không muốn thừa nhận sự tổn thương của mình. Hoặc bạn ngại đào sâu lỗi lầm của người khác sẽ làm tổn thương ngược lại họ. Những câu trả lời này có thể có nghĩa là bạn đã bỏ qua nhưng không hề cho thấy bạn có ý định muốn tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn, và vết thương vẫn còn đó.

Chúng ta vẫn hay trả lời “tôi ổn” hoặc “tôi không sao” khi nhận được lời xin lỗi, nhưng có chắc là chúng ta ổn thật không? (Ảnh: Hello Emilie)

Thành thật với cảm xúc để thừa nhận tổn thương

Rõ ràng lỗi lầm vẫn cứ là điều sai quấy, và tổn thương đã là một vết cắt trong lòng. Một khi lời xin lỗi được thốt ra, việc đưa vấn đề đi đến đâu đã thuộc về phần của bạn. Nếu thực sự muốn tiếp tục mối quan hệ, điều bạn cần làm là phải “chữa lành” triệt để những tổn thương. Bởi vì những tổn thương trong tâm hồn khi không được điều trị dứt điểm, nó sẽ hằn lại như những vết xước trên chiếc gương soi, một khi đã nhiều đến mức không thể nhìn thấy mình trong gương cũng là lúc mối quan hệ của bạn không thể tiếp tục được nữa. Vì vậy điều đầu tiên bạn cần làm là hãy thừa nhận sự tổn thương của mình. Hãy cho người gây ra lỗi nhận ra được sai lầm của họ để điều đó không bao giờ lặp lại nữa. Bạn hoàn toàn có thể nói rằng: “Tôi thật sự buồn vì bạn không đến như đã hẹn.”. Có lẽ nếu là một người quá tử tế và nhạy cảm, bạn sẽ lo sợ điều này làm đối phương bị tổn thương ngược lại. Nhưng thật ra nó lại thể hiện được vị trí của họ trong lòng bạn, có sự tin tưởng thì mới kỳ vọng, và chỉ khi kỳ vọng bạn mới biết thất vọng là gì. Thế mới nói, người ta chẳng bao giờ giận người dưng.

Bạn hoàn toàn có thể thành thật với cảm xúc và thậm chí từ chối lời xin lỗi nếu cho rằng nó chưa đủ thiện chí. (Ảnh: Amelie Satzger)

Khó nhất nhưng cũng dễ nhất chính là tha thứ cho ai đó

Sau khi đã thừa nhận sự tổn thương của bản thân, hãy cho người đó biết rằng bạn tha thứ cho họ. Đây là bước cốt lõi để xác định mối quan hệ có được tiếp tục hay không. Nhiều người chọn sự im lặng để cho thời gian tự chữa lành vết thương, cũng như để người khác tự ăn năn về lỗi lầm của họ. Tuy nhiên, đây là cách tồi tệ nhất chỉ khiến cả hai phía mãi dằn vặt về nhau. Chính thức nói lời tha thứ có nghĩa là bạn đã chấp nhận lời xin lỗi, để lại mở ra một cơ hội mới cho mối quan hệ này. Lời tha thứ vừa đơn giản nhất nhưng cũng vừa khó khăn nhất để có thể bày tỏ. Đơn giản bởi vì bạn chỉ cần nói ra như cách người ta đã nói lời xin lỗi với bạn, nhưng khó khăn ở chỗ là bạn khó có thể thốt ra điều đó một cách dễ dàng trong khi đang mang trong mình những tổn thương. Vì vậy bạn cần có thời gian tích lũy đủ sự bình tĩnh và bao dung để giải quyết vấn đề theo hướng tốt đẹp nhất. “Tôi tha thứ cho bạn” không giống với “Tôi không sao”, bởi câu nói đó không chỉ để mở lòng với người khác mà còn thừa nhận với chính mình rằng bạn dễ bị tổn thương.

“Sự im lặng chỉ càng khiến cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn khi cả hai mãi dằn vặt và không tha thứ cho nhau.” (Ảnh: Internet)

Cuối cùng, sự chân thành sẽ hàn gắn tất cả

Tha thứ thôi chưa đủ chân thành, thiện chí thể hiện qua kỳ vọng ở tương lai. Hãy yêu cầu một sự cải thiện nào đó từ sai lầm mà người ta đã mắc phải để họ hoàn thiện bản thân hơn. Nhưng bạn cần đặt giới hạn rõ ràng cho mình, rằng bạn đang muốn đưa ra lời khuyên và mong đợi dành cho đối phương chứ không phải muốn lên giọng dạy họ. Nếu chúng ta trình bày không khéo có thể gây ra tổn thương ngược lại cho họ và khiến mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, cũng đừng câu nệ bằng những lời lẽ quá nhẹ nhàng và hời hợt, hãy cứ tự nhiên và là chính mình thôi. Hãy chân thành đi rồi mọi điều bạn nói ra người khác tất sẽ cảm nhận được. Sau khi tha thứ cho một lần thất hẹn từ người bạn, bạn có thể nói rằng “Lần sau nếu có bận gì đột xuất cũng nhớ nhắn cho tôi một tiếng nhé!”. Chỉ cần như vậy, người đó sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Họ sẽ rất vui vẻ đồng ý đề xuất đó từ bạn vì lúc này được tha thứ đã là điều hạnh phúc nhất họ có thể nhận được rồi.

Cuối cùng, xin lỗi hay được xin lỗi, vẫn phải xuất phát từ sự chân thành. (Ảnh: Unsplash)

Đọc thêm:

Học cách tha thứ cho chính mình bằng 4 câu hỏi sau

Thương tổn có giúp phụ nữ mạnh mẽ hơn?

Comment