Tiêu cực nào cũng qua, nếu chúng ta lựa chọn “làm bạn” với tích cực! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Tiêu cực nào cũng qua, nếu chúng ta lựa chọn “làm bạn” với tích cực!

Chúng ta đang bị bao quanh bởi nhiều sự kiện tiêu cực đến từ mọi nơi. Tin tức chúng ta đọc, mạng xã hội chúng ta xem và các cuộc trò chuyện mà chúng ta đã tham gia hay vô tình nghe được. Mỗi ngày, mỗi người chúng ta có thể hấp thụ rất nhiều loại căng thẳng, từ gia đình, bạn bè đến đồng nghiệp. Và, sức khỏe tinh thần của chúng ta đang phải trả giá cho cuộc sống như thế.

Một cuộc khảo sát của cộng đồng Mighty đã được thực hiện tại Mỹ với hơn 70.000 người tham gia kể từ tháng 3/2020, trong đó họ trải lòng về những nhận thức và trải nghiệm của họ đối với cuộc khủng hoảng Covid-19. Đến tháng 9/2020, nhiều người tham gia đều trả lời rằng ba loại cảm xúc hàng đầu họ gặp phải trong giai đoạn vừa qua là: “thất vọng”, “lo lắng” và “tức giận”. Trong đó, số người chọn cảm xúc “tức giận” đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 3/2020 – từ 20% lên 45% vào tháng 9/2020.

Tiêu cực có những tác dụng vô cùng độc hại lên tinh thần con người. Cuộc khảo sát trên cũng đã cho thấy tâm trí hay sức khỏe tinh thần của chúng ta có khuynh hướng chùn bước khi tiếp xúc với những luồng thông tin tiêu cực hoặc thô lỗ. Chứng kiến những điều này sẽ cản trở trí nhớ và làm giảm hiệu suất làm việc của chúng ta. Việc nghe những từ ngữ thô lỗ và căng thẳng làm giảm khả năng xử lý và ghi nhớ lại thông tin của não bộ. Chúng ta có xu hướng đóng cửa, ngừng giao tiếp và không còn muốn giúp đỡ người khác. Suy nghĩ sẽ có khuynh hướng trở nên rối loạn và hung hăng hơn rất nhiều, không chỉ trong tư tưởng mà thậm chí trong cả hành động.

sức khỏe tinh thần

May mắn thay, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng có một cách hiệu quả để chống lại những tác động đó. Đó là giữ cho mình một trạng thái tâm lý khi mà ta có cảm giác tràn đầy sức sống. Những người đạt được trạng thái tâm lý hưng phấn này (gọi là trạng thái tăng trưởng) đều thấy bản thân phát triển và tràn đầy năng lượng thay vì cảm thấy trì trệ hoặc cạn kiệt. Bên cạnh đó, họ còn cảm thấy khỏe mạnh hơn, linh hoạt hơn và có thể tập trung hơn vào công việc của mình. Trạng thái tích cực đó còn có xu hướng giúp họ tránh khỏi những phiền nhiễu, căng thẳng và tiêu cực. Những nhân viên có thể duy trì bản thân ở trạng thái tăng trưởng này cũng chứng minh được rằng họ có mức độ kiệt sức ít hơn 1,2 lần so với các đồng nghiệp. Họ cũng tự tin hơn 52% vào bản thân và khả năng kiểm soát tình huống của mình, đồng thời ít có khả năng bị kéo vào những điều tiêu cực khiến họ bị mất tập trung hoặc thiếu tự tin.

Vậy làm cách nào để có thể duy trì cho mình trạng thái tăng trưởng như thế với sức khỏe tinh thần tốt với năng lượng sống tích cực dồi dào, đặc biệt là khi bạn cảm thấy như đang chìm trong những điều tiêu cực? Nghiên cứu này đã gợi ý một số chiến thuật sau đây:

1Luôn tránh xa tiêu cực

Hãy chú ý đến những gì bạn đang “tiêu hóa” mỗi ngày! Từ những thông tin bạn đã chọn để đọc, những kênh truyền thông bạn chọn để xem, những phương tiện bạn sử dụng, bản nhạc bạn nghe, những người bạn dành thời gian cho họ… đều có thể chứa đựng nhiều tiêu cực. Sự tiêu cực mà bạn vô tình chạm phải đó sẽ ngấm vào bạn vô cùng nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm trạng mà có lẽ đôi khi bạn không nhận ra. Vì vậy, đơn giản là bạn hãy chọn tránh xa những nguồn năng lượng tiêu cực và luôn hướng mình tới những nơi chứa đựng sự tích cực.

2Để ý những gì bạn phát ngôn

Ngôn ngữ tiêu cực là thứ vũ khí đặc biệt quỷ quyệt và mạnh mẽ. Hãy lưu tâm đến những gì bạn đang nghĩ và đang nói. Không chỉ những người xung quanh có ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, những lời từ chính bạn nói ra cũng kéo cho tâm trạng của bạn thêm tồi tệ. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, một lời nói tiêu cực có sức mạnh “hủy diệt” tâm trạng đến hơn 10 lần khi được nói ra so với việc nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ.

Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ về cách bạn sắp xếp ý tứ và nói về một điều gì đó. Thay vì nói: “Đây là điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy” hoặc “Thật là thất vọng” (hay “khủng khiếp”, “tệ hại”,…), hãy điều chỉnh ngôn từ của bạn để nó trở nên trung lập hơn. Bạn có thể gia giảm tính nghiêm trọng bằng cách nói: “Tình huống này thật khó khăn” để câu nói này sẽ gợi mở ra cơ hội cho bản thân bạn và cả người nghe phát triển hoặc học hỏi nhiều hơn. Cần nhớ rằng việc giảm thiểu tác động tiêu cực của lời nói không có nghĩa là bạn cố tình nói sai hay không thừa nhận sự thật.

3Áp dụng một tư duy trung lập

Những suy nghĩ tiêu cực và lo lắng thường đưa chúng ta đi chệch hướng và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Chúng ta sẽ có nhiều khả năng gặp khó khăn trong xử lý những việc rất cơ bản. Suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại lâu dài còn liên quan đến suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. Nó cũng làm tổn thương những người khác vì hấp thụ sự tiêu cực từ chúng ta. Tất nhiên, tất cả đều quá dễ dàng nếu để chỉ ra những người hay những tình huống mang tính độc hại bằng cách đổ lỗi, suy ngẫm hoặc phân tích tổng thể tình huống. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể áp dụng cho mình tư duy chủ động, tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát và những gì chúng ta nên làm tiếp theo. Đây là cách giúp bạn đánh giá vấn đề và phân tích khủng hoảng một cách khách quan, không mang tính phán đoán, bị động. Điều này bao gồm tính thời điểm của sự việc, phản ứng của bạn trong thời điểm đó và cách bạn duy trì sự tập trung để tạo ảnh hưởng cho các chuỗi hành động tiếp theo. Đừng để bản thân bị cuốn vào việc phân tích những thất bại trong quá khứ hay bị chiếm đoạt bởi những nỗi sợ hãi về tương lai. Hãy tập trung giải quyết từng việc một.

sống tích cực

Đừng để bản thân bị cuốn vào việc phân tích những thất bại đã xảy ra trong quá khứ, hay bị chiếm đoạt bởi những nỗi sợ hãi về tương lai.

4Thực hành lòng biết ơn “trước sau như một”

Có rất nhiều điều để nói về lợi ích của lòng biết ơn. Lòng biết ơn làm giảm căng thẳng của chúng ta, khiến chúng ta hạnh phúc hơn và giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình. Thường xuyên cảm thấy biết ơn sẽ làm tăng sự hỗ trợ xã hội mà chúng ta nhận được, điều này giúp làm giảm căng thẳng và các tác động tiêu cực của xã hội. Nó đặc biệt mạnh mẽ khi được thực hành cùng với tư duy trung lập. “Thái độ biết ơn” còn khiến bạn có thể cảm ơn cả những thử thách và thấy việc vượt qua nó trở nên dễ dàng hơn.

Ví dụ như trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, vẫn có nhiều mặt tích cực mà chúng ta nên cảm thấy biết ơn. Nhiều gia đình đã chia sẻ họ bắt đầu các cuộc họp Zoom hàng tuần trong giai đoạn cách ly, và nó giúp họ gắn kết các thành viên trong gia đình ở nhiều nơi trên thế giới ­mà trước đây họ không liên lạc thường xuyên.

5Chăm sóc bản thân bằng cách quản lý nguồn năng lượng

Bạn cũng có thể tăng khả năng phục hồi của mình khi đối mặt với tiêu cực và khuyến khích sự phát triển của bản thân bằng cách tập thể dục, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc – tất cả những điều chúng ta đã biết là phải làm nhưng thường lơ là khi gặp tiêu cực dồn dập. Khi tập thể dục, cơ bắp của chúng ta sẽ bơm “các phân tử hy vọng” vào các hệ thống cơ thể, giúp củng cố sức khỏe tinh thần và thể chất để sống lạc quan. Bạn có thể tăng cường những hiệu ứng này bằng cách tập thể dục ở các không gian ngoài trời, tập với bạn bè hoặc vừa tập vừa nghe nhạc.

Ăn uống lành mạnh cũng là cách giúp bạn ngăn chặn tiêu cực. Bạn phản ứng với cảm giác đói bụng như thế nào? Con người thường thiếu đi sự tự chủ cần thiết để có thể kiên nhẫn khi bị đói. Giấc ngủ cũng rất quan trọng. Thiếu nó làm suy yếu khả năng tự điều chỉnh và tự kiểm soát, có thể tạo ra nhiều tiêu cực trong cách tư duy và hành xử của bạn hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa giấc ngủ kém với sự thất vọng, thiếu kiên nhẫn, thù địch, lo lắng, mức độ vui vẻ thấp, mức độ tin cậy thấp hơn, sự lệch lạc nơi làm việc và những hành vi phi đạo đức. Thiếu ngủ cũng làm tổn hại đến mối quan hệ giữa những người có tầm ảnh hưởng và những người theo dõi họ, và làm giảm mức độ giúp đỡ mà mọi người có thể dành cho nhau.

sống tích cực

Hãy ở bên cạnh và dành nhiều thời gian hơn cho những người có thể tiếp thêm năng lượng tích cực cho bạn.

6Tìm kiếm các mối quan hệ tích cực

Các mối quan hệ truyền thụ những năng lượng xấu là trong đó tồn tại những cư xử được phán đoán chủ quan, mang tính cảm xúc và tiêu cực, lặp đi lặp lại từ một người đối với người còn lại. Những mối quan hệ kiểu này có ảnh hưởng thậm chí nhiều hơn từ bốn đến bảy lần đối với tâm trạng lạc quan của người khác so với những mối quan hệ tích cực. Để bù đắp những ảnh hưởng này, hãy ở bên cạnh và dành nhiều thời gian hơn cho những người có thể tiếp thêm năng lượng tích cực cho bạn. Những người luôn có thể khiến bạn vui cười và phấn chấn tinh thần xứng đáng để xây dựng những mối quan hệ lạc quan với bạn.

Bạn có thể không ngăn được những luồng tư duy tiêu cực trong cuộc sống, đặc biệt là trong một năm nhiều biến động, nhưng bạn có thể chống lại những tác động độc hại của nó bằng cách đưa ra những lựa chọn thông minh về những người và những gì bạn tiếp xúc xung quanh mình, những tư duy bạn thích nghi và những thông tin bạn tiêu thụ. Bạn sẽ không chỉ tốt hơn vì những lựa chọn này mà những người xung quanh bạn cũng vậy.

Theo Havard Business Review / Tạp chí Nữ Doanh Nhân lược dịch / Illustrations by Sasha Kolesnik

lạc quan

>>> Đọc thêm: Cuộc sống chưa bao giờ vô vị, chỉ có những người sống vô vị mà thôi!

lạc quan

Có thể bạn quan tâm:

Comment