7 lối vào nghệ thuật sáng tạo tại triển lãm Mộng Bình Thường của NTK Thủy Nguyễn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

7 lối vào nghệ thuật sáng tạo tại triển lãm Mộng Bình Thường của NTK Thủy Nguyễn

Triển lãm thời trang Mộng Bình Thường được nhà thiết kế Thủy Nguyễn ấp ủ và thai nghén trong 2 năm vừa qua. Trong tuần lễ khai mạc, triển lãm đã chào đón nhiều ngôi sao, nhà báo, những người có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như thời trang, phim ảnh, nghệ thuật, cùng bạn bè thân thiết – những người đã đồng hành cùng NTK Thủy Nguyễn trong suốt chặng đường phát triển của cô.

Triển lãm Mộng Bình Thường được dàn dựng công phu trong suốt 4 tuần, trưng bày hơn 200 hiện vật trong đó có hơn 60 tác phẩm thời trang đến từ 13 bộ sưu tập khác nhau cùng nhiều phục trang được thiết kế riêng, cổ vật, phụ kiện, cũng như những tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập cá nhân của Thủy Nguyễn. 

Quy tụ hơn 80 nhân sự từ Thuy Design House và The Factory, cùng giám tuyển khách mời Dolla S. Merrilless với chuyên môn về tổ chức triển lãm thời trang, triển lãm Mộng Bình Thường là triển lãm lớn nhất diễn ra tại The Factory, sử dụng trọn vẹn không gian 1.500m2, chia thành nhiều phòng giới thiệu 7 chủ đề – 7 lối vào thế giới sáng tạo của Thủy.

1Áo dài: Xưa đến ngày sau

Đối với NTK Thủy Nguyễn mà nói, áo dài là một phần không thể thiếu của văn hoá Việt, một trang phục vượt lên mọi định chế của giới tính, giai cấp hay biến cố thời cuộc. Trong khi áo dài vẫn tồn tại trong mường tượng rập khuôn của khách du lịch về một Việt Nam truyền thống, NTK đem lại một hơi thở mới cho chúng qua những đường cắt táo bạo, phủ lên chúng một luồng năng lượng tươi mới thông qua  vật liệu, hoạ tiết và màu sắc. Trong đó, đáng chú ý nhất là cách cô sử dụng gấm trong bộ sưu tập Áo dài gấm năm 2015, và bộ áo dài không vai phá cách được giới thiệu tại Lễ hội Văn hoá Việt Nam (Vietnam Culture Day) ở Rome năm 2015.

Thuy Design House

“Tôi muốn mang đến cho truyền thống một luồng gió mới, mang hơi thở đương đại. Tôi muốn tạo cho nó [áo dài] một đời sống khác thay vì bị ràng buộc bởi cái được cho là truyền thống.” 

2Lầu son gác tía

NTK Thủy Nguyễn xem màu sắc là phương tiện để bộc lộ tâm tư của mình theo cách kín đáo mà vẫn nồng nhiệt, như là phép ẩn dụ về những cảm xúc. Những màu đặc trưng của cô như xanh lá, vàng, đỏ, cam không chỉ thể hiện phong cách sáng tạo của Thủy mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho hạnh phúc, tình yêu, sự may mắn, hy vọng, sự hân hưởng và phát đạt. Màu sắc ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chúng ta nhìn nhận sự vật. Mối liên hệ của chúng ta với màu sắc không ngừng biến chuyển, cùng với đó, ý nghĩa của những màu sắc khác nhau cũng được hình thành dựa trên bối cảnh văn hóa – xã hội (ví dụ như theo mốt thịnh hành). 

Thuy Design House

“Tôi xem màu sắc là phương tiện để bộc lộ tâm tư của mình theo cách kín đáo mà vẫn nồng nhiệt, như là phép ẩn dụ về những cảm xúc”

3Đôi vầng nhật nguyệt

NTK Thủy Nguyễn là người thích ‘chơi trốn tìm’ với sắc màu, xử lý ánh sáng và bóng tối triệt để trong cách kết hợp thêu nổi và đính kết để tạo hiệu ứng phản sáng lấp lánh và chuyển sắc độ của màu. Trang phục đen trắng có một sức nặng không thể phủ nhận. Màu đen biểu lộ sự trang trọng, nhã nhặn và uy nghiêm, giống như màu đen trong phục trang của các dòng tu. Nó có thể đại diện cho cả giàu sang hay nghèo khó, cái ác hay sự ăn năn, chẳng hạn như áo choàng đen của các phù thủy hay áo khoác da màu đen của các băng đảng mô tô. Trong nhiều nền văn hóa, màu đen biểu trưng cho tang tóc buồn đau, đồng thời cũng được coi như mẫu mực của sự lịch duyệt và sức hấp dẫn.

NTK Thủy Nguyễn

“Bóng tối thường gắn với những liên tưởng tiêu cực, gợi tới những điều hão huyền, ám muội và xấu xa của cuộc sống. Nhưng chúng ta quên mất rằng chính sự tồn tại của bóng tối giúp cho ánh sáng được hiện diện.”

4Đong đầy ký ức

Trong căn phòng này của triển lãm Mộng Bình Thường, NTK chia sẻ những hiện vật và kí ức góp phần làm nên con người cô. Từ các sáng tác hội hoạ của chính NTK Thủy Nguyễn, bức ảnh đen trắng chụp nội cảnh đời sống ở Việt Nam những năm 1960 và 1970, tranh Hàng Trống, bộ sưu tập tem dày dặn với hình ảnh các tác phẩm hội hoạ Việt hiện đại hay trang phục các dân tộc, gốm Thành Lễ và gốm Biên Hoà cho đến bộ đồng phục áo dài trắng thời trung học như cuốn lưu bút lưu lại chữ kí của toàn bộ bạn bè cùng lớp cô. Đối với NTK, căn phòng này là chân dung dung dị nhất, đầy ắp ra những kỷ niệm mà cô trân quý.

“Nghệ thuật của tôi là sự nối tiếp các giá trị truyền thống, tôi lĩnh hội và phục hồi các giá trị đó trong thực hành đương đại của mình. Không phải chuyện hình thức, mà thực sự, đó là một lối sống”

5Ở trọ trần gian

Lấy nguồn gốc từ các chi tiết trong văn học, hội hoạ, mỹ thuật ứng dụng, vải vóc, múa, âm nhạc cũng như kiến trúc, các bộ sưu tập của NTK Thủy Nguyễn đưa vào hình ảnh các linh vật, các sinh vật trong thần thoại, chẳng hạn như hoạ tiết thêu tay chim phượng, gà trống và rồng kết từ cườm, hoạ tiết vẽ tay hình con rùa. NTK Thủy Nguyễn là người trân trọng và luôn nỗ lực quảng bá cho văn hoá Việt. Điều này thể hiện qua cách cô liên tục sưu tầm vải vóc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, bưu thiếp Đông Dương; và không thể không kể đến bộ áo dài hay những đồ vật xưa (có thể thấy chi tiết hơn trong khu vực ‘Đong Đầy Kí Ức’ trên lầu). Cá tính của Thủy Nguyễn gắn liền với nguồn cội của cô và vì thế các bộ sưu tập chính là cách cô đối thoại với quá khứ và lấy cảm hứng từ lịch sử.

“Tôi muốn tập trung vào câu chuyện của Việt Nam. Nguồn cảm hứng của tôi đến từ những câu chuyện bản địa và tôi sử dụng các sáng tạo của mình để gợi nhớ lại những câu chuyện đầy hứng khởi để chúng không bị rơi vào quên lãng.”

6Muôn hình vạn trạng 

Quy trình thiết kế của Thủy được xây dựng dựa trên một chuỗi những quyết định sáng tạo, từ việc tạo khối, chồng lớp các trang phục, từ cách chọn vật liệu, màu sắc và chất vải, từng đường kim và hoạt tiết trang trí, cho tới sự chú ý tới các chi tiết dù nhỏ nhất. Các bộ sưu tập của cô như được trưng bày tại triển lãm Mộng Bình Thường là tổng hòa của tính thẩm mỹ, chủ đề mạch lạc và kỹ thuật phức hợp. Thủy coi từng mẫu thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật với ngôn ngữ thẩm mỹ và hình thái riêng, góp phần xây dựng nên hình ảnh thương hiệu của cô, và truyền cảm hứng cho cách thức cô thiết kế, trưng bày các cửa hàng và dòng phụ kiện của mình.

Triển lãm Mộng Bình Thường

“Tôi ngưỡng mộ những người phụ nữ dám đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình. Cân bằng, toàn vẹn. Tất cả những gì họ làm hay tạo ra đều có một vẻ gì đó nom thật bình thản”

7Phố phố phường phường 

Màu sắc, họa tiết, phom dáng và các thiết kế của NTK Thủy Nguyễn đều chất chứa sự trân trọng của cô đối với cội rễ của mình. Những bộ trang phục của cô như tại triển lãm Mộng Bình Thường lần này tái hiện lại quang cảnh phố cổ, những tòa nhà mang phong cách kiến trúc Pháp trên phông nền một Việt Nam hối hả công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các NTK của Thuy Design House tạo dáng lấy tham chiếu từ mái cong của kiến trúc đình chùa, hay từ những khung cảnh chớp nhặt được từ khung cửa sổ nhà mình những ngày đông Hà Nội.

Triển lãm thời trang Mộng Bình Thường

“Tôi cũng luôn nhớ đến những gánh hàng rong, tiếng rao văng vẳng như tiếng hát quê hương – thật dễ để nhớ và khó để mà quên được.”

Thuy Design House

Comment