Thủy Nguyễn tổ chức triển lãm thời trang tại TP.HCM

Thủy Nguyễn tổ chức triển lãm thời trang tại TP.HCM

Nhằm đánh dấu hành trình 9 năm dấn thân vào lĩnh vực thời trang từ năm 2011, nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn phối hợp Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory Contemporary Arts Centre tổ chức triển lãm trưng bày mang tên “Mộng bình thường” vào đầu tháng 11/2020. 

Triển lãm dự kiến sẽ mở cửa đón công chúng từ ngày 7/11 với hình thức bán vé và trưng bày kéo dài xuyên suốt 2 tháng. Địa điểm tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật The Factory Contemporary Arts Centre, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Đánh dấu 9 năm sự nghiệp

“Mộng Bình Thường” là một câu chuyện, là một giấc mơ đang được viết tiếp của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, kể lại câu chuyện sáng tạo của cô gắn liền với những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng nhất của Việt Nam. Qua gần 9 năm, Thủy Nguyễn đã chứng minh được rằng, thời trang không chỉ là một ngành xa xỉ phẩm mà còn đóng vai trò như một đường dẫn vào văn hóa của một cộng đồng.

Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn

BST Mộng Mị – 2017

“Mộng Bình Thường” lấy cảm hứng từ ca khúc nổi tiếng “Ngậm Ngùi“ của nhạc sĩ Phạm Duy . Thông qua những gian phòng được thiết kế và bố trí tỉ mỉ, người xem sẽ khám phá một số khía cạnh của Thuy Design House mà qua đó ta thấy được sự đa dạng, dày dặn của các bộ sưu tập cũng như nguồn gốc cảm hứng của các thiết kế. 

Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn

BST Tình Tang – 2019

Triển lãm quy tụ hơn 100 hiện vật, bao gồm 60 thiết kế trong những bộ sưu tập của Thuy Design House từ năm 2011-2020 và nhiều cổ vật, phụ kiện, cũng như những tác phẩm nghệ thuật là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế Thủy Nguyễn.

Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn

BST Mỵ Châu – 2019

Công chúng sẽ có dịp nhìn ngắm lại các bộ sưu tập nổi tiếng của Thủy Nguyễn, vốn lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, kiến trúc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001) hay Trần Văn Cẩn (1910-1994); ảnh chụp lấy ngay (polaroid) của những năm 1960, 1970 và áo dài – biểu tượng của văn hoá Việt – cũng như các phụ kiện cổ truyền khác.

BST Lúng Liếng – 2015

Giao hoà Đông – Tây, hiện đại – dân gian

Bảy chủ đề chính của triển lãm “Mộng Bình Thường” cũng được lấy cảm hứng từ thi ca, ca dao tục ngữ và đời sống của người Việt Nam đưa người xem vào một miền cổ tích thơ mộng, vừa quen vừa lạ như Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy kí ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường…

Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn

BST Viên Mãn – 2016

Sự hiện diện thường xuyên của các thành ngữ tục ngữ, chuyện kể dân gian, truyền thuyết cũng phản ánh mối tâm giao sâu sắc giữa Thủy và văn hoá truyền thống Việt Nam. Triển lãm soi rọi quan điểm sáng tạo độc đáo của nhà thiết kế, thông qua việc trưng bày các trang phục, phụ kiện, những sưu tầm và tư liệu cá nhân trong một diễn cảnh được dàn dựng công phu. 

BST Áo dài gấm – 2014

Nhằm tiếp cận những tiêu chuẩn của những sự kiện trưng bày nghệ thuật quốc tế, triển lãm “Mộng bình thường” sẽ do Dolla S. Merrillees – nguyên là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS) tại Sydney, Úc, đảm nhận vai trò giám tuyển. 

Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn - Cô Ba Sài Gòn

BST Cô Ba Sài Gòn – 2017

Mộng Bình Thường chính là tự truyện của một nghệ sĩ. Ở góc nhìn rộng lớn hơn, triển lãm còn tôn vinh quá trình sáng tạo cũng như những thiết kế uyển chuyển đầy năng động của thời trang Việt Nam không chỉ ở quang cảnh trong nước mà còn trên trường quốc tế. Triển lãm như vảng vất lời của Giám đốc bảo tàng Victoria and Albert (Luân Đôn) Tristram Hunt rằng “câu chuyện của thời trang thông thường là sự nhoè mờ giữa cái độc tôn và tính phổ quát, giữa cái thân quen và xa lạ”, nhà thiết kế Thủy Nguyễn nói.

BST Lúng Liếng Triển lãm Mộng Bình Thường - NTK thời trang Thủy Nguyễn

BST Lúng Liếng – 2015

Trong suốt 2 tháng diễn ra “Thủy Nguyễn – Mộng Bình Thường”, công chúng còn được tiếp cận với triển lãm thông qua các chương trình giáo dục cộng đồng phong phú kết hợp với các trường đại học đào tạo về thời trang. 

Thông tin thêm:

Về Thủy Nguyễn: Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thủy Nguyễn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và lấy bằng cao học tại Học viện nghệ thuật thị giác và kiến trúc quốc gia (Ukraine) ở Kiev. Mặc dù không được đào tạo bài bản, Thủy khởi đầu hành trình thời trang của cô bằng việc khai trương cửa hàng đầu tiên của Thuy Design House ở Đồng Khởi, Sài Gòn năm 2011. Điều làm nên thành công của cô là các thiết kế bay bổng và nữ tính, cách sử dụng màu hay vải vóc đầy sáng tạo để làm nổi bật cá tính của người phụ nữ Việt đương đại. Ở Thủy luôn thấy một sự nhất quán trong việc hướng tới văn hoá truyền thống Việt Nam khi các bộ sưu tập của cô thường lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh hoạ thế kỷ 20 đi ra từ trường Mỹ thuật Đông Dương và áo dài – biểu tượng của văn hoá Việt, hay các phụ kiện cổ truyền khác. Các bộ sưu tập đáng nhớ của Thủy có thể kể đến như: Lúng Liếng, Gió Mùa Về, Cọc Cạch, Viên Mãn, Mộng Mị, Tình Tang, Mỵ Châu, Tìm Người Trong Mộng, … 

Thực hành đa dạng của Thủy có thể thấy qua vai trò nhà sản xuất của bộ phim Cô Ba Sài Gòn – bộ phim hài tình cảm giới thiệu về văn hoá và lối sống của Sài Gòn xưa thông qua lịch sử của áo dài. Trong cộng đồng nghệ thuật, cô được biết đến dưới nghệ danh ‘Tia-Thủy Nguyễn’, đặc biệt trong vai trò sáng lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tại TP.HCM năm 2016 (một không gian độc lập đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại). Năm 2019, với những hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật thị giác và khả năng kinh doanh, Thủy được vinh danh là một trong năm mươi phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do Forbes Việt Nam bình chọn.

Về giám tuyển Dolla S. Merrillees: Dolla S. Merrillees là một giám tuyển, chuyên gia tư vấn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, tác giả của cuốn sách “Vợ của tiều phu: truyện kể của một người mẹ kế” (2007). Merrillees là một diễn giả đầy cảm hứng và một cây viết đã từng đóng góp vào rất nhiều ấn phẩm in cũng như online. Cô là cựu giám đốc của Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS), ngoài ra cũng từng là Trưởng bộ phận giám tuyển, sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng nói trên từ đầu năm 2014. Merrillees chịu trách nhiệm chính trong việc dựng nên trung tâm dành riêng cho thời trang thuộc bảo tàng MAAS, đồng thời phát triển mối quan hệ chiến lược với Hội đồng thời trang Úc và toàn thể ngành công nghiệp thời trang. Một số triển lãm cô đã tham gia thực hiện trong thời kỳ tại nhiệm bao gồm: Yêu như thể: thời trang cưới ở Úc, Collette Dinnigan: Cởi bỏ, Vuột khỏi tầm tay: Vật chất hoá chủ thể số, và Tài sản trân quý: trang sức và cá tính. 

Comment