9 điều ít người nói với bạn khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh

Khi bạn muốn khởi nghiệp kinh doanh bằng một doanh nghiệp của riêng mình cùng những tham vọng lớn lao, mọi thứ không hề đơn giản như bạn tưởng. Tự tin là tốt, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu như bạn biết kết hợp nó với nhiều điều khác nữa.

1Bắt đầu với doanh thu

Bạn có thể khởi nghiệp từ một giấc mơ, nhưng trên thực tế là bạn cần kiếm tiền. Cho dù bạn đang lên kế hoạch chào mời rót vốn từ các nhà đầu tư hoặc xây dựng một doanh nghiệp được cấp vốn bởi chính các khách hàng, bạn đều cần có dòng tiền. Dòng tiền nuôi dưỡng nhịp đập của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được duy trì đi cùng với nhiều loại chi phí hoạt động như tiền thuê nhà, lương thưởng và vô số chi phí hàng tháng khác. Vì vậy, hãy lập một kế hoạch và đề ra các mục tiêu cụ thể để đạt được mức doanh thu như kỳ vọng khi khởi nghiệp kinh doanh.

2Bảo vệ “IP” của bạn

IP là viết tắt của intellectual property (sở hữu trí tuệ). Bạn cần xác lập thương hiệu và dành thời gian hoàn tất các chính sách bảo mật cho doanh nghiệp của bạn ngay từ đầu. Hãy tìm đến sự tư vấn của một luật sư nắm chuyên môn về lĩnh vực này để đảm bảo rằng bạn đã hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên có một vị trí để đảm nhận việc tổ chức quản lý tất cả các thủ tục giấy tờ, tài liệu pháp lý và thương hiệu. Bởi vì chắc chắn rằng trong quá trình vận hành doanh nghiệp, bạn sẽ nhận được rất nhiều thư từ quan trọng cần được quản lý.

khoi nghiep kinh doanh

3Tự làm marketing

Free marketing (tiếp thị miễn phí) trên phương tiện mạng xã hội là chìa khóa quan trọng trong công cuộc phát triển khởi nghiệp kinh doanh của bạn với chi phí thấp. Vì vậy hãy tận dụng tối đa lợi thế của phương thức này để nghiên cứu các ý tưởng marketing. Qua đó, bạn có thể quan sát các doanh nghiệp khác đang làm những gì và nhận ra mình cần phải làm gì. Biết đối tượng mục tiêu của bạn và nghiên cứu CRM (quản lý quan hệ khách hàng) trong công ty của bạn. Đồng thời, bạn còn có thể biết được dòng tiền tiềm năng của mình đang chảy về đâu với lý do gì. Cuối cùng, hãy kết nối với các chủ doanh nghiệp nhỏ có cùng chí hướng để trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

***

“Bạn có thể khởi nghiệp từ một giấc mơ, nhưng trên thực tế là bạn cần kiếm tiền.”

***

4Hiểu về doanh nghiệp

Là một lãnh đạo, hơn ai hết, bạn phải là người hiểu rõ nhất về doanh nghiệp của mình. Dĩ nhiên với quy mô nhỏ, doanh nghiệp của bạn khó có thể khởi đầu với một đội ngũ chuyên môn hùng hậu như những doanh nghiệp lớn và có bề dày kinh nghiệm khác. Đây sẽ vừa là thách thức nhưng cũng là lợi thế khi bạn phải nắm bắt một cách cụ thể những vấn đề từ lớn đến nhỏ của doanh nghiệp. Và còn dễ dàng hơn nhiều vì bạn chính là nhà sáng lập doanh nghiệp, với những ý tưởng hoàn toàn được ra đời…từ bạn. Vậy thì nhiệm vụ của “cha mẹ” là gì, chẳng phải là hiểu về con cái và chăm sóc chúng cho thật tốt sao?

5Hiểu rõ bản thân

Là lãnh đạo cũng như một người đầu tàu, bạn cần sở hữu những tố chất tối cần thiết như sự đam mê, liêm chính, khiêm tốn, can đảm và tự giác. Phải biết được điểm mạnh, điểm yếu cũng như khả năng lãnh đạo của bạn để khi đến lúc cần thuê hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ, bạn sẽ biết mình đang thiếu ở đâu mà tìm đúng người. Hãy tự nhận thức và nhận thức rõ những lĩnh vực bạn cần cải thiện thông qua việc tự kiểm tra đánh giá bản thân bằng những bài trắc nghiệm tâm lý học uy tín. Nó sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về khuynh hướng điều hành của bạn. Thậm chí bạn có thể áp dụng điều này cho công tác tuyển dụng để tìm ra các nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp của mình.

6Chủ trương “Khách hàng là thượng đế”

Ở đây bạn đừng cho rằng mình là ông chủ trong khi khách hàng mới chính là “nguồn sống” thực sự cho doanh nghiệp của bạn. Cách thức bạn tạo ra sản phẩm không quan trọng bằng lý do khách hàng cần mua sản phẩm. Khách hàng sẽ không vì câu chuyện khởi nghiệp kinh doanh cảm động hay ly kỳ của bạn mà sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm. Thường là chỉ khi sản phẩm của bạn đã chinh phục được người dùng thì lúc đó họ mới bắt đầu quan tâm đến những vấn đề xung quanh doanh nghiệp. Hãy dành thời gian tìm hiểu về tâm lý khách hàng, cách chinh phục khách hàng khó tính hay thậm chí xử lý những vấn đề phát sinh từ sai lầm của họ để có phương án thu hút khách hàng. Cuối cùng, bạn cần hiểu và chấp nhận một điều rằng sản phẩm của bạn không dành cho tất cả mọi người.

7Cân bằng công việc và cuộc sống

Các chuyên gia thường không cảm thấy rằng họ đang làm việc mặc dù chính là…họ đang làm việc. Chắc chắn bạn chưa thể làm được điều đó ngay bây giờ, nhưng hãy xem đây như một lời nhắc nhở, động lực để bạn thoát khỏi sự căng thẳng của bản thân. Khi mới bắt đầu, mọi thứ ắt hẳn vẫn còn rất lung tung và khó kiểm soát, nó có thể khiến bạn chìm đắm trong sự hỗn loạn. Rất dễ nhìn thấy hình ảnh những người trẻ nhiệt huyết với công việc đến nỗi quên cả thời giờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống riêng. Điều đó chưa bao giờ được khuyến khích là tốt để bạn theo đuổi. Hãy xây dựng cấu trúc cho doanh nghiệp để bạn có thể tìm thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tìm đọc những cuốn sách về cách quản lý thời gian cũng như tìm một thói quen để làm sẽ là những gợi ý hữu ích dành cho bạn.

***

“Cách thức bạn tạo ra sản phẩm không quan trọng bằng lý do khách hàng cần mua sản phẩm.”

***

8Quản lý tài chính

Tài chính và quản lý dòng tiền là hai trong số những vấn đề phiền nhiễu nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nếu bạn không có một vị trí CFO (giám đốc tài chính) ngay từ đầu, hãy thuê một nhân viên kế toán và xây dựng khoản tiết kiệm cho doanh nghiệp. Đồng thời, lập một quỹ khẩn cấp cho doanh nghiệp có thể là bất cứ đâu từ ba tháng đến một năm chi phí đầu tư bạn đã tiết kiệm trong trường hợp thảm họa bất ngờ. Chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng và đừng đụng vào nó. Sẽ đến lúc như giai đoạn dịch bệnh Covid này, trong khi hàng triệu chủ doanh nghiệp đau đầu về chi phí, bạn vẫn có nguồn vốn dự phòng để tập trung phát triển doanh nghiệp sau khó khăn.

9Nắm bắt sự thay đổi và thách thức

Khởi nghiệp kinh doanh là chỉ mới bắt đầu và sẽ còn gặp nhiều trở ngại, thăng trầm. Rồi bạn sẽ gặp những thách thức mà bạn không thể lường trước được kể cả có chuẩn bị kỹ càng đến đâu. Vì vậy, bạn không nhất thiết phải lo lắng về nó, thay vào đó hãy chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng và một tâm thế luôn sẵn sàng đối mặt. Trong kinh doanh, thất bại là điều rất dễ gặp phải, quan trọng là bạn có đủ sự bình tĩnh để chịu đựng và và đủ sự mạnh mẽ để vượt qua hay không. Mỗi lần vượt qua một chướng ngại, bạn sẽ trưởng thành thêm một chút và thành công chỉ là vấn đề thời gian nếu bạn không bao giờ từ bỏ những cố gắng.

khoi nghiep kinh doanh

Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Khởi nghiệp, khi nào nên bắt đầu?

Xây dựng nền tảng khởi nghiệp bền vững

Comment