Kiên trì và đam mê học hỏi chính là những cảm nhận của chúng tôi khi có cơ hội trò chuyện cùng nữ doanh nhân Phạm Thị Ngọc Hiền – CEO & Founder, Công ty TNHH Thương mại và Xuất Nhập khẩu Kỳ Phong. Đối với chị, mỗi người đều có thể chạm tay đến đỉnh vinh quang của chính mình khi luôn giữ mãi trong tim sự kiên trì và đam mê không ngừng nghỉ.
Trước khi lèo lái con thuyền doanh nghiệp chạm mốc doanh thu triệu đô, ít ai biết nữ doanh nhân Ngọc Hiền đã có quyết định táo bạo khi bước chân vào kinh doanh với số vốn vỏn vẹn chỉ 70 triệu đồng cùng những kiến thức kinh doanh vô cùng sơ khởi của một cô sinh viên ngành Ngôn ngữ học. Sau nhiều năm khẳng định trên thương trường, giờ đây chị hướng mình đến một sứ mệnh mới trên hành trình truyền cảm hứng về quản lý tài chính cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cộng đồng phụ nữ.
Xin chào chị, câu chuyện kinh doanh của chị bắt đầu như thế nào?
Tôi vốn dĩ là một nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Úc. Khi còn là một du học sinh, tôi được một người bạn giới thiệu về một dòng sản phẩm kem dưỡng đang được rất nhiều du học sinh tin dùng và gửi về Việt Nam làm quà tặng. Sau khi đến công ty mẹ tìm hiểu, tôi quyết định nhập khẩu chính ngạch thương hiệu này về phân phối tại Việt Nam.
Có thể nói tôi khởi nghiệp kinh doanh như một cái duyên vì tại thời điểm đó tôi vẫn là một “tay ngang” rẽ lối làm kinh doanh. Tôi nghĩ nghề đã chọn mình và tôi nắm bắt ngay cơ hội. Có nhiều người hỏi tôi tại sao quyết định phân phối sản phẩm chính ngạch thay vì theo hình thức xách tay. Dù khởi đầu chưa được chuẩn bị bài bản, nhưng tôi luôn có niềm tin rằng mình sẽ làm được và xây dựng từ những viên gạch nền móng vững chắc từ những ngày đầu tiên. Tôi muốn tạo ra những các giá trị lâu dài và bền vững trong tương lai.
Khởi nghiệp khi chưa được trang bị kiến thức nền tảng về kinh doanh, chị có cho rằng mình hơi liều không? Có lẽ chị đã phải học bổ sung kiến thức thức rất nhiều đúng không?
Đúng vậy! Lúc đó, thật sự tôi đã chẳng trang bị gì cho mình ngoài niềm đam mê và những hiểu biết cơ bản về kinh doanh nói chung của một sinh viên cao học. Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy mình rất liều lĩnh (cười).
Tôi gần như bắt đầu từ con số “Không”! Không kinh nghiệm, không mối quan hệ trong ngành, Tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để học lại từ đầu từ kiến thức kinh doanh, marketing, quản trị doanh nghiệp, tài chính và xây dựng các mối quan hệ. Lợi thế của tôi là nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty mẹ về truyền thông và marketing, nhưng để bám trụ và thành công đến ngày hôm nay thật không dễ dàng. Cho đến thời điểm này tôi vẫn luôn học hỏi và cập nhật kiến thức mới mỗi ngày.
Vậy chị có phải là người e ngại thất bại? Chị đã từng có suy nghĩ định dừng lại hay đổi hướng kinh doanh chưa?
Thú thật, tôi thuộc tuýp người lì lợm và kiên định với mục tiêu. Càng nhiều khó khăn thất bại, tôi càng tìm cách vượt qua để chứng minh bản thân có thể làm được với tâm niệm “không gì là không thể”. Khi mới bắt đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng không muốn đi làm thuê nữa và muốn làm chủ bản thân mình. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ đưa công ty đạt đến doanh thu triệu đô như hiện tại. Nhưng thật may mắn, những nỗ lực của mình cuối cùng cũng có quả ngọt.
Vì thế, nếu hỏi tôi có sợ thất bại không, dĩ nhiên là có chứ, nhưng tôi luôn cẩn trọng tối đa để giảm thiểu rủi ro. Tôi luôn nhớ câu chuyện về cây tre đã đọc ở đâu đó nói rằng: “Một cây tre phải mất đến 4 năm đầu tiên chỉ để cao 3 cm. Và từ năm thứ năm trở đi, cây tre đó sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ với tốc độ 30 cm mỗi ngày.” Câu chuyện này đã luôn thúc đẩy tôi cố gắng kiên trì với mục tiêu đề ra và tự tin vượt qua mọi khó khăn những năm đầu tiên khởi nghiệp để chinh phục những gì mình muốn.
Hai năm đầu khởi nghiệp vô cùng khó khăn khiến tôi đã từng có ý định từ bỏ, nhưng may mắn nhờ câu chuyện này mà tôi mới có ngày hôm nay. Trong kinh doanh, tôi thay đổi chiến lược kinh doanh dựa trên mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp là có, nhưng dừng lại hay đổi hướng thì không. Tôi luôn tin luật nhân quả và bất cứ điều gì xảy ra trên cuộc đời này đều có cái giá của nó. Cho nên nếu mình thật sự hy sinh và tâm huyết vì điều gì đó, chắc chắn bạn sẽ nhận lại được thành quả và giá trị xứng đáng.
Nếu tự chấm điểm, chị sẽ cho doanh nghiệp của mình bao nhiêu điểm về hiệu quả hoạt động? Những yếu tố nào đóng góp vào thành quả ấy?
Tôi sẽ chấm cho doanh nghiệp mình 7/10. Với 3 điểm còn thiếu, tôi hy vọng trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ mở rộng độ phủ thị trường nhiều hơn nữa. Hiện tại có rất nhiều đối tác nước ngoài chủ động liên hệ với chúng tôi để hợp tác trong việc phân phối sản phẩm từ quốc gia họ. Đó chính là phần thưởng cho nỗ lực, cố gắng của chúng tôi để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Đóng góp vào thành quả hiện tại có thể nói ngoài sự ủng hộ của người tiêu dùng, tôi còn muốn dành lời tri ân đến đội ngũ nhân viên của mình. Có những nhân viên đã đi cùng tôi từ lúc mới thành lập đến nay. Tôi luôn mong muốn tạo môi trường làm việc tốt nhất để mỗi nhân viên có thể phát huy hết tiềm năng và đam mê của mình.
Đúc kết lại trên hành trình kinh doanh của mình những năm qua, chị đã áp dụng phương châm quản lý nhân sự như thế nào?
Tôi luôn quan niệm “Dụng nhân như dụng mộc” trong quản trị nhân sự. Người lãnh đạo phải thật sự thấu hiểu về những điểm mạnh và điểm yếu của nhân viên để đặt họ vào đúng vị trí giúp họ phát huy hết năng lực của mình và tỏa sáng nhất. Một người lãnh đạo giỏi phải tạo ra nhiều lãnh đạo kế tiếp vì nhân viên theo mình không chỉ vì tiền lương hay phúc lợi, mà vì tầm nhìn của người lãnh đạo, vì họ tâm phục khẩu phục và nể trọng.
Còn tư duy của người làm kinh doanh, theo chị một doanh nhân cần sở hữu những tố chất nào?
Tôi nghĩ một doanh nhân cần phải có rất nhiều tố chất khác nhau, không những về tầm nhìn xa rộng, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm, quyết đoán, mà họ còn cần rất nhiều những kỹ năng mềm như quản trị con người, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lương lượng và cần một nền tảng kiến thức về tài chính, kinh doanh vững chắc thì mới có thể đưa doanh nghiệp vượt qua sóng gió, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay.
Gần đây, được biết chị đang theo đuổi sứ mệnh trở thành một nhà cố vấn tài chính cá nhân dành cho phụ nữ. Lý do có lẽ là vì tài chính luôn là yếu tố tiên quyết cho mọi hoạt động kinh doanh lẫn sự nghiệp của một người đúng không, thưa chị?
Từ ngày xảy ra đại dịch Covid-19, tôi trò chuyện với rất nhiều chị em phụ nữ và thực hiện một số khảo sát nhỏ thì thấy rằng, rất nhiều gia đình, đặc biệt chị em phụ nữ gặp vấn đề về tiền bạc. Họ thường không có tiền tiết kiệm hay dự phòng khi đại dịch xảy ra, dẫn đến cuộc sống rất khó khăn và bế tắc. Phần lớn họ đang loay hoay giữa cuộc sống “cơm áo gạo tiền” và trong vòng lẩn quẩn không thoát ra được, điều này cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của họ.
Qua quan sát và cảm nhận, tôi tìm ra nguyên nhân chính là do đa số phụ nữ không có nhiều kiến thức về quản lý tài chính cá nhân. Đó cũng động lực chính thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó cho xã hội. Tôi đã quyết định sẽ chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình về tài chính cá nhân đến với cộng đồng, đặc biệt là chị em phụ nữ, giúp họ có thể có một cuộc sống đủ đầy và hạnh phúc hơn.
Hiện tại tôi đang xây dựng website www.womensmartmoney.com về tài chính cá nhân dành cho phụ nữ, một nền tảng cung cấp kiến thức và các khóa học tài chính cá nhân miễn phí giúp nâng cao năng lực tài chính dành cho chị em phụ nữ yếu thế, giúp chị em phụ nữ có kiến thức về tài chính cá nhân, biết cách tiết kiệm, đầu tư, khởi khiệp và làm chủ cuộc đời mình. Các khóa học này có sự tài trợ và đồng hành của chính phủ Úc và Canada.
Tài chính và quản lý tài chính là những phạm trù khó nắm bắt bởi cần một kiến thức nền, thậm chí là thế mạnh tư duy, chị có nghĩ như thế không? Mọi người cần làm gì để hiểu và ứng dụng các khái niệm tài chính cá nhân trong cuộc sống và công việc của mình?
Tôi từng có suy nghĩ tài chính là một khái niệm “đao to búa lớn” và cao siêu dành cho những người rất thông minh. Nhưng qua bao năm điều hành doanh nghiệp và quản lý tài chính cá nhân, tôi nghiệm ra tài chính cá nhân không quá phức tạp nếu chúng ta hiểu rõ quy luật và cách nó vận hành. Điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy.
Khi quyết định chia sẻ về chủ đề này, tôi đã thiết kế các khóa học sao cho đơn giản, dễ hiểu và dễ ứng dụng nhất cho tất cả mọi người chỉ cần biết cộng trừ nhân chia đều có thể làm được. Tôi muốn đưa ra một khái niệm mới cho chị em là “quản lý tài chính cá nhân ứng dụng”, học là phải áp dụng được trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày thì mới mang lại giá trị thật sự. Ví dụ: Họ phải hiểu khái niệm tiết kiệm là như thế nào? Trong cuộc sống hàng ngày họ nên chi tiêu thế nào để cuộc sống vẫn được đảm bảo mà vẫn có thể tiết kiệm được tiền mỗi tháng? Làm thế nào để đầu tư, chi tiêu thông minh, làm thế nào để giữ được tiền và tránh được những trò lừa đảo về tài chính? Họ cần biết tình trạng tài chính hiện tại của mình, từ đó lập kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư hợp lý.
Tại sao có những người trúng số độc đắc sau một thời gian lại tán gia bại sản? Đó là vì họ không có kiến thức về tài chính, không có một kế hoạch chi tiêu thông minh và không biết phân biệt giữa tài sản và tiêu sản… Vì vậy, kiến thức tài chính rất quan trọng giúp việc hoạch định kế hoạch tài chính cá nhân của mỗi người thành công hay thất bại.
Tạp chí Nữ doanh nhân thời gian vừa qua cũng có thực hiện chuỗi talkshow Money Fit bàn về việc quản lý tiền bạc dành cho người trẻ. Chị nghĩ người trẻ hiện nay đang gặp vấn đề gì trong việc quản lý tài chính của họ?
Tôi không đánh đồng tất cả người trẻ hiện nay, tôi chỉ nói trên thực trạng chung mà tôi đang nhận thấy. Có lẽ một phần đến từ thời thế và hoàn cảnh gia đình, các bạn chưa thật sự trải qua cái đói nghèo của chiến tranh như các thế hệ đi trước nên thường chi tiêu quá đà cho những sở thích của mình theo suy nghĩ “sống chỉ có một lần trên đời thì tại sao mình lại không hưởng thụ”. Họ đang nuông chiều bản thân, muốn thể hiện bản thân đối với thế giới. Chính vì vậy, họ thường chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc quản lý tài chính. Có nhiều bạn lĩnh lương về là bay sạch sau nửa tháng, cuối tháng không biết xoay sở ra sao và ngày càng bế tắc.
Lời khuyên của tôi là mọi người hãy đầu tư vào bản thân và tiết kiệm càng sớm càng tốt để tận dụng được sức mạnh của lãi kép – khái niệm được xem là “kỳ quan thứ 8” của thế giới. Vì thế, đừng bao giờ để tiền nhàn rỗi. Cần đảm bảo rằng tiền của bạn được dùng để đầu tư và bắt tiền phải đẻ ra tiền. Để làm được điều này, bạn bắt buộc phải trang bị cho mình một lượng kiến thức cần và đủ trong lĩnh vực tài chính cá nhân. Và điều quan trọng là hãy luôn đầu tư cho bản thân, bởi trí tuệ và những trải nghiệm của một người chính là một “kỳ quan thứ 9”, giúp mở ra nhiều cơ hội quý giá mà bạn có thể sẽ không ngờ đến trong tương lai.
Chị nghĩ việc có kiến thức về tài chính và việc làm giàu trong kinh doanh có thể đi cùng nhau không?
Kinh doanh và tài chính là hai điều luôn đi song hành cùng nhau. Nếu một người không có kiến thức tài chính, làm sao họ có thể hoạch định một chiến lược tài chính cụ thể cho công ty của mình? Làm sao có thể phân tích các báo cáo tài chính, dòng tiền, thu chi lãi lỗ? Việc người chủ doanh nghiệp có kiến thức về tài chính là bắt buộc vì sẽ giúp họ nhìn rõ bức tranh tài chính của doanh nghiệp mình để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Là người truyền cảm hứng về quản lý tài chính, vậy cuộc sống cũng cần được quản lý chứ, thưa chị? Là một nữ doanh nhân có cuộc sống bận rộn, chị đã quản lý cuộc sống của mình như thế nào?
Trước giờ người ta hay nói quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp chứ ít ai nói quản lý cuộc đời. Tuy nhiên, đằng sau một con người thành công và hạnh phúc là một cuộc đời cần phải được quản lý rất tốt. Riêng mình, tôi đã có những chiến lược cho cuộc đời mình từ rất lâu. Đó là mục đích tôi sống trên đời này để làm gì, những chiến lược, định hướng, phương châm sống, và cách tôi làm gì mỗi ngày để hoàn thành những mục tiêu đó. Đối với tôi, cuộc đời mình là do mình thiết kế và tưởng tượng nên. Vì vậy, hãy thiết kế bản đồ cuộc đời thật đẹp theo ý mình mong muốn và hoàn thiện từng phần một để có một công trình tuyệt hảo, một di sản để lại cho đời này.
Khi đã có một bức tranh cụ thể về kế hoạch cuộc đời, bạn sẽ dễ dàng quản lý nó hơn. Mỗi năm, tôi luôn đặt ra cho mình những mục tiêu mới, bao gồm dài hạn và ngắn hạn. Tôi thường áp dụng nguyên tắc Pareto 20/80 trong bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống, đó là sử dụng 20% nguồn lực để tạo ra 80% kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, tôi cũng đề cao kế hoạch quản lý rủi ro và tìm cách phòng tránh hết sức có thể những điều không may có thể xảy ra trong cuộc đời mình.
Trải nghiệm cuộc sống của một nữ doanh nhân trong những năm qua, chị nghĩ một nữ doanh nhân sẽ được-mất những gì?
Làm kinh doanh giúp tôi học được rất nhiều thứ từ thay đổi tư duy, tầm nhìn, những giá trị hạnh phúc thật sự là gì, đồng thời tôi cũng thấu hiểu hơn về con người và quan trọng hơn là sự tự do tài chính. Nói về những điều mất mát, tôi nghĩ mình đã hy sinh khá nhiều về gia đình, thời gian và sức khỏe để có được như ngày hôm nay. Từ một con người không biết gì đến thiền định và tâm linh, nay tôi quyết định quay về bên trong để hiểu chính mình từ đó đi tìm niềm hạnh phúc đích thực và cân bằng bản thân.
Chị có quan điểm thế nào về đồng tiền? Từng có câu nói “Tiền nhiều để làm gì?”, với chị có tiền nhiều chị sẽ làm gì?
Với tôi, tiền là một công cụ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và cũng là thước đo chứng minh năng lực của mỗi người. Nhiều tiền để làm gì ư? Nếu tôi có nhiều tiền chắc chắn tôi sẽ làm rất nhiều việc, tôi sẽ báo hiếu cho cha mẹ, giúp anh chị em, cho cộng đồng, xây dựng trường học, thư viện, giúp những người yếu thế… Nhiều tiền cũng sẽ giúp chúng ta gia tăng các sự lựa chọn trong cuộc sống và theo đuổi đam mê của mình mà không bị chi phối bởi các giá trị vật chất.
Áp lực lớn nhất mà một nữ doanh nhân thường đối mặt là gì? Chị làm thế nào để vượt qua?
Có câu nói: “Áp lực tạo kim cương”. Tuy nhiên, áp lực cũng là những nỗi đau, tảng băng chìm trong đau khổ, mất mát đối với ai không thể vượt qua. Mỗi khi tôi bị áp lực tôi luôn nhớ đến câu này, nó giúp tôi cố gắng bằng mọi giá phải vượt qua thử thách chông gai với niềm tin mạnh mẽ mình sẽ thành công.
Áp lực nhất với tôi chính là sự cân bằng giữa gia đình và công việc. Nam doanh nhân có thể làm việc 8 tiếng mỗi ngày nhưng với phụ nữ họ có thể phải làm đến 12-14 tiếng, không chỉ việc chung mà còn việc riêng. Sự mất cân bằng, hy sinh về sức khỏe là điều không thể tránh khỏi, dẫn đến tôi không còn thời gian cho bản thân và gia đình. Không phải ai cũng thật sự thấu hiểu về những khó khăn nữ doanh nhân đối mặt. Vì vậy, để thành công phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi nam giới.
Để vượt qua áp lực tôi tìm đến phật pháp, thiền định và những hoạt động thể thao lành mạnh giúp tôi cân bằng hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng tăng cường trao quyền cho nhân viên để họ có khả năng phát triển bản thân và tôi lại có thêm thời gian cho mình. Đồng thời, việc thiết lập một hệ thống kinh doanh vận hành tự động nhằm đảm bảo công việc luôn được duy trì suôn sẻ là điều tôi đang triển khai và tiếp tục đẩy mạnh tại doanh nghiệp của mình để tôi cũng như tất cả các thành viên được giảm áp lực công việc hơn.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Content Director: JENNI VÕ | Creative Director: LÊ ĐỨC HIỆP | Editor: AN MI | Graphic Designer: GIA HUY | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG
Có thể bạn quan tâm: