Hợp tác hay đơn độc • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hợp tác hay đơn độc

Hợp tác là một phần quan trọng trong cuộc sống lẫn công việc hằng ngày. Thậm chí, theo một vài khảo sát, thế giới kinh doanh hiện nay có vẻ như đang bị ám ảnh bởi một nền “văn hóa hợp tác”. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là không phải lúc nào sự hợp tác cũng mang lại hiệu quả cao nhất

Là nhà quản lý biết nhìn xa, bạn sẽ nhận thấy không phải lúc nào sự hợp tác hoặc làm việc nhóm cũng mang lại hiệu suất công việc như mong đợi dù bạn luôn cố gắng thúc đẩy tinh thần đồng đội cũng như truyền cảm hứng cho sự hợp tác giữa các nhân viên.

Ít cơ hội cho sự sáng tạo

Trong một nhóm sẽ luôn có vài nhân vật nòng cốt, họ là người liên hệ trực tiếp với cấp trên và chịu trách nhiệm về nhóm của mình. Thế nên, trong những cuộc họp nhóm thống nhất công việc, sẽ có tình trạng những thành viên khác luôn tán thành hoặc nghe theo ý kiến của nhân vật nòng cốt này và mặc định rằng đó là ý kiến hoàn hảo nhất. Trưởng nhóm lại quá tự tin với vai trò và khả năng của mình mà đôi khi phớt lờ những ý kiến, sáng tạo mới của đồng nghiệp. Điều này chính là hạn chế làm thui chột khả năng vận động, suy nghĩ sáng tạo ở các thành viên. Và rất dễ bị sa vào ý kiến một chiều, thiếu khách quan.NDN_Hop tac hay don doc_2

Trở nên lười biếng hơn

Trong một nhóm, các thành viên sẽ được phân bổ công việc sau khi họp thống nhất các phương án và nội dung. Và, bạn sẽ thấy một số nhân viên hoàn toàn thụ động với việc này. Nhất là với những phần việc khó hoặc mất nhiều thời gian dù đó có là cơ hội giúp họ ghi điểm. Đơn giản vì họ nghĩ rằng, nếu tôi không nhận, cũng sẽ có người nhận việc. Đây gọi là hiện tượng “tản bộ xã hội”, khi mọi người có xu hướng không chịu nỗ lực mà dựa vào người khác và hi vọng nhận được phần việc nhẹ nhàng nhất đồng thời tên mình vẫn được ghi công nếu nhóm hoàn thành tốt công việc.

TThiếu động lực phát triển

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Anders Ericsson, làm việc nhóm thường xuyên có thể dẫn đến một loại suy nghĩ hội nhóm nghĩa là các thành viên dễ bị rơi vào suy nghĩ lệ thuộc, suy nghĩ giống nhau… Điều này có thể sẽ cản trở cả hai trong việc học hỏi và thúc đẩy khả năng sáng tạo. Ông cũng chỉ ra rằng, cách tốt nhất để làm chủ một lĩnh vực là từng cá nhân phải đối diện với áp lực và thách thức. Bạn phải tự mình vạch ra ý tưởng, phương pháp thực hiện và nếu có vướng mắc, hãy hỏi ý kiến cấp trên. Lúc này bạn mới thực sự giải quyết một vấn đề mà nếu làm việc nhóm, có thể sẽ có người đứng ra xử lý giúp bạn.NDN_Hop tac hay don doc_1

Giải pháp cho sự hợp tác hoàn hảo

Hãy lựa chọn từng giai đoạn để quyết định việc đó cần giao cho các cá nhân độc lập hay tạo ra các nhóm. Mặt khác, người quản lý không nên chỉ tạo ra các nhóm và ngồi chờ kết quả vì tự nó khó có thể thành công như mong đợi. Bạn sẽ đóng vai trò chất xúc tác giúp từng nhân viên có cơ hội phát triển đồng thời giúp các phần việc của họ “mix” với nhau một cách hài hòa để mang lại hiệu quả cho cả nhóm:

  1. Chấm dứt những cơn mộng du
    Thật dễ dàng để đạt đến trạng thái tự mãn và luôn tự hài lòng nếu họ luôn đảm nhận cùng một vai trò hoặc loại công việc trong các nhóm mà họ được phân công. Để thúc đẩy sự đổi mới và khuyến khích những hoạt động tự thân nhằm tránh hiện tượng “tản bộ xã hỗi”, hãy cho họ một vai trò mới, áp lực mới. Hãy chấm dứt “những cơn mộng du” bằng cách không để họ hài lòng với những điều đã trở thành quen thuộc.
  2. Trò chơi luân phiên
    Là ý tưởng tuyệt vời cho nhóm của bạn. Để bắt đầu trò chơi luân phiên, trước khi bắt đầu từng phần của dự án hoặc đề cập đến từng chi tiết riêng lẻ, hãy bầu ra một người chuyên đặt những câu hỏi và lần lượt các thành viên trong nhóm phải tham gia trả lời. Cứ thế, luân phiên cho những thành viên khác để ai cũng nắm rõ và hiểu sâu sắc nội dung công việc đồng thời có cơ hội đề xuất những ý tưởng mới. Khi bị buộc phải bảo vệ vị trí của mình, bất kỳ ai cũng phải động não suy nghĩ!
  3. Chia đều cơ hội
    Điều tối kỵ khi thành lập nhóm là xếp những người có vai trò, kỹ năng công việc tương tự nhau vào một nhóm thay vì vậy, hãy chọn ra một nhóm mà mỗi thành viên có một kỹ năng nhất định. Điều này đảm bảo mỗi thành viên trong nhóm đều đóng một vai trò riêng, rõ ràng và ngang bằng nhau. Nó không chỉ giúp họ sở hữu nhiệm vụ riêng mà bị đặt vào tình huống buộc phải hoàn thành kịp thời với người khác đồng thời cũng giúp tạo ra lợi thế để họ cạnh tranh với những người còn lại một cách công bằng.
  4. Cho phép thời gian làm việc độc lập
    Làm việc độc lập rất cần thiết cho sự sáng tạo, họ không bị chi phối bởi ý kiến chủ quan của người đứng đầu cũng không tự hài lòng khi ý kiến của mình được đánh giá cao. Khi làm việc đơn độc, họ luôn tự mày mò và vì thế có những ý tưởng thực tế, cụ thể nhất với công việc mình thực sự am hiểu.

Hợp tác không phải là một cứu cánh kỳ diệu cho mọi tình huống nhưng cũng không có nghĩa là bạn bỏ qua “món vũ khí” lợi hại này. Chỉ cần làm rõ vai trò, cho phép làm việc độc lập song song với hợp tác để từng cá nhân làm việc hết sức mình, tránh lối tư duy hội nhóm, bạn có thể khiến việc hợp tác thực sự mang lại kết quả tốt.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

8 nguyên tắc quản lý thời gian của người thành công

Làm việc bằng cả trái tim

Comment