Làm việc bằng cả trái tim • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm việc bằng cả trái tim

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó, lãnh đạo cao cấp của một tập đoàn đã nói rằng: Nếu muốn thành công, anh hãy làm mọi việc được giao một cách tốt nhất dù đó có là công việc thu dọn ống cống hay là một trưởng phòng. Nó khiến tôi liên tưởng nhiều đến cách làm việc bằng cả trái tim và những “bị – được” mà ai cũng từng một lần tự vấn!

Nếu chỉ suy nghĩ đến “bị”…

Trong hầu hết những cuộc gặp gỡ bạn bè, nam giới có vẻ ít ca thán về công việc hơn vì họ còn bận bàn luận về những trận bóng đá, những quán nhậu ngon, những bộ phim hay, các cô gái đẹp hoặc cao hơn là những dự án mới, những khách hàng tiềm năng… Họ có vẻ rất rạch ròi về chuyện công việc. Với họ, đơn giản nếu bạn đã thấy không hài lòng với công việc hay môi trường làm việc, bất đồng không thể hòa giải với sếp thì hoặc là tìm hướng cải thiện nó một cách rốt ráo hoặc là thay đổi chỗ làm. Tuyệt nhiên họ không phàn nàn, có nhưng rất hiếm việc họ bàn tán về chuyện đang bị “đì” ở cơ quan, họ làm rất nhiều nhưng chẳng nhận được gì, hoặc sếp họ đã không công bằng… Họ chỉ quyết định chứ không nói.  

Ngược lại, phái nữ hay các nữ nhân viên lại rất thường xuyên bàn bạc và than vãn về công việc và những vấn đề “bếp núc” liên quan đến công việc hay công ty họ đang làm nhưng lại ít khi dám đi đến những quyết định quyết liệt. Họ có thể “tua đi, tua lại” những vấn đề gặp phải trong công việc, cách quản lý của các sếp, thái độ của đồng nghiệp đến những quy định mới với thái độ không mấy hài lòng. Không chỉ “than” với những đồng nghiệp hoặc với bạn bè mà người thân trong gia đình, nhất là các ông chồng vốn không ưa chuyện than vãn cũng bị lôi vào cuộc. Tuy nhiên, họ chưa, hoặc ít khi tự hỏi: Liệu bản thân đã làm hết sức mình chưa, đã yêu công việc bằng cả trái tim, đã thực sự cống hiến cho nơi mang lại thu nhập chính cho họ?… Nếu họ có được điều đó, chắc chắn những chuyện “bị” sẽ chẳng là gì so với cái họ “được”.

edited

Khi bắt đầu tìm kiếm một công việc, nhiều người luôn đưa mức lương ra làm thước đo để thỏa thuận. Thứ nhất nó đại diện cho năng lực và kinh nghiệm của họ, thứ hai nó bao hàm khối lượng công việc họ phải đảm đương. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, trước khi chọn một nơi để đầu quân và thương lượng mức lương, chắc chắn yếu tố đầu tiên họ chọn phải là công việc mà họ muốn, họ quen thuộc và yêu thích. Nhưng dần dà, khi có những điều chỉnh, thay đổi theo kế hoạch nhân sự hoặc mục tiêu mới của nơi làm việc và họ phải đảm đương thêm nhiều việc khác nhau, yêu cầu cũng cao hơn thì họ lại quên mất họ từng yêu thích công việc ấy thế nào, từng muốn trở thành một người giỏi nghề ra sao, cái họ quan tâm nhất lúc đó là tại sao thêm việc mà lương không tăng? Họ chỉ có cảm giác bị chèn ép, bị đối xử bất công, bị và bị…

 

***
“Nếu bạn làm việc bằng cả trái tim, nghĩa là yêu công việc ấy và hoàn thành nó theo cách tốt nhất bạn có thể thì điều gì sẽ xảy ra, bạn đã bao giờ thử chưa?”
***

 

… sẽ không biết mình “được” gì

Nếu bám riết lấy suy nghĩ rằng, anh là chủ thì đương nhiên anh phải sống chết với công ty, làm quần quật và gánh lấy mọi áp lực là chuyện hiển nhiên như hai cộng hai bằng bốn còn tôi là nhân viên, làm công ăn lương thì chỉ cần làm đúng và đủ giờ sẽ rất khó để thành công và mong đợi một ngày nào đó “cá chép sẽ hóa rồng”. Sẽ ra sao nếu bạn là chủ và nhân viên chỉ toàn những cá nhân mang suy nghĩ như bạn? Làm sao bạn có thể dẫn dắt một đoàn người cùng đi đến đích khi họ không cùng nhìn theo hướng bạn đã chỉ dẫn. Dĩ nhiên, nói đi cũng phải nói lại, về phía công ty cũng phải đảm bảo đường hướng và lợi ích đúng như cam kết thì mới khiến người lao động yên tâm. Rõ ràng là vậy, nhưng điều tôi muốn chia sẻ chính là muốn có quyền lợi, hãy suy nghĩ đến nghĩa vụ trước đã! Theo tôi nghĩ, truyền cảm hứng và được truyền cảm hứng trong công việc rất quan trọng, bạn đã được truyền cảm hứng từ những kế hoạch, định hướng của công ty nhưng lại không xác định được rằng việc đóng góp cho sự phát triển chung đó còn ảnh hưởng rất lớn đến sự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Nếu bạn làm việc bằng cả trái tim, nghĩa là yêu công việc ấy và hoàn thành nó theo cách tốt nhất bạn có thể thì điều gì sẽ xảy ra, bạn đã bao giờ thử chưa?

Riêng cá nhân tôi, trước kia cũng từng mang nặng suy nghĩ ấy vì tôi cũng chẳng phải thần thánh gì. Tuy nhiên phải nói rằng tôi đã được truyền cảm hứng từ những người mình may mắn được gặp, những câu chuyện tuyệt vời về những con người đi lên từ con số không… nó khiến tôi nghĩ, tại sao mình không thử. Vì trước tiên, điều đó tốt cho bản thân mình, còn cách nào hiệu quả hơn việc nâng cao khả năng và kinh nghiệm làm việc bằng cách tự bản thân học hỏi với thái độ thực sự hào hứng. Giả sử, đến một ngày bạn thôi không còn muốn gắn bó với nơi cũ, thì cái bạn có được không ai có thể tước mất và sẽ là hành trang tuyệt vời giúp bạn tự tin hơn. Còn nếu bạn quyết tâm gắn bó lâu dài, cũng hãy yên tâm rằng khi bạn làm việc bằng tất cả trái tim, không một lãnh đạo nào có thể bỏ qua một nhân viên như vậy, họ nhìn thấy hết nhưng bằng cách này hay cách khác họ sẽ nâng đỡ bạn thậm chí là khai thác bạn thì điều này vẫn rất tốt cho chính bạn vì không có trải nghiệm nào là vô nghĩa cả. Khi bạn được đặt ở một vị trí khác, được giao thêm việc mới không có nghĩa là bạn đang bị dồn ép để phải chủ động nghỉ việc. Hãy nghĩ rằng, bạn đang được thử thách để chắc chắn có thể đảm đương những vai trò quan trọng với trách nhiệm nặng nề hơn. Vì xét cho cùng, suy nghĩ ấy chả thiệt gì cho mình mà có khi còn gặt hái được những thành công bất ngờ!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Trí tuệ của ngôn từ

5 cách xây dựng niềm tin bản năng

 

 

 

Comment