Rối loạn đa nhân cách - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Rối loạn đa nhân cách

Nhiều người có lúc đã nghi ngờ sự tồn tại hay không tồn tại của rối loạn đa nhân cách (multiple personality disorder), một chứng bệnh tâm thần khá phức tạp. Không ít chuyên gia tâm thần học nhầm lẫn rối loạn đa nhân cách với tâm thần phân liệt, trầm cảm hay stress…

Nhiều trường hợp người rối loạn đa nhân cách phải vật lộn với cuộc sống bệnh tật trong thời gian dài, từ nhỏ đến lúc trưởng thành mới được chẩn đoán như ngôi sao Herschel Walker của Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ. Chưa hết, vấn đề càng trở nên quan ngại khi nó không được nghiên cứu thấu đáo, tạo kẽ hở cho giới tội phạm lợi dụng để thoát tội trong một số vụ án hình sự nghiêm trọng.

ĐÂU LÀ SỰ THẬT?

Đa nhân cách là sự thể hiện hai hay nhiều nhân cách khác nhau trong cùng một con người. Mỗi nhân cách có một bộ khung trí nhớ, hành vi, suy nghĩ và cảm xúc riêng. Mỗi thời điểm nhất định, một nhân cách chiếm lĩnh ý thức và tương tác với môi trường.

Vài năm trước, người ta nói đến rối loạn đa nhân cách như là hậu quả của chấn thương trầm trọng tái lập ở giai đoạn đầu thời thơ ấu, thường trước 4 tuổi. Những chấn thương đó là sự ngược đãi cơ thể, lạm dụng tình dục hoặc chấn thương gây xúc cảm mạnh thường ở mức cực độ. Nhưng để nhấn mạnh tính phân rẽ (dissociative) trong nhân cách của bệnh nhân, người ta đổi tên thành rối loạn bản thể phân rẽ (dissociative identity disorder – DID).

NDN_Roi loan da nhan cach

Đa nhân cách là sự thể hiện hai hay nhiều nhân cách khác nhau trong cùng một con người. Mỗi nhân cách có một bộ khung trí nhớ, hành vi, suy nghĩ và cảm xúc riêng.

DID là sự tồn tại hai hoặc nhiều hơn những bản thể (identities) hoặc nhân cách hay tính cách (personality). Trong đó, mỗi bản thể hoặc tính cách có lối nhận thức, liên hệ và suy nghĩ về môi trường hoặc bản thân riêng rẽ liên tục kiểm soát hành vi. Người bệnh có thể có một nhân cách chủ (host) và một hoặc nhiều nhân cách thay thế (alters). Khi ở trạng thái nhân cách thay thế, nhân cách chủ có thể xuất hiện, nắm quyền điều khiển, dẫn dắt người bệnh trở lại trạng thái thông thường. Việc chuyển đổi có thể xảy ra trong vài giây, vài phút đến vài ngày. Bên cạnh đó, người bệnh có thể trải qua một trong những triệu chứng sau: trầm cảm, thay đổi tâm trạng, có xu hướng tự sát, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, hoảng loạn và ám ảnh sợ hãi, lạm dụng rượu và thuốc, những xung lực cưỡng bức và các nghi lễ, những triệu chứng giống như bệnh tâm thần, rối loạn về ăn.

Những dấu hiệu khác của DID có thể bao gồm đau đầu, mất trí nhớ, mất khái niệm thời gian, xuất thần. Một số người bệnh có xu hướng hành hạ, hủy hoại, thậm chí bạo hành chính bản thân hoặc người khác, làm những việc không nên như lái xe vượt tốc độ, ăn cắp tiền của người giúp việc hoặc bạn bè… Tuy nhiên, họ cảm thấy như mình bị buộc làm việc đó. Đặc biệt, DID xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam, nếu xảy ra ở nam giới thì người đó khó tránh khỏi tù tội vì xu hướng bạo lực, vi phạm luật pháp thường xảy ra. Trường hợp Herschel Walker là hy hữu khi phát triển được một nhân cách không sợ hãi thay cho sự hung bạo, che giấu nhân cách thay thế đó bằng một nhân cách thay thế khác giúp anh tạo lập nên danh tiếng ở tầm quốc gia.

NDN_Roi loan da nhan cach_3

Mỗi bản thể hoặc tính cách có lối nhận thức, liên hệ và suy nghĩ về môi trường hoặc bản thân riêng rẽ liên tục kiểm soát hành vi

VÌ SAO NÊN NỖI?

Quan điểm phân tâm cho rằng do dồn nén thái quá. Con người thoát khỏi sự sợ hãi bằng cách ngăn cản nhớ lại những kỷ niệm, suy nghĩ hay kích thích buồn từ vô thức. Ai cũng sử dụng cơ chế dồn nén ở một mức độ nhất định, nhưng người mắc DID dồn nén ký ức mình trong suốt một quãng đời, mãnh liệt tới mức hủy hoại một số chức năng tâm lý bình thường do họ đã trải qua đau khổ tột cùng từ thuở ấu thơ. Sợ hãi trước một thế giới nguy hiểm, những đứa trẻ này tự dựng lên và sống trong các biểu tượng mà chúng cảm thấy an tòan. Sự hóa thân này mạnh mẽ hơn sự mơ tưởng vì chúng đã hành động như những biểu tượng mà mình hóa thân vào. Những trẻ bị lạm dụng cũng hoảng sợ trước các tác nhân kích thích, điều khiến chúng liên tưởng đến sự trừng phạt thái quá. Trẻ đấu tranh để làm “người tốt”, “người có ích” và dồn nén trước những tác nhân được chúng coi là “xấu”, “nguy hiểm”. Khi các tác nhân “xấu” phá vỡ suy nghĩ, lập tức những đứa trẻ này cảm thấy ranh giới của sự từ bỏ, phủ nhận chính mình. Bấy giờ, chúng chuyển một cách vô thức tất cả những suy nghĩ, tình cảm vốn không được chấp nhận trước kia vào một nhân cách khác, che đậy nhân cách cơ bản, tô vẽ thêm cho những nhân cách khác.

Quan điểm hành vi lại tin rằng, DID là kiểu phản ứng đáp trả mà điều kiện hóa chức năng đòi hỏi. Nạn nhân của những biến cố khủng khiếp có thể tìm thấy sự khuây khỏa tạm thời sau đó khi tinh thần họ dạt vào những đối tượng khác. Với một số nạn nhân, sự quên lãng tạm thời giúp giảm được nỗi sợ hãi, do đó tăng sự quên lãng tương tự trong tương lai.

NDN_Roi loan da nhan cach_2

James McAvoy (vai Kevin) trong bộ phim kinh dị ‘Tách Biệt – Split’ nói về chứng rối loạn đa nhân cách

DẤU HIỆU NÀO ĐỂ NHẬN BIẾT?

DID có thể được nhận biết dựa vào những tiêu chuẩn trong hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5):

  1. Biểu hiện hai hoặc nhiều hơn những bản thể tách bạch hay những trạng thái nhân cách liên tục chi phối hành vi ngoài vòng kiểm soát.
  2. Phải xảy ra mất trí nhớ, được xác định như những kẻ hở trong sự hồi tưởng các sự kiện hàng ngày, thông tin cá nhân quan trọng hoặc biến cố chấn thương.
  3. Cá nhân phải bị khổ sở bởi rối loạn hoặc có trục trặc hoạt động chức năng ở một hoặc nhiều lĩnh vực sống chủ yếu do rối loạn.
  4. Những xáo trộn không phải là một phần của văn hóa hay thực tế tín ngưỡng bình thường.
  5. Các triệu chứng không thể do những tác động sinh lý của một chất như ngất trong giây lát hoặc hành vi hỗn loạn trong nhiễm độc rượu, hay một tình trạng y khoa nói chung chẳng hạn cơn co giật không hoàn toàn…
“BÓ TAY” CỨU CHỮA?

DID hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Quá trình trị liệu làm hoàn thiện những cách tiếp cận dựa vào tâm lý học là chính, thường kéo dài thời gian, phải được các chuyên gia lành nghề thực hiện mới có thể hạn chế hoặc tránh “tác động ngược” làm bệnh tăng nặng như: liệu pháp trò chuyện (talk therapy), liệu pháp tâm lý, liệu pháp thôi miên, liệu pháp phân tâm… Các giải pháp nói trên giúp người bệnh nhận biết đầy đủ tình trạng rối loạn đa nhân cách, phát hiện kẽ hở trong trí nhớ, tìm lại ký ức, tập hợp các nhân cách nhỏ thành một nhân cách, sau đó cung cấp những kỹ năng xã hội và cách ứng phó những lẫn lộn tương tự.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

“Ảo tưởng sức mạnh” – dấu hiệu của bệnh tâm thần

Người có tâm lý lưỡng tính có khả năng sáng tạo hơn người khác

Comment