Ẩm thực mỹ vị từ những cánh hoa - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ẩm thực mỹ vị từ những cánh hoa

Ẩm thực được làm từ những cánh hoa không chỉ đẹp về hình thức mà còn tốt cho sức khỏe. Và hơn hết, hoa luôn là một tượng trưng đẹp đẽ của người phụ nữ, là những gì dịu dàng nhất và tinh tế nhất. Thế nên, ẩm thực từ hoa với dư vị thơm ngon và mềm mại luôn mang một ý nghĩa khởi đầu cho những điều tốt đẹp. 

Bún hoa cúc

Có nguồn gốc từ Vân Nam (Trung Quốc), bún hoa cúc được những người yêu ẩm thực đưa về Việt Nam với chút biến tấu để hương vị phù hợp hơn. Không giống những loài hoa khác, những cánh hoa cúc khi khô đi dường như còn gắn kết chặt chẽ hơn với phần cuống. Điều này được ví von như biểu tượng của sự chung thủy, chân thành trong tình yêu, đem đến thông điệp đầy ý nghĩa cho món bún hoa cúc. Dù không phải là thành phần chính của món ăn nhưng hoa cúc lại có vai trò quan trọng tạo nên hương thơm đặc trưng không thể trộn lẫn. Những cánh hoa cúc được rưới nước dùng nóng nên chín tái, có độ dai lẫn vị nhẫn đắng nhẹ, để lại vị hậu ngọt dịu nơi đầu lưỡi. Tất cả hòa quyện với vị nước dùng thanh thanh, mùi rau thơm cùng hương nấm trong những viên mọc nhỏ kích thích trọn vẹn vị giác người thưởng thức.

Chế biến: Hoa cúc vàng được tách rời từng cánh, ngâm với chanh để giảm mùi hăng. Sau đó trang trí cánh hoa lên mặt tô bún cùng thịt xá xíu thái mỏng, mọc, chân giò và lạp xưởng. Nước dùng ninh từ xương heo, rưới vào tô khi thật nóng. Thêm chanh, ớt tùy khẩu vị.  

Hoa bí ngòi nhồi phô mai

Vào những ngày tháng ba khi thời tiết bắt đầu vào mùa nắng nóng, món ăn từ hoa bí ngòi sẽ giúp bạn giữ nước cho cơ thể. Ngoài chất xơ và hàm lượng khoáng chất, bí ngòi cũng chứa các chất chống oxy hóa như beta carotene, lutein… giúp làm chậm quá trình lão hóa. Món hoa bí ngòi nhồi phô mai mang dáng hình nhỏ nhắn như những búp non căng tròn là một trong những món hấp dẫn bạn nên thử vào bếp. Phủ lên mình một lớp áo vàng ruộm của bột chiên giòn và béo thơm của phô mai tan chảy, hương vị của món ăn vừa quen nhưng cũng thật lạ như những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ trong ngày của riêng mình.

Chế biến: Hoa bí ngòi bỏ nhụy, rửa sạch, để ráo. Sau đó nhồi hỗn hợp: bột mì, phô mai, sữa tươi, tiêu đen xay, hạt nhục đậu khấu nghiền và lá húng quế thái nhỏ vào những búp hoa bí ngòi rồi đóng cánh hoa lại. Áo lên hoa một lớp bột mì mỏng rồi chiên giòn nhanh trên chảo dầu nóng.

Thạch trà hoa cúc

Thay vì tráng miệng bằng trà hoa cúc đã quá quen thuộc, hãy thử làm mới bằng cách làm ‘đông cứng’ chúng lại thành món thạch vừa đẹp vừa lạ mắt. Không dừng lại ở sự khác biệt trạng thái “lỏng-rắn” so với món trà đã từng làm dịu lòng biết bao thực khách, thạch trà hoa cúc cũng sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm vị giác khác biệt. Vào một ngày dịu dàng như 8/3, bạn hãy thử ru mình với viên thạch mát ngọt đang dần hòa tan trong miệng, thêm chút vị thanh khiết dịu thơm của những bông cúc nhỏ phơi khô để có thể cảm thấy yêu đời, yêu mình hơn bao giờ hết.

Chế biến: Khuấy đều bột rau câu vào nước trà hoa cúc đã pha. Thêm chút mật ong và hoa cúc khô vào hỗn hợp rồi đổ ra khuôn. Khi thạch đông, bỏ vào tủ lạnh và có thể thưởng thức.

Có thể bạn quan tâm:

4 công thức sinh tố giúp giảm cân lành mạnh

Điểm nhấn khác lạ với ẩm thực Địa Trung Hải

Soda hoa hồng

Được mệnh danh là loại nước uống của tình yêu, soda hoa hồng mang trong mình hương vị đầy đủ những cung bậc cảm xúc của trái tim. Đó là sự kết hợp giữa vị đắng dịu của những cánh hoa với vị ngọt của đường phèn và thanh mát của nước chanh soda. Không hề khó uống như nhiều người vẫn nghĩ, nước hoa hồng thơm còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và vẻ đẹp với các vitamin A, C, E… ngoài chức năng giải khát thông thường.

Chế biến: Tách cánh hoa hồng ra khỏi cuống, rửa sạch và đun sôi đến khi màu của hoa hồng nhạt dần thì chắt lấy nước. Sau đó cho nước đường phèn, nước cốt chanh, soda vào khuấy đều, thêm đá và có thể thưởng thức.

Nước chanh hoa đậu biếc

Một ly nước chanh đá hoa đậu biếc với màu xanh bắt mắt sẽ là sự lựa chọn thú vị cho thị giác trong những ngày trời nắng. Hoa đậu biếc với màu xanh đặc trưng gợi lên những điều tươi vui, cởi mở. Nước hoa đậu biếc đắng quyện với vị chua của chanh và mật ong sẽ giúp hương vị của ly nước trở nên đằm thắm hơn. Giữ thói quen uống nước hoa đậu biếc đặc biệt giúp làn da của bạn tránh bị lão hóa sớm do tăng độ đàn hồi và bổ sung collagen trong thành phần của nó.

Chế biến: Hãm hoa đậu biếc đã phơi khô vào nước nóng và thêm mật ong khuấy đều. Đợi khi hoa ra màu nước xanh biếc, pha loãng với nước lọc và đá. Vắt chanh cho màu nước chuyển sang hồng tím và thưởng thức.

Trà hoa oải hương

Hoa oải hương tím vốn có hương thơm thư giãn đặc biệt được phái đẹp ưa chuộng. Dùng hoa oải hương trong các món trà đem đến sự khác lạ cho loại thức uống quen thuộc này. Trà oải hương còn đem đến công dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt giúp giảm đau nửa đầu và mất ngủ. Vị trà oải hương đắng mạnh nên khi uống thường được kết hợp với các loại thảo mộc có tính ngọt giúp cân bằng vị giác và cảm xúc của người thưởng trà.

Chế biến: Cho các nụ hoa oải hương khô vào nước sôi và đổ phần nước đầu này đi cho đỡ đắng. Sau đó tiếp tục hãm hoa trong nước sôi khoảng 5 phút và thêm ít đường vào. Có thể pha loãng với nước lọc và cho vào tủ lạnh hoặc thêm đá tùy ý.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân 

Đọc thêm:

BURRATA – Nữ hoàng của các loại phô mai Ý

Ghé ngay 5 quán cà phê đẹp nhất khi đến Penang

Comment