"Tết Ta" - Tết của chúng ta! • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Tết Ta” – Tết của chúng ta!

Không còn là những tiếng pháo rợp trời đầy thân thuộc, Tết nay dần trở nên hiện đại hơn khi mọi người đều hòa mình vào không khí vui tươi và hồi hộp đón thời khắc giao thừa qua những màn pháo hoa rực rỡ. Và dẫu xưa hay nay thì Tết vẫn cứ luôn đến và để lại sự rạo rực trong lòng mỗi người mang dòng máu Việt…

Có ai còn nhớ thời gian ngắn trước, tất cả mọi người đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ và phản đối khi báo đài xuất hiện thông tin cho hay sẽ bỏ Tết Nguyên đán để hội nhập. Từng đấu tranh để gìn giữ hương vị của ‘Tết ta’, vậy tại sao hiện nay nhiều người lại không quý trọng dịp hiếm hoi này và nói mãi về “chán Tết”? Dù là truyền thống hay hiện đại, ắt hẳn Tết cũng là những ý nghĩ đầy tích cực và hạnh phúc mà bạn có thể tự nhiên mỉm cười khi nghĩ đến. Đừng tìm lý do để đổ lỗi cho ngày Tết mà hãy luôn biết ơn vì mỗi Tết qua, ta lại có cơ hội nhìn lại và biết mình đến từ đâu.

Mở lại ký ức tuổi thơ, ta lại nhớ hễ cứ tới đầu tháng chạp âm lịch là mọi người đều chộn rộn để chuẩn bị cho cái Tết của riêng mình. Bắt đầu với những cành hoa mai đào được ba tỉa tót, đến những mâm cỗ hay lễ cúng ông Công ông Táo do một tay mẹ đỡ đần, tất cả đã tạo nên những nét đẹp cổ truyền không thể xóa nhòa trong tâm trí của mỗi người. Khắp nơi đều rộn ràng và sôi động, nhưng có lẽ được yêu thích nhất chính là những phiên chợ Tết sầm uất kẻ mua người bán, nơi tất cả đều tìm đến để sắm sửa những món đồ chỉ bán trong dịp này là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Những ngày giáp Tết đầy hân hoan dường như đã xóa tan mọi khoảng cách thế hệ giữa người già, người lớn đến cả lứa tuổi thanh thiếu niên và những đứa trẻ thơ.

Sự ngọt ngào không chỉ thể hiện ở những món mứt kẹo ngon, mà “ăn Tết” còn là hương vị kỳ diệu và ấm áp đối với bất cứ ai trải nghiệm. Dù vắng mặt ở tổ ấm, hương vị Tết cũng trở nên đủ đầy với những người tha hương nơi đất khách khi được thưởng thức một đòn bánh tét nhỏ mua đâu đó ở khu chợ người Việt hay cùng thắp nén hương cúng đêm 30 là trong lòng đã tràn đầy hương vị Tết. Nỗi buồn “Tết xa nhà” khiến những người con đất Việt thèm khát cảm giác được tận hưởng Tết, và khi tưởng vọng về chốn quê hương, đó sẽ là dư vị mà không một loại cao lương mỹ vị nào có thể mang lại.

Thế mới nói, dù xa hay gần, chỉ cần gia đình được ăn Tết cùng nhau thì ở đâu cũng không quan trọng. Mọi khoảng cách hay những lời khó nói đều dễ thổ lộ để tất cả cùng nâng ly và trao nhau những lời chúc đầu năm bên bàn tiệc mừng năm mới đầy ắp tiếng cười.  

Tết cổ truyền đã trở thành những bước chân sinh hoạt đầu tiên của một năm, nơi tâm khí con người bỗng dưng hiền hòa trở lại, hành xử mềm mại nhất để những ngày tiếp theo trong năm mới luôn yên ấm và suôn sẻ. Với những nét đẹp văn hóa đó, thú vui đón Tết tưởng chừng sẽ không bao giờ thay đổi và tồn tại mãi với thời gian thì hiện nay lại dần biến chuyển đi khi đời sống ngày càng hiện đại hơn với sự hội nhập đầy tích cực…

Con người hiện đại, Tết cũng hiện đại hơn. Có lẽ câu nói vẫn thường được nghe độ này là “đón xuân này nhớ xuân xưa” khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, nhưng liệu rằng Tết hiện đại có thật sự “vô vị” như ta vẫn thường nghĩ? Nếu ngày ấy nơi đông đúc là những khu chợ xuân không ngủ, thì Tết nay đã khác xưa khi tất cả đều dồn về những khu trung tâm thương mại hay nhiều nhất là…sân bay.

Dần hòa nhập và ảnh hưởng bởi phong cách sống cởi mở của thời đại, nhiều gia đình hiện nay đã lựa chọn ăn Tết bằng cách tự thưởng cho mình những chuyến đi nghỉ dưỡng sang trọng, sản vật ngày Tết trở nên Tây hóa với những nhãn hiệu ngoại nhập cao cấp và xa xỉ. Tết mới hơn như chứng tỏ rằng, đời sống con người đã dần cải thiện và tươi sáng hơn rất nhiều. Đó là những đứa con xa nhà có cơ hội và phương tiện phát triển hơn để tìm về nơi “chôn rau cắt rốn” và dành cái ôm siết chặt cho đấng sinh thành, hay những người có gia đình tìm về vòng tay nồng ấm và bờ vai vẫn hằng mong nhớ.

Thay đổi về vật chất nhưng tâm lý Tết mỗi năm chỉ một lần vẫn luôn âm ỉ và đồng điệu trong trái tim của mỗi người. Ấm lòng nhất là những cái Tết xa nhà chỉ kịp nhìn nhau qua màn hình công nghệ nhưng vẫn thấy vui vẻ lạ thường khi được trò chuyện và trao gửi những lời nói thân thương. Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống, Tết nay dù rằng đã “gọn nhẹ” hơn rất nhiều nhưng đâu đó vẫn mang rất nhiều xúc cảm và khiến mỗi người mong đợi để thưởng thức. Điều không thay đổi là mọi người vẫn háo hức khi có dịp ‘tân trang’ lại mọi thứ, là những người cha người mẹ vẫn trông ngóng ngày trở về của những đứa con phương xa, là những cặp vợ chồng cùng nhau đồng thuận về Tết nội hay Tết ngoại, là khi ta vẫn hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc giao thừa để cùng gia đình hưởng trọn vẹn vị Tết nồng ấm.

Không dịp nghỉ nào trong năm lại đủ dài như Tết để ta có thể dành thời gian bên cạnh người thân, gia đình, cớ sao lại cho rằng đó là nhàm chán khi Tết vẫn đang hiện diện và tạo cơ hội cho ta san sẻ yêu thương nhiều hơn. Tết vốn vui ở bản sắc truyền thống và ý nghĩa thiêng liêng, vì vậy nó sẽ không thay đổi nếu ta vẫn tìm kiếm những điều mới mẻ nhưng vẫn cố gắng trân quý gốc rễ để gìn giữ sự vẹn nguyên và đặc trưng.

***

“Chỉ cần tất cả đều hài lòng và không gượng ép trong chính hoàn cảnh của mình, Tết Việt vẫn sẽ mãi hiện sinh và đọng lại đầy yêu thương trong tâm khảm của mỗi người.”

 

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân 

Text: Hong Dang

Đọc thêm:

Tết vui là bởi… tay bưng biếu quà

Đọc gì trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số đặc biệt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019?

Comment