Quản lý nhân viên cá tính • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Quản lý nhân viên cá tính

Sẽ dễ dàng hơn nếu vận hành công ty mà không phải quản lý con người, nhất là khi bạn vướng phải những cá tính mạnh mẽ. Nhưng điều này sẽ không xảy ra, vì con người là nhân tố quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Do đó, tìm cách để quản lý cá tính dường như là lựa chọn duy nhất.

1Tự hào thái quá

Narcissists là khái niệm để chỉ những người luôn thổi phồng tầm quan trọng của chính mình và khao khát thu hút sự chú ý cũng như lời khen ngợi đặc biệt từ người khác. Đây chính là những người muốn biến mình thành “trung tâm vũ trụ” và không quan tâm người khác đang và sẽ nghĩ gì. Vì thế, đây sẽ là nhược điểm lớn khi môi trường làm việc nhóm đỏi hỏi sự thấu hiểu và hợp tác lẫn nhau. Bạn sẽ làm gì với trường hợp này? Việc trò chuyện với nhân viên về việc làm của họ khiến người khác cảm thấy thế nào hoặc sẽ gây thiệt hại ra sao cho công ty sẽ dễ dàng với một số người, nhưng với người có xu hướng tự kiêu, tự hào thái quá về bản thân sẽ rất khó khăn vì họ thường nhạy cảm với những lời chỉ trích, chê bai. Họ khó chấp nhận và có thể sẽ dẫn đến hành động bột phát. Tuy nhiên, bạn cũng phải thừa nhận rằng, họ sẽ làm tốt khi ở vị trí dẫn đầu nhóm, họ sẽ nghiêm túc với quyền lực được nhận, đánh giá cao nó và cố gắng chăm chỉ để hoàn thiện vai trò của mình. Hãy cất nhắc và làm gương cho họ.NDN_Quan ly nhan vien ca tinh_02

2Thiếu nhất quán

Có những nhân viên hứa hẹn sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề của dự án nhưng chưa đến ngày bắt đầu họ lại thay đổi ý định, rút lui, và rồi đến phút cuối xuất hiện bất ngờ. Đây cũng có thể xem là một biểu hiện của sự tức giận được kiềm nén, họ bằng lòng nhưng lại hay suy tính và để cơn giận lấn át khiến họ có thể bỏ mặc bạn bất cứ lúc nào. Các chuyên gia cho rằng biểu hiện rối loạn này khiến họ không thể nhất quán theo điều đã quyết định. Và bạn cảm thấy gì khi làm việc với họ, một quả bóng nước đang treo lơ lửng trên đầu? Đúng, vì bạn rất khó nắm bắt được họ, bạn bồn chồn không hiểu liệu họ có thay đổi nữa không…
Không giống như narcissists, tuýp nhân viên này có sự đồng cảm và cũng muốn thăng tiến trong công việc, và bạn có thể sử dụng cả hai đặc điểm này để thúc đẩy họ. Nên nói chính xác và thẳng thắn những yêu cầu bạn cần từ họ và khi nào. Điều này giúp họ xác định được điều cần làm và chỉ tập trung cho việc được yêu cầu theo đúng thời hạn. Mặt khác, họ cũng không có nhiều thời gian trống để suy nghĩ vẩn vơ.

3Người tạo tin đồn

Ở môi trường công sở, sẽ khó tránh một hoặc một vài nhân viên có thói quen tạo nên những tin đồn, những thông tin nóng hổi với đa số người nghe mà nội dung phần lớn là đề cập đến bạn – sếp của họ. Khi phát hiện mình chính là trung tâm của câu chuyện, bạn sẽ làm gì? Lời khuyên chính là đừng để bị hút sâu vào câu chuyện bằng cách đính chính, ngăn cấm vì điều đó là vô hiệu. Bạn càng ngăn cấm, họ càng tò mò, tốt nhất là hãy làm hài lòng tất cả mọi người với hình tượng người sếp gương mẫu, nếu bạn tốt thì họ chẳng có gì để nói xấu.

Mặt khác, nếu xét về mặt tích cực, việc tạo nên tin đồn cũng là cách thu hút mọi người cùng bàn luận về một chủ đề một cách hăng say, thế thì tại sao bạn không tạo cho họ vấn đề để bàn luận. Đây chính là cách tạo môi trường “sạch” cho những ai thích trò chuyện, chia sẻ và thảo luận. Nhờ đó tạo mối liên hệ, đoàn kết lẫn nhau. Hoặc, với người có khả năng lôi kéo người khác, hãy thử giao nhiệm vụ tiếp thị bán hàng cho họ xem sao.

NDN_Quan ly nhan vien ca tinh_01

4Khó kiểm soát cơn giận

Một số người đối phó với những căng thẳng tại nơi làm việc bằng cách buộc tội đồng nghiệp, la hét người khác về một sai sót nào đó và thường để cho cảm giác tức giận tự do hoàn toàn. Đây là một trong số các tính cách khó khăn nhất mà bạn phải đối phó và cần sớm can thiệp vì khi giận dữ, họ không còn biết đâu là giới hạn, dễ trở nên hung hăng và làm ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung.

Khi bạn đứng đầu công ty, bạn không nên để mình bị ảnh hưởng bởi cơn giận dữ đó vì bạn sẽ cư xử giống như họ, nóng nảy và vội vàng. Hoặc, bạn nên cử nhân viên khác dàn xếp chuyện này bằng cách trò chuyện, chia sẻ hoặc buộc họ có thái độ kiềm chế để họ biết biểu hiện giận dữ đó không được chấp nhận. Bạn cũng nên giới thiệu để họ được tư vấn tâm lý với chuyên gia. Nên cho họ thấy thái độ dứt khoát rằng, sự bùng phát của họ sẽ cản bước thăng tiến đồng thời kéo theo sự đi xuống trong văn hóa công ty.

5Hay mặc cảm tội lỗi

Nếu bạn chuyển công việc đã phân công cho họ sang một người khác khi họ chưa kịp hoàn thành, có thể bạn vừa làm tổn thương nhân viên của mình. Đặc biệt, với một người dễ mặc cảm tội lỗi càng khiến tâm trạng họ trở nên nặng nề, họ cho rằng bạn xem thường khả năng của họ. Thậm chí, không chỉ với bản thân mà đôi khi họ còn “giận lây” đồng nghiệp – người vừa được đảm nhận công việc đó. Để giúp công việc trôi chảy hơn, hãy để họ chịu trách nhiệm những dự án độc lập hoặc một khâu riêng lẻ vì họ khó thành công với những dự án có đông người tham gia. Ngoài ra, hãy cho họ biết họ đang không nhận thức được rằng thái độ tự ti của mình có thể khiến đồng nghiệp không thoải mái và vì vậy cũng ảnh hưởng xấu đến công việc chung. Trò chuyện để họ biết rằng, họ đã làm tốt công việc và việc chuyển giao cho nhân viên khác chỉ là sự trợ giúp cần thiết để có kết quả hoàn hảo nhất.

Có một quy tắc mà các nhà lãnh đạo giỏi luôn truyền tai nhau chính là hãy cho nhân viên thời hạn nhưng đừng dồn ép họ bởi, người ta thường phản ứng mạnh mẽ khi nút thắt của họ bị đẩy lên đến đỉnh điểm. Chính bạn là nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, đôi khi cũng không thể giữ khư khư mà cũng cần biết đặt xuống. Tức là, cho chính mình được nghỉ ngơi, hít thở sau đó bĩnh tĩnh suy xét và đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Là hình mẫu cho những người khác, bạn cần phải làm tốt hơn thế nữa vì trong sự nghiệp quản lý của mình, chắc chắn bạn sẽ gặp phải nhiều cá tính hóc búa.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

8 tuyệt chiêu “lấy lòng” nhân viên

Tăng nhuệ khí cho nhân viên

 

 

Comment