8 tuyệt chiêu “lấy lòng” nhân viên - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

8 tuyệt chiêu “lấy lòng” nhân viên

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhân viên có mức độ hài lòng cao trong công việc thường có năng suất làm việc tốt, gắn bó và trung thành hơn. Dưới đây là một vài tuyệt chiêu giúp bạn tăng chỉ số “hạnh phúc” của nhân viên nơi công sở mà không cần đề cập đến tiền lương. 

Giữ người tài luôn là một thách thức cho bất kỳ người lãnh đạo nào. Muốn vậy, bạn cần hiểu quyết định đi hoặc ở lại cống hiến của nhân viên đôi khi xuất phát từ những điều mang giá trị tinh thần hơn là vật chất. Các yếu tố như được công nhận năng lực, sự khích lệ, cơ hội học hỏi và phát triển là các gạch đầu dòng được nhân viên cân nhắc bên cạnh vấn đề tiền lương trước khi quyết định nghỉ việc. 10 điều sau được các chuyên gia nhân sự gợi ý như những yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp trong chiến lược phát triển nhân sự.

NDN_8 tuyet chieu lay long nhan vien

Lợi ích lớn nhất mà bạn có thể dành cho nhân viên của mình chính là cơ hội làm nên điều khác biệt, thông qua nỗ lực làm việc và đồng hành lâu dài cùng công ty

1Chia sẻ và lắng nghe

Phản hồi và thấu hiểu những mối quan tâm của nhân viên là vô cùng cần thiết. Bởi nhờ đó nhân viên sẽ luôn cảm thấy gắn bó và trở thành một phần của công ty. Sự minh bạch và tương tác giữa lãnh đạo-nhân viên luôn cần thiết trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Hơn nữa, việc bạn cởi mở hơn trong chia sẻ thông tin được xem như dấu hiệu tin tưởng đến nhân viên. Đặc biệt, các qui trình/quy định làm việc, quản lý, thưởng phạt, kế hoạch ngắn hạn, các phân tích điểm mạnh/yếu của doanh nghiệp, những gì cần cải thiện… nên được cập nhật đầy đủ và xuyên suốt để có thể tạo sự đồng lòng ở cấp dưới. 

 

>> Bài liên quan:

Nghệ thuật thúc đẩy nhân viên

 

2Thưởng thêm ngày nghỉ

Hãy hào phóng thưởng thêm ngày phép cho những nhân viên xuất sắc nhất để họ biết rằng bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Shawn Anchor – tác giả cuốn sách bán chạy The Happiness Advantage, đã chia sẻ trong một bài nghiên cứu trên Harvard Business Review rằng những nhân viên sau khi được nghỉ phép sẽ làm việc hiệu quả hơn bình thường. Rõ ràng, khi bạn cho phép nhân viên có thời gian nạp lại năng lượng và cảm hứng, hiệu quả lẫn tinh thần làm việc luôn tích cực hơn, tỷ lệ nhân viên gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cao hơn.

3Tạo sự kết nối

Công ty nào tạo được không gian trao đổi thân thiện cho các nhân viên đều chiếm được tình cảm của cấp dưới, chưa kể có thể thúc đẩy hiệu quả làm việc và sức sáng tạo của họ. Hãy tích cực tạo không gian cho nhân viên thoải mái trò chuyện như “Happy Hour”  hoặc “Tea Time” thứ Sáu cuối tuần nơi tất cả mọi người gặp gỡ, trao đổi, giải trí, chia sẻ ý tưởng… Hoặc bạn có thể phát động một vài cuộc thi đồng đội nho nhỏ để tăng sự kết nối giữa các nhóm.

 

>> Bài liên quan:

Văn hóa tương trợ

 

4Mở rộng cơ hội phát triển

Bất kỳ ai cũng khao khát có một cơ hội phát triển bản thân và sự nghiệp. Vì thế, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến các buổi thảo luận, định hướng nghề nghiệp, khóa học phát triển kỹ năng định kỳ với nhân viên như một phần trong kế hoạch đào tạo và phát triển. Đừng quên, lợi ích lớn nhất mà bạn có thể dành cho nhân viên của mình chính là cơ hội làm nên điều khác biệt, thông qua nỗ lực làm việc và đồng hành lâu dài cùng công ty.

 

————–

Hãy tự xây dựng cho mình một hình tượng người sếp lý tưởng, có thể khơi nguồn, truyền lửa cảm hứng cho cấp dưới, gần gũi nhưng cũng khắt khe một cách tinh tế để dẫn dắt nhân viên mình theo cách mà bạn mong muốn.

————–

 

5Hãy là người lãnh đạo tốt

Bạn cần quan tâm đến thần thái của mình khi bước chân đến văn phòng, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của nhiều nhân viên dưới bạn. Hãy tự xây dựng cho mình một hình tượng người sếp lý tưởng, có thể khơi nguồn, truyền lửa cảm hứng cho cấp dưới, gần gũi nhưng cũng khắt khe một cách tinh tế để dẫn dắt nhân viên mình theo cách mà bạn mong muốn.

 

>> Bài liên quan: 

Giữ chân nhân tài, khó hay dễ?

NDN_8 tuyet chieu lay long nhan vien_2_resize

Môi trường và văn hóa làm việc tích cực sẽ có ích, bởi nó khuyến khích hoạt động nhóm và tăng cường giao tiếp, tương tác, thấu hiểu giữa đồng nghiệp với nhau.

6Công nhận và khen thưởng

Đối với người lao động, sự công nhận nỗ lực và đóng góp thậm chí còn có ý nghĩa hơn tài chính. Đừng chờ đến dịp cuối năm mới khen thưởng. Những phiếu ăn trưa, một ngày nghỉ hay vé xem phim… đều là những phần quà phù hợp để khích lệ khi nhân viên của bạn đang gặp khó khăn. Có đôi khi, những thứ nhỏ bé lại mang theo ý nghĩa lớn lao. Bạn cũng đừng tiết kiệm lời khen bởi mỗi lời động viên, khen ngợi đều khiến nhân viên cảm thấy được trân trọng, cởi mở hơn trong việc chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc.

 

>> Bài liên quan:

Khích lệ nhân viên: 14 điều nên & không nên

 

7Đừng quên cảm ơn

Ít khi nào nhân viên bất mãn hay nghỉ việc chỉ vì lý do lương bổng. Thay vào đó, họ thường không hài lòng khi bất đồng quan điểm với sếp, thấy mình mất tầm quan trọng trong công ty hay cảm thấy không còn học hỏi được gì. Môi trường và văn hóa làm việc tích cực sẽ có ích, bởi nó khuyến khích hoạt động nhóm và tăng cường giao tiếp, tương tác, thấu hiểu giữa đồng nghiệp với nhau. Bạn nên tổ chức những buổi họp định kỳ, để tỏ lòng biết ơn chân thành đến những đóng góp hiệu quả và nỗ lực vượt trội trong công việc của toàn thể nhân viên, ở mọi cấp bậc trong công ty. Những việc này không tốn nhiều chi phí nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý của tập thể đến một thành tựu nhất định. Điều này giúp tạo nên sự công nhận của cộng đồng đến từng cá nhân, một yếu tố tạo động lực vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai.

8Tăng chính sách phúc lợi

Bên cạnh tiền lương, có rất nhiều cách để hỗ trợ nhân viên trong đời sống thường nhật tùy theo điều kiện công ty. Bạn có thể dành cho họ các gói bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm thương tật cao cấp để họ tiết kiệm chi phí. Những lợi ích phụ trợ khác, ví dụ như chăm sóc sức khỏe răng miệng hoặc mắt cũng sẽ được nhân viên đón nhận nhiệt tình. Việc đưa ra chính sách lợi ích cao hơn mức cơ bản sẽ thể hiện thành ý quan tâm của doanh nghiệp đến nhân viên và gia đình của họ.

 Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Nghệ thuật thúc đẩy nhân viên

Giúp nhân viên nhiệt tình “hiến kế”

Comment