Trở lại và mạnh mẽ hơn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trở lại và mạnh mẽ hơn

Rất ít doanh nhân thành công ngay lần đầu tiên kinh doanh. Thực tế, có đến 830/960 tỷ phú tự thân của thế giới hiện nay đều đã từng thất bại. Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn không biết mình đã thất bại như thế nào và tìm cách sửa chữa những thiếu sót.

Cũng như câu nói của nhà diễn giả Tom Scarda: “Hãy luôn nhớ rằng, bạn sẽ hối tiếc những điều bạn không làm, chứ không phải những điều bạn đã làm.” Đúng vậy, sự thất bại dù nhỏ, hay lớn, đều là một bài học giúp bạn định hình được rủi ro để tránh khỏi những bước ngoặt cam go về sau. Một doanh nhân giỏi là người sẽ biết cách thỏa hiệp, chấp nhận sự thất bại và tìm cách đứng lên chiến đấu để tìm ra ngọn nguồn của vấn đề. Là một đầu tàu, nếu không thể thay đổi hướng gió, hãy học cách chịu đựng và bền bỉ sống chung với sự khắc nghiệt đó trong một thời điểm nhất định, dù rằng sẽ tổn thất, bạn vẫn sẽ có thể bảo toàn lực lượng và vững tay chèo về phía thành công. Thất bại không phải là dấu hiệu của một kết thúc tồi tệ, mà đó là bước đệm để bạn mở ra một lộ trình mới trong những thành công tiếp theo.

  • Phân tích nguyên nhân

Những nguyên nhân thất bại đều xuất phát từ những gốc rễ cơ bản và phổ biến nhất. Hãy dành thời gian xem xét lại toàn bộ lịch sử hoạt động, chỉ cần một thời gian ngắn ngồi lại và đặt bút viết xuống, bạn sẽ có thể nhận ra nguyên nhân chính của thất bại cũng như những quyết định sai lầm đã dẫn đến những nguyên nhân đó. Càng hiểu rõ nguyên nhân, bạn càng có nhiều khả năng ngăn chặn những kết quả tương tự xảy ra trong tương lai.

  • Lấy lại năng lượng

Hiểu rõ hơn về bản thân và tìm cách thúc đẩy năng lượng của chính bạn. Người biết rõ những gì họ cần sẽ có lối suy nghĩ rõ ràng và tìm được cách trang bị nhiều hơn để đối mặt với khó khăn.  Điều này có thể áp dụng dưới hình thức tập thể dục, dành thời gian cho những người mà bạn quan tâm hoặc đi đến một nơi nào đó có thể truyền cảm hứng trong lúc bạn tự cô lập.

  • Không quyết định bằng cảm xúc

Sẽ rất dễ dàng để đưa ra quyết định bằng cảm xúc của bạn ngay sau khi có sự việc tiêu cực xảy ra. Tuy nhiên, làm như vậy là vô cùng bất lợi. Hãy bình tĩnh lại, có một phút tĩnh tâm cho chính mình và ngăn chặn những lựa chọn mang tính cảm xúc dù bạn cho nó là vô cùng đúng đắn.

  • Tìm kiếm hỗ trợ từ xung quanh

Hãy vây quanh bản thân với bạn bè, gia đình hoặc bất cứ người nào có thể tư vấn cho bạn trong giai đoạn khó khăn để ngăn chặn cảm giác cô lập. Bạn có thể cảm thấy cô đơn trong công việc của mình, nhưng những người xung quanh sẽ khiến bạn cảm thấy được yêu thương và có thể giúp bạn giữ vững tinh thần cho công việc trong giai đoạn gian nan. Những người này cũng sẽ là những cố vấn tuyệt vời giúp bạn đưa ra những quyết định quan trọng và đúng đắn.

  • Thành thật với chính mình

Thất bại là một cơ hội tuyệt vời để bạn đánh giá lại tình hình của chính mình. Bạn nên tự hỏi tại sao công ty của bạn thất bại, bạn cảm thấy thế nào về điều đó và những gì bạn nên làm tiếp theo. Sự kiên trì trong quá trình thất bại là cực kỳ quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên nói với bản thân rằng bạn phải thất bại thường xuyên để có được nhiều bài học trong cuộc sống. Thất bại có thể là một dấu hiệu cho thấy những gì bạn đang làm không phải dành cho bạn. Thành thật với bản thân có thể giúp bạn tiết kiệm năng lượng để tập trung vào đam mê và gia tăng hạnh phúc đáng kể. 

  • Đừng coi trọng bản thân

Nhiều người vẫn thường cảm thấy thế giới như sụp đổ khi gặp thất bại. Trong một số trường hợp, thất bại mang đến sự cực đoan và dẫn nhiều người vào ngõ cụt. Vì vậy, đừng tự mãn với những thứ mình đạt được và hãy luôn nhìn mọi thứ ở hai mặt vấn đề, nhờ đó bạn có thể thấy bối cảnh trước mặt không chỉ là những nấc thang vừa tầm mà còn những nấc cao được che dấu, nếu không cẩn thận sẽ té ngã bất cứ lúc nào. Thất bại là một phần của cuộc sống, và khi nhận thức được mình đang đứng ở đâu, bạn sẽ có cách vượt qua trong thời điểm thích hợp dù không có vũ khí chống đỡ.  

Đọc thêm: Biến đối thủ thành đồng minh 

  • Nâng cao tinh thần học hỏi

Việc tiếp tục là cần thiết nhưng đó là một trong những phần khó khăn nhất khi gặp thất bại và phải bắt nguồn từ việc bạn đã học hỏi được những gì từ sai lầm. Hãy luôn sẵn sàng cho những câu hỏi “tại sao” sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, ngoài bạn ra, sẽ không ai có thể giúp bạn trả lời hoặc giải bài toán về doanh nghiệp của riêng bạn được. Tuy nhiên, điều cần thiết là bạn phải giữ được tinh thần lạc quan khi suy nghĩ về phía trước, nó sẽ giúp bạn minh mẫn vượt qua vấn đề và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

  • Đặt ra kỳ vọng

Là một doanh nhân, bạn sẽ phải đối mặt với cuộc sống ẩn chứa nhiều trở ngại. Người đang trong giai đoạn khó khăn xử lý hậu quả sau thất bại thường không dễ bắt đầu ngay một điều gì đó mới mẻ và có khuynh hướng tìm kiếm sự bình yên. Để tiếp tục tiến tới, bạn hãy tự đặt ra kỳ vọng cho bản thân, biến động lực nội tâm một lần nữa trở thành đam mê, có thể thôi thúc bạn chinh phục những thách thức, tìm ra câu trả lời rằng việc bạn đang làm sẽ thật sự mang lại những giá trị như thế nào cho chính bản thân bạn.

  • Kế hoạch dự phòng

Tuy không cần đưa ra kế hoạch dự phòng đầy đủ cho bất kỳ loại thất bại nào, nhưng chuẩn bị tinh thần cho những lần thất bại và khó khăn là điều cực kỳ quan trọng. Nếu bạn kỳ vọng rằng mọi thứ sẽ hoàn hảo theo kế hoạch, thì một khi kế hoạch không theo mong muốn, việc bạn có sự chuẩn bị sẽ giúp bạn không quá sốc và thất vọng khi đối diện với chúng.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: Hong Dang

Comment