Sẽ không ngoa khi nói rằng phấn phủ là một trong những “item” mỹ phẩm bất ly thân mà mọi quý cô đều mang theo và giữ cho riêng mình.
Tôi có một cô bạn, không như số đông những phụ nữ khác, luôn chọn mang theo phấn phủ thay vì son trong túi xách mỗi khi xuống phố. Cô bảo, lớp phấn có thể là lớp lụa bao phủ lấy khuôn mặt để cô luôn tự tin tỏa sáng. Khi tự tin, nụ cười tự khắc nở rộ trên môi thu hút sự chú ý chứ cần gì đến son môi. Nghe có vẻ khó tin, nhưng nàng lại bảo rằng, mỗi khi xuống phố với khuôn mặt không phủ phấn, cô cảm giác như mình đang khỏa thân giữa đám đông.
Ngược dòng lịch sử, ngay khi mỹ phẩm trang điểm còn chưa có khái niệm tại Việt Nam, chẳng phải phấn phủ, mà điển hình ở đây là phấn nụ cung đình, vẫn được các bậc đế vương, phi tần của triều Nguyễn sử dụng như một phương thức làm đẹp bắt buộc phải có đó sao? Vào thời kỳ phong kiến với nhiều lề thói hà khắc, phấn phủ vẫn có được chỗ đứng riêng, để tôn vinh nhan sắc hoàng tộc, để làm nổi bật những nét đẹp An Nam một thời.
Là một trong những món mỹ phẩm cuối cùng trong quy trình trang điểm, tựa như cây đũa thần để phủ lên nhan sắc của mọi quý cô một lớp phép màu, không thể phủ nhận phấn phủ là một trong những mỹ phẩm không-thể-bỏ-qua khi tô vẽ nhan sắc. Quan trọng là thế nhưng ít ai biết rằng, phấn phủ còn mang theo những giá trị văn hóa, lịch sử đáng kinh ngạc với hơn 4.000 năm xuất hiện để tôn vinh nhan sắc phái đẹp. Phấn phủ ra đời khi những phụ nữ Ai Cập cổ đại phát minh ra cách trộn đất sét với bột để đắp lên mặt. Một thời gian dài sau đó, phấn phủ còn là dấu hiệu phân chia giai tầng: giới quý tộc dùng phấn phủ trắng, nô lệ dùng những màu phấn sậm hơn.
Nữ hoàng Cleopartra, giai nhân nổi tiếng khuynh thành, cũng được lịch sử ghi nhận đã sử dụng phấn phủ trong công cuộc làm đẹp để giữ chân vị tướng Anthony hào hoa. Không chỉ làm đẹp, phấn phủ còn trở thành dấu ấn đặc trưng của các người đẹp, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không ai lại không khuất phục trước quyền năng nhiệm màu của phấn phủ. Chẳng phải thế sao khi sau Cleopatra, bà hoàng Marie Antoinette của Pháp quốc cũng đã đi vào sử sách với khuôn mặt trắng sứ nhờ phấn phủ?! Không chỉ thế, tại Trung Hoa và Nhật Bản, các geisha còn sáng tạo nên phấn phủ từ bột gạo để làm đẹp. Từ thế kỷ XV, nguồn sản xuất bột gạo và mì đã gia tăng, chỉ vì… để phục vụ nhu cầu làm đẹp của phái yếu. Bấy nhiêu cũng đủ để thấy rằng, thế giới, đặc biệt là phái đẹp, chỉ không thể sống khi thiếu… lương thực và phấn phủ.
Vượt qua bao thăng trầm với nhiều bước ngoặt lịch sử, phấn phủ ngày nay càng khẳng định vị thế độc tôn trong làng mỹ phẩm. Với những cô gái Việt Nam, khí hậu nóng ẩm gió mùa còn khiến cho các nàng không thể “sống sót” nếu thiếu phấn phủ. Bột phấn mịn màng không chỉ có nhiệm vụ giữ chặt các lớp trang điểm khác, mà còn giúp thấm dầu, hạn chế mồ hôi. Phấn phủ lúc ấy, tựa như một con đê, thành trì vững chãi để lưu giữ vẻ đẹp trên khuôn mặt. Có lẽ cũng vì ý nghĩa đặc biệt này, mà trong quá trình trang điểm, bạn có thể bỏ qua má hồng, son môi hoặc không kẻ mày, kẻ viền mắt… nhưng sẽ không thể nào quên việc phủ một lớp phấn thật mịn lên khuôn mặt, để hô biến và giữ gìn nhan sắc cho cả ngày dài.
MỐC SON CỦA PHẤN PHỦ
- Thế kỷ XX với sự ra đời của phim ảnh, khiến nhu cầu trang điểm của các diễn viên tăng cao, đưa phấn phủ trở thành một trong những mỹ phẩm mọi diễn viên sử dụng khi ghi hình. Năm 1923, một công ty mỹ phẩm Anh quốc đã cho ra đời phấn phủ dạng nén đầu tiên trên thế giới, đây chính là điểm khởi thủy của phấn phủ dạng nén ngày nay.
- Những năm 1920, Anthony Overton ra mắt phấn phủ dạng bột đầu tiên tại Mỹ. Sau này, vào những năm 1940, Elizabeth Arden cũng bắt đầu sản xuất phấn phủ dạng bột bên cạnh những mỹ phẩm khác.
- Thập kỷ 1950, Max Factor ra mắt loại phấn có độ che phủ cao, thường được dùng trong trang điểm chuyên nghiệp. Khi mới ra đời, sản phẩm được gọi là “pan cake”.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN