INTERVIEW | CEO, Pharmacity – TRẦN TUỆ TRI: Sự cảm thông của lãnh đạo là chìa khóa thúc đẩy nhân sự

INTERVIEW | CEO, Pharmacity – TRẦN TUỆ TRI: Sự cảm thông của lãnh đạo là chìa khóa thúc đẩy nhân sự

Khởi đầu sự nghiệp với từng bước nhỏ và mục tiêu khiêm tốn “để thoát nghèo”, nhưng sau gần 30 năm chinh chiến trong ngành bán lẻ, nữ doanh nhân Trần Tuệ Tri đã tự hào ghi danh phụ nữ Việt ở những vị trí lãnh đạo hàng đầu.

Nữ CEO của Pharmacity đã đến buổi phỏng vấn trong dáng vẻ giản dị và nụ cười hồn hậu, khác hẳn với tưởng tượng của chúng tôi về hình ảnh một “nữ tướng” lẫy lừng của ngành bán lẻ. Sau gần 30 năm chinh chiến trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo tại các tập đoàn đa quốc gia Unilever, P&G, Samsung…, tham gia phát triển thị trường từ Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ, đến Indonesia, Philippines, Thái Lan… và giờ đây là tại quê hương, nhưng chị Trần Tuệ Tri gần như không chia sẻ gì nhiều về thành tựu cá nhân. Chị luôn tin rằng trên hành trình sự nghiệp đã qua, chị đã có quá nhiều may mắn và giờ đã đến lúc chị cho đi những gì nhận được.

>>> For English version, click here!

Một hành trình sự nghiệp của may mắn và tích cực

Xin chào chị Tuệ Tri, nhìn lại hành trình sự nghiệp đã qua, chị nghĩ mình đã có con đường phát triển nhiều thuận lợi hay lắm chông gai?

Cũng khó để nói rằng tôi đã đi một con đường sự nghiệp nhiều thuận lợi hơn hay nhiều chông gai hơn. Tôi đã đi làm gần 30 năm, đảm đương nhiều vị trí ở nhiều Tập đoàn không chỉ tại Việt Nam mà còn hơn 40 quốc gia khác. Nói đúng hơn, tôi thấy sự nghiệp của mình thật sự có duyên với hai chữ “may mắn”. Dù sinh ra vào thời buổi đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng khi tôi bắt đầu đi làm thì đúng thời điểm Việt Nam mở cửa, vì thế tôi đã có rất nhiều cơ hội. Suốt hành trình này, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ cũng như học hỏi rất nhiều người, từ những vị sếp tài giỏi đến bạn bè hay đồng nghiệp.

Một điều nữa rất có vai trò quan trọng trong hành trình phát triển sự nghiệp của tôi, đó là suy nghĩ tích cực. Đây cũng có thể nói là một điều may mắn khác mà tôi có được nhờ lời dạy bảo của ba mình. Ngay từ nhỏ ba đã dạy tôi về “tính hai mặt của sự việc”, một vấn đề có mặt thuận lợi thì sẽ có mặt nào đó khó khăn, có cái đẹp thì có cái xấu. Quan trọng là cách mình nhìn nhận như thế nào. Giống như những ngày đầu khi tôi được cử làm quản lý ở nước ngoài giữa dàn nhân viên dày dạn kinh nghiệm, thay vì lo lắng e ngại thì tôi đã xem đây như cơ hội học hỏi, chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ của mình, đem đến những đóng góp có giá trị. Chính điều đó đã giúp tôi luôn nhìn thấy sự tích cực trong cuộc đời và sự nghiệp để những lúc khó khăn, tôi đều có thể vượt qua.

Phong van nu doanh nhan CEO Pharmacity Tran Tue Tri

Từ những ngày còn trẻ, chị Tuệ Tri đã từng tưởng tượng mình sẽ có ngày bay cao bay xa như thế này không?

Chưa, thật sự tôi chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình trở thành lãnh đạo ở công ty này hay tập đoàn kia rồi được làm việc vòng quanh thế giới như thế. Tôi có xu hướng đi từng bước, đặt ra mục tiêu vừa tầm trong ngắn hạn, thực hiện cuốn chiếu và gom góp thành mục tiêu dài hạn to lớn hơn. Tôi tin chỉ cần chúng ta bước đi thì chân trời mới sẽ được mở ra.

Vì thế ở những năm tháng còn trẻ đó, mục tiêu trước mắt luôn thôi thúc tôi là phải thoát nghèo. Nhìn từ gia đình mình cho tới xã hội những năm 98 – 99, tất cả vẫn còn nghèo khổ và thiếu thốn, vì thế tôi phải cố gắng làm việc để phát triển cho bản thân, cho những người xung quanh mình. Ngoài ra, khi va chạm thực tế với môi trường làm việc quốc tế, sự thua kém với đồng nghiệp cũng tạo nên động lực để tôi theo đuổi mục tiêu thu hẹp khoảng cách với họ. Cứ hoàn thành từng mục tiêu phù hợp với từng thời điểm, từng hoàn cảnh như thế mà tôi đã đi đến được ngày hôm nay.

Vậy mỗi khi tiếp nhận vị trí quản lý ở một doanh nghiệp mới, chị Tuệ Tri thường chuẩn bị cho mình những gì?

Có một cuốn sách mang tên “The first 90 days”, tôi đã đọc rất lâu rồi và đến nay vẫn áp dụng. Nội dung của nó chỉ ra nên chuẩn bị những bước gì trước khi đến một nơi làm việc mới theo cách đơn giản và dễ hiểu. Về cơ bản, chúng ta cần hiểu được về tổng quan tổ chức, cơ cấu con người, quá trình phát triển, tình hình kinh doanh, văn hóa tổ chức…, trong đó đặc biệt xác định được những người có tầm ảnh hưởng trong doanh nghiệp.

Trong những giai đoạn đầu trong một doanh nghiệp mới, tôi luôn đặt ra những cột mốc gọi là “early wins” mà tôi muốn đạt được. Tất cả kế hoạch “early wins” sẽ được tôi xây dựng dựa trên số liệu và được chia sẻ rõ ràng với các cộng sự mới, trên cơ sở họ là những đồng đội sát cánh cùng tôi và là một phần không thể thiếu lèo lái con thuyền chung. Nếu ai đó thấy đây không phải là con thuyền họ muốn đi, họ sẽ sớm có sự lựa chọn. Còn lại khi tất cả mọi người đều hiểu trọng trách của mình, được lãnh đạo lắng nghe và thấu hiểu, họ sẽ đồng lòng cùng tôi đưa doanh nghiệp phát triển xa hơn.

Điều gì khiến chị Tuệ Tri tự hào nhất khi nhìn lại cả hành trình sự nghiệp của mình đến thời điểm này? Sau nhiều thành công, chị có sợ mình ngủ quên trên chiến thắng?

Có thể nói điều tôi tự hào nhất chính là sự thành công của những nhân viên từng làm việc cùng mình. Tôi vui vì sớm nhận ra tiềm năng của họ và tạo được các điều kiện thuận lợi cho họ phát triển. Tôi luôn tâm niệm, lãnh đạo không phải là người giỏi nhất nhưng phải là người có khả năng dẫn dắt những người giỏi hơn mình trở nên thành công.

Tôi cũng tự hào khi được góp phần đưa những sản phẩm có ích cho cuộc sống đến tay của mọi người, ví dụ như đưa bột giặt Tide vào Ấn Độ, hay nước xả vải Downy về Việt Nam. Đó là sự tự hào không phải về thành công của chính mình nữa mà về những việc tôi đã có thể làm cho người khác và cho cộng đồng.

Ranh giới giữa sự tự ti, tự tin, rồi đến tự kiêu rất mong manh. Tôi phải luôn nhắc nhở bản thân cân bằng giữa 3 khái niệm này để không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những điều chúng ta đạt được, nhưng không được để bản thân trở nên chủ quan mà phải biến niềm kiêu hãnh đó thành động lực để nắm bắt cơ hội.

Sự cảm thông của lãnh đạo là chìa khóa thúc đẩy nhân sự

Là một phụ nữ tham gia điều hành kinh doanh với nhiều vị trí quan trọng, theo chị Tuệ Tri đâu là lợi thế và yếu điểm của nữ giới khi làm lãnh đạo?

Nói về phụ nữ lãnh đạo, tôi rất vui khi Việt Nam có tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo rất cao. Khoảng 5 năm trước, tôi có cơ hội tham dự Women Leadership Training ở UK, các giáo sư đại học INSEAD đã công bố dữ liệu khảo sát Việt Nam và Trung Quốc có nhiều phụ nữ là CEO nhất.

Với tôi, điểm mạnh của phụ nữ chính là “quyền lực mềm” của họ. Đó là sự dẻo dai, kiên nhẫn và linh hoạt. Có lẽ vì trong cuộc sống họ phải đóng nhiều vai trò, nên họ có khả năng xử lý uyển chuyển, dễ dàng hơn. Trong những tình huống gặp phải sự nóng giận từ cộng sự, người phụ nữ vẫn có khả năng điềm tĩnh để xử lý vấn đề. 

Thế nhưng, cũng vì lý do đảm đương nhiều vai trò, như chúng ta thường có câu “giỏi việc nước đảm việc nhà”, nên để làm tròn trách nhiệm phụ nữ thường gặp khó khăn về thời gian. Một điều nữa, khi trong một đội nhóm mà nữ giới là thiểu số, việc thiếu đồng minh dễ khiến nhân viên nữ có tâm lý mình là phái yếu, từ đó giảm tự tin và giảm sự chủ động phát huy khả năng. Tuy nhiên, với những phụ nữ đã đạt vị trí quản lý hay lãnh đạo, tôi thấy họ lại không bị ảnh hưởng bởi những thứ ngoại quan này, và điều tưởng là khó khăn đó lại trở thành thế mạnh của họ.

Phong van nu doanh nhan CEO Pharmacity Tran Tue Tri

Vậy làm thế nào để những nhân sự nữ trẻ có thể biến khó khăn thành thế mạnh cho mình như thế, thưa chị Tuệ Tri?

Để tự tin hơn, một điều chắc chắn là chúng ta phải làm cho mình giỏi giang và bản lĩnh hơn, và điều đó chỉ có được khi học hỏi. Ai cũng cần phải học, và người trẻ càng cần phải học nhiều hơn.

Thời điểm lần đầu tiên ra nước ngoài làm việc, tôi cũng thiếu và yếu nhiều thứ. Thế hệ gen X lúc đó không có nhiều thông tin kiến thức để học như bây giờ, cũng không có nhiều cơ hội mở mang kinh nghiệm trong môi trường làm việc sử dụng tiếng Anh. Nhiều lúc trong các cuộc họp tôi chỉ hiểu được một nửa những gì đồng nghiệp thảo luận. Hay như sếp của tôi lúc đó, anh chỉ lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng đủ đầy bản lĩnh, trình bày và thuyết phục mọi thứ mạch lạc, gãy gọn, ai cũng hiểu, trong khi tôi phải giải thích nhiều thì mọi người mới hiểu. Tôi thật sự có chút hoang mang nhưng rồi tự phân tích bản thân. May mắn là tôi đã nhận ra được những điều mình chưa hoàn thiện, bắt đầu quan sát những người tài giỏi xung quanh, học hỏi và tham khảo những điều hay của họ rồi dần làm lại theo cách của mình. Cách tôi phát triển bản thân cứ từng bước như thế. Trước khi lên được mức độ chuyên nghiệp, chúng ta luôn cần những nền tảng cơ bản. 

Kinh qua quản lý ở nhiều tập đoàn, phong cách lãnh đạo của chị Tuệ Tri đến nay theo đuổi điều gì?

Vẫn là một chữ may mắn khi tôi được trải nghiệm công việc ở nhiều tập đoàn lớn, và tại mỗi nơi tôi đều học được nhiều triết lý điều hành như servant leadership, purpose-driven leadership, situational leadership, positive thinking leadership… Nhưng qua nhiều năm, đến gần đây nhất tôi đang áp dụng “empathetic leadership”, nghĩa là nhà lãnh đạo thấu cảm.

Tôi cho rằng, người có khả năng lãnh đạo là người có thể làm việc hiệu quả với con người, bởi không ai có thể làm việc một mình mà luôn cần tập thể. Thêm vào đó, vấn đề của thế giới hiện đại là sức khỏe tinh thần. Người lãnh đạo chỉ cần một câu nói vô tình cũng có thể làm một nhân viên suy nghĩ, cảm thấy không được tin tưởng, dẫn đến sa sút công việc. Khả năng thấu cảm từ người lãnh đạo đã được nhiều nghiên cứu chứng minh rằng sẽ giúp nhân sự của họ luôn tin rằng mình được lắng nghe, được thấu hiểu, nhờ đó gia tăng sự sáng tạo, chủ động trong công việc, đem đến hiệu quả tốt hơn cho công ty.

Trên một chuyến bay từ Singapore về Việt Nam, tôi từng may mắn gặp được một vị thiền sư và xin lời khuyên về việc nên thiền như thế nào. Khi ấy, ông nói với tôi rằng: “Đầu tiên, con phải thiền từ miệng của mình”. Lời khuyên của ông như củng cố thêm cho tôi về nguyên tắc “empathetic leadership”, mang sự mềm dẻo, uyển chuyển và tinh ý vào từng lời nói của mình.

Phong van nu doanh nhan CEO Pharmacity Tran Tue Tri

Việc tạo điều kiện cho nhân sự tiềm năng phát triển theo chị Tuệ Tri cần theo định hướng của công ty hay ưu tiên thế mạnh của họ? Người có tiềm năng trở thành lãnh đạo thường là nhân sự như thế nào?

Với tôi, để mỗi con người được phát triển là phải đặt để họ trong những vai trò phù hợp. Mỗi nhân sự đều có những điểm hay riêng mà nếu người quản lý hạn chế điều đó và định hướng theo ý mình muốn thì họ sẽ khó phát triển trọn vẹn. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy tốt nhất việc đào tạo và phát triển nhân viên phải ưu tiên dựa theo thế mạnh của họ, để họ tự thích nghi thế mạnh đó với định hướng chung của doanh nghiệp thì mới đem đến hiệu quả cho cả đôi bên.

Một người có tố chất phát triển thành lãnh đạo sẽ sở hữu nhiều đặc điểm cùng kỹ năng vượt trội. Nhưng tựu trung, tôi nhận thấy ở họ phải luôn có tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Không ai có thể biết được tất cả, mình giỏi cũng có người giỏi hơn. Có những điều hôm nay mình cho là phù hợp, là mình đã biết rất rõ, nhưng ngày mai nó không còn hợp lý nữa và mình phải học lại. Đó là lý do tôi luôn nhắc nhở bản thân và cộng sự hai từ: “learn” và “unlearn”. Ngoài ra, một đặc điểm nữa rất dễ thấy là khát vọng trở thành lãnh đạo ở những nhân sự này được bộc lộ rất mãnh liệt qua tinh thần sẵn sàng học hỏi, không chỉ để giỏi hơn mà còn để trở thành lãnh đạo. 

Theo chị Tuệ Tri, nhân sự cần chuẩn bị tâm thế và kỹ năng như thế nào nếu họ khát khao xây dựng sự nghiệp thành công như chị đã từng?

Đầu tiên, điều bạn cần có là giá trị cốt lõi. Mỗi người có một nền tảng giá trị khác nhau được nuôi dưỡng từ môi trường sống, học tập và trưởng thành. Khi bạn hiểu rõ giá trị của mình, đặc biệt trên con đường xây dựng sự nghiệp, bạn sẽ có tâm lý vững chãi, ít bị lung lay bởi những thăng trầm.

Điều thứ hai bạn cần có là thái độ đúng đắn và tinh thần cầu tiến. Tại sao tôi không đề cập đến kỹ năng? Vì vốn dĩ đó là điều bắt buộc khi đi làm, nếu không có kỹ năng coi như bạn đã thua ngay từ đầu. Tuy nhiên, thời đại này mọi người dễ dàng trang bị kiến thức, kỹ năng qua nhiều kênh như học online hay đọc sách bên cạnh trường lớp chính quy. Vậy khi có nhiều người cùng có kỹ năng thì yếu tố tiếp theo các doanh nghiệp sẽ xem xét đó là thái độ. Thái độ trong công việc, thái độ khi học hỏi, thái độ tìm tòi giải pháp cho các vấn đề… Ngay cả thái độ khi không biết điều gì đó cũng rất đáng để quan tâm. Không biết thì phải hỏi, một nhân sự không biết cách hỏi hoặc ngại hỏi là chưa biết cách tận dụng những nguồn trợ giúp xung quanh để phát triển chính mình.

Từ điều trên, sẽ có điều thứ ba mà các nhân sự cần có là những người hỗ trợ và các mối quan hệ rộng mở. Ví dụ tôi cũng dạy con gái mình phải trò chuyện, hỏi thăm thầy cô thường xuyên. Điều đó sẽ giúp con có sự kết nối với giảng viên, khi có cơ hội thầy cô sẽ nhớ ngay đến con và ngược lại khi cần trợ giúp con cũng có thầy cô bên cạnh. Mở rộng ra ngay cả trong môi trường đi làm cũng vậy. Nhân sự phải học cách để lại ấn tượng với quản lý và cộng sự, thậm chí là đối tác hay khách hàng. Ở một môi trường có nhiều người như thế, làm sao để khi có cơ hội họ nhớ đến bạn đầu tiên, hay khi bạn cần giúp đỡ, họ cũng sẵn sàng, đó chính là lợi thế của bạn.

Ngoài ra, trong điều thứ ba này, bạn cũng cần tìm được một người dẫn dắt, hay còn được xem là “mentor”. Họ là những người đi trước, có những kinh nghiệm và thành công nhất định, có thể tư vấn cho bạn điều gì cần tập trung, điều gì nên học hỏi trong từng thời điểm. Nếu có người định hướng tốt, một nhân sự tiềm năng sẽ biết cách phát huy năng lực và phát triển đúng hướng.

Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những điều chúng ta đạt được, nhưng không được để bản thân trở nên chủ quan mà phải biến niềm kiêu hãnh đó thành động lực để nắm bắt cơ hội.”

Phong van nu doanh nhan CEO Pharmacity Tran Tue Tri

Bước đến chương “cho đi” của cuốn sách cuộc đời

Hiện tại, khi đã là một nữ lãnh đạo doanh nghiệp, một tác giả, diễn giả, chị Tuệ Tri còn hướng đến thành tựu nào tiếp theo không?

Tôi cũng chia cuộc đời mình ra làm nhiều chương trong một quyển sách. Những năm tuổi 20 – 30 là lúc lớn lên, học hỏi những điều mới mẻ trong cuộc sống. Đến năm tuổi 30 – 40, tôi hướng đến thế giới rộng lớn hơn, bước ra nước ngoài học thêm những nền văn hóa khác nhau. Và đến nay là giai đoạn tiếp theo, tôi muốn viết cho mình một chương mới mang tên “cho đi”. Nhìn lại những chương đời đã qua, tôi cảm thấy mình đã quá may mắn khi gặp được nhiều người nổi bật và sẵn sàng chỉ dẫn, cho tôi học được nhiều điều hay để gọt giũa chính mình. Không những thế tôi còn có cơ hội ứng dụng những điều đã học hỏi đó để đem đến nhiều giá trị không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.

Còn nhớ những ngày đầu đi làm, có một người sếp đã tỉ mỉ sửa cho tôi một chiếc văn bản đến 20 lần. Ông cứ gọi tôi vào sửa từng chút một và luôn tôn trọng hỏi tôi lý do tại sao. Những ấn tượng ngày đầu đó đã khiến tôi suy nghĩ mãi. Một viên đá thô không thể lung linh xinh đẹp nếu không có người nhìn ra sự lấp lánh bên trong và mài giũa nó, một người sẽ thật may mắn khi có những người đi trước nhìn ra tiềm năng và sẵn sàng dìu dắt để họ ngày một trở nên hoàn thiện hơn.

Vì thế nên, dù ngày trẻ đã từng có “giấc mơ Mỹ”, nhưng khi được vi vu đến khắp nơi trên thế giới rồi tôi lại chỉ nghĩ đến “giấc mơ Việt Nam”. Càng đi nhiều tôi càng thấy không nơi đâu mà mình có thể sống, làm việc và cống hiến tốt như ở quê hương. Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và vô cùng tiềm năng để đẩy mạnh đầu tư, tôi vẫn nói với bạn bè mình như thế. Giờ đây, tôi luôn nung nấu được chứng minh niềm tin và tự hào về tương lai của đất nước, mà cụ thể là các thương hiệu Việt, qua công việc mình đang làm. Đó là cách mà tôi đang theo đuổi để “cho đi” những gì tôi đã may mắn được nhận trong chương mới của cuộc đời này.

Phong van nu doanh nhan CEO Pharmacity Tran Tue Tri

“Để tự tin hơn, một điều chắc chắn là chúng ta phải làm cho mình giỏi giang và bản lĩnh hơn, và điều đó chỉ có được khi học hỏi.”

Mọi người đều mong đợi mình có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng nếu vẫn rơi vào tình huống mất cân bằng chúng ta nên làm thế nào, thưa chị Tuệ Tri?

Cuộc sống cũng như công việc, khi thiếu cân bằng nghĩa là nó đang hoạt động không hiệu quả. Một khi cảm thấy không cân bằng là lúc cần thay đổi. Hãy ngồi lại và tự phân tích những gì đang diễn ra. Công việc bạn đang làm có phù hợp chưa? Có thể chia sẻ cho người khác làm không? Bạn đã có người giỏi để hỗ trợ chưa? Tại sao ngày nào bạn cũng tất bật với công việc?

Nếu tự giải đáp vẫn không hiệu quả, bạn sẽ cần tìm lời khuyên. Những thay đổi là bắt buộc phải diễn ra, thậm chí là thay đổi cả công việc bạn đang làm. Khi bạn bận rộn, bạn phải biết tại sao mình bận và sự bận rộn đó có xứng đáng không. Nếu sự tất bật vẫn đem đến cho bạn niềm vui, điều đó có nghĩa bạn đã hiểu rõ mình làm gì và thấy hài lòng, và lúc này khái niệm cân bằng không còn nhiều ý nghĩa nữa.

Việc có con cái, gia đình đôi khi sẽ là rào cản cho con đường sự nghiệp của người phụ nữ. Chị Tuệ Tri có nghĩ như vậy không?

Trong cuộc sống cá nhân, tôi cũng gặp may mắn khi có gia đình và ông xã luôn ủng hộ. Tôi cũng chỉ có một cô con gái thôi, nên không trải qua nhiều thời gian gián đoạn sự nghiệp vì thai sản hay nuôi dạy con. Ở công ty, tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên đến nhân viên trong giai đoạn thai sản đó, giúp công việc của tôi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhân viên nữ của tôi thì có nhiều người rơi vào tình huống phân vân không biết nên ưu tiên cho sự nghiệp hay gia đình. Tôi thường khuyên nhân sự của mình rằng, mỗi người phải hiểu và xác định được điều gì là quan trọng nhất với mình ở từng thời điểm. Khi đã hiểu thấu sự mong cầu của bản thân, thì sự hy sinh nếu có xảy ra cũng hoàn toàn có thể chấp nhận và xứng đáng. Vì vậy, hãy có kế hoạch cho cuộc đời, mỗi giai đoạn hãy ưu tiên điều cần thiết nhất sẽ hạn chế được những sự ảnh hưởng không mong đợi.

Trong trường hợp con gái nói với chị là muốn trở thành một quản lý cấp cao như mẹ, chị Tuệ Tri sẽ khuyên con điều gì?

Với con gái nhỏ của mình, tôi muốn con hiểu hai từ “trách nhiệm”. Nếu muốn làm lãnh đạo, điều đầu tiên mà con nên nghĩ đến là phải có trách nhiệm với nhiều người. Việc lãnh đạo luôn được bắt đầu với yếu tố con người, mọi vấn đề đều được bắt nguồn từ con người, vì thế người lãnh đạo phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, với mọi thành viên trong tập thể bên cạnh công việc mà mình quản lý.

Cám ơn chị Tuệ Tri đã chia sẻ!

***

SUCCESS MIND:

Chị định nghĩa như thế nào về khái niệm thành công đối với nữ doanh nhân?

Thành công với tôi là mỗi ngày đều có thể vui vẻ và thấy mình sống có ích. Thành công của tôi còn là khi được tự chủ, tự lập trong suy nghĩ, hành động và không phụ thuộc vào ai.

***

QUICK QUESTIONS:

  • Ba tính cách đặc trưng mô tả về chị? Nhân từ – Tò mò – Mạnh mẽ
  • Chị sắp xếp lịch trình như thế nào để viết cuốn “Thương hiệu Việt Nam – Thời khắc vàng”? Đây là cuốn sách không phải viết theo cảm nhận cá nhân mà cần nghiên cứu, khảo sát và tập hợp số liệu. Vì vậy tôi đã mất hơn 3 năm để thực hiện, bắt đầu từ năm 2019 khi còn ở Singapore, cùng sự hỗ trợ của một nhóm cộng sự trẻ. Ba tháng cuối khi chuẩn bị phát hành là thời gian bận rộn nhất, tôi phải thường xuyên làm việc cuối tuần ngoài công việc chính. Dù thời gian khá dài và cũng có nhiều thay đổi về nội dung theo tình hình nền kinh tế, thêm vào đó bên cạnh những lời động viên cũng có những lời bàn ra, nhưng tôi vẫn thấy hứng thú và rất vui với thời gian mình đã đầu tư vào đó, cũng như đón nhận sách ra đời như những gì tôi mong đợi.
  • Khi bản thân gặp trở ngại, câu nói chị hay nói với bản thân mình đầu tiên là gì? “Ông trời đang thử thách mình chút thôi. Để xem mình có thể mạnh mẽ hay không. Không sao cả, mình cứ bước tiếp!”

***

Bài phỏng vấn đã được đăng trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 144.2023 | Content Director: JENNI VÕ |  Creative Director: LÊ ĐỨC HIỆP | Editor: HIDA | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG

>>> For English version, please read here:

Có thể bạn quan tâm:

Comment