Giám đốc điều hành DANTI, Đặng Thảo Nhu: Hiện đại trong truyền thống • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giám đốc điều hành DANTI, Đặng Thảo Nhu: Hiện đại trong truyền thống

Du học từ khi 14 tuổi, nhưng dù sống trong môi trường hiện đại, cởi mở cũng không làm thay đổi cốt cách và nền giáo dục truyền thống mà Đặng Thảo Nhu đã được thụ hưởng từ gia đình. Hai mươi bảy tuổi, Thảo Nhu gây ngạc nhiên khi quyết định trở về Việt Nam phát triển sự nghiệp đồng thời thành công trong việc mang thương hiệu thời trang lâu đời tại Mỹ – Brooks Brothers về Việt Nam. Liệu cô gái trẻ vừa hiện đại vừa truyền thống này sẽ lèo lái cơ nghiệp như thế nào?

NDN_Dang Thao Nhu cty Danti_2“Tôi chưa từng nghĩ sẽ định cư ở nước ngoài. Tôi nghĩ, khi thực sự yêu thích một nơi nào đó mới có thể sống vui vẻ, cảm thấy phấn khích trước những thách thức và cơ hội nơi đó mang lại. Nếu không thế, có lẽ chỉ là cuộc sống thiếu ý nghĩa. Phần khác, tôi khá truyền thống và có mối gắn kết chặt chẽ với gia đình, vì thế, việc quay về sau quá trình học tập, trau dồi ở nước ngoài là điều tất yếu”, Thảo Nhu chia sẻ về quyết định khiến nhiều người đặt câu hỏi của mình. Nhưng đó không hẳn là điều đặc biệt nhất mà chính là quyết định không vội vàng tiếp nhận vị trí quản lý tại công ty gia đình để “ra ngoài, được va chạm và làm quen với văn hóa làm việc cũng như tránh cảm giác được bảo bọc”. Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết Thảo Nhu chọn công ty game dù chưa chơi game bao giờ và không liên quan gì đến truyền thống kinh doanh thời trang của gia đình nhưng Thảo Nhu cho biết: “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, bất kể là lĩnh vực nào, chỉ cần cố gắng và nỗ lực học hỏi thì sẽ tiếp thu được, quan trọng là sự trải nghiệm. Quả thật, những kinh nghiệm ban đầu đó đã giúp ích rất nhiều cho công việc sau này của tôi. Đặc biệt là trong vấn về quản lý nhân sự.”

Quản lý sâu sát nhưng không gây áp lực

Có vẻ dù được tiếp xúc với lối sống hiện đại và cởi mở từ rất sớm nhưng dường như chị vẫn rất truyền thống?Điều này tác động thế nào đến phong cách quản lý của chị?

Từ nhỏ, tôi đã luôn tâm niệm phải cố gắng học tập, làm gương cho em gái và khiến bố mẹ tự hào. Chẳng hạn như việc đưa thương hiệu thời trang lâu đời Brooks Brothers về Việt Nam là một cách làm mới nhưng không làm mất đi truyền thống kinh doanh của DANTI vốn là một công ty chuyên kinh doanh thời trang dành cho nam giới – lĩnh vực khá ít sự cạnh trang trong nước những năm trước đây.   

Mặc dù có thể là tuýp phụ nữ tôn trọng những giá trị truyền thống nhưng cách quản lý của tôi lại khá hiện đại. Tôi thoải mái với nhân viên như đồng nghiệp, như những người bạn, luôn đối xử công bằng và tôn trọng công việc của họ bằng cách không bó hẹp thời gian và tin tưởng vào năng lực của họ. Nhóm của tôi đa phần là những người trẻ, mọi người sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ nhau cùng tìm cách giải quyết vấn đề thay vì áp đặt suy nghĩ lên người khác. Tôi luôn dành thời gian tham gia mọi việc cùng họ, giúp họ hiểu cách làm việc và mong muốn của mình từ đó nhóm sẽ làm việc ăn ý hơn và các bạn nhân viên cũng sẽ tự nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt công việc của họ. Tôi quan niệm rằng, chỉ khi nào mình hết lòng với công việc thì mới có thể kỳ vọng người khác làm được điều tương tự.

Thời gian đầu sau khi về nước, việc thích nghi với văn hóa làm việc ở Việt Nam có khó không?

Đúng là có nhiều khác biệt và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất chính là văn hóa “đá bóng” đùn đẩy trách nhiệm. Rất may, tôi đã thích nghi khá nhanh và dần học được cách dung hòa giữa cách quản lý của mình với cách làm việc của nhân viên. Tôi nhận ra, mình chỉ nên định hướng và giao cho họ quyền chủ động chọn thời gian, cách thức hoàn thành công việc tuy nhiên tôi cũng sẽ luôn quan sát tiến độ để hỗ trợ hay can thiệp kịp thời.

Có vẻ như chị đã làm rất tốt việc quản lý đội ngũ và truyền cảm hứng cho họ?

Bên cạnh kế hoạch huấn luyện, đào tạo giúp nhân viên tiếp cận đúng và chăm sóc khách hàng hiệu quả, tôi luôn muốn nghe định hướng phát triển của nhân viên để tạo cơ hội giúp họ tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tôi luôn mong rằng, thời gian làm việc tại Brooks Brothers sẽ là kinh nghiệm quý báu và những thành tích đạt được tại đây sẽ là niềm tự hào của họ nếu một cách nào đó họ rời khỏi đây.

Nhiều nhà quản lý cho rằng tạo áp lực sẽ giúp nhân viên làm việc tốt hơn, chị có đồng ý với quan điểm này?

Tuy đồng tình nhưng đây không phải là cách tôi chọn. Tôi cầu toàn trong công việc và hầu hết các nhân viên đều biết điều đó nhưng tôi không tạo áp lực cho họ hay để họ tự “bơi” mà luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ khi cần. Ban đầu, tôi cũng muốn tham gia vào mọi việc để đảm bảo kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, rồi tôi nhận ra mỗi người có một cách làm việc khác nhau và họ cần không gian riêng để sáng tạo. Dần dần, chúng tôi tự điều chỉnh cách làm việc để phối hợp nhịp nhàng nhất có thể.

Vui lòng nhấn vào đây để đọc phiên bản báo in!

NDN_Dang Thao Nhu cty Danti_1

“Chỉ khi nào mình hết lòng với công việc thì mới có thể kỳ vọng người khác làm được điều tương tự.”

_____________

Xác định đúng thời điểm, chọn đúng vị trí

Theo chị, sự góp mặt của các thương hiệu thời trang cao cấp và xa xỉ sẽ tác động hoặc ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của nền thời trang nội địa và văn hóa ăn mặc của người Việt?

Trước khi các thương hiệu thời trang cao cấp được đưa về Việt Nam, khách hàng dường như không có nhiều lựa chọn, nhất là nam giới. Vài năm trở lại đây, bên cạnh các thương hiệu trung, cao cấp thâm nhập thị trường mang đến nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng còn có thương hiệu của các nhà thiết kế trẻ trong nước. Họ có phong cách riêng, màu sắc riêng và đầu tư hình ảnh rất kỹ lưỡng. Sự cạnh tranh ngày càng mang đến sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, điều đó cho thấy sự tác động của thời trang quốc tế đến thời trang nội địa. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam cũng đã thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang thế giới, hiểu hơn về các thương hiệu và biết tạo phong cách riêng cho mình. Đặc biệt, ngay chính khách hàng nam giới cũng đã quan tâm nhiều hơn đến ăn mặc thay vì “phó thác” cho vợ hay bạn gái.

Với thương vụ hợp tác đưa thương hiệu Brooks Brothers về Việt Nam, xin hỏi “vũ khí” DANTI mang đi để thương lượng và chinh phục đối tác là gì?

Dù DANTI là công ty kinh doanh thời trang lâu năm nhưng đã đến lúc cần tìm một thương hiệu mới, vừa gần gũi nhưng lại có tên tuổi tầm thế giới để đưa về Việt Nam. Chúng tôi quyết định tiếp cận đại diện Brooks Brothers ở châu Á để thương thảo với “vũ khí” mạnh nhất chính là quyết tâm cao độ, tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực để xây dựng thương hiệu phát triển lâu dài tại Việt Nam. Thứ đến, DANTI có một danh sách khách hàng lâu năm và thân thiết như những người thân trong gia đình. Chúng tôi yêu nghề và quan tâm đến nhu cầu, thói quen cũng như sở thích của từng khách hàng. Những điều đó đã tương đồng với quan điểm kinh doanh và những giá trị mà Brooks Brothers hướng tới. Thế nên, thương hiệu đã trao cho chúng tôi cơ hội mang đến một trải nghiệm mới cho các khách hàng Việt.

Chính thức khai trương vào giữa cuối năm 2014 – thời điểm được cho là vẫn khó khăn với ngành thời trang xa xỉ. Hẳn chị đã có những đánh giá về thị trường và lường trước khả năng cạnh tranh? Lúc ấy, mục tiêu quan trọng nhất là gì?

Thời điểm 2014, thị trường Việt Nam có rất ít thương hiệu thời trang quốc tế cao cấp dành cho nam giới, đa phần chỉ có những thương hiệu được biết đến trong khu vực và các sản phẩm may mặc trong nước. Nghĩa là, thị trường vẫn thiếu một thương hiệu quốc tế nhưng giá cả phù hợp với tầng lớp trung lưu. Mặc khác, tuy giai đoạn đó tình hình kinh doanh thời trang dường như chững lại nhưng lại là thời điểm thích hợp nhất để đưa thương hiệu mới về Việt Nam. Bởi, chúng tôi sẽ có thời gian xây dựng và ổn định hệ thống, tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Đến khi thị trường khởi sắc trở lại, chúng tôi đã sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ hơn.

Mục tiêu Brooks Brothers và DANTI hướng tới là xây dựng hình ảnh Brooks Brothers đúng như những gì thương hiệu đã làm trên thế giới. Chúng tôi xác định rõ, tập trung xây dựng mối quan hệ và niềm tin với khách hàng quan trọng hơn việc ồ ạt ra mắt các cửa hàng. Vậy nên, phải sau 1 năm nghiên cứu, chúng tôi mới tìm được vị trí phù hợp với định vị thương hiệu ở Việt Nam.

Vậy còn lộ trình tiếp thị và phát triển thương hiệu đã được triển khai như thế nào?

Chúng tôi bắt đầu bằng cách giới thiệu danh tiếng, bề dày lịch sử và giá trị thương hiệu. Tiếp đến, giới thiệu những sản phẩm gắn liền tên tuổi thương hiệu, những công nghệ nổi bật đồng thời hợp tác với những đối tác tiềm năng để có những chương trình tiếp cận khách hàng thú vị nhất. Tại cửa hàng, các tư vấn viên am hiểu thương hiệu và giao tiếp tốt sẽ tư vấn cặn kẽ và tạo dựng quan hệ với khách hàng. Đây cũng chính là điểm sáng mà chúng tôi rất tự hào.

Tôi nghĩ, điều khó nhất chính là lấy được cảm tình của khách hàng. Do đó, chúng tôi không cố bán được món hàng mà quan trọng là tạo được niềm tin và mang đến những giá trị khách hàng xứng đáng được nhận. Thái độ phục vụ đồng đều ở các cửa hàng từ Nam ra Bắc cũng là câu chuyện thú vị mà chúng tôi luôn tự hào.

NDN_Dang Thao Nhu cty Danti_3

Please click here to read English version!

Chỉ cần làm hết sức và hạnh phúc vì điều đó

Trong kinh doanh, thường khó tránh khỏi những tình huống ngặt nghèo, cần đưa ra quyết định vào lúc căng thẳng nhất. Chị đã từng gặp trường hợp ấy chưa?

Tình huống căng thẳng nhất chúng tôi từng đối mặt có lẽ là việc thay đổi địa điểm cửa hàng. Như bạn biết, vị trí cửa hàng đóng vai trò rất quan trọng. Nó là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh nếu chọn đúng và ngược lại, sẽ là gánh nặng kinh tế cho doanh nghiệp. Mặt khác, vị trí cửa hàng cũng là yếu tố phải dành nhiều thời gian, tiền bạc đầu tư để gây ấn tượng với khách hàng cũng như đối tác và thu hút các nhân viên.

Để tìm được địa điểm phù hợp chúng tôi đã mất 1 năm, nhưng khi mọi thứ bắt đầu ổn định thì TTTM thông báo đóng cửa sửa chữa và thay đổi. Không chỉ việc kinh doanh bị ảnh hưởng mà còn đặt chúng tôi vào tình huống rất căng thẳng. Phải làm sao tìm ngay một vị trí mới và sắp xếp mọi thứ để không gây bất kỳ gián đoạn nào đồng thời phải có giải pháp đảm bảo việc kinh doanh, không làm xáo trộn thói quen mua sắm của khách hàng, không ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên… May mắn là chúng tôi đã nhanh chóng tìm được địa điểm phù hợp để di dời cửa hàng mà không gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại trong việc kinh doanh.

Mỗi người có cách tiếp nhận và giải quyết áp lực khác nhau, riêng với chị thì thế nào?

Tôi nghĩ, áp lực lớn nhất chính là áp lực tạo cho chính mình. Trong tôi luôn có những câu hỏi cần giải đáp và suy nghĩ về những bước tiếp theo. Có vẻ là người khó tính nên tôi dễ bị căng thẳng (cười). Khi mệt mỏi tôi thường nấu ăn, xem clip vui về chó vì tôi rất thích chó hoặc đi mua sắm thư giãn… Những việc nhỏ này giúp tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần để quay lại với công việc.

Rời công việc chị là một phụ nữ thế nào?

Tôi khá đơn giản, luôn biết hài lòng, hạnh phúc với những gì mình có, không tranh đua mà chỉ đưa ra những kỳ vọng dành cho bản thân để thúc đẩy công việc và cuộc sống mình ngày một tốt hơn.

Tôi nghĩ, người phụ nữ hiện đại nên chu toàn công việc và đời sống cá nhân, biết chăm sóc mình để có thể chăm sóc tốt cho người khác. Tuy nhiên, chỉ cần làm hết sức và thấy hạnh phúc vì điều đó là được, không nhất thiết phải hi sinh toàn thời gian công việc hay gia đình. Tôi tôn trọng những giá trị truyền thống và luôn tin rằng, theo thời gian, giá trị và khả năng của bản thân sẽ được khẳng định.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Có thể bạn quan tâm:

Phỏng vấn bàn tròn: Tài sắc hội tụ

Niềm đam mê

Comment