Education | Dạy con yêu truyền thống

Education | Dạy con yêu truyền thống

Khi nền văn hóa có sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ thì bản sắc địa phương theo lẽ tự nhiên cũng dần bị mai một, không phải bởi thế hệ trẻ không trân trọng mà là bởi chúng chưa hiểu hết giá trị của di sản Việt. Tết đến Xuân về, làm sao để tình yêu truyền thống trở thành niềm tự hào dân tộc trong con trẻ?

Việc học tập truyền thống văn hóa hay lịch sử không nên chỉ được thực hiện trong trường lớp hay từ các thầy cô. Trẻ em vốn dĩ năng động và thích khám phá. Các con thường tiếp nạp kiến thức một cách tự nhiên thông qua cuộc sống thường nhật và những người con thường hay tiếp xúc nhất như mẹ cha, ông bà. Khi xu hướng công dân toàn cầu đang ngày càng lan tỏa rộng khắp trong thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam, làm sao để các con hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống như cách các con học văn hóa quốc tế, làm thế nào để các con dù đi bốn phương trời vẫn luôn tự hào mình là người Việt Nam?

Câu chuyện văn hóa truyền thống

Việt Nam ngày càng phát triển. Sau bao năm bom đạn vì chiến tranh và nghèo đói, ngày nay dải đất hình chữ S đã phát sáng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ánh sáng đèn điện đã phủ rộng khắp mọi miền đất nước, trong khi các ngành nghề kinh tế cũng đạt được nhiều thành tựu lớn nhỏ.

Sự phát triển mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ tương lai Việt Nam. Trẻ được tiếp cận với công nghệ từ sớm và tiếp thu thêm nhiều kiến thức bên ngoài đất nước. Tính từ năm 1997, thời điểm Việt Nam hòa mạng internet toàn cầu, đến nay chúng ta đã là một trong những đất nước hoạt động năng nổ nhất về internet. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội đang được người Việt sử dụng nhiều nhất mở ra cánh cửa giao lưu quốc tế ngày càng nhiều hơn.

Tiếp cận internet càng nhiều càng giúp cho thế hệ trẻ dễ dàng học hỏi thêm nhiều điều hay từ thế giới, phát triển kỹ năng cần thiết để hội nhập và trở thành những công dân toàn cầu đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế như ngày nay đã và đang trở thành một xu thế tất yếu. Khi có sự giao lưu văn hóa, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc nhiều tư tưởng mới, kéo theo sự sụp đổ của những định kiến lạc hậu, cổ hủ của thời đại trước như trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính…, và qua đó gián tiếp tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển của kinh tế và xã hội. 

Bên cạnh những lợi ích từ hội nhập mang đến cho giới trẻ, nhiều mối lo khác cũng xuất hiện. Khi quốc gia mở cửa và hội nhập, giới trẻ đón nhận luồng văn hóa, kiến thức quốc tế. Nhưng không phải cứ thế đón nhận tùy tiện mà không có sự chọn lọc, khiến chúng dung nạp những kiến thức phi văn hóa, thậm chí là quên dần những giá trị văn hóa truyền thống của nước nhà.

“CHÚC Tết xuân nay khắp mọi nhà

MỪNG thọ ông bà với mẹ cha

NĂM cũ vừa qua xin cầu chúc

MỚI trọn tình xuân đẹp mặn mà

VẠN phúc lành thay duyên vừa đủ

SỰ nghiệp danh đề mãi thiên thu

NHƯ trên gia hộ cho con cháu

Ý nguyện trời ban đến tuổi già!”

Tác giả: Khắc Tâm

Điều đầu tiên dễ thấy nhất đó là tiếng Việt. Việc đất nước mở cửa đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội tiếp cận văn hóa thế giới đã đưa nhiều ngôn ngữ du nhập vào nước ta. Ban đầu, ngôn ngữ mới được đón nhận phù hợp thông qua việc đưa vào giảng dạy trong chương trình dạy học tại Việt Nam. Có thêm một ngoại ngữ sẽ càng có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Trong thế giới hội nhập hiện tại, biết nhiều ngôn ngữ còn mang đến nhiều cơ hội cho trẻ được học hỏi nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, việc trẻ học ngoại ngữ từ sớm phần nào đó có thể gây ra việc lạm dụng ngoại ngữ trong đời sống của trẻ, cụ thể như việc dùng xen kẽ tiếng Anh trong tiếng Việt. Việc đệm thêm những từ ngữ nước ngoài nếu không được kiểm soát phần nào có thể làm mất vẻ đẹp của tiếng Việt, đáng nói hơn là khiến trẻ dẫn lãng quên nhiều từ trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

Đặc biệt, những lĩnh vực văn hóa như thời trang, ẩm thực hay âm nhạc với đối tượng tiếp cận phần lớn là giới trẻ sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến các con nhiều nhất. Các xu hướng trang phục, phong cách ăn mặc quốc tế du nhập luôn được giới trẻ sẵn sàng đón nhận cái mới và hào hứng ứng dụng. Làm thế nào để thanh thiếu niên cũng giữ được sự háo hức và hào hứng đó với trang phục truyền thống hay đưa được những món ngon thuần Việt trở thành xu hướng là một bài toán không chỉ dành cho các thế hệ đi trước mà cả những người trẻ cũng cần vào cuộc. Những ngày cuối năm này, trên mạng xã hội có xu hướng người trẻ mặc Việt phục đem lại nhiều hiệu ứng tích cực từ cộng đồng cũng là một tín hiệu đáng mừng. Những giá trị ngàn xưa vẫn đẹp vẫn hợp thời chỉ cần chúng ta biết nắm bắt và tin tưởng để lưu giữ và duy trì.

Ngoài tiếng nói và trang phục, giá trị văn hóa của Việt Nam còn rất nhiều điều mà giới trẻ khi để ý quan tâm sẽ khám phá ra muôn vàn điều hay ho và thú vị. Chẳng hạn như truyền thống xum vầy bên mâm cơm gia đình ngày Tết, truyền thống mặc áo dài chụp ảnh khi đất trời vào xuân hay hiện đại hơn có truyền thống cùng treo cờ đỏ khắp các nẻo đường trong những ngày kỷ niệm của đất nước đều là những nét văn hóa lịch sử bản sắc mang đến cảm hứng sáng tạo bất tận. Nghệ thuật văn hóa dân gian như chèo, tuồng, cải lương cũng là nét đẹp mà gần đây những bản rap, những bài nhạc pop của nhiều ca nhạc sĩ Việt đã được thổi hồn đem đến âm hưởng đan xen với đương đại đầy cuốn hút người nghe.

Cùng trẻ hiểu văn hóa Việt

Những ngày Xuân về, hơn lúc nào hết, văn hóa truyền thống của người Việt trong dịp Tết cổ truyền lại được chăm chút. Có lẽ cha mẹ nào cũng muốn các con hiểu được ý nghĩa của sự khắng khít, sum vầy trong những ngày lễ mỗi năm mới có một lần này. Để cho con dần hiểu và ghi nhớ những câu chuyện truyền thống đầy ý nghĩa trong tâm trí non nớt của mình, các bậc phụ huynh có thể áp dụng những cách thức sau:

Dạy con yêu truyền thống

1. “Rỉ rả” những câu chuyện truyền thống cho con nghe

Không công cụ nào có thể giúp trẻ học và nhớ nhanh bằng việc được nghe những câu chuyện kể. Đặc biệt là khi câu chuyện đó lại do những người mà trẻ yêu thương tin tưởng như cha mẹ to nhỏ kể con nghe. Vì vậy, dù bận rộn đến mấy bạn cũng nên dành chút ít thời gian mỗi ngày để kể con về những câu chuyện truyền thống, những sự vật sự việc gắn liền với những phong tục tập quán mà bạn đã từng trải qua.

Không cần đề cập đến những giá trị truyền thống quá lớn lao ngay từ đầu, hãy “rỉ rả” từ những chuyện nhỏ, mang tính đời thường, liên quan trực tiếp đến nếp sống sinh hoạt hằng ngày của con trẻ. Ví dụ như văn hóa “đi thưa về trình” với người lớn, văn hóa “mời cơm” trong gia đình, phong tục dọn dẹp trang trí nhà cửa mỗi độ Xuân về… đều là những điều diễn ra trước mắt và các con dễ dàng hiểu ngay nhớ lâu.

2. Tận dụng công nghệ truyền tải thông điệp truyền thống

Thay vì chỉ sử dụng các thiết bị công nghệ để xem các chương trình giải trí nước ngoài, cha mẹ có thể hướng con xem các chương trình nghệ thuật trong nước, các trò chơi văn hóa dân gian, hay những câu chuyện cổ tích… Trong khi xem, cha mẹ có thể đan xen phân tích để con thấy những hoạt động văn hóa Việt cũng thú vị và ấn tượng không kém các hoạt động của quốc tế.

Cha mẹ cũng có thể cho con xem cách các nước châu Á láng giềng đang gìn giữ truyền thống đối với người trẻ, từ đó dần liên tưởng qua cách người Việt hiểu văn hóa Việt cũng có phần tương tự để con dần cảm thấy đồng điệu với tư duy toàn cầu. Khi cha mẹ cùng xem, hay có bạn bè anh chị em cùng xem, cùng thảo luận xôm tụ, khoảnh khắc vui vẻ đó sẽ để lại trong trẻ những cảm xúc tích cực, giúp trẻ lưu nhớ mãi và thêm tò mò tìm hiểu.

3. Cho con trải nghiệm truyền thống một cách thực tế

Cha mẹ có thể đăng ký các lớp năng khiếu múa hát, võ cổ truyền hay tham quan các bảo tàng để con trẻ có thêm thời gian được tiếp cận thông tin truyền thống. Việc trực tiếp tham gia tìm hiểu văn hóa thông qua trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ có thêm sự yêu thích đối với văn hóa dân gian, lịch sử dân tộc một cách tự nhiên, không gò ép.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể rủ con chơi cùng một số trò chơi dân gian truyền thống như chơi ô ăn quan, nhảy lò cò, cùng múa lân hay mua những con rối nhỏ để biểu diễn cùng nhau… Việc học qua những trò chơi truyền thống cũng là cách thức tự nhiên giúp con nuôi dưỡng tình yêu với văn hóa dân tộc và càng thêm gắn kết với quê hương cho dù sau này có đi đến đâu.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

_Trích thơ “Ông đồ”_Tác giả Vũ Đình Liên

4. Tranh thủ dịp đặc biệt để con thật sự sống trong không khí truyền thống

Tết là khoảng thời gian rất tốt để trẻ thật sự được hòa cùng không khí văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc. Những hoạt động trong ngày Tết cổ truyền như dọn bàn thờ tổ tiên, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, gói bánh, chúc Tết ông bà cha mẹ, mừng tuổi hay nhận tiền lì xì… đều là những phong tục đẹp đẽ cần lưu giữ trong thế hệ trẻ. Khi nhìn ngắm không chỉ gia đình mình mà cả cộng đồng xung quanh từ trường học đến khu phố hay tòa nhà nơi con sinh sống học tập đều cùng thực hiện những nét văn hóa truyền thống giống nhau, con sẽ trở nên ý thức hơn, yêu thích hơn những công việc được số đông hưởng ứng.

Hãy cho con cơ hội được chung tay trang trí nhà, cuốn chả giò, hay chọn áo dài, lựa màu sắc phong bao con yêu thích, hoặc nghe những bản nhạc Tết rộn ràng… Không khí Tết vui tươi sẽ tự ngấm vào trái tim con từ lúc nào, khiến con sẽ luôn thấy nôn nao khi đến Tết, luôn muốn tận hưởng khoảng thời gian tất bật của Tết thay vì chỉ đơn giản là mong chờ được nghỉ những ngày dài.

5. Thay đổi cách cho trẻ tiếp cận văn hóa quốc tế

Việc cho trẻ tiếp cận văn hóa hay ngôn ngữ quốc tế từ sớm vốn dĩ không sai, tuy nhiên sự lạm dụng hay quá sính ngoại sẽ dần khiến trẻ xa rời văn hóa Việt, mà cụ thể là xa rời cha mẹ người Việt của chúng. Hãy áp dụng những quy định về việc sử dụng ngoại ngữ trong gia đình và yêu cầu con luôn cố gắng giải thích và trò chuyện ưu tiên bằng tiếng Việt với những người cần thiết. Ví dụ như với ông bà là những người lớn tuổi có thể không biết tiếng Anh, con cần hiểu trách nhiệm của con khi trao đổi với ông bà là không được chèn tiếng Anh vào câu nói cũng như luôn tìm cách diễn giải lại bằng tiếng Việt những thuật ngữ tiếng Anh để ông bà hiểu trọn vẹn. Đừng biến mọi thứ thành những quy chuẩn khắt khe, nhưng hãy khuyến khích và khen ngợi khi con nói được những câu tiếng Việt đủ ý và rõ nghĩa.

Tương tự về các vấn đề văn hóa quốc tế khác, không phải vì không muốn trẻ hòa tan mà chúng ta hạn chế trẻ tiếp cận, nhưng cũng không phải vì muốn trẻ trở thành công dân toàn cầu mà ta cho trẻ sống trọn vẹn trong văn hóa ngoại. Các bậc cha mẹ cần biết điều chỉnh tỷ lệ thời gian tiếp cận thông tin của con. Đi cùng là sự phân tích, giảng giải cho con về những điểm hay điểm mạnh cũng như những điều chưa phù hợp từ văn hóa quốc tế cũng như văn hóa Việt, từ đó cho con sự chủ động so sánh, chủ động rút tỉa những cái hay cái đẹp và ý thức sự trân quý nhiều hơn.

Văn hóa là vốn quý của dân tộc, là một trong ba trụ cột chính tạo nên sức mạnh quốc gia. Việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mang ý nghĩa quan trọng đến vận mệnh đất nước. Đối với các thế hệ trẻ, điều này cần phải đặc biệt lưu tâm, mạnh dạn hội nhập nhưng không thể hòa tan, đánh mất nét đẹp vốn có của dân tộc và các bậc cha mẹ luôn đóng một vai trò to lớn không thể thay thế để cùng con tự hào là người Việt Nam.

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 146.2024 | Text: J.V, HIDA

Có thể bạn quan tâm:

Comment