Đằng sau một nhà lãnh đạo thành đạt là một hệ thống quản lí vững chắc với các nguyên tắc tối ưu trong việc xây dựng chiến lược và phát triển con người.
Tất cả đã hình thành nên một hệ thống “kiềng ba chân” vững chắc để những người dẫn đầu chèo lái con thuyền kinh doanh của mình vượt qua sóng cả để chinh phục những thử thách lớn. Nhưng để định nghĩa được thế nào là một “nhà lãnh đạo” chuẩn mực thì quả là điều nan giải. Cuối cùng, Steven Shallenberger – một nhà lãnh đạo tài ba đã nghiên cứu và đúc kết ra được các khía cạnh của hệ thống “kiềng ba chân”.
Theo Steven Shallenberger, “Người lãnh đạo tài ba trước hết cần phải có một tầm nhìn xa và một bộ óc chiến lược để hoạch địch thành công cho tổ chức của mình. Quan trọng hơn cả, họ cần nắm vững nghệ thuật quản lí khéo léo để xây dựng lòng tin để gắn kết và tối ưu hóa sức mạnh của tập thể.” Đó chính là lí do vì sao ba khía cạnh “kiềng ba chân” dưới đây lại vô cùng quan trọng với nhà lãnh đạo trên bước đường thành công.
Khả năng lãnh đạo
Để trở thành người quản lí xuất sắc, trước hết, bạn cần sở hữu kỹ năng lãnh đạo mà mỗi nhà đứng đầu doanh nghiệp cần phải có. Đây là kỹ năng thông qua việc phối hợp và làm việc với mọi người xung quanh để điều tiết, tổ chức, sắp xếp và theo dõi tiến độ công việc. Người quản lý cần phải lãnh đạo giỏi để thay đổi sản phẩm, hệ thống và con người một cách năng động. Nhà lãnh đạo giỏi phải là người thúc đẩy quá trình quyết định một vấn đề và trao cho nhân viên của họ quyết định vấn đề đó.
Không chỉ thế, người lãnh đạo cần có tư duy nhạy bén, giúp xử lý và xoay xở tốt trong mọi tình huống phát sinh. Kỹ năng lãnh đạo sẽ giúp bạn có một cái nhìn bao quát về tập thể mà bạn đang quản lí. Từ đó, bạn sẽ đưa ra những chính sách quyết đoán hơn về nhân sự, sản phẩm hay hệ thống tổ chức của mình. Bạn sẽ biết cách trao quyền nhân viên như thế nào, hướng dẫn ra sao để họ có thể làm tốt công việc. Khi kỹ năng lãnh đạo được phát triển mỗi ngày, “quyền lực” sẽ tự động đến với bạn, cùng theo đó là sự tin tưởng và tín nhiệm từ cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp.
Phong thái sống và làm việc
Phong cách sống và văn hóa làm việc của một nhà lãnh đạo sẽ phản ánh mức độ nhạy bén và tài giỏi của chính họ. Đó là cả một quá trình rèn luyện và tu dưỡng để cải thiện hình tượng lãnh đạo. Bà Janie Sharritt – hiện là phó chủ tịch tập đoàn Sara Lee Corp đánh giá rằng diện mạo và tác phong đĩnh đạc giúp bà có được vẻ trang trọng của một nhà quản lý. Điều này rất cần thiết đối với con đường thăng tiến của bà. Đồng thời, theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia New York cho rằng “các nhà lãnh đạo với diện mạo chỉn chu sẽ hành động tự tin, có chiến lược, quyết đoán và cương nghị hơn”. (trích “Trọng tâm chính sách công việc – cuộc đời”)
Phong thái là yếu tố quan trọng làm nên một nhà lãnh đạo đúng nghĩa. Các nhà lãnh đạo tài ba luôn có phong thái, diện mạo và hành động toát lên khí chất “lãnh đạo” của mình. Ví dụ, thay vì đến công sở mỗi ngày trong những trang phục tùy tiện, luộm thuộm, luôn cảm thấy bản thân rụt rè và khó lòng bắt chuyện với đồng nghiệp xung quanh, bạn hãy bắt đầu thay đổi phong cách của mình bằng những trang phục trang trọng hơn, tỉ mỉ trong cách ăn mặc và lời nói để tạo dựng sự tự tin và hình tượng bản lĩnh của mình.
Trong cách làm việc, một nhà lãnh đạo giỏi thường sẽ không ở trên cao “chỉ tay năm ngón” để sai khiến mọi người làm theo những điều mình muốn. Lãnh đạo giỏi phải là người vừa có tư duy chiến lược sâu sắc, vừa hiểu rõ mình nên phát triển như thế nào, cần làm gì, hiệu quả tới đâu để biết cách điều binh khiển tướng cho những nước cờ đúng đắn.
Đội ngũ và các mối quan hệ
Bạn là một lãnh đạo có chiến lược đúng đắn, tầm nhìn sâu rộng nhưng lại không thể tìm kiếm và đào tạo một đội ngũ đủ mạnh cho bản thân, thì bạn chỉ nắm chắc khoảng 50% thành công cho kế hoạch của mình. Ngược lại, nếu bạn đã có một chiến lược khả thi, cộng thêm một đội hình “siêu nhân” cùng các mối quan hệ bền vững và rộng lớn, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về bạn!
Những nhân viên dưới quyền là “bạn đồng hành” của bạn, giúp bạn hoàn thành mục tiêu nhanh chóng. Họ có thể là những người bổ sung những khuyết điểm của bạn, việc nhìn nhận và phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu của cấp dưới sẽ góp phần tạo nên sự tín nhiệm của nhân viên cũng như củng cố sức mạnh tập thể cho công ty của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể xây dựng những chính sách thưởng phạt để dành tặng cho những nhân viên cống hiến xuất sắc những đãi ngộ đặc biệt, hoặc kiểm điểm những cá nhân có thành tích kém nổi bật. Hãy học cách phân quyền và trao quyền công việc cho nhân viên một cách hợp lý.
Bên cạnh một đội ngũ vững mạnh, nhà lãnh đạo tài ba cũng cần lưu ý mở rộng các mối quan hệ và phát triển kỹ năng giao tiếp của mình với các đối tác, khách hàng bên ngoài. Có thể trong thời điểm đó, bạn vẫn chưa ký kết được hợp đồng với những đối tác này. Nhưng việc để lại một ấn tượng tốt sẽ giúp bạn giữ được liên lạc với họ, góp phần mở ra những cơ hội thuận lợi về sau. Tích cực tham gia các buổi tiệc lãnh đạo, hoạt động cộng đồng sẽ giúp bạn phát triển khả năng giao tiếp cũng như mở rộng vòng quan hệ của mình. Điều này vô cùng có lợi cho công ty của bạn về dài hạn, đặc biệt là khi bạn đang cần sự giúp đỡ từ nhiều phía để đẩy mạnh một dự án còn mới mẻ của công ty mình.
Mỗi khía cạnh trên đây của hệ thống “kiềng ba chân” được củng cố và phát triển dựa trên 04 nguyên tắc mà khi tổng hợp lại, ta sẽ có được 12 nguyên tắc cơ bản để xây dựng thành công, trích theo sách “12 Nguyên Tắc Thành Công Của Những Người Dẫn Đầu” (Becoming Your Best: The 12 Principles of Highly Successful Leaders) của nhà lãnh đạo tài ba Steven Shallenberger. Khi áp dụng thành công 12 nguyên tắc này vào thực tế công việc hằng ngày, nhiều nhà lãnh đạo, điều hành trên toàn thế giới đã nắm bắt được khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, truyền cảm hứng đến vô số nhân viên và đạt được nhiều thành tựu đáng nể.
Có thể bạn quan tâm:
Founder Nhà hàng The Mạch House, Caroline Mạch: Đừng bao giờ từ chối khó khăn