Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Câu chuyện của nữ doanh nhân Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Nhà sáng lập & CEO công cụ đồ họa kỹ thuật số Canva Melanie Perkins, 32 tuổi, từng được vinh danh trong “Top 30 under 30” của Forbes vừa trở thành một trong những nữ doanh nhân trẻ nhất và thành công nhất trong lĩnh vực công nghệ với tài sản ròng ước tính hơn 2 triệu USD. Vậy đâu là bí quyết giúp cô và Canva đạt được thành công rực rỡ?

1. NHỮNG THÀNH TỰU ẤN TƯỢNG

Hành trình của một doanh nhân thành công thường bắt đầu bằng việc xác định được vấn đề nảy sinh trong cuộc sống rồi phát triển giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Nhưng đôi khi, nó đơn giản chỉ là cách “F5” các công nghệ hiện có trở nên dễ tiếp cận và dễ sử dụng hơn. Đây chính xác là cách thức đã tạo nên thành công của công cụ thiết kế đồ họa Canva do nhà sáng lập và CEO Melanie Perkins điều hành.

Câu chuyện của nữ doanh nhân Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo các công cụ thiết kế đồ họa như Photoshop, AI, InDesign. Chúng thường có quá nhiều tính năng, chưa kể cách sử dụng phức tạp đòi hỏi người dùng cần đầu tư nhiều thời gian lẫn công sức để nắm vững. Chán nản vì điều đó, Melanie Perkins cùng với hai cộng sự là Cliff Obrecht (cũng là vị hôn phu của cô) và Cameron Adams (người tham gia đội ngũ sau này) đã sáng lập nên Canva. Ban đầu, nó chỉ là một công cụ mang tên Fusion Yearbooks giúp cho phép mọi người thiết kế kỷ yếu. Năm 2014, Melanie Perkins cùng các cộng sự sáng lập và phát triển nó thành công cụ đồ họa kỹ thuật số Canva thông dụng hiện nay. Canva đặt trụ sở tại thành phố Sydney nước Úc.

Tính đến tháng 12/2019, Canva đã vượt ra khỏi lãnh thổ nước Úc để trở thành một doanh nghiệp toàn cầu với hơn 20 triệu người dùng trên toàn thế giới, nhu cầu đăng ký nâng cấp lên tài khoản Pro hay Enterprise cũng ngày một tăng. Cùng năm, công ty Canva được định giá lên đến 6 tỷ USD và nhà sáng lập – CEO Melanie Perkins lần đầu xuất hiện trên trang bìa Forbes. Chưa đầy một năm sau khi đạt mức định giá 6 tỷ USD, với nhu cầu sử dụng ngày một gia tăng của người dùng trong đại dịch, Canva đã tăng gấp đôi giá trị.

Mới đây, công ty này đã huy động được 71 triệu USD từ các khoản đầu tư của T. Rowe Price và Dragoneer với mức định giá lên đến 15 tỷ USD. Với nguồn vốn này, nhà sáng lập kiêm CEO Melanie Perkins và nhà đồng sáng lập kiêm COO Cliff Obrecht đều trở thành tỷ phú. Hai người kết hôn vào tháng 1/2021, mỗi người sở hữu khoảng 15% cổ phần Canva trước khi có khoản đầu tư mới. Với mức định giá 15 tỷ USD, mỗi người sẽ nắm giữ số cổ phần trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD.

Canva đã thành công ở hai điểm. Một là, nó có thể cạnh tranh sòng phẳng với các chương trình của Microsoft hay Adobe. Và hai là, công ty có thể tạo ra lợi nhuận đều đặn hàng năm. Hiện nay, Canva đã có 55 triệu người dùng, 3 triệu trong số đó là người dùng trả phí. Canva cho biết họ vẫn đang có lãi trong bối cảnh đại dịch, đạt doanh thu 500 triệu USD, tăng đến 130% so với cùng kỳ năm trước.

2. NỀN MÓNG Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP

Theo Melanie Perkins, chính khả năng học tập từ kinh nghiệm thực tế và cởi mở đón nhận mọi bài học mới mỗi ngày đã giúp công ty cô phát triển ngay từ những viên gạch đầu tiên. Cô nói rằng: “Ở mỗi giai đoạn, cả người lãnh đạo và doanh nghiệp đều có những thứ cần học hỏi. Điều đó là chắc chắn và các bài học sẽ khó dần theo thời gian. Tôi nghĩ mình giỏi ở một điều, đó là có thể học được thứ mình cần nhất vào đúng lúc nhất. Thời gian qua, tôi thực sự đã đúc kết được rất nhiều thứ.”

Nói về nguồn gốc ý tưởng sáng lập Canva, Melanie Perkins chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi nảy sinh ý tưởng tạo nên một sản phẩm thiết kế đồ họa là khi đang nằm trên chiếc ghế dài ở nhà mẹ tôi vào năm 2005. Lúc đó tôi đang là sinh viên năm nhất khoa truyền thông kỹ thuật số.”

Câu chuyện của nữ doanh nhân Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Melanie Perkins luôn yêu thích lĩnh vực thiết kế đồ họa và các kỹ năng của cô được đánh giá là vượt xa bạn bè đồng trang lứa. Thậm chí, cô còn được mời giảng dạy tại các hội thảo về thiết kế đồ họa cho sinh viên thuộc các khoa khác. Nhờ kinh nghiệm tích lũy trong thời gian đó, Melanie Perkins nhận ra rằng hầu hết mọi người đều gặp khó khăn khi sử dụng các phần mềm thiết kế phức tạp, khó hiểu đang có trên thị trường. Và thế là cô nung nấu ý tưởng tạo ra một công cụ thiết kế đồ họa thân thiện, dễ sử dụng hơn cho số đông.

Melanie Perkins nói: “Các chương trình thiết kế đó thực sự rất phức tạp và khó sử dụng. Bạn có thể phải mất cả học kỳ chỉ để nhớ được vị trí của các nút chức năng. Cùng năm, Facebook ra đời, trở thành một mạng xã hội vô cùng dễ sử dụng và được mọi người yêu thích. Thế là tôi có niềm tin mãnh liệt rằng trong tương lai, các công cụ thiết kế hoàn toàn có thể trở nên đơn giản hơn.”

Năm 2007, Melanie Perkins nảy sinh ý tưởng sáng tạo một chương trình thiết kế đồ họa dễ sử dụng cho phép các trường học, học sinh, sinh viên có thể tự làm kỷ yếu cho mình mang tên Fusion Yearbooks. Lúc đó, cô không hề có bất kỳ kinh nghiệm kinh doanh hay tiếp thị sản phẩm nào. Nhưng cô cho rằng, chính sự thiếu kinh nghiệm đó đã giúp mình có được sự tự tin rằng thành lập một công ty không phải chuyện quá khó.

Cô nói: “Bạn trai đã trở thành người đồng sáng lập và chúng tôi bắt đầu thành lập công ty tiền thân cho Canva ngay trong chính phòng khách của mẹ. Có lẽ chính sự ngây thơ đã giúp chúng tôi. Nếu lúc đó tôi biết được tất cả những điều mình không biết, có lẽ mọi thứ mãi mãi chỉ là ý định.”

Hai người đã vay ngân hàng 5.000 USD làm chi phí quảng cáo trực tuyến cũng như gửi các cuốn kỷ yếu mẫu đến trường học. Khách hàng đầu tiên của họ là một trường học Pháp ở Sydney năm 2008. Họ đã bán được sản phẩm cho 15 trường trong năm đầu tiên, 30 trường trong năm thứ hai và 80 trường trong năm thứ ba.

“Lúc nhận được tờ séc 100 USD đầu tiên chính là khoảnh khắc thú vị nhất từ trước tới nay của tôi. Vì tôi biết rằng mọi người sẵn sàng trả tiền cho những gì chúng tôi đang xây dựng. Khi ấy, chúng tôi không nhận được nguồn tài trợ nào từ bên ngoài mà chỉ tái đầu tư từng đồng doanh thu đã kiếm được.”

3. HÀNH TRÌNH MÀI DŨA TƯ DUY KINH DOANH

Năm 2010, Melanie Perkins và Cliff Obrecht tham dự giải thưởng Innovator of the Year của thành phố Perth để trình bày về cách tạo ra Fusion Yearbooks. Và cũng tại đây, họ gặp được nhà đầu tư, nhà sáng lập của MaiTai Global đến từ San Francisco, Bill Tai. Melanie Perkins nói: “Bill Tai là nhà đầu tư đầu tiên tôi gặp. Anh ấy hiểu biết sâu sắc về thế giới công nghệ lẫn lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Cơ hội này như một cách cửa mở ra thế giới khác. Anh ấy nói, nếu tôi đến San Francisco, anh ấy sẽ gặp tôi.”

Văn phòng Canva tại Sidney

Melanie muốn mở rộng mô hình Fusion Yearbooks không chỉ còn là công cụ thiết kế kỷ yếu đơn thuần nữa. Thế là năm tiếp theo, cô đến Mỹ để gặp Bill Tai và người đồng sáng lập Google Maps, Lars Rasmussen. Tại đây, cô đã trình bày ý tưởng kinh doanh cho sản phẩm tiếp theo của mình mang tên Canva. Nó là một công cụ trực tuyến miễn phí cho phép mọi người có thể thiết kế các sản phẩm đồ họa trên nền tảng web, ví dụ như poster, danh thiếp hay thiệp mời. Thế là chuyến đi dự định 2 tuần kéo dài thành 3 tháng với nhiều cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư lẫn kỹ sư phần mềm tài năng.

Bill Tai đã tham gia vào hội đồng quản trị và trở thành một nhà đầu tư của Canva. Và ông cũng chính là người đã mời Melanie Perkins tham dự sự kiện MaiTai ở Hawaii vào năm 2012, nơi cô có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà đầu tư của Canva sau này. Để tham gia sự kiện này, cô gái Melanie từ miền Tây Úc đã quyết định tự học môn lướt ván diều để có cơ hội giao lưu với các nhà đầu tư cùng sở thích. Và tại đây, Melanie đã huy động được 21 triệu USD từ hai ngôi sao Hollywood là Owen Wilson và Woody Harrelson. 

Năm 2013, Canva kết thúc vòng gây quỹ đầu tiên và nhận được 3 triệu USD tiền đầu tư. Sau hơn một năm phát triển, Canva chính thức ra mắt thị trường vào tháng 8 cùng năm. Vào cuối năm 2014, Canva đã đạt được một triệu người dùng đầu tiên.

4. QUAN ĐIỂM VỀ SỰ CHO ĐI

Sau khi gặt hái được thành công rực rỡ trong kinh doanh, vợ chồng Melanie Perkins và Cliff Obrecht luôn nhấn mạnh rằng họ muốn trao đi số tiền mình kiếm được để giúp đỡ người khác. Cliff Obrecht cho biết hai vợ chồng đồng lòng với kế hoạch quyên góp từ thiện, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn thay vì chỉ dùng để chi tiêu cho bản thân.

Câu chuyện của nhà sáng lập Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Melanie Perkins và ông xã cũng là đồng sáng lập Canva

Cliff Obrecht nói: “Tôi nghĩ rằng với việc điều hành một công ty với mức định giá lớn như hiện nay, chúng tôi có nghĩa vụ trao đi và sử dụng tài sản đó như một động lực giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ tích trữ riêng cho bản thân mình. Tôi đã cầu hôn vợ bằng chiếc nhẫn chỉ có giá 30 USD. Chúng tôi sống khá giản dị vì thấy không cần phải tích lũy quá nhiều của cải vật chất. Thay vào đó, chúng tôi muốn tập trung chi tiêu tiền bạc cho các mục đích như góp phần cải cách hệ thống y tế toàn cầu. Ưu tiên của chúng tôi và công ty là đầu tư cho giáo dục. Vì chúng tôi cho rằng giáo dục là nền tảng quan trọng giúp những người kém may mắn có cơ hội phá vỡ vòng lặp của đói nghèo.”

Melanie Perkins cho biết thêm: “Hy vọng thông qua vị thế của mình trong thế giới kinh doanh, chúng tôi có thể góp phần thúc đẩy sự bình đẳng cho những đối tượng yếm thế trong cuộc sống.”

5. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN HẬU ĐẠI DỊCH

Giống như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác, đại dịch đã mang đến cơ hội thúc đẩy sự gia tăng người dùng của Canva (cả miễn phí lẫn trả phí) phục vụ cho các nhu cầu làm việc tại nhà, giúp nền tảng này có thể cạnh tranh với những ông lớn sừng sỏ trong ngành.

Ban đầu, Canva là một công cụ thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng trên nền tảng web giúp người dùng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiết kế các sản phẩm kỹ thuật số như menu, hình ảnh mạng xã hội. Nhưng đến nay, Canva dần chuyển mình, phát triển thành một ứng dụng có thể cộng tác thiết kế theo thời gian thực (realtime).

Có hơn 85% trong số 500 công ty có doanh thu lớn nhất nước Mỹ đang sử dụng Canva cho một số hoạt động của mình và vẫn còn tiềm năng để mở rộng và phát triển ra quy mô lớn hơn. Một số khách hàng doanh nghiệp tiêu biểu của Canva hiện nay là: American Airlines, Kimberly-Clark, McKinsey và Salesforce.

Câu chuyện của nữ doanh nhân Melanie Perkins và hành trình đưa Canva trở thành “start-up tỷ đô”

Các tính năng hoạt động theo thời gian thực trên Canva cho phép các nhóm cộng tác có thể chỉnh sửa trực tiếp các video và sản phẩm thiết kế kỹ thuật số. Chính điều này giúp Canva trở nên phổ biến hơn trong các doanh nghiệp. Đặc biệt trong đại dịch, Canva đã tập trung phát triển các tính năng cho bảng trình chiếu (Powerpoint), loại tài liệu được các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất và bổ sung các tính năng “thời thượng” như công cụ quay video cho người thuyết trình, công cụ hỏi đáp Q&A trực tiếp thân thiện với người dùng…

Xu hướng làm việc từ xa hay phương pháp làm việc lai (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) hậu đại dịch sẽ thúc đẩy các công cụ thiết kế hình ảnh trực quan gia tăng giá trị và hiệu quả. Với nguồn vốn đầu tư vừa được rót, Canva sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm, mở rộng văn phòng và thu hút nhân tài.

CEO Melanie Perkins chia sẻ: “Tôi nghĩ đều khiến tôi tự hào nhất là được thấy team mình tập hợp lại với nhau sau giai đoạn dịch bệnh điên rồ này. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong cùng một ngày, chúng tôi vừa phải tạm thời đóng cửa văn phòng và hủy bỏ tiệc cưới của mình. Đó là một trong những khoảnh khắc khó có thể quên được.”

Nữ doanh nhân nói: “Công ty chúng tôi đã tập trung vào sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng trong đại dịch. Vì phần lớn các khách hàng của Canva đều phải chuyển sang làm việc tại nhà hoặc hình thức làm việc kết hợp trực tiếp lẫn trực tuyến. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến sự chuyển đổi nhanh chóng này. Rất ít người thiết kế thiệp mời tham gia sự kiện nữa. Thay vào đó, họ cần thiết kế bảng thuyết trình hay hình nền khi họp online trên Zoom. Sự thay đổi lớn xảy ra chỉ sau một đêm. Mọi người có nhu cầu sử dụng các công cụ thiết kế nhiều hơn, nhưng theo cách thức hoàn toàn khác so với trước đây.”

Canva hiện là công ty khởi nghiệp công nghệ thành công nhất tại Úc. Canva đang xây dựng và phát triển nền tảng của mình trở nên chuyên nghiệp hơn, trong đó có cả việc thâu tóm các công ty khởi nghiệp cùng lĩnh vực tại châu Âu là Kaleido.ai and Smartmockups. Melanie Perkins cũng có tham vọng mở rộng công ty sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động song song với việc không ngừng phát triển hệ sinh thái sẽ giúp Canva giữ vững vị thế trên thị trường.

Bài viết do Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp – Ảnh: Internet

Có thể bạn quan tâm:

Comment