Ở cái tuổi mà lẽ ra người ta cần phải được nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già thì doanh nhân Võ Thị Lấn – Giám đốc công ty Trà Tâm Lan, vẫn giữ được tinh thần làm việc hăng say. Giữa đời thường, bà là người phụ nữ dung dị, đôn hậu, bao dung. Trên thương trường, bà là doanh nhân bản lĩnh, lạc quan, hết mình cho công việc.
Những ngày rong ruổi theo cha hái lá thuốc
Sinh ra và lớn lên tại xã Phước Lưu – một xã nghèo thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh – cha làm nghề hốt thuốc Nam, mới 8 tuổi cô bé Lấn đã phải phụ việc gia đình sau giờ tan học. Những hôm rảnh rỗi, cô theo cha vào rừng tìm cây thuốc đem về phơi khô hốt thuốc chữa bệnh. Nhiều năm giúp việc cho cha, không biết từ bao giờ, cô bé Lấn đã thuộc làu cách thức tạo ra những thang thuốc quý. “Cha tôi hốt thuốc đắt khách nhưng tuyệt đối không thu tiền người nghèo. Mình còn nhỏ, muốn có sách vở, áo quần mới như bạn bè nên thấy tiền là mừng. Có dạo khách nhận thuốc xong dúi tiền vào túi tôi. Cha phát hiện và bắt trả lại, tôi làm theo nhưng nước mắt cứ thế ràn rụa. Ông xoa đầu con gái nói: Sống có đức mặc sức mà ăn con ạ. Cha để đức lại cho con, sau này đời con, đời cháu sẽ hưởng”, bà Lấn nhớ lại.
So với đám bạn cùng trang lứa, Lấn rời ghế nhà trường sớm vì gia cảnh nghèo. Giữ trách nhiệm chị cả trong gia đình, Lấn tần tảo lo cho đàn em nheo nhóc 8 đứa khi người mẹ qua đời. Vài năm sau, cô lập gia đình và theo chồng lên xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh lập nghiệp. Với gia đình có đến 10 đứa con, cuộc sống của cô tiếp tục những tháng ngày mưu sinh cật lực.
Để lo cho con ăn học, bà mẹ trẻ phải làm đủ công việc nặng nhọc, từ bán từng gánh rau hẹ hái được hay mò mẫm trong đêm soi cá, mò ốc đem ra chợ bán. Thời gian thoi đưa, 10 đứa con nheo nhóc ngày nào giờ đã khôn lớn, thành đạt, công việc ổn định và bà Lấn cũng bước sang tuổi ngoài sáu mươi. Tuổi già, trong người phát đủ thứ bệnh cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, suy tim. Bà tâm sự: “Các con khuyên tôi nên điều trị ở bệnh viện, nhưng tôi nghĩ ngày xưa cha mình đã từng hốt thuốc giúp người, những cây thảo dược mình cũng quá rành, quá hiểu. Tôi tự vào rừng kiếm những loại cây thuốc (hoàn ngọc, lược vàng, kim ngân hoa…) đem về chế biến uống. Một thời gian sau khỏe hẳn”.
Khởi nghiệp ở tuổi 60 khi bệnh tật triền miên
Việc tự trị khỏi nhiều căn bệnh nan y cho mình khiến bà Lấn tự tin thành lập cơ sở sản xuất Trà Tâm Lan vào năm 2008. Vốn liếng ít, thời gian đầu cơ sở chủ yếu chế biến thủ công bằng các dụng cụ như nong, nia, chảo, cối… với nguyên liệu chính là cây dược liệu hoàn ngọc, lược vàng bà tự tìm kiếm trong rừng. Thuốc sau khi chế biến, cho vào bọc nylon và đích thân bà mang đi bán, riêng người nghèo bà biếu không. Bà Lấn vẫn còn nhớ như in chặng đường khởi nghiệp vất vả này. Đó là hình ảnh người phụ nữ đơn độc với những chuyến xe xuôi ngược, bôn ba đưa sản phẩm về những huyện nghèo thuộc tỉnh Tây Ninh và các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau.
“Nếu nói tuổi tác khởi nghiệp thì trong hội trường này, không có ai bằng tui hết. Không phải do tuổi tác quyết định thành công đến quá trình khởi nghiệp mà mình phải có điều kiện, đam mê và đặc biệt khai thác những giá trị để tạo nên sự khác biệt thì chắc chắn thành công”, bà Lấn nói tại sự kiện.
9 năm trước, bà Lấn bắt đầu khởi nghiệp khi đã 60, độ tuổi nhiều người cho rằng là thời điểm để nghỉ ngơi “dưỡng già”. Lúc đó, bà bệnh tật triền miên, cơ thể chỗ nào cũng đau bệnh như cao huyết áp, suy tim… , một phần do sinh 10 người con, không có thời gian chăm sóc bản thân.
“Lúc đó, tôi tự hỏi: Tại sao mình bệnh như vậy mà không lấy cây thuốc mà ba sử dụng ngày xưa, nấu uống để đỡ đi bệnh viện. Tôi nấu nước uống và các con tôi không đồng tình. Chúng nói: Khoa học giờ rất hay, sao mẹ không đi viện? Tôi thấy sức khỏe mình càng yếu và mày mò để uống thuốc”, người phụ nữ gần 70 tuổi kể lại.
Cha bà Lấn vốn là thầy thuốc nam. Khi còn nhỏ, bà vẫn thường theo cha đào rễ cây, bốc thuốc. Tuy nhiên, 18 tuổi lấy chồng, mải mê cuộc sống với 10 người con nên bà không còn thời gian để nghĩ đến nghề của cha.
Và khi sức khỏe yếu, những ký ức về cha hiện về. Bà đi tìm các loại thảo dược để uống. Sau đó, sức khỏe bà được cải thiện. Bà mang các sản phẩm đi biếu và được ủng hộ. Lúc này, bà Lấn quyết định thương mại hóa sản phẩm.
“Đầu tiên, tôi đưa ra sản phẩm trà Tâm Lan thì 10 con, 6 gái, 4 trai đều phản đối. Các con tôi nói rằng: Mẹ lớn tuổi rồi, nếu sản phẩm ra thị trường mà người tiêu dùng không chấp nhận thì thôi, mà nếu người tiêu dùng chấp nhận thì sẽ bị cạnh tranh ác liệt”, bà kể.
Bỏ ngoài tai lời can ngăn của con cháu, bà Lấn vẫn quyết tâm mày mò nghiên cứu sản phẩm. Kết quả thực tế đã không phụ lòng người.
“Khi đưa ra thị trường rồi thì phải bảo vệ được sản phẩm của mình. Lúc đó, tôi tự trồng nguyên liệu. Tôi nuôi bò để lấy phân bò. Trang trại bò giờ có khoảng 500 con. Tôi nuôi trùn quế để cho vào phân.
Nếu không để bón cho cây, tôi có thể sử dụng phân trùn quế để bán. Trong 4 tuần, có thể bán được 2 tỷ đồng. Hiện tại, cây nguyên liệu chúng tôi không sử dụng phân hóa học”, chủ thương hiệu Tâm Lan cho biết.
Theo bà Lấn, các nước như châu Âu rất khắt khe về chất lượng nhưng trà Tâm Lan đạt 500 chỉ tiêu. Bản thân bà khi tới Úc bán hàng, bà tự tin bưng từng ly nước để mời khách hàng thưởng trà.
Bản lĩnh tuổi già
Ở độ tuổi 70, lẽ ra doanh nhân Võ Thị Lấn có thể nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già. Nhưng với bà, kinh doanh, gia đình và công tác xã hội luôn có sự dung hòa. Ngoài công việc kinh doanh tất bật, bà Lấn dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội, từ thiện, như ủng hộ quỹ khuyến học vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiên tai; xây dãy nhà cưu mang khoảng 20 con em của địa phương có hoàn cảnh khó khăn, lo chi phí ăn học 100%… “Tôi chưa biết ngày nào sẽ về hưu. Ngày nào còn sức khỏe thì vẫn còn làm. Tôi 10 con nhưng lập nghiệp muộn và các con tôi đều có sự nghiệp riêng. Các con tôi chỉ hỗ trợ Tâm Lan có như hôm nay, tôi đã phải dành rất nhiều tâm sức. Tôi chưa thể dừng mà chưa có người quản lý được”, bà Lấn tâm sự.
Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
“Lão bà thép” Tư Hường – Người con đất võ đã về với thiên cổ