Thiếu quyết đoán không phải là một đặc điểm tính cách bẩm sinh mà đó là dấu hiệu cho thấy rằng có gì đó về suy nghĩ và cảm xúc của bạn đang đi sai chiều và khiến bạn rơi vào căng thẳng…
Suy nghĩ đúng đắn kết hợp với hành động đúng lúc là một điều tuyệt vời, nhưng từ lý thuyết sang thực tiễn là một yếu tố có tính rủi ro và nguy hiểm mà không phải ai cũng can đảm thực hiện. Và điều đó khiến chúng ta rơi vào tình trạng thiếu quyết đoán và chưa sẵn sàng đối phó với tình huống xảy ra. Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao mình lại thường bị chi phối bởi cảm xúc đó và tìm hướng tiếp cận để giải quyết chúng?
Cảm giác tội lỗi
Đôi khi, bạn thực sự có thể biết những gì bạn muốn làm, nhưng bạn cứ ngần ngại không thực hiện mà để những gì người khác muốn, người khác góp ý ảnh hưởng đến bạn. Do đó, học cách chịu đựng và cảm thấy tội lỗi sẽ khiến bạn rơi vào những tình huống thiếu quyết đoán và làm chủ cuộc sống của mình. Dù là một người dễ chịu và thoải mái đến đâu, bạn cũng nên quan tâm đến cảm xúc của bản thân và điều bạn thực sự mong muốn khi thực hiện một việc gì đó mà không để người khác ảnh hưởng đến mình.
Thiếu tự tin ở bản thân
Sự tự ti hay thiếu chính kiến còn dựa vào trí thông minh và trực giác của một người. Nếu trực giác của một người mạnh mẽ và họ luôn nghe vào tiếng nói trong lòng mình, họ sẽ không bao giờ ngần ngại trong những quyết định, bởi vì họ có sự tự tin. Xây dựng sự tự tin đòi hỏi bạn phải biết mình giỏi những gì và thiếu hụt những gì để bổ khuyết, xây dựng những kỹ năng để có thể ngày một tự tin hơn. Nếu bạn tìm ra được sở thích và sự khác biệt của mình, hãy làm chủ nó và quyết đoán hơn trong những trường hợp đặc biệt trong công việc lẫn cuộc sống để không bao giờ phải trải quá cảm giác thốt lên hai chữ “giá như”.
Chủ nghĩa cầu toàn
Nhiều người trong chúng ta thường bị ám ảnh bởi việc lựa chọn đúng vì suy nghĩ làm sai luôn quá “sức chịu đựng”. Nỗi lo lắng này thường xuất phát từ việc được nuôi dưỡng trong các gia đình, mà ở đó chủ nghĩa đúng sai luôn rạch ròi và rất quan trọng đến mức những sai lầm không được phép xảy ra. Nhìn vào cách bố mẹ giáo dục con cái sẽ cho chúng ta biết rất nhiều về cách một đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào. Vì vậy, dù đã làm cha mẹ hay chưa, bạn phải là người đầu tiên quyết đoán và không được tỏ ra lo lắng về những lựa chọn của mình. Vào một thời điểm nào đó, chúng ta có thể làm sai và hãy đừng quên nhắc nhở bản thân rằng việc đó là hoàn toàn bình thường và có thể chấp nhận được. Và để tối đa hóa cơ hội đưa ra những lựa chọn tốt nhất khi đối mặt, việc lập kế hoạch và giải quyết vấn đề nên được diễn ra một cách tách bạch và không để tâm trí, cảm xúc của bạn tác động quá nhiều.
“Hãy tưởng tượng những gì bạn muốn và những thứ bạn muốn trở thành sự thật. Đó là tư duy để góp phần thay đổi lớn, dù thay đổi đó có dẫn đến sai lầm thì nó cũng đã mang đến cho bạn những bài học cuộc sống phong phú. Cũng đơn giản như, bạn có thể mua chiếc áo màu đen ngày hôm nay và sau đó quyết định xem có nên đổi lại thành màu xanh không. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tư tưởng và sự kiên định của bạn mà không ai hoặc điều gì có thể thay bạn quyết định.”
Quên mục tiêu lớn hơn
Khi mọi người không biết hành động đúng đắn tiếp theo là gì, thường là vì họ đã đánh mất hoặc quên đi mục tiêu lớn hơn có thể đưa họ tới. Họ thường phân tâm vì những lợi ích trước mắt mà quên mất đi lý do đầu tiên và quan trọng nhất khiến họ theo đuổi một điều gì đó. Vì vậy, trước khi bạn tìm ra lựa chọn nào bạn muốn thực hiện, hãy quyết định mục tiêu dài hạn của bạn là gì và có những lựa chọn phù hợp tại những thời điểm phải đưa ra quyết định.
Sợ đối mặt với trách nhiệm
Bên cạnh những lý do thường gặp trên, một lý do phổ biến khác chính là mọi người thường không muốn chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Một số người luôn chần chừ hoặc tránh đưa ra các quyết định bởi họ luôn cảm giác bi quan và cho rằng quyết định của mình sẽ dẫn đến sai lầm hoặc ngoài tầm kiểm soát. Đưa ra quyết định không dễ dàng cho bất cứ ai, nhưng như đã nói, bạn không phải lúc nào cũng phải làm đúng và hoàn hảo. Bạn chỉ cần đưa ra quyết định, nếu quyết định ấy dẫn đến sai lầm, hãy thoải mái chấp nhận và tha thứ cho mình rồi học hỏi từ những lỗi lầm đã xảy ra.
Đọc thêm:
Đối mặt với “lựa chọn” hoặc “không lựa chọn”, bạn sẽ làm gì?