Trưởng thành: Những bài học đắt giá tuổi 20 lẽ ra nên biết sớm hơn! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trưởng thành: Những bài học đắt giá tuổi 20 lẽ ra nên biết sớm hơn!

Tuổi đôi mươi là khoảng thời gian quan trọng để tạo nên nền tảng cho tương lai. Và sẽ không bao giờ là quá muộn nếu chúng ta sửa chữa một số sai lầm từ kinh nghiệm của những người từng trải.

Mặc dù, bạn không thể quay ngược thời gian để thay đổi những quyết định và sai lầm trong quá khứ. Nhưng chúng ta có thể tham khảo được nhiều bài học từ những người từng trải thông qua sai lầm của họ và tìm ra giải pháp tốt hơn trong tương lai. Đây cũng là những điều chúng ta có thể thay đổi ngay từ hôm nay ở bất cứ độ tuổi nào, để làm mới cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn. Dưới đây là 4 bài học mà nhiều người ước rằng nên biết sớm hơn ở tuổi 20.

1. Chấp nhận sự rời khỏi của những người từng rất quan trọng

Chúng ta ai cũng có một nhóm bạn thời niên thiếu. Nhưng đến một thời điểm, bạn đang cảm thấy bản thân đang mất dần nhiều người trong số họ. Đừng từ dằn vặt mình và cố níu kéo một mối quan hệ đã “quá hạn sử dụng. Việc mọi người thay đổi sở thích và ưu tiên của mình ngay bây giờ là điều hoàn toàn bình thường. Những người bạn cũ hay thậm chí là chính bạn có thể sẽ cảm thấy mối quan hệ đó không còn phù hợp cho những định hướng hiện tại của mỗi người nữa. Và việc tách nhau ra là điều hiển nhiên một ngày không xa. Đừng cảm thấy nuối tiếc về những điều đã xảy ra, hãy giữ những người thân cận nhất ở bên cạnh thay vì cố mở ra một vòng tròn bạn bè rộng lớn.

Trong một mối quan hệ hẹn hò cũng tương tự như vậy. Ở tuổi 20, chúng ta yêu hết mình và cống hiến hết sức sống cho tình yêu. Nhưng tình đầu không phải lúc nào cũng là tình cuối. Hãy nhìn nhận tình cảm thời niên thiếu ấy là một kỷ niệm đẹp khi nhìn lại từng giai đoạn trên đường đời. Ngay khi bạn đọc bài viết này, dù không còn ở tuổi 20. Nhưng, chưa bao giờ là quá muộn để buông bỏ một quá khứ và tìm cho mình một người bạn đời xứng đáng sau mọi vấp ngã. Tóm lại, cho dù đó là tình bạn hay một mối quan hệ lãng mạn, bạn không cần phải gượng ép bản thân để rồi chỉ nhận lại những cảm xúc tiêu cực về phía mình. Thời gian sẽ chữa lành những vết thương lúc trưởng thành và bạn vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước, chỉ cần bắt đầu ngay từ bây giờ!

2. Thất bại cũng là chuyện thường tình thôi!

Thất bại là một phần của cuộc sống, cho dù bạn muốn hay không. Ngay cả những tỷ phú thành công nhất cũng có thể ngồi xuống và liệt ra những sai lầm mà mình đã nếm trải. Nhưng mấu chốt đó là họ đã không bỏ cuộc! Giống như ở trường học, bạn không thể tiếp thu được tất cả bài học trong cùng một ngày. Nhưng điều quan trọng là bạn đã học được những gì và áp dụng chúng ra sao. Nếu nỗi sợ hãi về việc trải nghiệm một khía cạnh mới lạ luôn làm bạn chần chừ, hãy suy nghĩ đơn giản rằng: Đến cả những người ưu tú nhất cũng đã từng thất bại và bạn cũng không ngoại lệ. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu với muôn vàn trải nghiệm kỳ thú và nỗi sợ thất bại sẽ kìm hãm bạn trước rất nhiều cơ hội đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như tôi đã đề cập ở trên, thời gian sẽ chữa lành những vết thương, nhưng sự trưởng thành mà bạn có được từ nó là một trải nghiệm đầy chông gai nhưng cũng vô cùng quý giá.

3. Đừng xem nhẹ những kỷ niệm đẹp

Khi nhìn lại tuổi thơ của mình, bạn có nhớ những dịp lễ hay các món quà sinh nhật xinh xắn đã làm trái tim mình “nhảy lên” như thế nào không? Hay đơn giản là những chuyến đi chơi xa với gia đình cũng đủ khiến bạn có một đêm nôn nao mất ngủ thế nào? Những bài học chúng ta đã trải qua ngày hôm nay đều sẽ là quá khứ của ngày mai. Vậy nên, đừng để những kỷ niệm đẹp bị đưa vào quên lãng. Ngược lại, hãy biến chúng thành chiếc gối để bạn có thể tựa vào những lúc mỏi mệt.

Khi chúng ta trưởng thành, lập gia đình và phải đảm nhận nhiều trọng trách lớn hơn, bạn lại sợ một tuổi mới “ập” đến, bạn lại không yên tâm với một chuyến du lịch khi công việc còn đang dang dở. Nói cách khác, chúng ta đã không còn đơn thuần và ngây thơ để tận hưởng những niềm vui tưởng chừng như giản đơn nhất. Vậy thì hãy cho phép bản thân được ấp ôm những ký ức đẹp nhất của thời son trẻ, ngây thơ để khi nhìn lại, chúng ta vẫn thấy rằng mình đã từng có những phút giây hạnh phúc nhất để tiếp tục “chiến đấu” cho những thực tế khốc liệt của hiện tại.

4. Bạn không phải bản sao của người khác!

Có thể một cô bạn cũ của bạn ở trường đại học đã tìm được một sự nghiệp “hoàn hảo” và một vị hôn phu trong mơ. Điều này khiến bạn chạnh lòng và dâng lên nỗi sợ FOMO bên trong mình. Chúng ta là những cá thể có xuất thân, hoàn cảnh khác biệt nhau. Sự so sánh không ngừng nghỉ đó chỉ khiến bản thân bản cảm thấy mỏi mệt và gục ngã. Để bắt kịp cô bạn ấy, bạn không nên bỏ lỡ những cơ hội độc nhất của chính mình để chạy theo một mẫu hình trong cuộc sống của người khác. Hãy tự hỏi chính mình rằng liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc khi đạt được những điều ấy?

Đôi khi sự lựa chọn học đại học hay cao học không phải là con đường thích hợp cho một ai đó. Hoặc có lúc, việc kết hôn sớm ở tuổi 20 là lựa chọn hoàn hảo của người này nhưng hoàn toàn ngược lại với người khác. Mọi người đều sẽ phải trưởng thành và phát triển theo tốc độ của riêng mình, và nếu chúng ta trung thực với chính mình, thì mạng xã hội sẽ không còn là một “màn trình diễn” hào nhoáng khiến mọi người bị cuốn vào sự thôi miên ấy. Bạn có thể sẽ không nhận ra tiềm năng của bản thân mình. Nhưng biết đâu khi bạn đang mãi mê nhìn về thành công của một ai đó, lại có một người khác vô cùng ngưỡng mộ những gì bạn đang sở hữu? Vì vậy, hãy chống lại sự thôi thúc tiêu cực của bản thân khi nhìn thấy người khác “chiến thắng” ở một khía cạnh bạn chưa đạt được. Và điều đó cũng không có nghĩa bạn là một kẻ phạm sai lầm, thất bại. Con đường của bạn là khác biệt, vì bạn là độc nhất và không ai có thể thay thế hay sao chép được cả!

Những bài học trưởng thành ở tuổi 20 này không phải là những điều chỉ có giá trị trong một thời điểm. Chúng tôi tin rằng dù bạn đang ở bất cứ độ tuổi nào, chúng ta đều có thể áp dụng để thay đổi tư duy nhằm tìm kiếm những cơ hội hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment