Tổng số lỗ lũy kế của 4 doanh nghiệp đứng đầu ngành thương mại điện tử lên tới gần 4.500 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Không ngại việc lỗ lớn, các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam liên tục được các nhà đầu tư “bơm” thêm tiền để tiếp tục giành giật thị phần.
Thương mại điện tử – ngành kinh doanh bùng nổ trong khoảng 5 năm gần đây với sự lên ngôi của phong cách tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng đạt trên 25% năm 2017 và có thể duy trì cả giai đoạn 2018-2010. Tuy nhiên, trong thị trường sơ khai có tốc độ tăng trưởng cao như thế này, các doanh nghiệp đứng đầu như Lazada, Tiki hay Shopee,… không ngại lao vào cuộc chiến “đốt tiền” để tranh giành miếng bánh thị phần. Thậm chí con số lỗ càng cao, càng thể hiện mức độ áp đảo trên thị trường thương mại điện tử.
Tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2012, Lazada hiện là trang thương mại điện tử đứng đầu nếu xét về mức độ “chịu chi”. Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Recess – pháp nhân của Lazada tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp này báo lỗ lần lượt 977 tỷ đồng trong năm 2015 và 1.019 tỷ năm 2016.
Mức lỗ này còn lớn cả doanh thu của Lazada nếu xét về số tuyệt đối, khi chỉ ghi nhận hơn 600 tỷ đồng năm 2015 và 907 tỷ năm 2016. Ghi nhận lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh nhưng khoản chi cho bán hàng và quản lý quá lớn khiến doanh nghiệp này nhiều năm nay không biết đến lợi nhuận, thậm chí khoản lỗ ngày càng tăng.
Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử này đạt gần 2.743 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ có 15 tỷ. Toàn bộ nguồn vốn hoạt động chủ yếu đến từ nợ vay. Theo báo cáo tài chính, pháp nhân của Lazada đang ghi nhận gần 1.500 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 1.400 tỷ nợ vay dài hạn tính tới cuối năm 2016.
Tuy nhiên, cũng như nhiều trang thương mại điện tử khác, Lazada không cần quá bận tâm về con số lỗ. Đầu năm 2018, Tập đoàn Alibaba cho biết sẽ rót thêm 2 tỷ USD vào Lazada. Alibaba cũng là chủ sở hữu của “đại gia” thương mại điện tử Đông Nam Á này khi chi ra 2 tỷ USD để sở hữu 83% cổ phần vào năm ngoái.
“Tăng tốc” trên bảng xếp hạng các trang thương mại điện tử thua lỗ cũng phải kể đến Shopee. Đơn vị này là một sản phẩm từ Garena – nhà cung cấp nền tảng Internet hàng đầu tại Singapore (nay đã đổi tên thành SEA). Năm 2016 khi mới tham gia thị trường, Shopee chỉ lỗ hơn 160 tỷ. Tuy nhiên, đến năm 2017, khoản lỗ gia tăng lên hơn 600 tỷ đồng.
So với trang thương mại điện tử Lazada hay Shopee được chống lưng bởi những tập đoàn lớn, Tiki hay Sendo có phần khiêm tốn hơn. Sau 7 năm hoạt động, Tiki lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng. Doanh thu của Tiki trong năm 2016 đạt gần 62,4 tỷ, gấp 6 lần năm 2015. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này chịu lỗ gần 179 tỷ đồng trong năm này do chi phí bán hàng quá lớn.
Thực tế, Tiki chỉ ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ với giá vốn gần như bằng 0, còn doanh thu hoạt động thương mại trên sàn giao dịch điện tử này được ghi nhận vào công ty con – Công ty TNHH MTV Thương mại Tiki (Tiki Trading). Năm 2016, doanh thu Tiki Trading đạt hơn 817 tỷ với biên lợi nhuận gộp khoảng 9%.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Tiki tiếp tục được Tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 của Trung Quốc là JD.com cùng một số nhà đầu tư khác rót thêm khoảng 50 triệu USD. Theo DealStreetAsia, Tiki có kế hoạch thực hiện một vòng huy động mới trong năm 2019 với quy mô từ 50-100 triệu USD và JD.com sẽ tiếp tục tham gia. Việc JD.com đầu tư mạnh vào Tiki có thể xem như là động thái để chạy đua với Alibaba tại thị trường Việt Nam sau khi Alibaba mua lại Lazada từ vài năm trước.Lần đầu tư này từ JD chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tập đoàn này tuyên bố “bơm” 44 triệu USD cũng cho Tiki tháng 11/2017.
Sendo đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng. Trang thương mại điện tử Sendo của Tập đoàn FPT huy động được hơn 400 tỷ đồng trong 2 năm 2015-2016. Tuy vậy, kế hoạch chi tiêu của Sendo có phần khiêm tốn hơn so với những đối thủ khi chỉ báo lỗ 60 tỷ đồng trong năm 2015 và 136 tỷ trong năm 2016. Đến cuối năm này, Sendo lỗ lũy kế gần 230 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của công ty này vẫn còn hơn 227 tỷ nhờ khoản thặng dư do phát hành cổ phần năm 2016.
Bên cạnh cổ đông chính là FPT, Sendo còn có các nhà đầu tư khác gồm SBI Holdings, Econtext Asia, Beenos Asia…
Có thể bạn quan tâm:
Tuyển dụng thời đại kỹ thuật số: Cơ hội và thách thức nào cho nhà quản lý?
Khai phá “tiềm năng“ thông qua việc đọc hiểu tính cách nhân viên