Nhiều khả năng, một tập đoàn lớn tại địa phương đã đồng ý mua lại Zalora Thái Lan với giá 10 triệu USD. Trong khi đó, thương vụ phía Việt Nam hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào.
Thương vụ đầu tư trị giá hàng tỉ USD của tập đoàn Alibaba vào Lazada vừa được công bố không lâu, tờ Techcrunh tiếp tục đưa thêm thông tin rút lui khỏi thị trường của tập đoàn mẹ Rocket Internet.
Cụ thể, website thời trang Zalora – đơn vị từng huy động được hơn 250 triệu USD đang lên kế hoạch rút khỏi 2 thị trường có hoạt động kinh doanh mờ nhạt gồm Thái Lan và Việt Nam nhằm giảm cắt giảm chi phí.
Nhiều khả năng, một tập đoàn lớn tại địa phương đã đồng ý mua lại Zalora Thái Lan với giá 10 triệu USD nhưng thoả thuận vẫn chưa hoàn tất.
Trong khi đó, thương vụ phía Việt Nam hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào. (Năm ngoái, Rocket Internet cũng đã bán Foodpanda Việt Nam cho một đối thủ tại địa phương là Vietnammmm).
Hiện phía Zalora từ chối đưa ra bình luận về thông tin kể trên.
Khởi đầu từ năm 2012, Rocket Internet đã tấn công mạnh mẽ vào thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á – khu vực có lượng dân số lên tới 550 triệu người nhưng chưa hề có sự xuất hiện của những ông lớn tới từ Mỹ như Amazon hay eBay.
Cả Zalora và Lazada đều được kỳ vọng có thể có lãi trong năm 2015 nhưng thực tế cho tới nay cả 2 đều rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Ngoài mục tiêu ban đầu quá tham vọng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này có lẽ là do tốc độ tăng trưởng chậm chạp của thị trường.
Hiện tại Zalora đang có mặt tại 11 quốc gia trên khắp châu Á Thái Bình Dương bao gồm cả Indonesia, Đài Loan và Úc.
Một nguồn tin của Techcrunch nói rằng công ty hiện đang tập trung vào những quốc gia “gần đạt ngưỡng có lợi nhuận” và Thái Lan và Việt Nam không nằm trong số đó. Chính vì vậy họ buộc phải bán những mảng kinh doanh này, cắt giảm chi phí và hỗ trợ việc phát triển ở những thị trường còn lại.
Cũng theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Rocket Internet, doanh thu của Zalora tăng 78% lên mức 234 triệu USD trong năm 2015 nhưng lỗ ròng cũng tăng 36% lên mới 105 triệu USD.
Tình hình tài chính của Zalora dù chưa tới mức thê thảm như Lazada nhưng điều đáng chú ý là nguồn dự trữ tiền mặt của Zalora gần như đã cạn kiệt, chính vì vậy việc cắt giảm chi phí là kịch bản không quá bất ngờ.
Theo Techcrunch, Zalora đã được rao bán cho các đầu tư và người mua tiềm năng một vài lần. Tuy nhiên, trong khi phía Rocket Internet tìm cách rút lui hoàn toàn khỏi Lazada thì với Zalora họ chọn phương pháp bán mảng kinh doanh tại một số thị trường riêng biệt.
Giá trị của Zalora hiện cũng không thể được xác định rõ ràng bởi công ty này thuộc một phần sở hữu của hãng thương mại điện tử chuyên về thời trang Global Fashion Group.
Việc rút lui của Zalora diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Hãng thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản gần đây cũng rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á thông qua động thái bán mảng kinh doanh tại Thái Lan.
Trong khi đó, tập đoàn Alibaba lại mua một lượng lớn cổ phần của Lazada ngay trước thềm công ty này phá sản. Rocket Internet hiển nhiên là người hưởng lợi khi giá trị khoản đầu tư ban đầu của họ tăng lên tới 15 lần nhưng các nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng với hình thức rút lui này nhất là sau khi họ từng kỳ vọng đưa Lazada trở thành Amazon của Đông Nam Á.
Hiện khu vực Đông Nam Á vẫn còn thua xa những thị trường lớn như Trung Quốc và Ấn Độ nhưng với hơn 500 triệu khách hàng và tầng lớp trung lưu ngày một tăng, tiềm năng trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn còn rất rộng mở.
Tuy nhiên, con số 3% thương mại thực hiện trực tuyến, mạng lưới logistic chưa hoàn thiện, khác biệt về văn hoá khiến việc xây dựng được một doanh nghiệp thương mại điện tử thành công gặp phải thử thách vô cùng lớn và cần tới nguồn vốn “khủng”.
Việc rao bán Zalora cũng cho thấy hướng tập trung mới của Rocket Internet vào thị trường châu Á.
Nếu như nhiều năm nay công ty phát triển những thương hiệu với quy mô lớn như Zaloza, Lazada và Foodpanda thì gần đây họ đã tuyên bố kế hoạch ra mắt những công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu như chuỗi khách sạn giá rẻ Zen Rooms.
Không chỉ khu vực Đông Nam Á, tại Ấn Độ Rocket Internet cũng đã bán website nội thất Fab Furnish và đang tìm kiếm người mua Foodpanda và trang thương mại điện tử Jabong tại quốc gia này.
Theo Trí Thức Trẻ/Techcrunch