Sống "chậm" hay "nhanh" để có thể làm chủ nhịp bước giữa cuộc đời?

Sống “chậm” hay “nhanh” để làm chủ nhịp bước cuộc đời?

ngưỡng cửa then chốt của khát vọng tuổi trẻ, bạn sẽ lựa chọn tăng tốc trên chiếc cano lướt cao trên đầu ngọn sóng hay dong thuyền trôi từ tốn từng ngày? Bạn chọn sống “nhanh” hay sống “chậm”? Dù phương tiện thăng tiến của bạn là gì, bạn cũng sẽ trở thành một nhà cầm lái tài ba nếu tìm được sự dung hòa giữa khát vọng của bản thân và cuộc sống bao la để thấu hiểu nội tại và đi tìm hạnh phúc cho từng nấc thang cuộc đời.

Những khái niệm về “chậm” và “nhanh” luôn khiến chúng ta sớm đưa ra kiến giải rõ ràng nhưng nếu đặt trong lựa chọn phong cách sống thì thật khó mường tượng, tựa khi bắt đầu một hành trình không rõ điều gì chờ đợi phía trước. Thật vậy, khi trưởng thành chúng ta thường có thói quen phân định những thước đo mang tính chất rạch ròi, thậm chí gắng gượng, bó buộc bản thân vào một lối sống mà bạn cho rằng phù hợp với khát vọng của chính mình. Những khát khao sự nghiệp và thành công theo những hình mẫu rồi còn nhiều cái “phải” khác khiến chúng ta không ngừng đặt ra những vạch mức cho bản thân dấn tới. Nhưng chính bởi những ước vọng cuồng nhiệt lẫn sức trẻ lấn át đôi khi khiến bạn mải miết chạy về phía trước mà quên mất ướm hỏi bản thân rằng đâu là điều thật sự phù hợp với mình? Để rồi trong cảm giác chơi vơi khi chưa hiện thực hóa được ước muốn, bạn trở nên lúng túng ngay cả trong việc nhìn lại chính mình và ngập ngừng trước những lựa chọn liệu đã giúp bạn sắp xếp cuộc sống “đủ hài hòa”?

Khi thành tựu trở thành thước đo, người thành công cho rằng chiến thắng được góp sức bởi sự nhanh nhạy và kẻ thất bại luôn tin rằng mình “chưa đủ nhanh”. Nhưng thật ra việc ước lượng được những giá trị chẳng thể đong đếm như “nhanh” hay “chậm” chưa bao giờ là điều dễ dàng với bất kỳ ai. Đồng nghĩa với đó là việc chẳng có ai đưa ra được những hạn mức về độ tuổi khi bạn buộc phải suy nghĩ để bắt đầu hình thành những cảm quan về việc “đi nhanh” hay “sống chậm”. Có chăng khi tâm hồn được soi chiếu dưới lăng kính đầy sắc màu phong phú của những vội vã trong cuộc đua thăng tiến, của vòng xoáy công việc hay của những lúc “chăm chút” tô điểm cho các mối quan hệ, đến một ngày bạn chợt nhận ra quỹ thời gian trong cuộc đời như trôi tuột đột ngột, vô chừng đến khó nắm bắt. Như cách dòng nước vô định không ngừng tạo ra nhiều thử thách, chướng ngại, sẵn sàng khiến bạn lạc tay chiếc bánh lái, buộc phải “xoay” con tàu cuộc đời theo những hướng không định trước, và rồi khiến bạn hoang mang không rõ mình nên tiếp bước “nhanh” hơn hay giảm tốc để “chậm” lại…

Trên thuyền, đừng phó mặc cho sóng!

Từng thời khắc trong đời trôi qua cũng là từng ấy thời gian mọi thứ xung quanh cũng không ngừng vận hành và phát triển. Giữa guồng quay ấy, đôi khi vì gặp khó khăn hay vấp ngã, hay chỉ đơn thuần thất vọng về điều gì đó, bạn chợt muốn hạ nhiệt bản thân, muốn được “chậm” lại. Nhất là khi xung quanh chúng ta hiện nay liên tục những thông điệp “sống chậm” được truyền đi, bạn rơi vào lằn ranh mong manh đó rồi “ủ” mình trong chiếc vỏ “sống chậm”, nhưng liệu bạn đã hiểu được ý nghĩa của hai từ này? Bạn đừng để bản thân “sống chậm” bằng cách tự tách mình ra khỏi guồng quay năng động của cuộc sống khi năng lực của bạn vẫn còn đang tràn đầy. Đừng để bản thân thui chột ý chí cạnh tranh để rồi dần mất hẳn lòng nhiệt thành với công việc mà bạn khao khát bấy lâu nay. Bạn lấy cớ rằng mình đang lái thuyền nên chẳng thể đi nhanh, thay vì nỗ lực bằng cách tăng cường động cơ, bạn lại ì ạch mặc cho cơn sóng “dẫn” tàu về phía trước mà quên rằng một khi sóng “đổi chiều” – những yếu tố “thiên thời” không còn, con thuyền bạn đi liệu có còn theo hướng bạn mong muốn?

Hãy hiểu rằng, “sống chậm” không đồng nghĩa với lối sống tiêu cực, dập tắt đam mê, mất ý chí vươn lên và phó mặc mọi thứ. Mà khởi nguyên của “chậm” chính là tìm lại bản ngã tích cực, không ngừng lao động, sáng tạo, nỗ lực để mang về những thành quả tốt đẹp. Song song đó là những cố gắng không ngừng để vun đắp những giá trị cốt lõi trong tâm hồn, làm chủ và sở hữu được tinh thần hăng hái để nhận ra và chọn lọc những giá trị bền vững và trân quý trong cuộc sống. Và để hội đủ những tố chất sống còn, mỗi cá thể cần trui rèn cho mình bản lĩnh sống đủ thông minh, đủ tài tình, đủ phi thường để đứng trước những cơn sóng thử thách của đời người giúp bạn nhào nặn nên lối sống hài hòa và phù hợp.

Khi trở thành một bậc thầy của cuộc sống, bạn sẽ không e ngại giữa khái niệm “nhanh” và “chậm” nữa mà sẽ biết cách gia giảm để trở thành một nhà cầm lái thực thụ để kết hợp cả hai như vốn gia vị cuộc sống không thể thiếu, có chăng là bổ khuyết cho nhau để mang đến cho bạn đời sống thăng hoa hơn.

“Sống chậm không hề tước đoạt hay đặt dấu chấm hết cho tham vọng mà ngược lại trở thành tấm gương phản chiếu chân thực giúp bạn điều tiết để “sống nhanh” nhưng không trở nên quá vội vã.”

Lướt nhanh cano nhưng chắc tay bánh lái!

Nếu như tuổi trẻ luôn cho ta những nguồn năng lượng vô tận để chinh phục những khát khao ước muốn với chính cuộc đời mình, thì dù vội chút nữa để “nhanh” hơn cũng không mang bạn chạm gần ngưỡng danh vọng. Sống chậm không hề tước đoạt hay đặt dấu chấm hết cho tham vọng mà ngược lại trở thành tấm gương phản chiếu chân thực giúp bạn điều tiết để “sống nhanh” nhưng không phải là “sống vội”.

Mỗi người dù trẻ hay già rồi cũng sẽ hiểu rằng bản lĩnh là thứ được tôi luyện nên từ thái độ đối mặt với áp lực, từ lựa chọn nắm giữ và tận hưởng cuộc sống mang chiều hướng ý vị nhất của bản thân. Chính bạn sẽ là vị thuyền trưởng minh mẫn phải cầm chặt bánh lái, thậm chí đôi khi còn biến hóa thành chiếc phao để tự cứu lấy chính mình. Một khi bạn đã vững tay chèo chống cho chuyến tàu cuộc đời dù có chòng chành nhưng vẫn đi đúng hướng là lúc trong bạn đạt được trạng thái đồng nhất về trí tuệ và cảm xúc. Sự trưởng thành và nhận thức hoàn thiện về mọi thứ xung quanh sẽ cho bạn đủ tinh tế để nhận ra muôn vàn nét đẹp dù nhỏ nhất từ những con người bạn tiếp xúc mỗi ngày, những công việc bạn phải hoàn thành mỗi tháng, những dự án tưởng chừng khô khan nhưng biết đâu đó lại có những ý nghĩa nhân văn… Đó là bởi, bạn hãy tin rằng, sâu thẳm trong mỗi tâm hồn mỗi chúng ta đều luôn khát khao chạm đến những giá trị chân – thiện – mỹ mặc cho những trăn trở cuộc đời, mặc cho nhịp sống “nhanh” hay “chậm” mà bạn đã đủ khả năng tùy chỉnh.

 

Hãy bắt đầu từ khi còn trẻ bằng việc phát triển những niềm đam mê, công việc phù hợp với khả năng giúp bạn tự tin cầm lái ở những ngả rẽ và tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Bên cạnh nguồn năng lượng tích cực khi làm điều bản thân yêu thích, đừng quên chăm chút đến những giá trị tinh thần quan trọng nơi nội tại. Dành thời gian nghỉ dưỡng ở những vùng đất đẹp, sống trọn cảm xúc cùng quyển sách tâm đắc cho tâm hồn thực sự được xoa dịu… để bắt đầu chinh phục những mục tiêu phía trước. Chính khi có thể “sống chậm” đúng với nhịp độ phát triển của bản thân, tận hưởng và không ngừng vun đắp cho các giá trị tinh thần cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bắt đầu gặt hái được những quả ngọt tích cực mà bạn đã gieo trồng trong tư duy và bản lĩnh của mình. Những giá trị cốt lõi đó sẽ dẫn nguồn giúp bạn kiến tạo chân lý cuộc đời, tựa vầng hào quang tỏa sáng dẫn lối để không ai trong chúng ta mải miết đuổi theo mộng phù du, không mệt nhoài khi cố đạt thành tựu ở trạng thái vội vã đánh đổi.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân

Độc giả đang đọc bài viết “Sống “chậm” hay “nhanh” để có thể làm chủ nhịp bước giữa cuộc đời?” tại chuyên mục Thấy & Nghĩ của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả! 

Đọc thêm:

Sự nhạy cảm – Một đặc ân hay bất hạnh của tâm hồn?

Tình yêu và sự tổn thương vì những kỳ vọng không được đáp ứng

 

Comment