Nếu ví người nhạy cảm như một bức tường, thì ắt hẳn đó là bức tường của hai mảng đối lập mỏng manh và kiên cố nhất, mỏng manh vì chỉ ai thực sự hiểu mới có thể phá tan và kiên cố vì những người vô tâm luôn đạp đổ nhưng không thể…
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình là kiểu người gì hay chưa? Bạn vô tư, thông minh hay nhạy cảm và hài hước? Có những người trong chúng ta có hệ thống thần kinh vô cùng mẫn cảm và việc đó khiến họ luôn nhìn thế giới một cách đầy sâu sắc và mạnh mẽ. Nhạy cảm có thể xảy ra ở cả người hướng ngoại và hướng nội, và được hình thành rất sớm từ trong nhận thức mà không cần ai dạy bảo hay uốn nắn. Nó xảy ra đôi khi không hề theo mong muốn của họ, nó buộc họ nhìn mọi thứ chi tiết và rõ ràng hơn, và khi nhìn thấu mọi chuyện, có những sự thật sẽ khiến người nhạy cảm rơi vào cảm giác cô đơn vì không ai hiểu những gì mà họ đã và đang trải qua.
Bạn có thể không vì một tin nhắn mà muộn phiền, nhưng người nhạy cảm sẽ vì vài dòng vô tư của ai đó mà rơi vào bi quan. Bạn có thể không vì người thân quên chúc sinh nhật mà dừng lại buổi tiệc, nhưng người nhạy cảm sẽ vì chuyện người họ thương bất chợt quên đi mà cũng cảm thấy vô cùng đau lòng. Khi ai đó vẫn nói rằng nhạy cảm là một món quà, thì món quà đó cũng kèm theo nhiều điều kiện khác biệt mà chỉ có người nhạy cảm mới tự gặm nhấm và giải thoát chính mình.
Các mối quan hệ luôn được duy trì dựa trên sự bình đẳng và tương thích giữa các cá nhân, nhưng cảm xúc của người nhạy cảm luôn mang đến bất lợi cho họ bởi người nhạy cảm biết rằng, trái tim của họ càng lớn, họ càng phải cho đi nhiều hơn. Họ có thể mỉm cười lắng nghe bạn trò chuyện hàng giờ, họ có thể không tranh phần hơn mà nhường bạn thứ cả hai cùng thích, họ kìm nén lại những bực dọc không vui vì biết rằng bạn sẽ không thích nghe những điều khiến bạn không vui. Người nhạy cảm là thế đấy, họ đặt kỳ vọng ở bản thân rất cao và cảm thấy thất vọng nếu không may làm phật lòng ai đó.
Đôi khi, bi kịch của người nhạy cảm là họ vô cùng hiểu người khác nhưng người ta lại không hiểu họ. Thứ cảm giác đó níu họ ở lại trong một chiếc kén mang tên cô đơn và đôi khi “lừa dối” rằng họ đang làm rất tốt. Nhưng thực ra, họ biết rằng đôi khi họ chỉ muốn khiến người khác hạnh phúc và cho phép bản thân “rộng lượng” hơn mà thôi.
Người nhạy cảm có thể đến bất cứ nơi đâu, nhưng nơi khiến họ cảm giác an toàn nhất chính là tổ ấm của riêng mình, nơi họ được thực sự thuộc về và buông lỏng mọi gánh nặng vô hình trên vai. Người nhạy cảm có thể là một nhân viên hiểu chuyện, luôn được lòng mọi người và là lựa chọn tốt nhất khi ai đó cần được chia sẻ lời khuyên, nhưng liệu đã bao giờ bạn hỏi, người nhạy cảm khi yếu đuối sẽ thế nào? Tin chắc rằng, bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy hình ảnh đấy, bởi họ luôn mỉm cười khi ai đó hỏi mình có ổn không, họ luôn được bao bọc trong một vẻ ngoài khiến người khác an tâm và tin tưởng, nhưng bạn có biết không, người nhạy cảm có thể khóc và nén chặt răng khi nghe một bài nhạc xúc động hay đồng cảm vì một chi tiết nhỏ nhặt trong phim.
Họ cô đơn nhưng mạnh mẽ đến lạ, thứ mạnh mẽ đó cho phép họ không cần bất cứ ai an ủi mình bởi họ biết rằng, đơn giản đó là cuộc sống của họ và họ buộc phải tồn tại cộng sinh với sự nhạy cảm đôi khi có phần chán ghét đó.
Có một điều đặc biệt, người nhạy cảm luôn không phải là cá nhân nổi bật nhất nhưng ở họ sở hữu thứ thần thái đầy cuốn hút mà chỉ khi bạn có thể nhìn ra, bạn sẽ bị cuốn vào nó lúc nào không hay. Chẳng có gì lạ nếu bạn thấy người nhạy cảm biến mất một thời gian rồi lại xuất hiện đầy tươi sáng, mức năng lượng của họ được bồi đắp bởi những điều nhỏ nhặt mà họ xem đó là vô cùng xa xỉ. Làm bạn với người nhạy cảm, điều đó vừa khó lại vừa dễ. Khó là bạn sẽ không thể nhận ra cảm xúc thực của họ và khiến họ hài lòng tuyệt đối, nhưng dễ là khi chỉ cần bạn cho họ một chút, họ sẽ dốc lòng mà trao bạn tất cả những thứ họ thuộc về.
Họ khao khát sự chú ý từ bạn nhưng lại áp lực khi không biết bản thân có thể dành cho bạn những gì, họ thấu hiểu bạn một cách chân thành nhưng chưa bao giờ mong rằng là vị trí số 1 trong lòng bạn. Đối với người nhạy cảm, chỉ cần trong đám đông bạn có thể bắt gặp và gọi tên họ, điều đó đã khiến họ nhớ mãi không quên.
Người nhạy cảm luôn chú tâm đến các chi tiết và sự thật phũ phàng của thực tế, và cho dù đó là hành vi của một người bạn hay một sự bất công nhỏ nào đó không được ai khác chú ý, nó vẫn khiến người nhạy cảm bứt rứt và không thể chấp nhận. Nhưng không thể chấp nhận không có nghĩa là họ sẽ nói lên quan điểm của mình, mà thay vào đó, họ sẽ tìm cách để…giúp người đó che giấu tốt hơn hoặc im lặng như một người ngoài cuộc đúng nghĩa. Chính thứ cảm xúc quá mạnh mẽ đó đã khiến người nhạy cảm luôn học cách nhìn mọi thứ an nhiên và bao dung hơn, họ luôn lắng nghe và từ bi với những rắc rối của người khác. Cho dù bạn có 99 điểm xấu, nhưng nếu 1 điểm tốt còn lại vẫn khiến người nhạy cảm có thể nhìn ra, họ sẽ công nhận bạn vô điều kiện. Người nhạy cảm không tin vào sự hoàn hảo, nhưng họ sẽ mạo hiểm tất cả để bảo vệ lằn ranh có thể khiến tất cả tổn thương nếu không may nó phụt đứt.
***
Những gì trái tim người nhạy cảm khao khát là được người khác nói mình nghe những điều mà trái tim họ muốn nghe. Bởi vì đối với họ, có những lúc nước mắt có nghĩa là hạnh phúc và nụ cười lại hàm chứa đắng chát. Họ chịu đựng nhiều hơn, nhưng họ cũng yêu thương và mơ ước nhiều hơn. Nếu bạn là một người nhạy cảm, đừng tự ti và cảm thấy tức giận, bởi bạn chính là một cá thể đặc biệt của thế giới này và sự nhạy cảm tự nhiên của bạn chính là một may mắn mà không phải ai cũng có thể có được.
Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân
Illustration: Anisa Meilasyari
Độc giả đang đọc bài viết “Nhạy cảm – Một đặc ân hay bất hạnh cho tâm hồn?” tại chuyên mục Thấy & Nghĩ của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm: