Sự giao thoa giữa các vùng miền mang đến một nền văn hóa ẩm thực đa dạng cho người Việt Nam. Dù vậy có những món ăn truyền thống sẽ vẫn luôn hiện diện cứ mỗi độ Tết đến Xuân về. Trong không khí đất trời rộn ràng vào xuân, những món ăn cổ truyền lại được chuẩn bị chu đáo càng làm cho tâm hồn chúng ta thêm rạo rực.
Không khí Tết chỉ thực sự đến khi các món ăn truyền thống được bày biện trên mâm cơm mỗi gia đình. Tùy vùng miền mà nét văn hóa ẩm thực này sẽ có đôi phần khác, nhưng tựu trung những món ăn truyền thống ngày Tết luôn xuất hiện và không thể nào quên. Trong chuyên mục Cuisine của Tạp chí Nữ Doanh Nhân kỳ này, hãy cùng chúng tôi nếm thử vị quê hương qua những món ngon truyền thống ngày Tết nhé!
Bánh chưng
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, trên mâm cỗ của mỗi gia đình Việt, bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu, tạo nên phong vị ngày Tết. Ngay từ đời các vua Hùng, thức bánh này đã được dâng lên vua và tồn tại để trở thành một dấu ấn trong văn hóa ẩm thực của dân tộc. Nguyên liệu chính tạo nên bánh chưng chính là hạt gạo, loại thực phẩm được ví như hạt ngọc của đất trời ban tặng. Hạt gạo trắng ngần cùng đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu được gói trong lớp lá dong xanh tươi và buộc chặt bằng sợi lạt mềm tạo hình vuông vức bắt mắt. Với một quốc gia phát triển cùng với nền văn minh lúa nước như Việt Nam, sự hiện diện của bánh chưng trong ngày Tết mang ý nghĩa mong cầu về một năm mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no của mỗi gia đình.
Những ngày giáp Tết, nhiều gia đình Việt thường có phong tục quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng để duy trì nét đẹp cho các thế hệ sau. Trong không khí se lạnh của thời khắc giao mùa, đặc biệt ở khu vực miền Bắc, cả gia đình ngồi cạnh bên nhau, tay thoăn thoắt gói bánh cùng những câu chuyện rôm rả càng làm cho bức tranh sum họp ngày Tết thêm đẹp đẽ và ấm cúng. Bên nồi bánh chưng với lửa bập bùng, đàn em nhỏ chạy quanh chơi đùa, người lớn thì nhâm nhi chén trà làm cho mỗi người đều cảm thấy không khí Tết đang đến gần hơn bao giờ hết.
Bánh tét
Miền Bắc có bánh chưng, thì bánh tét là thức bánh không thể thiếu của người miền Nam. Khác với bánh chưng, bánh tét có hình trụ dài với phần vỏ là gạo nếp ngon và được gói trong lá chuối. Ẩm thực của miền Nam thường có vị ngọt hơn so với các vùng miền khác của đất nước. Chính vì vậy mà phần nhân bánh cũng có thêm nhân ngọt, bên cạnh nhân mặn. Theo đó, bánh tét thường có hai loại nhân là nhân đậu xanh thịt mỡ và nhân chuối. Ngoài ra, theo phong tục, người miền Tây còn làm bánh chay để cúng ông bà, cảm tạ trời đất vì một năm bình an. Còn bánh mặn hay ngọt sẽ dùng trong bữa ăn. Để tăng thêm hương vị khi dùng thức bánh này, người ta thường ăn kèm với củ kiệu, dưa chua và thịt kho tàu.
Nếu có dịp ghé đến miền Tây trong những ngày giáp Tết, bạn sẽ cảm nhận được không khí rộn ràng và nồng hậu của vùng đất này. Dù nhiệt độ không xuống thấp như miền Bắc hay miền Trung, nhưng những cơn gió mát cũng đủ làm người dân nơi đây thấy nôn nao khi nàng Xuân đang về. Vào mùng 29 hay 30 Tết, các thành viên trong gia đình thường tề tựu về nhà, ngồi quây quần bên nhau, gói bánh tét, luộc và chờ bánh chín. Khung cảnh này đã in đậm sâu vào trong ký ức của mỗi người dân miền Tây chân chất, thật thà.
Nem rán
Người ta vẫn thường dành lời tán dương cho ẩm thực miền Bắc, một nền ẩm thực dung dị trong cách chế biến và nguyên liệu nhưng đầy thanh tao, tinh tế. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua món nem rán, một món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt, đặc biệt là khu vực miền Bắc.
Nem rán của miền Bắc khác biệt với chả giò của người miền trong. Món ăn này thường được dùng trong các bữa ăn thường ngày, nhưng đặc biệt hơn là trong dịp lễ Tết. Nhân nem sẽ có rất nhiều nguyên liệu, từ rau củ quả cho đến nấm hương, mộc nhĩ, thậm chí là miến, thịt heo. Ngoài ra người ta còn dùng thêm trứng gà để cho màu sắc của nem được vàng đẹp khi rán.
Người miền Bắc thường chọn bánh đa mỏng để cuốn nem, cuốn thành nhiều lớp để tạo độ giòn rụm cho miếng nem sau khi rán. Khâu chuẩn bị những cuốn nem này cũng đầy ý nghĩa khi mọi người trong nhà tề tựu, cùng nhau gói nem. Người chuẩn bị nguyên liệu, người trộn đều, người cuốn nem, người thì đem rán, tất cả làm cho không khí ngày Tết thêm rộn vui. Thông thường, người ta sẽ cuốn nem đầy một hộp và để trong tủ lạnh, khi nào ăn sẽ mang ra rán để vị thêm ngon và nóng. Cắn một miếng nem nóng hổi, giòn rụm trong thời tiết se lạnh, cùng nước chấm chua ngọt, ăn kèm rau sống thì còn gì bằng.
Thịt đông
Thịt đông có lẽ là một tên gọi khá đặc biệt trong ẩm thực của người Việt, nhưng lại là món ăn truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Đây là món ăn truyền thống thường được thưởng thức ngon lành trong những ngày lạnh giá khi phần nước dùng đông thành thạch. Đó là lý do vì sao thịt đông là món ăn cổ truyền tại miền Bắc vào ngày Xuân về. Ngay trong chính tên gọi của món ăn này cũng đã gợi đến ước muốn về sự đông đúc, đầm ấm của gia đình trong những ngày Tết.
Không chỉ độc đáo trong tên gọi, thịt đông còn tạo nên sự tò mò trong chính cách nấu của ông bà ngày xưa. Những bát thịt đông gồm thịt lợn hoặc thịt giò, bì lợn, mộc nhĩ, hạt tiêu đã được chế biến và làm nguội. Tiếp đến các cụ sẽ mang bát thịt đông này đặt ở ngoài sân trong thời tiết sương giá. Cách làm này được giải thích rằng, món ăn sẽ được hấp thụ khí lạnh ngay khoảnh khắc giao mùa như cách tiếp nhận tinh hoa năm mới của đất trời.
Sau khi đã hoàn thành, thịt đông sẽ được mang vào và lật úp bát lên đĩa. Miếng thịt mềm được bao quanh phần thạch trong thật đẹp mắt hương vị hấp dẫn. Ăn thịt đông cùng với cơm hay bánh chưng, thêm chút dưa cải muối chua bạn sẽ cảm nhận được Tết đã thực sự đến.
Thịt kho hột vịt
Tết mà không có thịt kho hột vịt thì cũng xem như mất một phần hương vị truyền thống trong những ngày đầu năm của mỗi gia đình Việt. Món ăn này quen thuộc với mỗi nhà trải dài từ Bắc vào Nam. Người miền Bắc thường nấu thịt kho không có nước dừa và trứng luộc. Trong khi các tỉnh miền Trung và miền Nam sẽ thường kho cùng nước dừa cho nước dùng đậm đà và ngọt vị. Ngoài ra họ còn sử dụng thêm măng tre để ăn cho đỡ ngán.
Thịt ba chỉ được ưu tiên lựa chọn để chế biến món ăn này. Từng thớ thịt vừa nạc vừa mỡ càng làm tăng thêm sức hút và sự thòm thèm cho người ăn. Miếng thịt mềm được kho có màu nâu đỏ đậm bắt mắt hòa quyện cùng nước thịt sóng sánh, điểm thêm hột vịt luộc ngấm vị kho thì còn gì ngon bằng.
Trong những ngày Tết, gia đình thường nấu sẵn một nồi thịt kho và ăn dần. Mỗi khi ăn chỉ cần mang ra và hâm lại cho nóng là có thể dùng bữa. Đặc biệt, thịt kho hột vịt càng nấu càng ngọt, đậm vị. Người ăn có thể lựa chọn dùng thịt kho hột vịt cùng với cơm trắng, dưa kiệu, dưa chua hoặc cuốn với bánh tráng thay cơm để thay đổi khẩu vị.
Canh khổ qua nhồi thịt
Khổ qua (còn gọi mướp đắng) nhồi thịt là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ Tết của người miền Nam, với mong muốn mọi khó khăn vất vả tan biến và giải nhiệt thanh độc cơ thể.
Đi cùng với thịt kho hột vịt, mâm cỗ Tết của người miền Nam đặc biệt không thể thiếu canh khổ qua nhồi thịt. Những ngày thường, các mẹ cũng có thể chế biến món ăn này, nhưng cứ vào dịp Tết nó lại mang một ý nghĩa khác biệt hơn.
Tên gọi khổ qua như mang hàm ý về mong muốn mọi khổ đau, gian khó của năm cũ sẽ qua đi, những may mắn sẽ đến. Trên mâm cỗ ngày Tết, có tô canh khổ qua nhồi thịt bỗng thấy an tâm lạ thường. Bên cạnh yếu tố trên, món ăn này còn có tác dụng trong việc cân bằng giữa nhiều loại món chiên dầu mỡ của ngày Tết. Vị đắng trong khổ qua có thể giúp thanh nhiệt, giải độc. Ăn canh khổ qua, ban đầu bạn sẽ cảm nhận vị đắng nhẹ, nhưng hậu vị lại ngọt thanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng. Ngoài ra, phần nhân ngọt từ thịt và thơm nhờ nấm mèo hay mộc nhĩ sẽ giúp bữa cơm ngon hơn hẳn.
Giò lụa
Không chỉ được sử dụng trong những ổ bánh mì thường ngày, giò lụa còn là món ăn cổ truyền trong bữa ăn ngày Tết của người Việt. Trước khi trở thành một món ăn quen thuộc trong đời sống hằng ngày, giò lụa vốn chỉ được dâng lên vua chúa. Chính điều đó mà nó được ví như một món ăn quý tộc.
Ngày nay, bên cạnh bánh chưng, giò lụa là món không thể thiếu trong ngày Tết, dùng trong các bữa ăn hoặc để đãi khách đến nhà chơi. Thịt nạc thăn được chọn để làm giò, giã nhuyễn hòa cùng nước nắm và gói trong nhiều lớp lá chuối, sau cùng là luộc chín. Chính cách chế biến này đã tạo nên ý nghĩa đặc biệt cho giò lụa.
Món ăn này thoạt nhìn bên ngoài trông bình dị nhưng lại là biểu tượng của trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà, rất phù hợp để dùng trong những ngày Tết. Bên cạnh dùng chung với cơm trắng, giò lụa còn là “đồ nhắm” hoàn hảo cho khách ghé thăm. Một miếng giò cùng với củ kiệu hay dưa chua, nhâm nhi thêm ly bia mát lạnh hoặc ly rượu thơm ngon là đủ cho những cuộc gặp mặt thêm thân tình khắng khít ngày đầu năm.
Củ kiệu – Dưa hành
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Không phải ngẫu nhiên mà dưa hành được đưa vào câu nói về ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Trong những ngày Tết, ẩm thực là phần không thể thiếu tạo nên hương vị cho đầu năm mới. Thế nhưng việc ăn uống quá nhiều lại khiến chúng ta khó tiêu, đầy hơi. Chính vì thế, củ kiệu dưa hành xuất hiện như một món ăn làm cân bằng vị giác.
Củ kiệu, củ hành tím mang vị cay nồng, nhưng qua bí quyết của ông bà để lại, nó lại trở nên giòn ngọt và chua chua, tăng cảm giác thèm ăn của thực khách. Đặc biệt, dưa hành củ kiệu còn là món lên men và có nhiều chất xơ giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Món ăn này không chỉ là liều thuốc hỗ trợ mà còn dung hòa với những thức ăn dầu mỡ ngày Tết.
Vì lẽ đó mà củ kiệu, dưa hành đã trở thành mảnh ghép hoàn hảo, không thể thiếu trong mâm cỗ của bất kỳ gia đình Việt nào trong ngày đầu năm mới. Và thú vị hơn, củ kiệu dưa hành dù đi chung trong câu nói thường nhật nhưng lại tách biệt trong nét đẹp ẩm thực của hai miền đất nước. Nếu như ở miền Bắc, bánh chưng và dưa hành là cặp đôi ẩm thực không thể thiếu, thì người dân miền Nam thường dùng bánh tét cùng củ kiệu để tăng vị cho bữa ăn ngày Tết.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 146.2024 | Text: HIDA
Có thể bạn quan tâm: