Đưa vị giác đến những cung bậc ngọt ngào

Đưa vị giác đến những cung bậc ngọt ngào

Bất cứ điều gì mang đến trải nghiệm ngọt ngào đều được lòng những người thưởng thức. Và trong ẩm thực, món bánh ngọt cũng không là ngoại lệ, đặc biệt là đối với phái đẹp.

Khi dùng món bánh ngọt đúng cách, khoa học đã chứng minh thực phẩm ngọt có khả năng ức chế sự tiết cortisol – một loại hormone gây ra sự căng thẳng trong cơ thể của những phụ nữ khỏe mạnh. Có lẽ vì thế mà phái đẹp dường như khó có thể chối từ những món ngọt thơm ngon, cũng như là một cách họ tự thưởng cho vị giác của mình vào những khoảnh khắc mong muốn có được cảm xúc nhẹ nhàng, thư giãn. Với niềm cảm hứng ấy, chuyên mục Cuisine kỳ này giới thiệu đến bạn 8 món bánh ngọt tráng miệng ấn tượng trong ẩm thực thế giới như một món quà ngọt ngào cho độc giả nữ trong những giờ phút đọc chậm bên cuốn Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Bánh trôi nước
Bánh trôi nước Việt Nam

Nổi tiếng trong câu thơ “Thân em vừa trắng lại vừa tròn – Bảy nổi ba chìm với nước non”, món bánh trôi nước (hay chè trôi nước) là món ngọt quen thuộc và đóng vai trò đặc biệt trong nền ẩm thực tuyền thống Việt Nam. Đây là món tráng miệng ngọt ngào khó cưỡng làm từ đậu xanh xay nhuyễn được vo viên chặt tay trong một lớp bột gạo nếp. Sau đó, bánh được nấu kỹ trong nước đường gừng ngọt ngào cho đến khi nổi lên và trôi trên mặt nước. Đây cũng chính là nguồn gốc cho tên gọi bánh trôi nước của món bánh này.

Bánh trôi nước có hình tròn, mềm, dẻo, mịn và có vị ngọt thanh, hậu vị không gắt. Bánh có thể được ăn kèm với mứt, nước cốt dừa hoặc đường để gia tăng sự ngọt ngào, cũng như thường được ăn khi còn ấm nóng để giữ trọn vẹn hương vị. Bánh trôi nước thường được ăn trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên Đán, Trung Thu hoặc Tết Hàn thực.

Bánh Pasteis de Nata
Bánh Pasteis de Nata Bồ Đào Nha

Món bánh tart vốn đã quá quen thuộc và có nhiều phiên bản trên thế giới. Nhưng bánh Pasteis de Nata, hay còn gọi là bánh tart sữa trứng truyền thống của Bồ Đào Nha còn làm được nhiều hơn thế. Món bánh này được tôn vinh là một trong những món tráng miệng ngon nhất thế giới.

Bánh được bao bọc bên ngoài là lớp vỏ giòn xốp thơm ngon như tan ra, hòa cùng lớp nhân kem sữa ngọt dịu khó chối từ. Món bánh tuyệt vời này thường được người Bồ Đào Nha ăn vào buổi sáng khi còn ấm kèm với một chút bột quế thơm lừng và đường bột để gia tăng sự ngọt ngào.

Để làm bánh Pasteis de Nata, trước tiên cần phải làm vỏ bánh với bột mì, bơ và nước được trộn đều và nhào đến khi mịn. Sau đó, vỏ bánh được cắt thành từng miếng và cán mỏng, rồi đặt vào hộp bánh. Nhân bánh được làm bằng cách trộn đường, sữa, trứng và vani, sau đó đổ vào trong vỏ bánh và nướng trong lò nhiệt độ cao đến khi vỏ bánh giòn và nhân bánh chín.

Bánh Cardamom Buns
Bánh Cardamom Buns Thụy Điển

Thụy Điển là quê hương của bánh quế Cardamom Buns thơm ngon trứ danh. Người dân Thụy Điển yêu mến và tự hào về món bánh này đến mức họ dành riêng ngày 4/10 hàng năm là Ngày Bánh Quế để cùng nhau ăn mừng. Đặc biệt ở Thụy Điển, mọi người chuộng ăn bánh quế trong các buổi Fika hay còn được biết đến là những buổi gặp mặt uống cà phê và trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Tuy có nguồn gốc từ Thụy Điển nhưng thành phần chính tạo nên mùi vị độc đáo cho món bánh quế lại là hạt bạch đậu khấu phổ biến ở Ấn Độ. Đây là loại nguyên liệu tạo mùi đắt thứ ba trên thế giới, chỉ xếp sau saffron và vanilla. Để làm ra được bánh Cardamom Buns, người đầu bếp phải nghiền nát hạt bạch đậu khấu rồi nhào chung với bột, sau cùng cuộn với lớp đường và một số gia vị khác để tạo hình.

Bánh Crème Brûlée
Bánh Crème Brûlée Pháp

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe đến món bánh đặc sắc này. Crème Brûlée là món tráng miệng nổi tiếng của Pháp và là “họ hàng” của bánh flan. Tuy nhiên, bánh lại có cách chế biến cầu kỳ, phức tạp lẫn hương vị đặc biệt hơn bánh flan rất nhiều. Bất kỳ ai đã từng thưởng thức món bánh Crème Brûlée đều sẽ bồi hồi nhớ mãi hương vị ngọt mát, béo thơm với lớp đường giòn rụm như tan dần trên đầu lưỡi. Đặc biệt, Crème Brûlée có bề mặt được nướng cháy và phần đế custard phủ caramel. Món bánh này đòi hỏi người thợ bánh phải thực sự tỉ mỉ và chăm chút trong từng công đoạn chế biến. Đầu tiên, hỗn hợp đường và lòng đỏ trứng gà được khuấy đều với kem, rồi đem nướng. Phần quan trọng tạo nên sự khác biệt cho món bánh chính là lớp đường được khò cháy giòn tan ánh lên sắc nâu vàng trên bề mặt.

Bánh Gulab Jamun
Bánh Gulab Jamun Ấn Độ

Bạn nghĩ rằng bánh rán là món ăn đơn giản, dễ làm và phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới? Đúng nhưng chưa đủ, chiếc bánh rán Gulab Jamun đến từ Ấn Độ sẽ cho bạn một góc nhìn khác. Món bánh này có quá trình chế biến đầy công phu kết hợp với điểm nhấn là hương vị từ sữa khoya – một loại sữa đặc khi được đun trong lửa nhỏ nhiều giờ sẽ chuyển thành kết cấu dẻo vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó, nguyên liệu làm nên sự cuốn hút của Gulab Jamun còn có syrup hoa hồng béo ngậy kết hợp hạt bạch đậu khấu được tô điểm bên ngoài vỏ bánh.

Tuy được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng lại có giả thuyết khác cho rằng món bánh ngọt này được du nhập từ Ba Tư vào thời Trung Cổ. Có lẽ đó là lý do một phần tên bánh được đặt theo tiếng Ba Tư với “Gulab” có nghĩa là hoa hồng.

Bánh Cha Mongkut
Bánh Cha Mongkut Thái Lan

Một trong những món ăn “quốc hồn quốc túy” của Thái Lan là các món bánh Thái Khanom. Kỹ năng làm bánh ngọt được tôn xưng như một bộ môn nghệ thuật tại đất nước Chùa Vàng. Trong đó, món bánh Cha Mongkut là loại bánh truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt và thường được dùng để đại diện cho tầng lớp cao xong xã hội. Đây là món bánh ngọt thường được dâng lên cho nhà vua hay người chức cao vọng trọng. Chữ “Mongkut” trong tiếng Thái có nghĩa là vương miện.

Bánh Cha Mongkut được chế biến từ bột nếp trộn với bột gạo, bột đậu xanh khuấy cùng nước cốt dừa và đường cho tới khi có độ kết dính vừa đủ. Sau đó, bánh trải qua quá trình tạo hình tỉ mỉ thành những chiếc vương miện xinh đẹp rực rỡ màu vàng. Sau khi hoàn thành, bánh được trang trí cùng hạt dưa hoặc bột chiên bên trên. Hiện nay loại bánh này rất hiếm được bày bán mà chỉ có ở những cửa hàng gia truyền như tại chợ sông Amphawa.

Bánh Mizu Shingen Mochi
Bánh Mizu Mochi Nhật Bản

Bánh Mizu Shingen Mochi hay Mizu Mochi lần đầu xuất hiện ở Nhật vào mùa hè năm 2013 và nhanh chóng trở thành một trào lưu ấn tượng. “Mizu” trong tiếng Nhật có nghĩa là nước, còn “mochi” có nghĩa là món tráng miệng. Món bánh lạ mắt này chủ yếu làm từ nước, kích cỡ bánh khoảng nắm tay và chỉ giữ được hình dáng trong khoảng 30 phút, thường được bán theo mùa. Bánh có màu trắng trong suốt và tinh khiết giống một giọt nước khổng lồ.

Nước sử dụng để làm bánh Mizu Mochi là nước tinh khiết lấy từ núi Kaikoma của dãy Apls miền Nam nước Nhật. Nước từ dãy Alps sau khi mang về sẽ được cho thêm nguyên liệu và đổ vào khuôn để đông đặc lại. Bánh thường được dùng kèm với bột đậu nành rang kinako và siro đường có màu đen sánh mịn. Mizu Mochi có vị ngọt thanh, mát lành và vô cùng mềm mại. Khi cho vào miệng sẽ có cảm giác tan chảy tức thì, mang đến cảm giác thanh khiết như sương sớm mai.

Bánh Gyeongdan
Bánh Gyeongdan Hàn Quốc

Hầu hết các món bánh truyền thống của người Hàn đều được sáng tạo từ gạo. Gyeongdan cũng là một phiên bản khác của bánh gạo Hàn Quốc. Bánh Gyeongdan được làm từ bột nếp nhào với nước nóng, có nhân bên trong là đậu đen hoặc mè và phủ một lớp bột có vị ngọt. Tên gọi này được đặt vì bánh có hình dạng như viên ngọc bích tròn “Gyeongdan” trong tiếng Hàn.

Bánh Gyeongdan ngọt, mềm và có độ dẻo nhẹ, thường được ăn kèm với nước cốt dừa hoặc đường, và được dùng trong các dịp lễ tết và hội hè. Màu sắc và hương vị của bánh phụ thuộc vào lớp bột phủ bên ngoài với đa dạng các loại nguyên liệu như vụn đậu xanh, hạt mè đen, bột đậu nành… Bánh Gyeongdan là một món ăn truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa trong nền ẩm thực nổi tiếng của Hàn Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

Comment