Ba năm trước, người đàn ông ấy được đưa vào Bệnh viện FV trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cho đến tận bây giờ chính anh và bạn bè, người thân vẫn không tin rằng anh có thể sống đến hôm nay…
Studio Vinh Phan, Q.4, TP.HCM, ngày 10/6/2016
Chúng tôi đến studio vào một buổi chiều sau cơn mưa tháng 6. Mưa làm không khí trở dịu mát, khác hẳn với cái nóng oi ả mọi ngày. Đứng ngoài cửa studio, chúng tôi nghe tiếng nhạc jazz nhè nhẹ phát ra sau cánh cửa gỗ. Trên nền nhạc, một giọng nam với âm thanh vui tươi, khỏe mạnh và hào hứng đang nói với ai đó: “How is my performance? can I do it again?…”. Chúng tôi gõ cửa và bước vào.
Trong studio, một người đàn ông nước ngoài cao lớn, khỏe mạnh, điển trai với áo sơ-mi và quần âu trắng đang tạo dáng trước ống kính không khác gì người mẫu. Thỉnh thoảng anh lại đưa tay vuốt mái tóc gợn sóng và nở nụ cười thật tươi. Anh chào chúng tôi và nhanh chóng tiến lại gần.
Anh càng lại gần chúng tôi càng không dám tin người đàn ông trước mặt là anh Laurent Marmot, người mà chúng tôi nhìn thấy trong phòng Hồi sức đặc biệt với đầy dây nhợ, máy móc y tế, bình truyền thuốc xung quanh cách đây khoảng 3 năm. Anh khác, rất khác.
Bắt tay chúng tôi anh cười rổn rảng và nói: “Tôi đây, Mr. Từ Từ của các y bác sĩ Bệnh viện FV đây. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh rồi, khỏe mạnh hơn cả xưa nữa…”.
Ngồi xuống chiếc ghế sofa cuối phòng, chúng tôi cùng anh Laurent bắt đầu nhớ lại quãng thời gian 3 năm trước, khi anh vào FV với chứng bệnh đau bụng không lý do mà không biết rằng sinh mạng lúc đó như chỉ mành treo chuông.
- Xem thêm:Trân trọng từng ngày được sống
Tháng 10/2013
Giữa khuya một ngày đầu tháng 10, khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV tiếp nhận một bệnh nhân người Pháp tên Laurent Marmot bị đau bụng dữ dội và ói mửa liên tục. Anh được em gái đưa đến bệnh viện trong tình trạng lả người đi vì đau đớn. Mặt anh xanh tái, tay lạnh ngắt vì cố gắng kiềm tiếng kêu đau không bật ra thành lời. Huyết áp anh tuột nhanh, nhịp tim tăng, anh lịm dần.
Anh lập tức được đưa vào phòng cấp cứu. Các bác sĩ tìm mọi cách để hồi sức và giữ ổn định các chỉ số sinh tồn cho anh. Ê-kíp bác sĩ trực hôm ấy được mời tới gồm bác sĩ cấp cứu, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ hình ảnh, bác sĩ phẫu thuật. Cuộc hội chẩn nhanh diễn ra trong khi anh được đưa đi chụp CT và siêu âm vùng bụng. Các bác sĩ trao đổi với em gái Laurent và lật lại lịch sử bệnh lý của anh. Thông tin quý giá nhất mà các bác sĩ có được là Laurent đã bị căn bệnh đau bụng kinh niên và thường xuyên ói mửa từ hơn một năm trước.
“Tôi sống và làm việc ở Dubai. Khoảng năm 2011, tự dưng tôi cảm thấy bụng mình thỉnh thoảng lại có cái gì đó nhói đau và số lượng đi tiêu trong ngày tăng lên bất thường. Thời gian đầu tôi nghĩ do ngộ độc thức ăn hoặc đường ruột có vấn đề nên không đi bác sĩ sau khi hết đau bụng. Tuy nhiên, cơn đau bụng ngày càng nhiều và khó chịu hơn, từ cảm giác đau nhói chuyển sang đau thắt từng cơn. Khi cơn đau đến, tôi không làm được gì cả, đi cũng đau, đứng, nằm hay ngồi đều đau. Tôi còn thường xuyên đi tiêu chảy, ói mửa liên tục dù lúc đó trong bụng tôi không còn chút thức ăn nào… Tôi đến bệnh viện để khám. Các bác sĩ sau khi kiểm tra cho tôi dùng thuốc trị đường ruột… Thế nhưng tình trạng bệnh vẫn không đỡ hơn bao nhiêu. Trong một lần về Pháp, tôi tìm bác sĩ khác để khám nhưng kết luận vẫn là nguyên nhân không rõ ràng và lại dùng thuốc giảm đau, thuốc đường ruột. Suốt thời gian đó tôi sống với ám ảnh cơn đau bụng có thể đến bất cứ lúc nào trong ngày. Cho đến khi tôi về Việt Nam để thăm em gái, cơn đau bụng đã vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi”, anh Laurent nhớ lại.
Kết hợp với lời chia sẻ của người thân bệnh nhân, những chỉ số sinh tồn và phim chụp CT, các bác sĩ đã khoanh vùng bệnh nghi vấn. Và trên phim chụp, các bác sĩ hình ảnh thấy tại vị trí động mạch mạc treo tràng trên, động mạch chính yếu nuôi ruột, có dấu hiệu phình to bất thường. Các bác sĩ khẳng định anh Laurent bị bóc tách động mạch mạc treo tràng trên tự phát.
Bệnh bóc tách động mạch mạc treo tràng trên tự phát là một bệnh nguy hiểm và rất hiếm gặp. Đến thời điểm này chỉ có trên 120 trường hợp được báo cáo trong y văn thế giới. Bệnh này rất khó để phát hiện qua phim chụp nếu bác sĩ hình ảnh không có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Không chỉ khó phát hiện, bệnh này khó trị, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong vì ruột bị hoại tử do thiếu máu nuôi.
Một cuộc điện thoại được gọi đến bác sĩ Jean-Marcel Guillon, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV, ngay trong đêm. Sau khi nắm được tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Jean-Marcel Guillon lập tức gọi điện thoại trao đổi với bác sĩ Jean-Baptise Ricco, chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật Mạch máu châu Âu, về căn bệnh của anh Laurent. Các bác sĩ nhất trí với phác đồ điều trị bằng nội khoa và theo dõi sát sao với mục đích làm sao phải đảm bảo cung cấp máu nuôi ruột, tránh tình trạng tử vong do hoại tử ruột vì thiếu máu nuôi dưỡng.
“Đến bây giờ, nhớ lại khoảng thời gian ba tuần nằm điều trị tại Phòng Hồi sức tích cực FV, tôi vẫn biết ơn các bác sĩ, điều dưỡng và những nhân viên khác nhiều lắm. Vì đau đớn, vì mệt mỏi, vì khó chịu tôi gần như “quậy banh” phòng Hồi sức. Có những lúc tôi gào lên vì đau, quát mắng các y bác sĩ và không cho họ động vào mình. Thế nhưng lúc nào họ cũng nhẹ nhàng, ân cần chăm cho tôi. Tôi không di chuyển được nên mọi sinh hoạt vệ sinh của tôi đều do các nữ hộ lý thực hiện. Mỗi lần lau chùi, rửa mình cho tôi, hai hay ba phụ nữ, cô gái Việt Nam nhỏ bé nâng một gã Tây to lớn như tôi lên vừa lau chùi vừa nhỏ nhẹ vỗ về an ủi. Tôi nhăn nhó nhưng thật ra trong lòng là cả một sự biết ơn vô hạn. Khi tôi oằn người vì đau đớn, chỉ có các bác sĩ, điều dưỡng ở cạnh tôi. Khi tôi nôn ói đến xanh mặt và bóp đến đỏ ngầu bụng mình cũng chỉ có họ ở bên tôi. Và cũng nhờ họ tôi chưa bao giờ từ bỏ ý chí được sống. Tôi muốn sống!”, anh Laurent nhớ lại.
Sau ba tuần anh Laurent được điều trị tại Phòng Hồi sức Cấp cứu, bác sĩ Jean-Marcel Guillon hội chẩn đa chuyên khoa với các bác sĩ FV và bác sĩ Jean-Baptise Ricco. Họ nhận thấy đây là trường hợp một đợt bóc tách cấp tính tái phát trên một thương tổn động mạch mãn tính do bóc tách lần trước cách nay hơn 1 năm nhưng không được phát hiện, do đó tình trạng bệnh lý lan rộng đến nhiều nhánh của động mạch, dẫn đến tình trạng thiếu máu ruột mãn tính. Việc điều trị nội khoa đơn thuần không hiệu quả và do đó phẫu thuật là một sự lựa chọn duy nhất có thể mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Bác sĩ Ricco nhanh chóng được mời từ Pháp sang Việt Nam để phẫu thuật cho anh Laurent.
- Xem thêm: GS.BS Jean-Baptiste Ricco: Được chữa trị cho bệnh nhân là thành tựu lớn nhất cuộc đời tôi!
Ngày 25/10/2013
Bác sĩ Ricco đã cùng thạc sĩ – bác sĩ Lê Thanh Phong, trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược đồng thời là bác sĩ cộng tác thường xuyên với FV, và ê-kíp chuyên viên y tế của Bệnh viện FV thực hiện ca mổ dài 6 tiếng cho bệnh nhân Laurent. Đây là ca mổ khó và các bác sĩ đã sử dụng tĩnh mạch tự thân để làm phẫu thuật bắc cầu, phương pháp này cho phép cung cấp một lượng máu lớn bù đắp cho đoạn ruột đang bị thiếu máu mạn tính. Phương pháp này được gọi là bắc cầu động mạch chủ bụng – động mạch mạc treo tràng trên.
Sau ca mổ, tình trạng tiêu chảy và đau bụng kéo dài của anh Laurent đã chấm dứt và phần động mạch bắc cầu hoạt động rất tốt trong việc tưới máu cho ruột. Cả ê-kíp điều trị cho anh thở phào nhẹ nhõm.
“Vì nằm trên giường lâu và sức khỏe yếu, tôi phải tập từng bước đi, húp từng muỗng cháo, thìa nước… không khác gì một đứa trẻ. Các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu, điều dưỡng FV luôn ở cạnh tôi, động viên tôi sau mỗi bước đi, mỗi cái nhăn mặt nuốt thức ăn. Phải có tấm lòng rộng mở và kiên nhẫn lắm họ mới có thể làm được như thế với một người xa lạ…”, anh Laurent chia sẻ.
Một tuần sau ca mổ, anh Laurent xuất viện quay về Dubai để tiếp tục sự nghiệp của mình với những khát vọng sống, ý chí mãnh liệt mới và cả những cảm xúc tươi đẹp nhất về nhân văn và tình người.
TP.HCM, ngày 10/6/2016
Kéo áo sơ-mi lên, anh Laurent chỉ cho chúng tôi xem vết mổ chạy dài trên bụng và mỉm cười nói: “Vết mổ không hề xấu xí, không nhắc tôi về những ngày tháng bệnh tật mà giống như một dấu ấn kỷ niệm về một chặng đường cuộc đời ở Việt Nam. Chặng đường đó cho tôi thêm ý chí, sức mạnh và cả cảm xúc được yêu thương, chăm sóc. Cuộc đời trở nên đẹp và đáng sống hơn rất nhiều. Sau những ngày nằm điều trị ở FV tôi có hẳn một cái tên Việt Nam:
Mr. Từ Từ. Cái tên xuất phát từ câu nói cửa miệng của tôi mỗi khi các bác sĩ, y tá chuẩn bị làm bất cứ phương pháp điều trị nào hoặc di chuyển cơ thể tôi. Không chỉ vậy, không hiểu sao, sau lần bạo bệnh đó, tôi có cảm giác như gần và hiểu người Việt hơn. Tôi nắm bắt câu chuyện, lối sống của người Việt nhanh hơn, dễ kết bạn với người Việt hơn và yêu đất nước này nhiều hơn. Bạn bè nói đùa rằng chắc do tôi nằm FV quá lâu, được truyền máu của người Việt nhiều quá nên bây giờ, phân nửa máu trong người tôi là Việt Nam. Tôi thấy cũng đúng (cười lớn). Những ngày nằm tại FV, chiến đấu với bệnh tật, tôi không chỉ giữ lại được sinh mạng mà có thêm cả một gia đình, thêm những người bạn thân thương. Nhiều bác sĩ, y tá bệnh viện FV đã trở thành bạn thân của tôi và câu chuyện về
Mr. Từ Từ cũng như cuộc chiến với tử thần vẫn luôn được nhắc đến. Tôi nợ họ, nợ những người bạn ấy một lời cảm ơn sâu sắc…”.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN