GS.BS Jean-Baptiste Ricco: ĐƯỢC CHỮA TRỊ CHO BỆNH NHÂN LÀ THÀNH TỰU LỚN NHẤT ĐỜI TÔI - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

GS.BS Jean-Baptiste Ricco: ĐƯỢC CHỮA TRỊ CHO BỆNH NHÂN LÀ THÀNH TỰU LỚN NHẤT ĐỜI TÔI

Mới đây, trong một bài phỏng vấn trên bản tin y khoa Vascular News, Giáo sư-bác sĩ Ricco được ký họa dí dỏm với hình ảnh của một bác sĩ… chiến trường: chân mang giày thể thao, ba lô khoác vai, trên tay là biểu tượng quả địa cầu… Đó chính là chân dung khá trọn vẹn về một “bác sĩ không biên giới” với sự thông thái, cởi mở và tràn đầy nhiệt huyết dấn thân. Ông được báo giới châu Âu xếp vào hàng ngũ các bác sĩ giỏi trong lĩnh vực phẫu thuật mạch máu, có tâm hồn văn sĩ và là một “giảng viên bác sĩ” được kính nể bởi tấm lòng luôn hướng về những vùng đất khó khăn. GS BS Jean-Baptiste Ricco

Trong lần sang Việt Nam vào tháng 7 vừa qua, chen giữa lịch khám bệnh dày đặc tại bệnh viện FV, giáo sư Ricco đã dành cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi vỏn vẹn 1 giờ. Trong màu áo blue trắng, Giáo sư Ricco trò chuyện với phong thái nhẹ nhàng, từ tốn, ít bộc lộ về bản thân. “Phải cẩn trọng và chính xác” là điều bác sĩ Ricco luôn nhắc đi nhắc lại khi chia sẻ về các bệnh lý về mạch máu. Theo ông, trong phẫu thuật mạch máu, sự cẩn trọng là điều quan trọng hàng đầu.

Vị cứu tinh của chứng đột quỵ

Thường xuyên bị mệt và luôn trong tình trạng quên trước quên sau, nhưng ông X.T (70 tuổi, Q.Bình Thạnh) cứ nghĩ là do tuổi tác nên không đi khám. Một ngày kia, khi vợ ông phát hiện ông đứng tần ngần mãi ở thang máy khu nhà mình và ngơ ngác không nhớ ra nhà mình số mấy, lầu mấy và mình là ai… gia đình vội đưa ông X.T đến khám tại bệnh viện FV.

Giáo sư – bác sĩ Jean-Baptise Ricco, thăm khám trực tiếp và cho biết, ông bị hẹp 80% động mạch cảnh chung và hẹp 90% động mạch cảnh trong trái. Căn bệnh này có thể khiến ông bị đớ lưỡi, liệt người, mất khả năng kiểm soát cơ thể, đột quỵ và thậm chí là tử vong mà không kịp trở tay. Động mạch cảnh trong nằm ở vùng cổ, có nhiệm vụ mang oxy cần thiết đến nuôi dưỡng não. Thành động mạch cảnh trong có thể bị dày lên bởi những mảng xơ vữa gây hiện tượng hẹp động mạch cảnh, khiến máu lên não không đủ, là nguyên nhân gây thiếu máu não.

Bác sĩ Ricco đã tiến hành phẫu thuật, với vết mổ nhỏ 2cm ở vùng cổ mở lòng động mạch cảnh, lấy sạch các mảng xơ vữa, sau đó tạo hình động mạch với một mảnh ghép mạch máu nhân tạo. Điều này làm cho lòng động mạch cảnh được mở rộng và đảm bảo việc cung cấp máu cho não với một lòng mạch sạch sẽ, trơn láng… Bình phục sau ca mổ, ông X.T chia sẻ: “Tôi không còn quên trước quên sau, đi đứng nhanh nhẹn hơn, ăn uống tốt hơn”. Vợ ông X.T, gói trọn mừng vui xúc động trong vỏn vẹn câu nói chân chất: “Bác sĩ mổ rất là tốt, rất là hay”.

Đó là một trong rất nhiều ca bệnh thắt ngặt về mạch máu đã được bàn tay tài ba của bác sĩ Ricco chữa khỏi. Cũng tại bệnh viện FV, bác sĩ Ricco đã từng phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân người Pháp bị bệnh động mạch mạc treo khỏi cơn nguy kịch. Đây là một loại bệnh hiếm gặp, trong y văn thế giới mới ghi nhận 120 ca kể từ năm 1947 đến nay và chưa có phác đồ điều trị chuẩn.

Với vai trò là bác sĩ cấp cao của Khoa phẫu thuật mạch máu bệnh viện FV, bác sĩ Ricco coi việc góp sức xây dựng và phát triển khoa phẫu thuật mạch máu tại bệnh viện FV theo chuẩn quốc tế cũng là một phần trong sứ mệnh đóng góp tri thức và kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển ngành phẫu thuật mạch máu ở các nước châu Á. Để thực hiện thành công các ca phẫu thuật mạch máu phức tạp, ngoài tay nghề cao cần có sự kết hợp hoàn hảo của ê kíp bác sĩ từ khâu gây mê, hồi sức, các tiêu chuẩn về phòng mổ. Với trang thiết bị tiên tiến của bệnh viện FV, tôi có thể thực hiện bất kỳ ca mổ phức tạp nào. Hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ của FV tạo cho tôi cảm giác mình đang làm việc tại một bệnh viện châu Âu”, ông chia sẻ.

Giảng viên kiêm cây bút sắc sảo

Không chỉ là bác sĩ tài năng, bác sĩ Ricco còn là một giảng viên của những trường Đại học y khoa nổi tiếng thế giới, được nhiều thế hệ bác sĩ phẫu thuật mạch máu kính nể. Tại Việt Nam, khi được hỏi về bác sĩ Ricco, nhiều bác sĩ trong ngành gọi ông là “vị thầy lớn”.

Điều thú vị là Bác sĩ Ricco còn nổi tiếng là một cây bút sắc sảo. Ngoài việc nắm giữ các trọng trách quan trọng là Chủ tịch của hiệp hội mạch máu châu Âu, chủ tịch Hiệp hội mạch máu Pháp, ông từng là Tổng biên tập của tờ báo European Journal of vascular. Tham gia viết lách cho các tạp chí y khoa suốt 15 năm qua là một phần công việc của ông. Chỉ riêng trên trang PubMed – một thư viện y khoa quốc gia của Hoa Kỳ, hiện có hơn 60 bài báo khoa học của giáo sư Ricco.

Là một bác sĩ danh tiếng và bận rộn, nhưng trong chuyện trò, ông là người rất bình dị và khiêm tốn. Ông không nói nhiều về các thành tựu có tầm ảnh hưởng trong y giới của mình. Bởi lẽ, với ông: “Được chữa trị cho bệnh nhân hằng ngày là thành tựu lớn nhất cuộc đời tôi”.

Trong số hàng chục ngàn ca phẫu thuật, những ca nào là đặc biệt đáng nhớ trong đời làm bác sĩ phẫu thuật mạch máu của ông?

Bác sĩ Ricco: Tôi đã phẫu thuật cho rất nhiều bệnh nhân và mỗi người trong số họ là một trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, tôi thường nhớ đến những thất bại của mình và những bệnh nhân bị nguy hiểm bởi chứng phình động mạch. Trong những trường hợp như thế tôi chỉ có một phút để giải thích với bệnh nhân chuyện gì đang xảy ra. Khi tôi cứu sống được họ và trò chuyện với họ, tôi thường nghe họ nói rằng, những chia sẻ của tôi là đặc biệt quan trọng đối với họ.

Ngoại trừ chuyên môn, để trở thành bác sĩ phẫu thuật mạch máu giỏi cần có những phẩm chất gì?

Bác sĩ Ricco: Khi là một bác sĩ, bạn phải yêu tất cả những gì bạn làm. Bác sĩ phẫu thuật mạch máu thì yêu công việc phẫu thuật mạch máu, nó như một loại virus được cấy vào bạn. Bạn phải thật chính xác, tổ chức tốt, có tính hệ thống, không được phép “đốt cháy” giai đoạn, vì như thế có thể “giết chết” bệnh nhân. Là bác sĩ phẫu thuật mạch máu bạn phải thực hiện các thao tác kỹ thuật một cách hoàn hảo, ngoài đam mê, bạn phải thật sự có tinh thần cống hiến.

Ngoài niềm say mê nghiên cứu y học, ông còn niềm say mê nào khác?

Bác sĩ Ricco: Công việc chiếm 80% thời gian của tôi. Ngoài ra, tôi dành thời gian tập thể dục, chạy bộ, bơi, leo núi. Đặc biệt, viết lách là một niềm đam mê khác. Ngoài các bài viết về y khoa, tôi còn viết tiểu thuyết, nhưng tôi chưa từng xuất bản các tác phẩm của mình. Đó là những câu chuyện về con người, về những gì tôi chứng kiến, gặp gỡ trong cuộc sống…

“Khu vườn bí mật”của bác sĩ Ricco

Giáo sư bác sĩ Ricco còn là cái tên có nhiều đóng góp tích cực vào tổ chức các “Bác sĩ không biên giới”- các tổ chức phi chính phủ và thiện nguyện ở các nước kém phát triển, các vùng khó khăn, thậm chí nơi có xung đột. Ông đã mang lại biết bao nụ cười hạnh phúc cho các trẻ em nghèo mắc bệnh hở mạch vành tim tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại Cambodia… Ông là một trong các thành viên tham gia dự án La Chaîne De L’espoir, xây dựng 1 bệnh viện ở thủ đô Kabul chủ yếu dành cho trẻ em, với hơn 10.000 ca phẫu thuật suốt10 năm qua trong điều kiện chiến tranh. Một dự án tương tự được xây dựng ở Campuchia sau nạn Khmer đỏ, nơi ông cùng các bác sĩ Pháp tích cực đào tạo phẫu thuật viên tại các địa phương và các bệnh viện lớn. Riêng tại Việt Nam, ông cũng hết lòng giúp đỡ phẫu thuật tay, chân dị tật cho các trẻ em nghèo bị di chứng chiến tranh mà gia đình không đủ khả năng chữa trị”.

Chia sẻ kiến thức, hỗ trợ cho ngành phẫu thuật mạch máu ở các nước đang phát triển, làm các dự án từ thiệnvới giáo sư Ricco, ông gọi đó là “khu vườn bí mật”. Nó cho ông nguồn năng lượng lớn lao để thêm say mê, khám phá nghề nghiệp của mình. Làm từ thiện cũng chính là tôn chỉ của một vị bác sĩ lấy thiện nguyện làm kim chỉ nam của cuộc đời: “Tôi quan niệm làm việc thiện giúp cho bạn trở thành một người rất giàu có và làm việc thiện trong nghề y là một thành tựu mà hầu như không thể cắt nghĩa được.”

Comment