Lòng tốt chỉ thật sự giá trị khi “đặt” đúng chỗ, đúng người, đúng lúc

Lòng tốt chỉ thật sự có giá trị khi “đặt” đúng chỗ, đúng người, đúng lúc

Dẫu biết rằng lòng tốt luôn lớn lên nhờ sự cho đi, và chỉ khi biết cho đi, ta mới có thể nhận lại những hạnh phúc thật sự trong đời. Thế nhưng, cuộc sống vẫn sẽ nhắc nhở chúng ta rằng, ai cũng xứng đáng nhận được hạnh phúc vì chính những gì bản thân lựa chọn chứ không chỉ từ sự giúp đỡ hay những gì ta có thể làm được cho người khác…

Bạn đã bao giờ định nghĩa về một “cuộc sống lý tưởng”, nơi bạn được tự do, làm chủ những điều mình muốn và học cách giữ được chính kiến để bản thân không phải rơi vào thế bị động trong mọi hoàn cảnh. Bạn biết đấy, mối quan hệ nào cũng là con đường hai chiều, nơi có cho và nhận, nơi cán cân của hy vọng không bao giờ lệch khỏi trọng tâm. Và mối quan hệ đó sẽ càng được đánh giá cao hơn nếu cả hai bên đều biết cách trao đi và nhận lại để đổi lấy những điều mình mong cầu.

Sẽ thật tốt khi cả hai đều hoan hỷ cho – nhận và cùng hướng về những lợi ích chung tốt đẹp, nhưng cũng thật tệ nếu một người chỉ nhân danh “cho và nhận”, làm biến tướng ý niệm tốt đẹp này để rồi vụ lợi. Khi đó, ranh giới giữa tốt và xấu nào có thể phân định rạch ròi bởi chẳng ai mong muốn mình sẽ trở thành “kẻ thất thế” trong một mối quan hệ. Nhưng bánh xe vận mệnh trong cuộc sống này cũng có lúc “nghịch” chiều gió để tạo nên những thử thách khiến ta phải nhìn rõ và mạnh mẽ đối mặt. Liệu rằng ở thời khắc đó, ta sẽ luôn giang tay giúp đỡ người khác và biết đặt lòng tốt đúng chỗ như thế nào để hướng tới những giá trị đẹp đẽ mà ta đã luôn khắc ghi trong tâm trí và chọn nhìn về. Đỉnh cao của lòng tốt không nằm ở chỗ bạn đã đạt được sự vĩ đại và sự ghi nhận lớn đến mức nào, mà đó là khi bạn không còn đặt nặng dấu mốc vốn luôn biến thiên ấy nhưng vẫn cố gắng từng ngày để ứng xử đúng mực và sống một cuộc đời lý tưởng.

Làm thế nào để đánh giá một cách khách quan và trung thực trong những tình huống khi một người đang cần sự giúp đỡ của bạn? Cuộc sống này không hề tồn tại vạch phân chia rõ ràng giữa tốt và xấu, bởi trong cái tốt đẹp luôn ẩn chứa những mặt tối, và trong cái xấu cũng có thể hiện diện những điều tốt lành tồn tại như để chờ lòng người đủ tốt, đủ sâu để “khai hoang” và “gieo tưới”. Đã và sẽ có những lúc bạn cần đến sự hỗ trợ của người khác để hoàn thành một dự định nào đó quan trọng và tâm huyết. Vì vậy, hãy dùng tâm thế đó để đối đãi khi nhận được một yêu cầu giúp đỡ từ ai đó thay vì cảm thấy ngờ vực rồi cảm tính đưa ra kết luận bản thân đang bị lợi dụng. Sự mẫn cảm là tốt, nhưng đôi khi nó sẽ phản tác dụng vì khiến bạn không thể suy nghĩ thấu đáo và hiểu được tường tận gốc rễ của vấn đề.

Bạn hãy nhớ rằng, hành động tỏ lòng tốt có thể thay đổi cuộc sống của một người trong nhiều trường hợp. Có phải đôi khi bạn vẫn tình nguyện cùng sếp tăng ca dù đã hoàn thành công việc của mình? Đơn giản là bởi vì bạn biết rằng mình nên làm điều đó và còn rất đỗi vui lòng khi trở thành một “chỗ dựa” đáng tin tưởng của sếp trong công việc. Và ngược lại, trên cương vị là một người sếp, vẫn có đôi khi bạn sẵn sàng ra tay trợ giúp các nhân viên trong những tình huống nước rút quan trọng hay hoàn cảnh nào đó vượt ngoài phạm vi quan hệ mà chẳng mong cầu nhận lại bất cứ sự cống hiến “trả ơn” nào. Rồi từ những hỗ trợ, giúp đỡ bản năng đó, bạn đã lan tỏa đi sự tử tế trong cuộc sống và cùng nhau gầy dựng nên những mối quan hệ chân thành. Ở đó, bạn và những người xung quanh đều muốn san sẻ và bổ khuyết cho nhau thật nhiều nhưng vẫn giữ trong mình một tâm thế thoải mái và thậm chí cảm kích vì sự có mặt kịp thời của đối phương.

Dĩ nhiên, người đầu tiên cần thoải mái với sự giúp đỡ nên là chính bạn. Cảm giác này rất quan trọng và vì thế nếu việc đồng ý giúp đỡ một ai đó lại khiến bạn không cảm thấy thoải mái, hãy đừng làm trái với tâm tư mà tiếp tục gồng mình thực hiện rồi đổi lại những bực dọc trong lòng. Chúng ta có thể giúp đỡ ai đó theo ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, nếu cảm thấy rằng điều này đang vô tình hình thành nên thói quen đòi hỏi ở đối phương, đừng ngần ngại mà hãy thẳng thắn đưa ra lời góp ý. Bởi vì, trong bất kỳ mối quan hệ nào, sự thoải mái của chính bạn mới là thứ nên ưu tiên hàng đầu, chứ không phải lòng biết ơn hay lời ngợi khen từ những người nhận được sự giúp đỡ của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể từ chối khi biết rằng mình không thể đảm bảo hoàn thành thay vì cố gắng hứa hẹn để rồi đùn đẩy trách nhiệm nếu mọi thứ không như ý và phát sinh những vấn đề ngoài ý muốn.

 

Trước khi từ chối giúp đỡ một ai đó, bạn hãy tự hỏi mình rằng, điều gì khiến bạn hối tiếc nhất nếu bạn không làm việc đó? Bạn sẽ chẳng thể giúp đỡ tất cả những người khó khăn tìm đến mình, nhưng cũng đừng bao giờ từ chối những người xứng đáng nhận được sự giúp đỡ từ bạn. Có thể thực tế là yêu cầu của đối phương đôi khi vượt quá giới hạn cho phép nơi bạn, nhưng nếu sự giúp đỡ đó là điều bạn thực sự muốn làm, đừng ngần ngại đồng ý. Mặt khác, khi bạn có thể đáp ứng mong đợi và khiến mọi người hạnh phúc, mọi người chắc chắn sẽ thích bạn. Nhưng bạn cần phân biệt hai điều quan trọng này trước mọi sự giúp đỡ: rằng họ thích bạn vì cảm thấy bạn “hữu dụng” trong cuộc sống của họ hay vì chính tính cách hào sảng luôn sẵn sàng tương trợ của bạn. Lúc này, sự khôn ngoan của bạn sẽ được kiểm chứng và thể hiện bằng việc sáng suốt phân biệt bản chất và ý nghĩa của sự giúp đỡ mà bạn trao đi, rằng bạn có đang giúp đỡ đúng người, đúng lúc và biết kháng cự những người chưa thực sự hiểu về bạn đã vội tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nếu trong những năm tháng tuổi trẻ, bạn đã luôn cố gắng làm hài lòng người khác bởi đôi khi thiếu sự kiên định với lập trường của chính mình. Thì ở độ tuổi chín muồi, bạn đã đủ trưởng thành, đủ trải nghiệm để nhận thức rõ về vai trò của bản thân và nhìn nhận được đâu là người bạn nên tiếp tục trao đi sự giúp đỡ xuất phát rõ ràng từ trái tim mình. Bạn có từng bắt gặp những người tạm gọi là “xa mặt cách lòng” khi đã rất lâu chưa lắng nghe bạn, không thể hiện sự quan tâm hay hỏi han đến cuộc sống và cảm xúc của bạn, nhưng lại tìm đến bạn như một người thích hợp nhất vào một thời điểm nào đó thực sự quan trọng đối với họ? Nếu ở trong tình huống đó, bạn đừng chần chờ mà hãy sát cánh cùng họ. Khi ấy, sự giúp đỡ của bạn sẽ trở thành một ân huệ lớn lao mà người nhận lấy khó có thể quên đi hay bội nghĩa. Ngay cả trong những lúc đã vững vàng và đi trên con đường bằng phẳng, họ vẫn sẽ có thể thường trực nhớ đến sự hiện diện và tương trợ của bạn trong khoảng thời gian bạn chân thành cùng họ vượt qua khó khăn và ngột ngạt bởi những chướng ngại trong cuộc sống. Và đó mới chính là điều mang lại cảm giác thực sự hạnh phúc khi đã thành công giúp đỡ một ai đó trong bạn, là món quà “báo đáp” đáng giá hơn tất thảy những sự nhận lại phù phiếm nào.

 

Sẽ chẳng có một điểm dừng hạnh phúc nào nếu bạn luôn giữ tâm thế tích cực và hy vọng trở thành một “điều ý nghĩa” trong cuộc sống của ai đó. Chúng ta không chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của người khác nhưng nếu chúng ta có thể giúp ai đó sớm chạm tới những đích đến quan trọng của họ, đó sẽ là một sứ mệnh tốt đẹp và cao cả mà bản thân ta thực hiện được. Đừng quên truyền đạt những kỳ vọng nơi bạn và thực hành yêu bản thân hơn bằng cách cho người khác thấy rằng bạn muốn được đối xử ra sao và họ sẽ nhận được sự đối xử thế nào từ bạn. Riêng đối với những người luôn mong cầu sự giúp sức của bạn dù bản thân họ hoàn toàn đủ khả năng thực hiện, sự giúp đỡ của bạn sẽ không phải là trực tiếp hướng dẫn hay “cầm tay chỉ việc”, mà nằm ở chính lời từ chối khéo léo để bạn đưa ra lời khuyên giúp đối phương hạn chế đi sự thờ ơ, lười biếng và thiếu nỗ lực, thiếu trách nhiệm ở họ. Đó cũng chính là một sự giúp đỡ đầy thiện chí, một cách bạn thể hiện lòng tốt, có thể giúp đối phương thêm hiểu và tôn trọng quan điểm sống của bạn. Hãy nhớ rằng, giúp đỡ là thứ gắn kết tốt nhất, nhưng biết thiết lập các ranh giới chính là chìa khóa quan trọng trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh với những người bên cạnh mình.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Độc giả đang đọc bài viết “Lòng tốt chỉ thật sự giá trị khi bạn biết “đặt” đúng chỗ đúng người đúng lúc” tại chuyên mục Thấy & Nghĩ của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả! 

Đọc thêm:

Sống “chậm” hay “nhanh” để làm chủ nhịp bước cuộc đời?

Sự nhạy cảm – Một đặc ân hay bất hạnh của tâm hồn?

Comment