Liệu có thể giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả những người lạc quan nhất cũng khó giữ được sự tích cực. Bạn không thể nói một người đang lo lắng rằng đừng lo lắng nữa. Mọi chuyện không đơn giản như thế.

Những người thường xuyên lo lắng là do họ không thể kiểm soát được sự căng thẳng của mình. Họ cho rằng đó là do di truyền, là thói quen khó bỏ, là một phần của bản tính con người. Lúc nào họ cũng lo lắng, thở dài và chấp nhận sống với những con sóng không lúc nào ngơi trong lòng.

Nhưng về mặt khoa học, cảm giác này phải hiểu như thế nào cho đúng? Liệu rằng có phải một số người trong chúng ta bẩm sinh đã hay lo lắng? Và họ sẽ không thể nào xóa tan được bóng đen tâm lý lúc nào cũng bao trùm lên cuộc sống của mình?

giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng

1.

Vì sao chúng ta lo lắng?

“Lo lắng không được sinh ra ngay từ đầu mà chúng được tạo ra qua những biến cố trong cuộc sống.”

Các nhà khoa học đã chứng minh, không có bằng chứng cho thấy lo lắng là do di truyền. Lo lắng không được sinh ra ngay từ đầu mà chúng được tạo ra qua những biến cố trong cuộc sống.

Nhiều người hay lo lắng là vì họ có những niềm tin chưa phù hợp về bản thân hoặc thế giới xung quanh. Đó là những kiểu niềm tin không phản ánh đúng thực tế cuộc sống mà đôi khi có thể trở thành ảo tưởng hoặc hoang tưởng. Trừ phi những niềm tin khác thường này được xử lý tận gốc rễ, nếu không, họ vẫn sẽ tiếp tục lo lắng bất kể người xung quanh có tư vấn hay khuyên bảo thế nào.

Khi nghe từ “hoang tưởng” hay “ảo tưởng”, chúng ta thường cho rằng đó là tình trạng diễn biến nặng ở bậc cao nhất của sức khỏe tâm thần. Những ví dụ điển hình của cấp độ này có thể thấy rất nhiều như: ám ảnh có người đầu độc, nghĩ mình là đấng cứu sinh tái thế, lúc nào cũng nghi ngờ nửa kia ngoại tình dù họ chỉ đi làm,… 

Nhưng thực tế, có những loại hoang tưởng, ảo tưởng “lành tính” và tác dụng trong thực tế hơn. Chẳng hạn như suy nghĩ cho rằng “sự lo lắng nhìn từ góc độ nào đó đôi khi cũng có lợi cho cuộc sống” cũng là một kiểu niềm tin hơi thái quá. Nhưng đây có thể nói là một lo lắng có lợi, nó giúp con người kích hoạt sự cẩn trọng, luôn đề phòng tình huống xấu và có sẵn các phương án xử lý.

Ngoài ra, thời điểm và địa điểm cũng là những yếu tố quan trọng làm kích hoạt những suy nghĩ thái quá, và những suy nghĩ này chính là nguyên nhân ẩn sau sự lo lắng không ngừng nghỉ ở một số người. Vì thế, nếu chỉ tập trung vào các biện pháp loại bỏ sự lo lắng ra khỏi cuộc sống thì sẽ không hiệu quả, chúng ta cần tìm hiểu và xử lý các nguyên nhân sâu xa của chúng thì mới thật sự giảm thiểu được lo lắng.

giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng

2.

Suy nghĩ ẩn sâu của người hay lo lắng

Dale Carnegie, tác giả cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống đã nói rằng: “Sự mệt mỏi của chúng ta thường không bắt nguồn từ bản chất công việc mà phần nhiều là do sự lo lắng, thất vọng hay oán giận ẩn sâu bên trong.”

Nhiều người cho rằng, nếu đã thấy bồn chồn vì một điều gì đó, thì chắc hẳn đó phải là một mối đe dọa hay vấn đề thực sự nghiêm trọng được linh tính, vì thế nên chúng ta cần có sự quan tâm lo lắng về nó. Thế nhưng, cảm giác nôn nao, hồi hộp có rất nhiều nguyên nhân, đó có thể là do uống quá nhiều cà phê, do bỏ bữa trưa, do hạ đường huyết, do mệt mỏi hoặc chỉ là tâm trạng “khó ở” khi thay đổi nội tiết tố. Những suy nghĩ, tưởng tượng với cảm giác lo âu đó không đồng nghĩa với việc nó là dấu hiệu báo trước của một mối đe dọa hay vấn đề nghiêm trọng.

Những người hay lo lắng thường thuyết phục bản thân rằng những điều họ đang lo lắng hoàn toàn có khả năng xảy ra. Họ nghĩ về những tình huống xấu, xấu hơn và xấu nhất rồi trở nên hoảng sợ cực độ vì cho rằng mình sẽ không ứng phó được.

Nhưng thực tế, phần lớn những điều chúng ta thường lo lắng lại ít khi xảy ra. Ví dụ như có lẽ không ít lần bạn cảm thấy mệt mỏi, bạn dò xét triệu chứng và thấy giống một chứng bệnh nghiêm trọng nào đó mà bạn nghi ngờ bản thân mắc phải, nhưng thực tế đó chỉ là hệ quả của nhiều đêm làm việc khuya hay stress kéo dài hoặc đơn giản chỉ là cơn cảm thoáng qua. Suy nghĩ này thật ra là một loại ảo tưởng, không khác gì khi bạn cứ ám ảnh bị hàng xóm theo dõi rồi tránh ra đường hay che rèm cửa vào ban ngày. Bài viết này không bàn về chứng rối loạn tâm thần, nhưng những lo lắng như thế cũng được liệt kê như một dạng ảo tưởng bởi chúng không dựa trên những suy nghĩ hợp lý hay thực tế cuộc sống mà chỉ là “thuyết âm mưu cá nhân”.

giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng

Còn những loại “ảo tưởng” thể nhẹ thì sao? Ví dụ như bạn tin rằng việc có cảm giác lo lắng bồn chồn có thể là điềm báo giúp chúng ta ngăn chặn những chuyện xấu xảy đến. Rất nhiều người ở trong nhóm này thường có nỗi lo lắng kinh niên chẳng hạn như sẽ không bước lên máy bay nếu trước đó không lướt lại danh sách các thảm họa hàng không vì họ cho rằng có thể chúng đang chực chờ họ. Đây thường được gọi là “nghi thức của sự lo lắng”. Bằng cách này, họ cho rằng sự lo lắng và hành động tìm hiểu biết trước của mình có thể tạo nên được kỳ tích và ngăn chặn điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Trong trường hợp họ quên thực hiện “nghi thức lo lắng” và nếu máy bay trùng hợp có chút rung lắc khi đi qua vùng thời tiết xấu thì ngay lập tức, sự hoảng sợ của họ sẽ bị kích hoạt giống như “thảm họa” thực tế đang diễn ra vậy. Nghe có vẻ phi lý nhưng đây chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng lo lắng kinh niên rất khó khắc phục ở nhiều người.

Những người hay lo lắng thường hay phân văn, đắn đo. Họ cho rằng tất cả các quyết định và vấn đề đều cần được phân tích cẩn thận, tiên lượng tất cả kết quả có thể xảy đến trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng. Những quyết định vội vàng đồng nghĩa với vô trách nhiệm và có thể mang đến nhiều rủi ro đáng tiếc.

Trong khi đó, bản năng hay linh cảm đã được chứng minh trong thực tế từ nhiều người thành công là một trong những cách thức giúp chúng ta ra quyết định hiệu quả. Càng cân nhắc suy nghĩ quá nhiều, khả năng chúng ta đưa ra các lựa chọn sai lầm càng nhiều hơn.

Bạn có biết rằng, những người thường xuyên lo lắng có những nghi thức không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh? Họ lúc nào cũng bảo những người thân yêu hãy chú ý an toàn, giữ gìn sức khỏe hay chăm sóc tốt cho bản thân. Đó là cách họ thể hiện sự quan tâm, đồng thời hy vọng có thể góp phần ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra.

Nếu điều này chỉ dừng lại ở sự quan tâm thì không vấn đề gì, nhưng nếu nó vượt sự lo lắng, nó sẽ trên đường trở thành “ảo tưởng”. Sự lo lắng thái quá ở đây bắt nguồn từ suy nghĩ rằng, cứ nói trước câu “hãy cẩn thận” và hy vọng nó sẽ giúp ngăn bi kịch nào đó. Nó gần giống như một “câu thần chú” giúp người nói cảm thấy đỡ lo lắng, củng cố thêm niềm tin rằng những rủi ro trong tương lai có thể thay đổi vì họ đã ý thức trước rồi.

Thế nhưng, tất cả chúng ta ai mà chẳng biết rằng, làm gì có người nào có thể chắc chắn về tương lai. Không có gì mệt mỏi thậm chí căng thẳng hơn khi biết lúc nào cũng có ai đó sốt ruột, lo lắng cho mình. Vì vậy, nếu thật lòng quan tâm đến người nào đó, hãy thể hiện hành động cụ thể cho họ biết thay vì chỉ là những lời nói lo sợ mông lung và mơ hồ.

giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng

3.

Làm gì để ngừng lo lắng quá mức?

Mary Hemingway, người vợ thứ tư của tác giả Ernest Hemingway từng nói: “Nếu bạn làm sai, bạn có thể sửa chữa. Nhưng hãy rèn luyện bản thân ngừng lo lắng. Vì lo lắng không bao giờ sửa chữa được bất cứ điều gì.”

Một chiến lược hữu ích để đối phó với tình trạng “suy nghĩ quá mức” là bạn hãy dành một khoảng thời gian và không gian cụ thể để suy nghĩ và mổ xẻ về chúng. Bạn có thể chọn một ngày với thời lượng phù hợp, ghi chú vào sổ tay hoặc điện thoại và dặn lòng: “Mình sẽ lo lắng về điều này vào 10 giờ sáng thứ Năm, trong vòng 20 phút. Còn bây giờ thì tập trung cho công việc thôi.”

Sau đó, bạn hãy sử dụng khoảng thời gian đã lên kế hoạch đó để ngồi ở ban công, dưới những tán lá xanh trong công viên hoặc bất kỳ không gian yêu thích nào để nghĩ về chuyện khiến mình lo lắng. Lúc này, sau một thời gian chờ đợi và bình tĩnh lại, mức độ nghiêm trọng của vấn đề có thể đã giảm cấp độ đáng kể, hay thậm chí bạn đã hoàn toàn quên mất điều mình từng lo lắng. Thời gian kéo dài hay một khung cảnh suy nghĩ không như thường thấy có thể giúp phân tán sự lo lắng. Cách thức này giống như việc bạn ném sự lo lắng, căng thẳng xuống dòng sông êm đềm trước mắt, nhờ nước cuốn trôi để khiến nỗi lo lắng trở nên mềm mại và chìm xuống đáy lòng.

Hãy luôn nhớ rằng lo lắng làm cạn kiệt năng lượng của chúng ta. Nó nhấn chìm suy nghĩ sáng tạo bằng những suy nghĩ vô ích. Việc lúc nào cũng lo lắng chẳng mang lại bất cứ giá trị gì ngoài việc khiến chúng ta mệt mỏi hơn, và rồi cứ thế lại càng lo lắng nhiều hơn.

giảm lo âu cho người có nhiều lo lắng

Vì thế, chỉ cần bạn hiểu rằng lo lắng không phải do di truyền, và chúng ta không sinh ra để lúc nào cũng phải lo lắng trước sau. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Bạn không thể ngăn lũ chim bay ngang trên đầu mình nhưng bạn có thể ngăn chặn chúng làm tổ trên tóc mình.” Mặc dù đôi khi bạn có thể cảm thấy khó kiểm soát sự lo lắng, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách để giảm thiểu nó. Có như vậy, bạn mới có thể dành năng lượng và thời gian cho những điều vui vẻ và bổ ích hơn. Và đó mới chính là cách sống có ý nghĩa đích thực của cuộc đời bạn.

Bài: Tạp chí Nữ Doanh Nhân – Ảnh: Unsplash, Pexels

Có thể bạn quan tâm:

Comment