Học cách lo lắng tốt hơn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Học cách lo lắng tốt hơn

Với quan niệm là những phản ứng tâm lý bình thường, không nhiều người thật sự chú ý và suy nghĩ về khoảng thời gian mà chúng ta dùng chỉ để lo lắng trong suốt cuộc đời.

Một cuộc khảo sát năm 2000 dựa trên 2000 người đã cho thấy, những người tham gia đã sử dụng thời gian tương đương với 63 ngày một năm chỉ để lo lắng. Có nhiều lý do các suy nghĩ lo lắng được hình thành, nhưng tựu chung đơn giản là vì chúng ta có khả năng tư duy. Con người thường nhìn vào tương lai, nhìn nhận những khả năng và nguy cơ. Cộng thêm một chút phán đoán mơ hồ, lúc này bộ não tự động đưa ra những phản ánh dựa trên phán đoán đó và tạo thành lo lắng. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Cincinnati, Mỹ cho thấy 85% những gì chúng ta lo lắng không thực sự xảy ra. Và 15% những điều còn lại? Nghiên cứu cho thấy chúng ta thường có thể xử lý nó tốt hơn dự kiến ​​hoặc mang đến những bài học quan trọng trong cuộc đời. Vì vậy, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là dừng lo lắng! Dĩ nhiên, chẳng ai có thể gạt bỏ hoàn toàn những suy nghĩ đó ra khỏi đầu, nhưng việc kiểm soát và đối mặt một cách hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian cho những mối bận tâm khác quan trọng hơn.

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng “lo lắng” và “băn khoăn ” tưởng  như tương tự nhưng lại có những trạng thái tâm lý rất khác nhau. Nếu bạn cảm thấy bị choáng ngợp bởi những lo lắng, có thể đó là lúc bạn cần sự giúp đỡ của một chuyên gia và bác sĩ tâm lý. Đừng để những lo lắng vô căn cứ trở thành mối quan tâm duy nhất và cản trở bạn sống cuộc đời của chính mình.

1Biến “chuyện gì sẽ xảy ra nếu” thành “tôi có thể”

Ngay cả khi chúng ta biết hầu hết những lo lắng của chúng ta sẽ không thành hiện thực, vẫn rất khó để buông bỏ suy nghĩ “nếu như”. Thay vào đó, hãy luôn suy nghĩ tích cực theo câu “thần chú” trên  để tất cả mọi việc sẽ theo hướng “Tôi có thể giải quyết vấn đề”. Tự đặt ra cho mình những câu hỏi làm sao để học hỏi từ những sai lầm, làm sao để tránh những vấn đề tương tự trong tương lai, bản thân có thể làm gì với sự việc sắp tới. Đối với những chuyện còn quá xa mới xảy ra trong tương lai, đừng nên lo lắng hay có mong muốn kiểm soát trước vấn đề mà hãy luôn tâm niệm rằng: “Tôi có thể xử lý nó”. Nên đón chào những chuyện trong tương lai bằng tâm lý vững vàng và tự tin nhất, bồi đắp kiến thức và cả tâm lý để đón chờ những chuyện không như ý.

 

2“Để dành” thời gian để lo lắng

Thiết lập thời gian dùng để lo lắng có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng quá tải. Đây được xem, là một mẹo hay để giảm bớt lo lắng mà không cần lúc nào cũng phải nghĩ tới nó. Việc giải quyết các vấn đề trong một thời gian quá dài có thể sẽ không hiệu quả, nhưng đôi khi sự phản ánh ngắn gọn có thể hữu ích. Hãy dành 20 phút cho thời gian suy nghĩ mỗi ngày. Lúc này, hãy để bản thân lo lắng, nghiền ngẫm bất cứ điều gì bạn muốn. 20 phút này (hoặc nhiều hơn tùy mỗi người) sẽ giúp bạn hạn chế thời gian lo lắng lan man trong ngày, tập trung vào những ưu tiên giải quyết vấn đề. Nếu lo lắng xuất hiện ngoài thời gian đó, hãy xem chúng là một dạng thông báo xấu, gạt sang một bên và tự nhủ “sẽ xem lại trong thời gian lo lắng”. Và đôi khi, khi đến thời điểm nghiền ngẫm lại những lo lắng đó, bạn sẽ cảm thấy chúng không còn quá rắc rối hay to tát như lúc trước nữa.

3Phân loại áp lực

Lo lắng không hoàn toàn xấu như bạn tưởng, khi trong nhiều trường hợp chúng sẽ thúc đẩy bạn suy nghĩ và trở nên tốt hơn. Hãy học cách phân loại những áp lực đến từ lo lắng, coi điều đó có thực sự hữu ích hay không. Suy nghĩ đó sẽ giúp bạn kết nối lại với chính bản thân mình, tìm ra những điều cần phải làm và gạt bỏ lo lắng vô ích. Nếu đã nắm vững được nguyên tắc kiểm soát sự lo lắng, đây là lúc để bạn bắt đầu kế hoạch xây dựng cuộc sống của mình và “đòi lại” khoảng thời gian đã mất cho những sự lo lắng vô bổ trước đây.

Có thể bạn quan tâm:

Tác dụng tâm lý thần kỳ khi trồng cây xanh

12 chòm sao nên vượt qua căng thẳng như thế nào?

Comment