Làm thế nào để giúp nhân viên lấy lại cảm xúc khi trở lại làm việc sau dịch? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Làm thế nào để giúp nhân viên lấy lại cảm xúc khi trở lại làm việc sau dịch?

Hãy sử dụng các nguyên tắc quản lý sau để giúp nhân viên của bạn lấy lại cảm xúc, trở lại làm việc và đi tiếp giai đoạn thách thức hậu Covid-19 sau quãng thời gian bị trì hoãn không thể phát huy hết khả năng.

Một trong những cuộc khủng hoảng bên cạnh tài chính chính là việc khủng hoảng trong cảm xúc làm việc của đội ngũ nhân viên diễn ra trong thời gian quay trở lại làm việc chốn công sở. Đã quen với những sáng chiều thậm chí không nhớ ngày tháng trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người cho phép bản thân buông lỏng cảm xúc và dần trở nên trì trệ hơn khi không phải đương đầu với những áp lực nơi công sở. Là một người quản lý, dưới đây là những lời khuyên giúp bạn hỗ trợ và giúp đỡ nhân viên trong việc xử lý cảm xúc của họ trong thời gian trở lại nơi làm việc.

nguyên tắc quản lý nhân viên sau khi trở lại làm việc sau dịch

Ảnh: Getty Images

Lắng nghe nhân viên với sự đồng cảm 

Hãy nhớ cảm xúc chán nản của bạn và nhân viên đã trải qua khi đại dịch bắt đầu bùng phát, có phải lúc ấy tất cả chỉ mong rằng được tiếp tục sự “bận rộn” mỗi ngày như trước đây dù có đôi khi quá tải? Vì mọi thứ thay đổi quá đột ngột, nhưng khi mọi người quay lại làm việc, họ lại sẽ trải qua cảm xúc “ước gì được nghỉ ngơi thêm chút nữa” để được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và kết nối với bạn bè một cách sâu sắc. Điều đó không có gì ngạc nhiên bởi con người sẽ hình thành những thói quen mới khi làm việc tại nhà. Nhân viên khi bắt đầu quen với một nhịp điệu mới và không phải đi làm mỗi ngày sẽ trở lại công việc khó khăn gấp bội. Vì vậy, hãy có những niềm vui bất ngờ, tạo nên những buổi “meeting” ngoài khuôn khổ công ty để giúp họ “bắt sóng” lại, xử lý cảm xúc của bản thân và cảm nhận được sự hào hứng, phấn khởi khi gặp lại đồng nghiệp. 

Bên cạnh đó, hãy thực hiện nguyên tắc quản lý lý tưởng là thường xuyên thực hiện các cuộc họp 1-1 hoặc họp nhóm để hỏi xem các thành viên đang cảm thấy thế nào. Hãy trấn an cảm xúc làm việc của mọi người rằng sẽ có những thăng trầm xảy ra khi bước vào giai đoạn bình thường mới nhưng bạn sẽ sẵn sàng lắng nghe họ với sự đồng cảm. Nếu họ gặp bất kỳ trở ngại nào, hãy cởi mở hỗ trợ và giúp họ giải quyết vấn đề trong giai đoạn này. Hãy cung cấp cho mọi người một con đường mới để thể hiện bản thân, ngay cả khi điều họ thể hiện là những khiếm khuyết để họ có thể lấy lại sự tập trung và trở lại làm việc một cách mạnh mẽ. 

Cung cấp một kế hoạch “comeback” chi tiết sau ngày trở lại 

Nhân viên sẽ không tránh khỏi những hoài nghi về việc không biết bản thân sẽ có thể làm gì trong khi mọi thứ vẫn chưa thực sự bình thường như đã từng. Cảm xúc làm việc của một người trong công việc cũng giống mối quan hệ trong tình yêu vậy, khi không nhận thức được mức độ hợp tác của đối phương, họ sẽ hoài nghi về tầm quan trọng của mình. Vì vậy, là một người sếp, bạn cần cung cấp cho họ một tầm nhìn rõ ràng và những kế hoạch khả quan với mong muốn được tiếp tục hợp tác cùng họ để tái khởi động công ty.

Bên cạnh đó, văn phòng sẽ cần phải được “cấu hình” lại như cách chiếc máy tính đóng bụi nơi góc bàn đã lâu chưa được khởi động. Hãy thiết lập một định mức mới và tăng tốc tất cả các quy trình mới để có một lần nữa trở thành một hình mẫu trong khủng hoảng cho nhân viên. Bởi, mọi người sẽ làm theo sự dẫn dắt của bạn. Trong tuần hoặc tháng đầu tiên quay lại làm việc, hãy kêu gọi sự chú ý của nhân viên vào các dự án chuẩn bị triển khai và gián tiếp giúp họ nhận ra tầm quan trọng của những dự án đặc biệt này. 

nguyên tắc quản lý nhân viên trở lại làm việc sau dịch

Ảnh: Shutterstock

Hãy chỉ rõ sứ mệnh của từng người và giao nhiệm vụ để khơi dậy cảm xúc trong họ về mục đích họ đang hiện diện trong công ty trong giai đoạn “bình thường mới’. Đây là thời điểm tốt để có một cái nhìn mới về các giá trị và sứ mệnh của công ty liệu rằng có nên thêm hoặc bớt bất cứ điều gì không. Nguyên tắc quản lý của một người sếp sẽ thể hiện rõ nhất thông qua những bước ngoặt, và bước ngoặt hậu Covid-19 chính là điều sẽ khó xảy ra tương tự trong tương lai để giúp bạn nhìn nhận lại vai trò của chính mình trước đội ngũ nòng cốt.

Là một người quản lý, sứ mệnh cao cả của bạn là cung cấp cho nhân viên sự kiên cường để giúp họ giữ vững niềm tin trong những giai đoạn khó khăn và cấp bách. Dù biết rằng công ty vẫn phải có lợi nhuận để bước đi tự tin hơn, nhưng tài sản quý giá nhất của mỗi người làm chủ chính là những nhân viên của mình. Đây là khoảnh khắc quý giá cho toàn đội, khoảnh khắc để tạo ra những hiểu biết mới và cách thức tiếp cận cuộc chơi với tư cách một “người dẫn đầu”. Bất cứ khi nào công ty của bạn bắt đầu quay trở lại văn phòng, hãy sử dụng 2 nguyên tắc quản lý quan trọng trên để giúp nhân viên xử lý cảm xúc và làm quá trình chuyển đổi lịch sử diễn ra trơn tru, suôn sẻ hơn.

Đọc thêm:

Cách tự thăng tiến khi công ty chưa “đầu tư” đủ cho bạn

Mùa dịch Covid-19: 3 cách đối phó khủng hoảng trong thời kỳ doanh nghiệp gặp “tổn thương”

Comment