Giám đốc Nhà hàng Khoái, Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Vươn ra biển lớn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giám đốc Nhà hàng Khoái, Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Vươn ra biển lớn

Chọn sứ mệnh tôn vinh ẩm thực Việt cụ thể là ẩm thực Nha Trang, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Diệp đang từng bước chậm mà vững chãi lèo lái con thuyền thương hiệu mang tên Khoái (Công ty Diệp Hưng Phú) rẽ sóng ra biển lớn đón đầu con sóng “nhượng quyền” với tâm thế sẵn sàng và đầy háo hức.

Lập nghiệp – con đường cần sự dấn thân

Hẳn ai từng tiếp xúc hoặc trở thành bạn bè với chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp đều biết chị mê nhất là thời trang và làm đẹp. Vì thế, có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng câu chuyện về Khoái đã được viết thế nào bởi người phụ nữ này. “Tôi rất mê thời trang và làm đẹp. Nhưng rõ ràng, muốn phát triển thời trang ở thị trường Việt Nam cần có chuyên môn thực sự và giỏi. Ở thời điểm 2009, kinh tế nói chung không mấy lạc quan và thời trang sẽ khó phát huy hết tiềm năng. Thế nên, có thể nói tôi đã chọn ẩm thực từ những phân tích về tiềm năng kinh doanh và nhìn nó với “con mắt nhà nghề” trước khi nhận ra sự đam mê và dấn thân với nó.. Với thương hiệu Khoái chúng tôi không chỉ đảm bảo điều kiện tiên quyết là mang đến những món ngon mà còn là cam kết của người làm dịch vụ: chất lượng, hương vị, không gian, phục vụ… nhằm đưa đến một cung bậc cảm xúc cao hơn ngon một bậc, chính là khoái!022-024_DARE TO DREAM_ NGOC DIEP_A_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Vậy tại sao lại là món ngon Nha Trang trong khi chị chưa dành nhiều đam mê cho ẩm thực cũng như đây cũng không phải là quê mình?

Trước khi quyết định lập nghiệp, tôi từng làm công việc tiếp thị và phát triển thương hiệu cho nhiều công ty đa quốc gia. Từ khi ấp ủ kế hoạch lập nghiệp riêng, tôi đã bắt đầu quan sát nhiều lĩnh vực khác nhau và nhận thấy ăn uống vẫn là nhu cầu cơ bản nhất, thiết yếu nhất của con người. Bên cạnh đó, xu hướng hiện tại không chỉ là ăn no mà phải ngon, thanh đạm và tốt cho sức khỏe, ẩm thực Nha Trang là một trong số ít có thể đáp ứng tốt những yêu cầu đó. Nếu làm một phép tính đơn giản có thể thấy sự phong phú của những nhà hàng món Bắc hay Huế và vẫn còn nhiều “đất trống” cho món ăn Nha Trang nhất là với không gian đẹp, tại trung tâm thành phố, tươm tất phù hợp cho người có gu thưởng thức như giới văn phòng, doanh nhân và khách du lịch…

Nhìn thấy tiềm năng này, tôi quyết định dấn thân và việc đầu tiên chính là “nằm vùng” tại nhiều nhà dân ở Nha Trang để học hỏi bí quyết chế biến từng món ăn truyền thống của họ. Học để biết và cảm thụ rồi cùng bàn bạc với người đầu bếp bản xứ về thực đơn của nhà hàng. Càng khám phá và tìm hiểu nền ẩm thực bản địa, tôi càng thấy mê. Học và thưởng thức, đánh giá món ăn đã trở thành thói quen lúc nào không biết. Đi đến đâu tôi cũng không quên quan sát gia vị, cách phối hợp nguyên liệu và chế biến của người dân bản địa và chia sẻ nó với bộ phận bếp để cùng tìm tòi sáng tạo nên món mới.

Vậy, từ khi ý tưởng được thai nghén đến khi ra mắt nhà hàng đầu tiên, chị đã mất bao lâu? Nhớ lại khoảng thời gian đầu thành lập, có lẽ sẽ có không ít kỷ niệm khó quên?

Phải nói rằng cũng nhờ duyên và may mắn nên sau hơn nửa năm, tôi đã ra mắt cửa hàng đầu tiên. Ban đầu, vì là “dân tay ngang” nên tôi không biết liệu bản thân có duyên với ngành ẩm thực hay không, do đó nhà hàng đầu tiên chỉ được đầu tư ở mức khiêm tốn tuy nhiên lượng khách rất đông. Điều đó như một lời khẳng định về tiềm năng để tôi bắt tay xây dựng thương hiệu một năm sau đó.

Trong những ngày đầu, điều khiến tôi nhớ nhất có lẽ là khoảng thời gian lặn lội ở Nha Trang, vào từng nhà dân để tìm hiểu và học những bí quyết của chính người bản xứ hay tìm đến các ngư dân để có nguồn cung hải sản phong phú, đa dạng. Đó là những cảm xúc rất thú vị. Tôi nhớ những giây phút khi bên ngoài nhà hàng thợ đang tiến hành xây sửa cho không gian đẹp thì bên trong gian bếp tôi cùng đội ngũ của mình chế biến, kiểm định món ăn. Tôi đã mời những người bạn sành ăn -đối tượng khách hàng tôi hướng đến để họ thưởng thức và đóng góp ý kiến về màu sắc, hương vị, cách trang trí món ăn… Những ngày ấy rất vất vả nhưng đầy niềm tin và sự háo hức.

Vâng, thế những kinh nghiệm trước đó có giúp ích gì cho chị trong quá trình lập nghiệp? Sự khác biệt lớn nhất khi điều hành doanh nghiệp của chính mình so với “làm công cho người khác” dù đó là những công ty đa quốc gia là gì?

Sự khác biệt đầu tiên chính là khi làm việc trong môi trường đa quốc gia, mỗi một bộ phận đều chuyên sâu từng lĩnh vực khác nhau và chỉ quản lý nhóm của mình nhưng, thành lập doanh nghiệp lại khác. Nó đỏi hỏi bạn phải có kỹ năng toàn diện hơn để có thể quản lý tất cả mọi thứ từ  tài chính, nhân sự, tiếp thị, kết nối quan hệ bên ngoài, khách hàng… Đồng thời, kỹ năng quản trị cũng mang tầm nhìn và chiến lược khác hẳn, bạn phải có khả năng nắm bắt và xử lý vấn đề cao hơn môi trường công ty mà mình chỉ là một mắt xích.022-024_DARE TO DREAM_ NGOC DIEP_A2_resize

Tôi luôn tuân thủ phương châm mọi thứ phải xuất phát từ tâm và chân thành. Có tâm để làm ra những món ăn an toàn và tốt cho sức khỏe; Có tâm để tạo cho đội ngũ môi trường làm việc được thể hiện mình và thu nhập tốt; Có tâm với trách nhiệm xã hội, chia sẻ những gì nhận được từ khách hàng đến những hoàn cảnh cần giúp đỡ…

Tuy nhiên, phải nói rằng tôi rất cảm ơn những trải nghiệm đó. Môi trường làm việc chuyên nghiệp cho tôi nguồn kinh nghiệm nhất định để áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn những kinh nghiệm tại công ty đa quốc gia giúp tôi biết rằng để quản trị và vận hành tốt doanh nghiệp bạn cần phải biết xây dựng quy trình sao cho hợp lý để vận hành trôi chảy và kiểm soát tốt nhất, bạn phải biết đưa vào các công cụ và phương tiện hỗ trợ đội ngũ, cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp… Nhờ đó, ở góc độ quản lý cao nhất tôi không bị dấn quá sâu vào từng bộ phận mà chỉ quản lý tổng quan và kiểm soát tốt nhất. Thêm một điểm tôi muốn chia sẻ rằng, người quản lý cao nhất phải luôn là linh hồn của doanh nghiệp thể hiện ở việc xác định chiến lược, tầm nhìn và hướng đi cho doanh nghiệp, tạo được văn hóa doanh nghiệp, thổi nguồn năng lượng cho đội ngũ… Tôi muốn mỗi khách hàng đến với Khoái đều cảm nhận được sự thân thiện, chân thành và nhiệt tình phục vụ còn với đội ngũ phải làm hết sức , chơi hết mình và luôn cầu tiến.

Tin vào trực giác

Tôi có nghe về việc Khoái đang tiến hành kế hoạch nhượng quyền thương mại, điều này có đúng không? Và nhân đây, chị nghĩ thế nào về việc nhượng quyền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt?

Nhượng quyền thương hiệu là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng tại Việt Nam, để tồn tại và phát triển, cần phải hòa nhập. Khoái sẽ mở rộng thành chuỗi nhà hàng và để làm được điều này, thời gian qua chúng tôi đã tiến hành xây dựng quy trình cũng như chuẩn hóa hệ thống, đội ngũ sẵn sàng cho kế hoạch. Ở Việt Nam, theo tôi quan sát có không ít đơn vị đã nóng vội trong việc quyết định nhượng quyền. Khi chưa chuẩn bị tốt hay sẵn sàng sẽ dẫn đến bất cập trong cách quản trị để tạo được sự đồng nhất về chất lượng ở tất cả các cửa hàng. Đó cũng là yêu cầu khó của việc nhượng quyền. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều chuỗi cửa hàng thực hiện thành công, vậy nên chúng tôi rất tự tin.

Với các đối tác hợp tác thương mại, Khoái sẽ “góp vốn” bằng thương hiệu và đưa những hạt nhân nòng cốt của mình đến hỗ trợ đào tạo đội ngũ cũng như bước đầu giúp bộ máy vận hành trơn tru.

Không chỉ nhượng quyền trong nước, chị còn dự định đưa thương hiệu Khoái ra nước ngoài trong vài năm tới, liệu Khoái đã đủ mạnh chưa và cùng với quyết định này có lẽ không thể thiếu điều chị muốn làm cho ẩm thực Việt trên thị trường quốc tế?

Một trong những sứ mệnh của Khoái là giới thiệu ẩm thực Việt, đặc biệt là món ngon Nha Trang ra thế giới và tôi tin mình đã hoàn toàn sẵn sàng để làm được điều này bởi thực tế cho thấy bất kỳ du khách nào đã đến với Khoái đều thích thú và muốn trở lại. Thực đơn của Khoái luôn có hai nhóm chính, một là những món truyền thống đặc trưng Nha Trang và thứ hai là những món ăn được sáng tạo từ những nguyên liệu mới, lạ, độc đáo theo mùa và theo vùng. Nghĩa là, ở những địa phương Khoái xuất hiện, sẽ luôn có sự “nhập gia tùy tục” kết hợp với ẩm thực đặc trưng của địa phương.022-024_DARE TO DREAM_ NGOC DIEP_A3_resize

For english version, please click here!

Vậy lộ trình được chị vạch ra là như thế nào và liệu có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào thưa chị?

Năm vừa qua, kinh tế cũng khá chựng lại theo đánh giá của tôi và vì thế chúng tôi tận dụng khoảng thời gian này, lùi lại một bước để củng cố nội bộ, tổ chức đội ngũ và ổn định quy trình để sẵn sàng vươn ra thế giới. Phương châm của tôi là chậm mà chắc, vì thế tôi luôn chuẩn bị mọi thứ ổn định, xây nền móng vững chắc trước khi mở rộng. Trong đó, cần phải thừa nhận rằng, đội ngũ nhân sự là điều cần thiết và tối quan trọng cần chú ý song song với phát triển hệ thống để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững. Chúng tôi hiện đang “chiêu mộ” nhân tài để xây dựng một đội ngũ nhân sự nòng cốt nhằm tăng sức mạnh khi ra ngoài.

Chắc hẳn chị đang rất tự tin và tràn đầy năng lượng cho những dự định mới. Thế còn cuộc sống thường nhật, chị có phải là mẫu phụ nữ luôn dành sự ưu tiên cho gia đình và chăm sóc bản thân?

Một trong những lợi thế khi làm chủ là bạn có thể chủ động thời gian, đặc biệt khi bạn biết sắp xếp thời gian biểu hợp lý, biết giao quyền và vận hành doanh nghiệp thông qua quy trình, bạn sẽ có thời gian làm điều mình thích hoặc chăm sóc tốt gia đình, bản thân bao gồm cả việc làm đẹp cho chính mình. Bởi tôi nghĩ, khi ý thức được việc đẹp là cần thiết, bạn không chỉ mang đến năng lượng cho chính mình mà còn thể hiện sự tôn trọng với người khác và khiến không gian sống quanh mình đẹp hơn. Nhiều người bảo trông tôi rất mạnh mẽ, cứng rắn có lẽ vì trong công việc, tôi thường quyết đoán, năng động và không chấp nhận bản thân ngã gục nhưng khi trở về với cuộc sống thường nhật, tôi lại rất phụ nữ, thích nấu ăn, mua sắm, làm đẹp… Tôi cũng khá lãng mạn, thích văn nghệ và đi đây đó…

Vậy trong những lúc cần đưa ra quyết định, đã bao giờ chị cảm tính chưa?

Tôi nghĩ cảm nhận ban đầu rất quan trọng và thường chính xác, có thể nhiều người cho rằng cảm tính là không đúng. Dĩ nhiên, không phải mọi thứ đều quyết định dựa trên cảm giác, cảm tính hay sự mách bảo của trực giác mà phải được đánh giá phân tích trên những cơ sở nghiên cứu hoặc chỉ số thống kê hay những kinh nghiệm xác thực nếu không muốn thất bại và thất bại. Tuy nhiên, như Albert Einstein từng nói:“Trực giác là thứ duy nhất thật sự có giá trị”, và phụ nữ may mắn có được trực giác rất nhạy bén, tại sao chúng ta không tận dụng để trực giác phát huy tối đa giá trị của nó vào những thời điểm quan trọng.

Text: T. Xuân – Creative Diractor: Hiepleduc – Photo: Vinh VLK
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

>>> CEO Cooper&Co., Quỳnh Trần: Thay đổi để hòa hợp

>>> CEO Ngọc trai Hoàng Gia, Đoàn Bạch Phụng: Ngọc sáng nhờ công mài dũa

Comment