4 năm hơn 10 lần nhảy việc chỉ vì “không phải công việc tôi thích”: 1 kỷ lục đáng buồn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

4 năm hơn 10 lần nhảy việc chỉ vì “không phải công việc tôi thích”: 1 kỷ lục đáng buồn

Từ lúc ra trường, tôi đã mong ước kiếm được cho mình một công việc tôi yêu thích, phù hợp với năng lực và tính cách của bản thân. Tôi làm hết công ty này đến công ty khác, cứ dăm ba bữa tôi lại nghĩ đến chuyện nhảy việc chẳng qua vì thấy mình không phù hợp. Và rồi khi tôi nhìn lại, sau 4 năm tôi có được gì ngoài hơn 10 lần nhảy việc…?

Cả chiều dài tuổi trẻ của tôi đi cùng với việc bay nhảy sang nhiều công ty khác nhau, tìm kiếm cho mình một cơ hội tốt hơn, phù hợp hơn. Bạn bè xung quanh hay nói vui rằng tôi dành cả thanh xuân chỉ để nhảy việc. Ban đầu tôi cũng hòa mình vào niềm vui đó. Kệ! Sao cũng được mà! Thế nhưng chính vì cái “kệ” ấy mà tôi đã tự mình lập nên một kỷ lục đáng buồn với hơn 10 lần nhảy việc chỉ vì tôi chưa tìm thấy mình ở bất kỳ công việc nào.

“Tôi không thích công việc đó”!

Tôi vẫn nhớ rõ lần tôi quyết định nhảy việc đầu tiên. Khi đó tôi chỉ mới tập tễnh bước vào đời. Một khoảng không gian quá rộng lớn, quá nhiều cơ hội và hằng hà những điều mới mẻ, thú vị. Tôi đã cảm thấy nếu như bản thân cứ mãi dặm chân tại một công ty với công việc mà mình không thật sự hứng thú, thì đến bao giờ tôi mới trải nghiệm hết những thứ hay ho ngoài kia? Tôi đứng núi này trong núi nọ, so sánh công việc hiện tại với những cơ hội ngoài kia, rồi tự nhìn lại mình, chắc là không hợp! Và rồi sự vồn vã đã thôi thúc tôi kiếm cho mình một cơ hội khác, môi trường khác phù hợp hơn…

Tôi nhảy việc lần đầu, tất nhiên tôi vô cùng hào hứng và tràn trề hi vọng ở môi trường mới. Tuy nhiên, niềm vui này không kéo dài được bao lâu thì… tôi lại muốn nhảy việc! Lần này là do tôi không cảm thấy mình không yêu thích tính chất công việc ở vị trí mới, tôi không hòa nhập được với văn hóa công ty, đồng nghiệp thì “xấu tính”… Và theo sau đó là những điều không-phù-hợp với mục tiêu cá nhân mà mình đặt ra và quan trọng là tôi chưa có được sự yêu thích trong công việc. Tôi lại loay hoay kiếm cho mình công việc khác với hi vọng tình trạng sẽ cải thiện hơn.

Tôi dần nhận ra tôi không thích công việc nào cả!

Những người bạn xung quanh tôi họ thích rất nhiều thứ, vì vậy họ vẽ ra nhiều hướng đi để phát triển hơn những sở thích đó. Riêng tôi, tôi vẫn mãi bị “mắc kẹt” trong mớ suy nghĩ “Tôi thích gì?” , “Công việc này chưa phải điều tôi thích” , “Tôi không phù hợp với vị trí này”…Câu hỏi liên tiếp câu hỏi, suy nghĩ tiêu cực cứ thế xâm chiếm tôi khi tôi nhận ra tôi không thích bất kỳ công việc nào. Một lần, hai lần, ba lần…dẫn đến những lần nhảy việc tiếp theo. Đâu mới thật sự là công việc mà tôi yêu thích?

Cứ mỗi khi tôi có được công việc mới, tôi đều đã hi vọng mình sẽ yêu thích chúng, làm với tất cả đam mê. Thế nhưng, ngày qua ngày, tôi bắt đầu thấy chán nản, càng làm tôi càng không được là chính mình. Dần dà, tôi nhảy việc nhiều hơn chỉ vì tôi không thích công việc hiện tại. CV tôi lại dày thêm “nhờ” vào kinh nghiệm nhảy việc mà tôi có được. Cứ thế 4 năm trôi qua nhanh như chớp mắt, tôi giờ đây vẫn mãi loay hoay giữa chuyện “thích” hay “không thích” công việc nào. Tôi đã phí hoài gần hết thời gian tuổi trẻ của mình để nhảy việc chẳng qua do tôi chưa thật sự thích, để đến bây giờ tôi đã ngấp nghé cái tuổi cần phải ổn định cho cuộc sống tương lai thì tôi chẳng có gì ngoài kỷ lục đáng buồn mà tôi tạo nên…

Đọc thêm: “Mở đường” cho các working mom trong công sở

Đã đến lúc tự mình tạo niềm vui và niềm yêu thích công việc

Ngần ấy thời gian trôi qua với những lần thay đổi công việc đến chóng mặt, tôi đã dần nhận ra giá trị mà tôi cần phải có thật sự nằm ở đâu. Những thất vọng vì công việc không được như ý muốn hay chán nản những điều hiện tại đã cho tôi bài học quý giá rằng, không ai khác có thể tạo ra được niềm vui trong công việc và yêu thích chúng bằng chính bản thân mình. Tôi bắt đầu học cách “dễ chịu” hơn với những điều “gần bằng” với tưởng tượng của mình, không còn phải chăm chăm kiếm tìm công việc phải giống100% như mình hi vọng. Tôi học cách nhìn vào những điểm tích cực của công việc hiện tại, thôi “đứng núi này trong núi nọ” và trên hết, phải tự tạo cho mình động lực làm việc, từ đó tôi mới có đủ tình yêu với công việc hiện tại.

Công việc không phải lúc nào cũng được như ý mình mong muốn, vì vậy bạn hãy cố gắng theo đuổi nó, tìm kiếm những mặt tích cực để làm động lực cho chính mình. Không bao giờ từ bỏ quá sớm khi bạn chưa thật sự hết mình yêu thích chúng. Đó là bài học mà tôi có được sau quá nhiều lần nhảy việc vì những suy nghĩ thiếu chin chắn của mình. Bạn cũng nên tạo cho mình lộ trình phát triển rõ ràng trong sự nghiệp, xác định hướng đi mà mình yêu thích để từ đó chọn cho mình công việc phù hợp nhất. Hãy cứ tin rằng, nếu bạn cố gắng không ngừng và tập thói quen hài lòng với công việc và yêu thích chúng, bạn chắc chắn sẽ tìm được niềm vui trên con đường sự nghiệp của chính mình.

Comment