Stress cũng tốt đấy chứ! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Stress thường bị xem là cảm giác tiêu cực, độc hại, gây ảnh hưởng đến tinh thần. Tuy nhiên trên thực tế, stress cũng có loại tốt và loại xấu, và việc duy trì căng thẳng tốt ở mức độ vừa phải mỗi ngày có thể mang đến nhiều lợi ích bất ngờ.

Stress tốt và Stress xấu là gì?

Từ lâu, stress hay căng thẳng thường được xem là cảm giác tiêu cực như khi “deadline” chồng chất, việc gia đình rối ren, lịch trình sinh hoạt quá tải khiến chúng ta kiệt sức. Giáo sư Tâm lý tại Đại học American, Kathleen Gunthert cho biết: “Căng thẳng xảy ra khi chúng ta cảm thấy mất cân bằng giữa những thách thức phải đối mặt và nguồn lực mình đang có để có thể xử lý các thách thức đó. Các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều loại căng thẳng khác nhau như distress (căng thẳng tiêu cực), eustress (căng thẳng tích cực), acute stress (căng thẳng cấp tính) và chronic stress (căng thẳng mãn tính).”

Căng thẳng tích cực là loại stress tốt mà chúng ta cảm thấy khi phấn khích. Lúc đó, nhịp tim và hormone tăng lên nhưng không có mối đe dọa hay sợ hãi nào. Bạn thường cảm nhận được căng thẳng tích cực khi đi tàu lượn siêu tốc, trong buổi hẹn hò đầu tiên, khi được thăng chức hoặc bắt đầu công việc mới. Nó giúp bạn cảm thấy háo hức và tràn đầy sức sống. Ngược lại với căng thẳng tích cực, những căng thẳng tiêu cực thường gây ra cảm giác buồn bã, mệt mỏi, lo lắng, đau lòng như sau khi phá sản, ly hôn, mất mát…

Stress căng thẳng tốt tích cực là động lực

Trong khi đó, căng thẳng cấp tính thường gây ra bởi những sự việc bất ngờ đòi hỏi bạn phải phản ứng ngay. Căng thẳng cấp tính sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể, điều thường gọi là căng thẳng độc hại. Bản thân cơn căng thẳng cấp không để lại hậu quả nặng nề nếu chúng ta tìm cách thư giãn ngay. Và một khi giải quyết được các tác nhân gây ra căng thẳng cấp tính, chúng ta có thể đưa cơ thể về trạng thái cân bằng, duy trì sức khỏe và hạnh phúc.

Còn căng thẳng mãn tính được định nghĩa là “phản ứng sinh lý hoặc tâm lý kéo dài đối với một sự kiện gây căng thẳng từ bên trong hoặc bên ngoài”. Nó xảy ra khi chúng ta phải đối mặt liên tục với các tác nhân gây ra căng thẳng. Đó có thể là một công việc áp lực cao hay cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cơ thể chúng ta không được “thiết kế” để chống lại loại căng thẳng này. Căng thẳng mãn tính đã được chứng minh là có liên quan đến tình trạng rối loạn ăn uống, các vấn đề về da, gây teo não và thậm chí là tăng khả năng mắc các bệnh mãn tính khác.

Stress căng thẳng tốt tích cực là động lực

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, stress tốt hay căng thẳng tích cực ở một liều lượng nhất định lại có thể mang đến nhiều tác động tích cực cho con người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychoneuroendocrinology năm 2013 cho thấy, các loại căng thẳng tốt nếu được kiểm soát ở mức độ vừa phải mỗi ngày có thể bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng oxy hóa vốn được xem là yếu tố gây lão hóa và bệnh tật.

Bình thường, chẳng ai thốt lên rằng: “Thật tuyệt khi bị stress!” Nhưng nếu không gặp phải một chút căng thẳng tích cực thì ngược lại, bạn sẽ dễ trở nên mất định hướng và không hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, một ít căng thẳng là điều kiện cần thiết để có được cuộc sống khỏe mạnh, cân bằng.

Và dưới đây là 4 lợi ích hàng đầu của căng thẳng tích cực mà có thể bạn chưa biết:

1. Căng thẳng thúc đẩy động lực

Khi mức độ căng thẳng tăng cao có thể gây ra quá tải và giảm động lực. Tuy nhiên, duy trì một chút căng thẳng tích cực lại có thể có ích, vì nó tạo ra động lực thúc đẩy năng suất và chất lượng công việc.

Giáo sư tâm lý học Kathleen Gunthert chia sẻ: “Mức độ căng thẳng vừa phải đã được chứng minh có thể giúp nâng cao động lực. Ví dụ như stress do deadline có thể giúp chúng ta tập trung cao độ hơn vì nhận thức được thời gian hoàn thành công việc không còn nhiều. Ai cũng có hàng tá nhiệm vụ, mong muốn cần thực hiện nhưng hiếm người tìm thấy động lực để bắt tay vào hành động ngay, thực hiện kiên trì và hoàn thành chúng. Vì thế, đôi khi stress tốt lại chính là động lực thú vị giúp chúng ta chinh phục được những mục tiêu quan trọng trong đời.”

“Không phải căng thẳng giết chết chúng ta, mà là phản ứng của chúng ta đối với nó.” – Khuyết danh

Stress căng thẳng tốt tích cực là động lực

2. Căng thẳng tăng cường sự phục hồi

Peter Vitaliano, Giáo sư Tâm thần học và Khoa học hành vi tại Trường Y thuộc Đại học Washington cho biết: “Mặc dù stress có thể gây quá tải, nhưng nó cũng tạo ra động lực để con người đứng lên giải quyết vấn đề, thúc đẩy xây dựng sự tự tin cùng các kỹ năng quan trọng làm bàn đạp cho sự phát triển trong tương lai. Một khi khả năng phục hồi và sự tự tin ngày càng tăng, chúng ta cũng sẽ cảm thấy ít lo lắng hơn và kiểm soát tốt hơn các tình huống trong cuộc sống của mình.”

Allison Berwald, Nhân viên Xã hội tại New York cho rằng: “Tận dụng sức mạnh của căng thẳng để đối mặt với sợ hãi, thách thức có thể giúp bạn vượt qua thay vì trốn tránh nó. Và sau khi chiến thắng nỗi sợ, bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hơn để đối phó với nó trong tương lai, từ đó đạt được thành công.”

“Nếu bạn không thể xử lý căng thẳng, bạn không thể quản lý nổi thành công.” – Khuyết danh

3. Căng thẳng gia tăng sự kết nối

Một trong những lợi ích bất ngờ nhất của căng thẳng là nó có thể giúp xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa các cá nhân, điều vốn được xem là “chìa khóa” cho sức khỏe và hạnh phúc. Giáo sư Kathleen Gunthert nói rằng: “Duy trì kết nối xã hội là một trong những cách tốt nhất giúp con người chống lại các vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu bởi người khác, chúng ta sẽ ít cảm thấy cô đơn, lạc lõng hơn.”

Stress căng thẳng tốt tích cực là động lực

“Trong những lúc căng thẳng, điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho nhau là lắng nghe bằng đôi tai lẫn trái tim và yên tâm rằng những lời quan tâm cũng quan trọng như việc tìm ra giải pháp cho vấn đề.” – Fred Rogers

Con người thường có xu hướng tìm đến sự sẻ chia khi gặp căng thẳng trong cuộc sống. Đó có thể là gia đình, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp hay các nhóm hỗ trợ tâm lý. Theo Giáo sư Peter Vitaliano, khi kết nối với mọi người, chúng ta có cơ hội tuyệt vời để chia sẻ và nhận được sự đồng cảm, giúp đỡ cho những vấn đề của bản thân. Từ đó giúp xây dựng lòng trắc ẩn và các phản ứng tích cực làm dịu sự lo lắng, sợ hãi. Khi cởi mở với mọi người, chúng ta cũng có thể cảm thấy tốt hơn.

Việc trò chuyện với bạn bè hay gia đình cũng có thể giúp xây dựng và củng cố các mối quan hệ trong giai đoạn khó khăn. Vì theo Giáo sư Kathleen Gunthert, nếu trong trắc trở mà chúng ta không ở bên động viên, hỗ trợ nhau thì về lâu dài, tình cảm sẽ ít nhiều rạn nứt.

4. Căng thẳng giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn

Một cuộc sống không có stress chưa hẳn đã hoàn hảo. Tuy nhiên, ở cuối con đường đầy rẫy căng thẳng và biến động mà mỗi người trải qua lại là những trái ngọt chỉ dành riêng cho người dám đối mặt và vượt qua khó khăn.

Bất cứ điều gì cũng có cái giá của nó, trả được giá xứng đáng, chúng ta sẽ có được thứ mình muốn. Và những điều có thể khiến chúng ta tự hào hay mang lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống lại không bao giờ dễ dàng, nó đi kèm với áp lực, thách thức và căng thẳng. Vì thế, không có căng thẳng cũng giống như cuộc đời sẽ mất đi phần nào ý nghĩa đích thực.

“Căng thẳng là gia vị của cuộc sống”. – Hans Selye

Stress cũng có nhiều loại tốt xấu và cách thức đối mặt, vượt qua hay tận dụng, phát triển. Căng thẳng tiêu cực, mãn tính là độc hại, nhưng một ít căng thẳng tích cực như eustress lại có thể giúp ta có thêm động lực, trở nên tự tin, tăng cường kết nối và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống.

Bài: NDN tổng hợp | Hình: Getty Images, Internet

Có thể bạn quan tâm:

Comment