Bất cứ điều gì cũng có lần đầu, kể cả việc giữ chức CEO của một công ty. Vậy đâu là những bài học xương máu dành cho bạn – người lãnh đạo lần đầu nhậm chức từ những CEO dày dặn kinh nghiệm?
CEO là cụm viết tắt của Chief Executive Officer hay Giám đốc Điều hành – người lãnh đạo và lèo lái mọi hoạt động của một doanh nghiệp. CEO không phải là vị trí dành cho người làm việc hời hợt, không dám chấp nhận mạo hiểm, thích trì hoãn hay tự mãn. Trước khi trở thành một Giám đốc Điều hành có kinh nghiệm và được ngưỡng mộ, bạn phải học và bắt đầu công việc từ những nấc thang đầu tiên. CEO cũng có thể mắc sai lầm, đặc biệt là những CEO mới nhậm chức, luôn có những bài học vỡ lòng trước khi chạm đến được thành công.
Dưới đây là 3 bài học xương máu được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm đúc kết sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, hạn chế sai lầm và thành công hơn trong những ngày đầu tiên đảm nhận chức danh CEO:
1Tối ưu hóa thời gian một cách khôn ngoan
Khi bạn đảm nhiệm vị trí quản lý chuyên trách, bạn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn đó của mình. Khi cần phối hợp với các bộ phận chuyên môn khác, bạn cũng sẽ tham gia với tư cách đại diện cho mảng chuyên môn mà mình phụ trách. Ví dụ như nếu là một Giám đốc Tài chính, bạn sẽ chỉ đóng góp quan điểm của mình về những vấn đề liên quan đến tài chính như tối đa hóa doanh thu, xây dựng mô hình tăng trưởng tài chính hay những điều khoản hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, thay vì tham gia vào các vấn đề như nhân sự, sáng tạo hay tiếp thị. Nhưng khi đã trở thành CEO, nghĩa là chuyển từ vị trí quản lý chuyên môn sang tổng thể, bạn phải điều hành toàn bộ hoạt động của mọi phòng ban trong doanh nghiệp từ vạch ra chiến lược đến chỉ đạo thực thi. Với trăm công nghìn việc như thế, việc quản lý tốt thời gian và nhận biết đâu là nhiệm vụ tiên quyết cần đầu tư phải thời gian chính là yếu tố sống còn cho một CEO.
Trong những ngày đầu giữ chức CEO, cách tốt nhất để quản trị thời gian chính là hãy tạo ra một kết nối chặt chẽ hơn với mọi người trong công ty. Từ đó, bạn sẽ hiểu được bài học về sự tường tận mục tiêu, quy trình, nhu cầu và thách thức mà doanh nghiệp đang gặp phải một cách toàn diện. Ví dụ, bạn có thể ưu tiên thời gian để tìm hiểu các ứng dụng công nghệ để tối ưu quản lý trong doanh nghiệp, cơ cấu các dòng sản phẩm chiến lược hay cấu trúc nhân sự hiện tại. Sau đó, bạn hãy thể hiện năng lượng, nhiệt huyết dưới vai trò một CEO và triển khai rộng rãi định hướng, tinh thần làm việc của mình đến mọi phòng ban.
Là một CEO, bài học đầu tiên bạn phải học là biết cách tối đa hóa giá trị của từng phút từng giờ bạn sử dụng để xử lý công việc lẫn quản lý nhân sự chủ chốt của mình. Từ đó, bạn mới quản lý tốt thời gian của mình, không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh và giải quyết các vấn đề quan trọng sau này.
2Xây dựng đội ngũ lãnh đạo kề vai sát cánh có cùng chí hướng
Bài học CEO thứ hai, bạn cần biết cách đánh giá và nhận biết đâu là đội ngũ quản lý cấp cao có cùng tầm nhìn và có thể hỗ trợ bạn hiện thực hóa các chiến lược lẫn mục tiêu dưới vai trò CEO. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là con người. Con người có vững mạnh, tổ chức mới phát triển. Trong nhiều trường hợp, khi bắt đầu giữ chức CEO, bạn sẽ cần tinh chỉnh các vị trí trong bộ máy điều hành cấp cao để đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Hãy tỉnh táo trong cách lựa chọn và quản lý con người tại thời điểm then chốt này.
Để thành công với vị trí CEO, bạn phải ưu tiên hàng đầu việc chọn được hàng ngũ lãnh đạo cấp cao có tầm nhìn và năng lực phù hợp. Để giúp công ty đạt được các mục tiêu dài hạn, bạn hãy chọn những lãnh đạo có tinh thần chủ động, kinh nghiệm thực chiến và có thể tiên phong dẫn dắt nhân viên cấp dưới như những hình mẫu lý tưởng. Họ phải là những con người có tinh thần cởi mở, thái độ không đổ lỗi và không bao giờ cho phép các vấn đề rơi vào quên lãng mà không có giải pháp nào. Quan trọng nhất, họ phải là những người có tố chất lãnh đạo tuyệt vời và có khả năng truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết, thúc đẩy tinh thần làm việc hăng say để cùng bạn đồng hành trong mọi chiến lược.
3Duy trì động lực phát triển cho chính bản thân mình
Điều quan trọng thứ ba, bạn hãy luôn giữ ngọn lửa động lực rực cháy trong tim, nuôi dưỡng khát vọng hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao và tiên phong lên kế hoạch chinh phục những hành trình mới mẻ để có thể truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. CEO không chỉ là người dẫn dắt công ty về mặt chiến lược, chuyên môn mà còn là người lãnh đạo về mặt tinh thần cho nhân viên.
Để khơi dậy cảm hứng hành động cho nhân viên, CEO phải là người đầu tiên tin tưởng và kiên trì với sứ mệnh lẫn mục tiêu của doanh nghiệp. Có như vậy, bạn mới có thể thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên. Bạn cần truyền đạt rõ ràng mục tiêu và tầm nhìn của mình với nhân viên dưới quyền, cùng họ chúc mừng cho những thành tựu, chiến thắng lẫn trung thực với họ về những khó khăn, thử thách mà bạn và công ty đang gặp phải. Khi nhân viên làm tốt, hãy tuyên dương và khen thưởng xứng đáng cho họ. Khi công việc có trục trặc, hãy phê bình và động viên, gợi ý, hướng dẫn họ cải thiện tình hình bằng phương pháp thích hợp.
Bạn đừng trở thành một CEO tồi khi chỉ nói mà không làm, chỉ ngồi lì trong phòng làm việc hay thiếu kết nối, thiếu tương tác với nhân viên. Hãy trở thành một CEO tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết bằng cách tổ chức các buổi họp quý, networking nội bộ thường niên, những cuộc họp hàng tuần với đội ngũ lãnh đạo hay thậm chí yêu cầu trao đổi và cập nhật tiến độ công việc trực tiếp cho CEO một cách đều đặn. Việc giao tiếp rõ ràng, minh bạch và thẳng thắn sẽ giúp tạo nên văn hóa làm việc với tinh thần trách nhiệm cao tại doanh nghiệp. Dù là tin tốt hay tin xấu, bạn cũng phải là người truyền cảm hứng hành động cho tổ chức, không đầu hàng khó khăn, thất bại hay ngủ quên trên chiến thắng. Chính năng lượng tích cực của bạn sẽ giúp giữ vững tinh thần làm việc hăng say và sự gắn kết của cả công ty.
Bất kì một CEO thành công nào cũng từng có những ngày đầu tiên, lần đầu tiên đảm nhận vị trí điều hành một doanh nghiệp. Bí quyết để trở thành một nhà lãnh đạo thành công nằm ở cách bạn tối ưu hóa thời gian, thấu hiểu con người và truyền cảm hứng hành động thực sự mạnh mẽ.
Nguồn: Tổng hợp – Lược dịch: Tạp chí Nữ Doanh Nhân – Ảnh: Internet
Đọc thêm:
Có thể bạn quan tâm:
Trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để “sống” với mục đích trong kinh doanh?
#INTERVIEW: Chân dung nữ doanh nhân Mai Nhung và sứ mệnh giúp mỗi trẻ nhỏ định hướng “tương lai”