Chiều ngày 01/07/2023, NXB Phụ nữ Việt Nam đã đồng hành cùng Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổ chức talkshow Talk Japan: Đi về phía mặt trời mọc. Các diễn giả đã có những chia sẻ về những góc nhìn đa chiều từ văn hóa đời sống đến phong cách làm việc của con người và đất nước Nhật Bản.
Cơn mưa bất chợt chiều tháng 07 không thể ngăn tình yêu của những người yêu sách và nước Nhật có mặt tại talkshow Talk Japan: Đi về phía mặt trời mọc. Những câu chuyện đã được các diễn giả chia sẻ chân thực, những người đã có trải nghiệm thực tế tại quốc gia được mệnh danh là “Xứ sở hoa anh đào”. Tất cả như những mảnh ghép tạo nên một bức tranh rõ ràng hơn về Nhật Bản.
Đơn giản nhưng không giản đơn
Mỗi quốc gia đều có những nét đặc trưng riêng. Người Thụy Sĩ tự hào với socola, người Đức nổi tiếng với các thương hiệu ô tô, trong khi người Nhật tự hào với sự đơn giản. Trong chính phong cách sống của người Nhật đã cho thấy họ yêu thích lối sống đơn giản, giảm thiểu hết các chi tiết không cần thiết để hưởng thụ sự phong phú mà cuộc sống mang đến.
Có mặt tại talkshow, Á hậu Quốc tế Thúy Vân tạo ấn tượng với “outfit” là bộ Yukata, trang phục truyền thống vào mùa hè của người Nhật. Từ sự chỉn chu trong cách chọn lựa trang phục xuất hiện có thể thấy được tình yêu mà người đẹp dành cho đất nước này. Cô chia sẻ: “Nếu như được chọn một đất nước mà Vân sinh sống ngoài Việt Nam có lẽ sẽ là Nhật Bản. Có thể đó là do những duyên nợ của mình với nước Nhật, nhưng quan trọng hơn đó là những văn hóa, con người và đất nước này đã thu hút Vân.”
Đồng thời, nàng Á hậu còn bị thu hút với sự giản đơn của họ trong thời trang. Thúy Vân cho biết: “Thời trang của người Nhật là những phong cách đơn giản, lặp đi lặp lại, không có nhiều khác biệt. Đa số người Nhật, họ đều ưu tiên chất liệu hơn là kiểu dáng hay đi theo xu hướng. Nhưng ở những dịp đặc biệt, họ sẽ đầu tư để phù hợp với hoàn cảnh đó. Họ cũng rất tinh tế trong cách chọn lựa để tạo ấn tượng với người xung quanh.”
Dù đơn giản là thế, nhưng phong cách sống và văn hóa của người Nhật vẫn có sức hút kỳ lạ khi đã và đang du nhập vào Việt Nam khá mạnh mẽ. Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ nhấn mạnh: “Văn hóa Nhật vào Việt Nam từ rất sớm, thông qua những biểu tượng như bộ phim Osin, truyện tranh Doreamon. Ngay cả ẩm thực Nhật ngày nay cũng phổ biến hơn nhiều tại nước ta. Chính sự quan tâm của giới trẻ tạo tiền đề cho văn hóa Nhật dần dần đi vào lối sống của người Việt.”
Quy trình – Kỷ luật – Tỉ mỉ là số 1
Sự du nhập của văn hóa Nhật cộng thêm việc đất nước hai bên mở cửa, tạo cơ hội cho người lao động xuất khẩu Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Vũ Kỳ cho biết: “Người Việt Nam sang nước Nhật làm để tiếp cận nền văn hoá mới, trải nghiệm và làm giàu chính đáng cho chính mình, cho gia đình, cho quê hương. Dù làm việc ở đâu cũng là vì sự phát triển của bản thân và quê hương.”
Thế nhưng, không dễ để người Việt có thể thích nghi ngay với phong cách làm việc của người Nhật. Ngay cả nhà nghiên cứu, tác giả Nguyễn Quốc Vương, người có nhiều năm du học và làm việc tại đất nước mặt trời mọc cũng từng bị “ngộp” trong doanh nghiệp Nhật.
Tác giả “3000 ngày trên đất Nhật” cho biết: “Người Việt Nam có thể tự do sử dụng điện thoại trong nơi làm việc. Nhưng tại Nhật Bản lại khác. Lấy ví dụ từ chính tôi, khi là một phiên dịch, một công việc khá tự do, nhưng khi những người Nhật đang tập trung nghiêm túc, mình cũng sẽ vô tình bị cuốn vào văn hóa đó. Công ty Nhật cũng có những đặc trưng riêng. Nếu 7 giờ làm việc, người ta sẽ đến trước 15 phút để chuẩn bị và đúng giờ sẽ bắt tay vào làm. Còn khi kết thúc, họ sẽ phải sắp xếp lại mọi thứ như ban đầu rồi mới rời khỏi văn phòng.”
Sau một thời gian làm nhiều nghề nghiệp ở Nhật, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhận ra rằng: “Nghiêm túc, đúng giờ, cẩn trọng và tỉ mỉ là những ưu tiên hàng đầu của người Nhật, sau đó mới xét đến năng lực làm việc. Ngoài ra, quy trình và kỷ luật lao động cũng là yếu tố quan trọng khi làm tại các công ty Nhật. Người Việt Nam khi đi làm ở Nhật ban đầu có thể khó thích nghi với tinh thần kỷ luật, sự tập trung, độ bền và cấp trên là tuyệt đối trong văn hóa làm việc của người Nhật. ”
Bên cạnh sự có mặt của 03 diễn giả đặc biệt, talkshow Talk Japan: Đi về phía mặt trời mọc còn vinh dự có sự xuất hiện của PGS.TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng. Ông được biết đến là người ấn hành một số từ điển Kanji Hán Nhật Việt đầu tiên của Việt Nam vào năm 1973 tại Sài Gòn.
Mời quý độc giả xem một số hình ảnh tại talkshow Talk Japan: Đi về phía mặt trời mọc
Có thể bạn quan tâm: