Suy nghĩ giản đơn và ăn Tết đơn giản, bạn có dám?

Vượt qua chữ “sướng”, đó là chữ “nhàn” mang nhiều bình dị và thảnh thơi không vướng bận. Bạn đã bao giờ thử suy nghĩ giản đơn và cảm nhận một cái Tết an nhàn hay chưa?

Tất cả những thứ bên ngoài đều chỉ là cái khung của một bức tranh, nhưng cái khung lại là thứ bình thường nhất và có hay không có cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến giá trị của bức tranh ấy. Nói về Tết, đó là bức tranh với muôn vàn sắc thái lẫn lộn. Có người thích điểm tô và khiến bức tranh thêm sặc sỡ, nhưng nếu thử vươn tay phủi đi hết lớp bụi đóng sau một năm, bức tranh xinh đẹp tựa ban đầu sẽ lại hiện ra. Đôi khi, chúng ta chỉ chăm chăm quần quật “dọn dẹp” những điều bên ngoài, mà quên mất lòng mình vẫn hoang mang vì những tiểu tiết không đâu. Cuộc sống có lẽ cũng thế, mỗi lựa chọn đều xuất phát từ mục đích của mỗi người, nhưng suy cho cùng, được thanh lọc và tìm lại sự bình yên cho chính tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Nhưng giữa guồng quay hối hả như hiện nay, sau một chặng đường với nhiều bộn bề lo toan, dường như mọi người lại thường quên đi tầm quan trọng của việc đề cao sự đơn giản mà chạy theo nhiều khát khao xa vời phù phiếm. Để rồi nhìn lại, Tết không còn là một “chặng nghỉ trong tâm hồn” đúng nghĩa, mà lại trở thành một thước đo để đánh giá sự sung túc và của cải tràn trề.

Bạn à, Tết giản đơn vẫn có thể mang đến những điều trọn vẹn nhất, kể cả đó là dịp mà người ta vẫn thường gắn mác cầu kỳ và chỉn chu…

Tết là lúc “sạc” lại nguồn năng lượng để tìm lại sức mạnh của chính mình, của cuộc đời, cùng tất cả những điều an ủi và gia tăng niềm hy vọng của chính ta về một khởi đầu mới hanh thông, hạnh phúc. Quãng thời gian ấy, bạn có thể thỏa sức làm điều mình muốn như một thói quen hàng năm, và thói quen đó cho phép bạn sống trọn vẹn với niềm tin và lý tưởng của mình. Và những gì bạn làm khiến bạn hạnh phúc nhất, đôi khi nó lại bắt nguồn từ hai chữ “đơn giản”. Khi mọi người vẫn cho rằng không có chuyện gì là đơn giản, thì đơn giản chính là điều khó khăn nhất để đạt được và cần phải học hỏi suốt đời. Khi ta 20, “đơn giản” là một ý thức. Đến năm 30, “đơn giản” biến thành mong cầu. Để rồi sang 40, “đơn giản” chính là một khát khao. Như một khái niệm, đơn giản là một lối sống tự do tự nguyện, lối sống đó cho phép ta từ bỏ mọi nuông chiều và kích thích để tìm kiếm sự bình yên. Và Tết chẳng phải là quãng thời gian vốn bình yên nhất của một năm hay sao?

Bỏ qua những mảnh vụn không cần thiết, hãy tập trung vào những điều giá trị hơn và “trang hoàng” chúng thêm đẹp đẽ cho lối sống. Tạm dừng lại bằng cách cho mình vài phút thư thả trên chiếc giường yêu thích, xem một bộ phim hay lật giở cuốn sách mua từ lâu chưa kịp mở. Hoặc giản đơn hơn là ngồi nghỉ ngơi dưới khung cửa sổ và hít thở khí trời, đó chính là cách ta được chiêm nghiệm lại bản thân, nhận ra những thứ đã vuột mất hay may mắn có được trong một năm. Bởi Tết đâu chỉ là dịp để tân trang nhà cửa, tâm hồn ta mới càng là thứ cần “tân trang” bằng cách buông xuống những gánh nặng và tự do tận hưởng những phút giây thuộc về bản thân.

Dù truyền thống hay cách tân, áo dài vẫn luôn là là lựa chọn đơn giản nhất để lưu giữ hồn Tết Việt dù cuộc sống có hội nhập và hiện đại đến mức nào.

Còn màu đỏ nào đẹp và rực rỡ hơn những phong bao lì xì ngày Tết – phong tục cổ truyền tốt đẹp chẳng hề cầu kỳ nhưng vẫn thể hiện được trọn vẹn tâm tình của người gửi gắm.

Một lối sống nhẹ nhàng và thảnh thơi không có nghĩa là bạn hời hợt và vô tâm với mọi thứ hiện hữu. Khi Tết còn giá trị trong lòng bạn, bạn vẫn có quyền khắc họa nó với mọi thứ bạn muốn. Nhưng, giản đơn còn là cách để bạn tạm quên đi sự cầu toàn của bản thân, nhẹ gánh âu lo và quan tâm nhiều hơn đến sâu thẳm lòng mình và những người xung quanh. Càng đến Tết, người ta lại trông mong được khẳng định rằng bản thân vẫn “ổn”, để rồi thở phào nhẹ nhõm khi nhận được sự công nhận của người khác. Cầu toàn khiến bạn quá nhạy cảm với những đánh giá nhận được và lưu giữ những đánh giá khắc nghiệt ấy như một lời nhắc nhở mà bỏ qua việc khoan dung với chính mình. Mong muốn sở hữu sự hoàn hảo là hợp lý, nhưng trong phạm vi cuộc sống, nó đôi khi khiến bạn kìm nén mọi cảm xúc rồi gồng mình thỏa hiệp. 

Phần lớn nỗi khổ trong cuộc sống xuất hiện là do sự xung đột và không nhất quán giữa những mong muốn từ trái tim và môi trường thực tế. Và việc từ bỏ sự hoàn hảo chính là cách để bạn tránh làm tổn thương chính mình và những mối quan hệ. Một số người không thể từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo vì sợ thất bại, nhưng chẳng ai lại gắn liền Tết với hai từ tiêu cực ấy cả. Trong bối cảnh hiện nay, Tết càng đơn giản, lại càng vui khỏe. Và sự đơn giản được sở hữu ngay chính từ tinh thần giản dị bên trong, là cách thức để bạn ung dung tự tại và trở thành người đáng quý trọng trong cuộc sống.

Cho dù là nơi thành thị hay thôn quê, mâm ngũ quả đã, đang và sẽ luôn là một trong những biểu tượng đẹp đẽ tượng trưng cho những ước vọng về một năm mới no đủ, may mắn, phát tài, phát lộc trong tập tục ngày Xuân của người Việt.

Là giá trị “ngàn vàng không đổi”, Tết luôn hiện diện rõ nét và không gì có thể che lấp thông qua sự quây quần và đoàn viên trong bữa cơm gia đình.

Đối với trang trí nhà cửa thì những câu đối đỏ hay dây treo may mắn sẽ luôn là sự lựa chọn hiệu quả và đơn giản để đem Tết vào mỗi ngôi nhà.

Tết là đôi khi gắn liền với phung phí và tiêu xài. Bởi ai cũng cần cho phép bản thân được hưởng thụ sự sung túc đúng nghĩa. Nhưng bạn có nhận ra rằng, đôi khi điều kiện vật chất càng tốt, chúng ta lại càng cảm thấy ít hạnh phúc. Trọng tâm của chặng nghỉ sau một năm là được “thức dậy” với một khao khát được sum vầy, yêu thương. Đó mới chính là điều xa xỉ nhất mà ta nên “chạy theo”. Dù vậy, bạn vẫn có thể giữ gìn những nền tảng đã trở thành cốt lõi để mong cầu một năm mới đầy thuận lợi và suôn sẻ. Bạn vẫn có quyền hưởng thụ Tết và làm những điều khiến bạn cảm thấy an lạc, nhưng hãy hưởng thụ việc được yêu thương chính mình, yêu gia đình, yêu những người thân thiết xung quanh trước tiên. Cho phép bản thân được vui cười mà không có bất cứ lo toan, mệt nhoài nào chính là một cách để hưởng thụ một mùa xuân như ý. 

Trong thực tế, nếu bạn nhìn quá nhiều vào cuộc sống của người khác, bạn sẽ không bao giờ học được cách chấp nhận và biết đủ. Những con người hiện đại hiểu biết rất nhiều sự thật, nhưng họ lại khó khăn trong việc thực hành nó. Nhưng, quan trọng hơn cả sự thật là bạn phải biết mình là ai, mình có thể làm những gì và làm nhiều nhất có thể. Ý nghĩa của Tết không nằm ở quyền lực và tiền bạc, không phải ở vật chất hay danh tiếng, mà nó xuất hiện trong tâm trí để bạn bình tĩnh đong đếm những thăng trầm của cuộc đời qua mỗi năm. Có những niềm vui và nỗi buồn, có những đủ đầy và thiếu hụt, nhưng hãy coi trọng sự đơn giản. Khi cuộc sống đơn giản rồi, bạn sẽ học được cách trải nghiệm mọi thứ ở một tầm cao hơn mà không phải ai cũng có thể làm được.

Mang sức nặng của cảm xúc tình thân, món thịt kho hột vịt mẹ làm luôn là một trong những thứ gợi nhớ đầu tiên về cái Tết sắp đến.

Một cái Tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi sắc xanh của những miếng bánh chưng bánh tét, món ăn cao quý nhất để dâng lên tổ tiên cũng như thể hiện tấm lòng biết ơn với bậc sinh thành

Tập hợp của những màu sắc rực rỡ nhất, cái Tết chỉ trở nên trọn vẹn khi được thưởng thức hương vị ngọt-bùi-chua-cay của những món mứt quả chỉ có thể tìm thấy nhiều nhất trong dịp năm mới.

Có thể bạn quan tâm:

“Tết Ta” – Tết của chúng ta!

Sống “chậm” hay “nhanh” để làm chủ nhịp bước cuộc đời?

Comment