Rủi ro kinh doanh: Thiên biến khôn ngoan để tìm kiếm cơ hội phát triển - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Rủi ro kinh doanh: Thiên biến khôn ngoan để tìm kiếm cơ hội phát triển

Quá nhiều người đã bỏ cuộc khi gặp phải các vấn đề trong doanh nghiệp, và người vẫn đứng vững là những doanh nhân mà mẫu số chung giữa họ là biết cách biến rủi ro kinh doanh thành cơ hội cho chặng đường sự nghiệp và gầy dựng thành tựu khiến mọi người nể trọng.

Theo một nghiên cứu năm 2015 của một trong “Big 4” các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Ernst & Young, 97% các công ty tham gia khảo sát trả lời rằng họ đã đạt được tiến bộ trong việc liên kết chặt chẽ hơn mức độ rủi ro với những thành quả tiềm năng. Tuy nhiên, việc kiểm tra sâu hơn cho thấy chỉ có 16% các công ty cân nhắc mối liên hệ giữa rủi ro và những gì đạt được dựa trên mục tiêu kinh doanh có đủ chặt chẽ để ứng phó một cách hiệu quả và đầy đủ trong việc xoay chuyển rủi ro hay chưa. Hầu hết các doanh nhân đều không muốn phải đối mặt với rủi ro. Nhưng bạn không có lựa chọn nào khác, vì không có nỗ lực đáng giá nào khiến bạn cảm thấy được thách thức và thúc đẩy bản thân hơn là khi xuất hiện các mối đe dọa cho doanh nghiệp của mình. Có những thứ không chỉ cần nhìn ở mặt phải, mà hãy thử nhìn từ mặt trái của vấn đề. Đối với rủi ro, nếu có thể nhìn từ mặt trái của chúng, bạn có thể sửa chữa và biến rủi ro trở thành cơ hội và nền tảng phát triển lâu dài cho công việc. Các công ty thành công trong việc đối phó với nghịch cảnh luôn có cái nhìn toàn diện về quản lý rủi ro, và tư duy rủi ro được tích hợp trong toàn bộ văn hóa của công ty chứ không chỉ phản ứng khi khủng hoảng xảy ra. Và mấu chốt của vấn đề nằm ở cách họ “làm quen” với chúng ngay cả khi chúng chưa manh nha xuất hiện.

Không thể “phòng” thì hãy “chống”!

Trong kinh doanh, không ai có thể dự đoán được đâu là rủi ro mình sẽ đối mặt mà chỉ có thể ngăn chặn nếu kịp nhận ra những dấu hiệu bắt đầu. Đặc biệt, trong thời gian đầu khởi nghiệp hoặc phát triển dòng sản phẩm mới, sẽ có nhiều rủi ro chực chờ mà nếu chủ quan bạn sẽ dễ dàng sa bẫy. Bạn hãy tham khảo những biện pháp chống lại rủi ro mới “chớm” để tính toán những nước đi cẩn thận và thực tế hơn:

Chú trọng vào việc sinh lợi đồng tiền

Khi bắt đầu một hoạt động kinh doanh hay ra mắt dòng sản phẩm mới, như nhiều chủ doanh nghiệp khác, có thể bạn rất muốn giới thiệu đồng thời website riêng cho nó, xây dựng ứng dụng riêng, hoặc lên kế hoạch đi học thêm để bổ khuyết một kiến thức nào đó trong kinh doanh. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, trước hết khách hàng trả tiền là để mua chính sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp chứ chưa phải là những tiện ích đi kèm hay kiến thức của cá nhân bạn. Bạn nên tập trung toàn tâm toàn ý bán hàng trong giai đoạn đầu, điều này vừa giúp bạn giảm thiểu rủi ro phát sinh quá nhiều chi phí, vừa giúp sinh ra nguồn vốn để bạn tái đầu tư hoàn thiện sản phẩm hoặc phát triển các giá trị cộng thêm trong những giai đoạn kinh doanh sau đó.

Phát triển sản phẩm theo kỹ năng

Các doanh nhân thường có nhiều ý tưởng kinh doanh mới lạ nhưng lại đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt mà bản thân không có. Điều này không chỉ khiến bạn phải đầu tư nhiều thời gian, mà còn phải bỏ ra nhiều tiền để tìm kiếm nhân sự có những kỹ năng đó thay bạn để tạo ra các sản phẩm như ý tưởng mà bạn mong muốn. Vì vậy là người làm chủ, bạn hãy chuẩn bị kỹ càng cho mình những kỹ năng cần thiết trước khi bắt đầu kinh doanh một thứ gì đó, bạn sẽ có thể tránh được những rủi ro về phát sinh thời gian hoặc chi phí, đồng thời giúp xây dựng nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai.

Duy trì nguồn vốn đầu tư

Để hoạt động kinh doanh được lâu dài, điều quan trọng nhất trong những buổi ban đầu là bạn phải duy trì được nguồn vốn đầu tư. Muốn như vậy, cá nhân những người chủ doanh nghiệp phải duy trì được nguồn thu nhập cá nhân ổn định để chính bạn không trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh vừa mới ra mắt của bạn. Một khi bạn có đủ thu nhập bạn mới có thể đầu tư toàn bộ tâm sức để phát triển doanh nghiệp của mình. Vì vậy, bạn phải có kế hoạch rõ ràng về chi phí lương cho chính bạn và nhân viên để đảm bảo sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp và cho cả bạn nữa.

Tìm kiếm cố vấn đáng tin cậy

Nhiều doanh nhân thường hoài nghi về việc tìm cho mình các nhà tư vấn, nhưng trên thực tế nếu bạn có những người cố vấn tài giỏi, họ có thể giúp bạn tránh được những sai lầm, chọn đúng đường hướng và đẩy nhanh tiến độ vươn tới mục tiêu của bạn. Một khảo sát của MicroMentor đã chỉ ra rằng các doanh nhân có đội ngũ cố vấn hiệu quả đem đến cho doanh nghiệp tốc độ tăng trưởng doanh thu và khả năng “sống sót” cao hơn đến 83%.

Cắt giảm chi phí không cần thiết

Bạn sẽ thấy rằng không thiếu cách để gia tăng rủi ro kinh doanh, đặc biệt là trong thời điểm khởi đầu. Một trong số đó là việc phải gánh các khoản chi phí cao như thuê văn phòng có diện tích quá lớn, đầu tư quá nhiều vào phát triển sản phẩm, xây dựng một đội ngũ với nhiều ban bệ quá sớm… Hãy phát triển mọi thứ một cách tuần tự, chọn ra những vấn đề thật sự cần thiết để bỏ chi phí vào. Việc tập trung vào quá nhiều mục đích trong cùng một thời điểm sẽ cản trở hiệu suất làm việc của bạn và đội ngũ khiến cho mọi thứ trở nên tốn kém hơn.

Lường trước rủi ro với “Ma trận S.W.O.T”

S.W.O.T là một công cụ giúp giải quyết các khủng hoảng và tạo nên tiền đề để tác động đến chiến lược, trọng tâm và triển khai các tài nguyên của công ty nhằm phòng tránh rủi ro, nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Nếu bạn có thể khai thác phương pháp nền tảng này, doanh nghiệp của bạn sẽ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường của mình. Bằng cách phân tích 4 yếu tố là Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Nguy cơ), S.W.O.T cho phép bạn động não để tìm cách khai triển điểm mạnh, hạn chế điểm yếu, tận dụng cơ hội và tránh hoặc giảm bớt các nguy cơ để có thể tối đa hóa nỗ lực trong việc cải thiện bản thân, khách hàng và thậm chí là môi trường công việc.

Hãy thực hiện S.W.O.T một cách thường xuyên, ít nhất là hàng nằm hoặc thường xuyên hơn nếu doanh nghiệp của bạn đang phải đối mặt với những thay đổi lớn trên thị trường, điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt hay đang trên đà tăng trưởng để thay đổi đường hướng phù hợp hơn.

Độc giả đang đọc bài viết “Thiên biến rủi ro trong kinh doanh để tìm kiếm cơ hội phát triển” tại chuyên mục Professional của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Không chỉ sự nghiệp, người cố vấn toàn diện còn phải chú trọng vào yếu tố con người

Sức ảnh hưởng – Tài sản sinh lợi đặc biệt trong thế giới kinh doanh

Comment