Cựu CEO KAfe Group, Đào Chi Anh chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Cựu CEO KAfe Group, Đào Chi Anh chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư

Để kêu gọi vốn thành công, theo Đào Chi Anh, có 3 yếu tố quan trọng là con người, sản phẩm và triển vọng về lợi nhuận của sản phẩm.

NDN_Cuu CEO KAFE Chi Anh chia se kinh nghiem keu goi dau tu_3Cô gái trẻ Đào Chi Anh từng là một hiện tượng trong start-up Việt khi kêu gọi được 5,5 triệu USD từ quỹ ngoại góp vốn vào KAfe Group.

KAfe Group là một chuỗi cửa hàng cà phê đô thị phục vụ ẩm thực fusion (phong cách lai Âu Á) đầu tiên tại Việt Nam với 4 thương hiệu – The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box.

Để kêu gọi được khoản đầu tư hàng triệu USD, Chi Anh đã trả qua một thời gian dài khá khó khăn và gian khổ. Mới đây, trong một talkshow, cô gái 8X này đã chia sẻ về các yếu tố để gọi vốn thành công và quá trình gọi vốn của cô.

NDN_Cuu CEO KAFE Chi Anh chia se kinh nghiem keu goi dau tu_2

“Một startup nói chung, chuỗi chủ yếu là ẩm thực hoặc là bán lẻ để đủ yếu tố kêu gọi vốn thì chắc chắn bạn phải có 2-3 cơ sở chạy tốt và 1 đội ngũ quản lý đầy đủ cho các chức năng quan trọng nhất cho công ty từ vận hành, marketing, kinh doanh, tài chính, pháp chế… mới đủ khả năng làm việc với nhà đầu tư một cách chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, thương hiệu cũng là một yếu tố rất quan trọng. Bạn phải có 1 sự ổn định và sự nổi tiếng, số lượng khách hàng đáng kể. Nếu bạn chưa có nhiều khách hàng thì phải có triển vọng lớn và chứng minh được bằng con số bao nhiêu giờ, bao nhiêu khách hàng sẽ triển khai với vốn đầu tư của họ.

Tùy quỹ và các nhà đầu tư khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau. Vậy nên phải biết gặp những đối tượng như thế nào đề phù hợp với các tiêu chí hiện tại của mình. Quá trình đó cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng và nói chuyện với nhiều người trong ngành đầu tư để hiểu mình đang cần ở mức nào nhất”, Chi Anh chia sẻ.

NDN_Cuu CEO KAFE Chi Anh chia se kinh nghiem keu goi dau tu_1

“Đối với bất kỳ thương hiệu và startup nào, nhà đầu tư sẽ nhìn chủ yếu nhìn vào founder, CEO của doanh nghiệp. Trước khi nhìn xuống giấy má, sổ sách thì họ chủ yếu nhìn vào con người xem mình là người như thế nào.

Có thể họ dành cả giờ đồng hồ chỉ để nhìn sâu vào trong mắt bạn, để đào bới xem trong con người bạn là cái gì. Đây là yếu tố quan trọng nhất vì nhà đầu tư chỉ đặt vốn vào tay người mà họ muốn đồng hành, tin tưởng và muốn trao chìa khóa”

Khi đã hội tụ đủ 3 yếu tố trên, quá trình gọi vốn mới chính là giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất đối với 1 start-up.

“Quá trình gọi vốn bắt đầu từ ý định tôi quyết định đi gọi vốn, tôi quyết định từ bỏ rất nhiều sự điều khiển ở công ty, cổ phần của mình để tìm một đối tác có thể đưa công ty mình lên level cao hơn”.

Và để làm được điều đó thì tâm lý chính là vấn đề then chốt. “Tâm lý đó mình phải chuẩn bị trước, sau đó mới đi vào công việc, chuẩn bị bài thuyết trình để thuyết phục nhà đầu tư.

Khi nhà đầu tư hỏi rất nhiều chứng tỏ bạn đã thành công vì điều đó chứng tỏ bạn đã khiến họ quan tâm. Nhà đầu tư đồng ý ký bảo mật thì là bước thành công đầu tiên của công ty đó. Trong giai đoạn này, rất nhiều công ty bị “rụng””, cô chia sẻ.

Quá trình từ khi ký bảo mật đến khi cô gái Hà thành này kêu gọi vốn thành công kéo dài từ 2-3 tháng, trải qua nhiều cuộc gặp gỡ. Cô đã phải gặp hơn 100 nhà đầu tư, có thời điểm, trong 3 tuần, cô gặp ít nhất 30 nhà đầu tư.

“Đây là quá trình rất khó khăn nhưng là một sự chuẩn bị quan trọng vì nếu mình đạt được thành công nhất định, thuyết phục được nhà đầu tư đầu tiên sẽ dễ hơn khi kêu gọi các nhà đầu tư phía sau”, cô nhấn mạnh.

Để làm được những việc này, Chi Anh cho hay, điều quan trọng nhất là sự cản đảm vượt qua chính mình, can đảm để gặp nhà đầu tư để thấy những cơ hội.

Bên cạnh đó, cần đủ bản lĩnh để mỗi lần nghe “không” thì không cho rằng mình đã thất bại. Phải “cố gắng để khi mình không thể đi tiếp mà vẫn phải đi tiếp. Đây là điều khó khăn nhất, phải tự động viên mình để luôn đi tiếp dù biết ngày mai vẫn thế”, cựu CEO KAfe Group nói.

Theo Tri Thức Trẻ.

Có thể bạn quan tâm:

Trắc nghiệm: Bạn có tinh thần doanh nhân?

10 kĩ năng truyền đạt cần có của doanh nhân

6 bí quyết xây dựng nội lực doanh nghiệp

Comment