Hãy là nhà đầu tư trong lĩnh vực… hạnh phúc! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hãy là nhà đầu tư trong lĩnh vực… hạnh phúc!

Nếu hạnh phúc là mục tiêu tối thượng và việc phát triển bản thân là đích đến mỗi ngày của bạn, thì có lẽ bạn nên lập ngân sách và đầu tư vào những lĩnh vực sau.

Hạnh phúc chính là mong muốn của tất cả mọi người. Và hầu hết các bậc cha mẹ đều kỳ vọng con cái của mình sẽ gặt hái được những hạnh phúc, bình yên trên đường đời. Có 5 yếu tố đóng góp vào cuộc sống hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của chúng ta, đó là: cảm xúc tích cực, sự gắn kết, các mối quan hệ, ý nghĩa sống và thành tựu đạt được. Tại sao tiền không góp mặt trong danh sách này? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một khi chúng ta đã đạt được một ngưỡng ổn định nhất định về tài chính. Về cơ bản, có thể đáp ứng được các nhu cầu hằng ngày, thì việc có nhiều tiền hơn chỉ ảnh hưởng một chút đến hạnh phúc của chúng ta. Và quan trọng hơn, khi đã ổn định về tài chính, niềm hạnh phúc về tiền cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Tiền là công cụ và nguồn lực để đạt được mục tiêu, nhưng bản thân nó lại không phải là mục tiêu!

Vậy giá trị của việc có nhiều tiền hơn là gì? Tiền là công cụ và nguồn lực để đạt được mục tiêu, nhưng bản thân nó lại không phải là một mục tiêu. Ngược lại, những gì bạn làm với tiền sẽ xác định mục đích và giá trị của nó. Vậy cho nên, tiền bạc và vật chất không phải là đích đến cuối cùng và tối thượng trong cuộc sống của chúng ta. Một dạng “đầu tư” khác mà bạn nên chú trọng khi đã hoàn toàn có thể “thảnh thơi” một chút về tài chính đó là đầu tư vào hạnh phúc. Tức là xây dựng và phát triển một cuộc sống mà bạn không bao giờ muốn từ bỏ nó dù có về hưu sau này.

Nhưng đầu tư vào hạnh phúc có nghĩa là gì?

Để phát triển và trở nên hưng thịnh trong cuộc đời này, bạn phải đầu tư vào những thứ có thể gia tăng năm yếu tố mà khoa học cho rằng sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc: cảm xúc tích cực, sự gắn kết, các mối quan hệ, ý nghĩa cuộc sống và các thành tựu đã đạt được. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu rằng sự giàu có của bạn không chỉ bao gồm tài sản tài chính và vật chất.

Trên thực tế, có bốn loại vốn khác nhau mà bạn có thể đầu tư: vốn tài chính, vốn nhân lực, vốn sáng tạo và vốn xã hội. Vốn tài chính bao gồm mọi thứ bạn sở hữu hoặc bất cứ thứ gì có thể mua được bằng tiền. Vốn con người xuất phát từ chính con người của bạn, bao gồm: tài năng, kiến thức, đam mê và tất tần tật những gì thuộc về bạn. Vốn sáng tạo bao gồm ý tưởng, giá trị và những điều bạn đã đóng góp cho cộng đồng. Cuối cùng, vốn xã hội chính là các mối quan hệ thân quen từ gia đình, bạn bè hay các đồng nghiệp, đối tác trong kinh doanh…

Sau khi đã xác định ra 4 loại vốn đang sở hữu, bạn nhận thấy bản thân mình đang cần bổ sung điều gì để trở thành một nhà đầu tư hạnh phúc? Ngoài vốn tài chính, 3 loại vốn còn lại chính là điều bạn có thể cân nhắc để gia tăng niềm vui và sự mãn nguyện trong cuộc sống. Vậy, để đầu tư tốt vào các “lĩnh vực” hạnh phúc này, bạn cần phải lập cho mình một “ngân sách” vào những mảng như sau:

1. Đầu tư vào bản thân

Bạn đã trải qua một quá trình sự nghiệp chông gai để có được ngày hôm nay. Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân đã bỏ lỡ những niềm đam mê nào hay không? Hoặc có bao giờ bạn nuối tiếc vì chưa có cơ hội thực hiện những điều bản thân đã mong muốn từ lâu hay không? Đây là thời cơ thích hợp nhất để bạn thực hiện những đam mê của chính mình. Cụ thể đó là những khoản đầu tư xứng đáng để trau dồi tài năng và khả năng thiên bẩm, vốn đã bị bỏ lỡ từ rất lâu. Không đơn thuần chỉ là một niềm yêu thích, hãy biến chúng thành những kỹ năng thành thạo của bạn. Những khóa học có thể mở ra cho bạn nhiều khám phá mới về bản thân, những điều bạn đã không nghĩ đến trước đây. Hay một lớp học về trà đạo, cắm hoa bên cạnh công việc tính toán với những con số cũng sẽ mở ra những khía cạnh thú vị mới trong cuộc sống của bạn. Bạn cũng có thể tham gia những lớp học về thiền định, yoga để cải thiện sức khỏe tinh thần nhằm tăng cường những năng lượng tích cực. Bạn biết không, việc tìm kiếm những trải nghiệm ý nghĩa trong đời sẽ giúp bạn gắn bó và tạo ra những cảm xúc hạnh phúc và có một đóng góp tích cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.

2. Đầu tư vào những giá trị cống hiến cho cộng đồng

Sự sáng tạo không chỉ là cửa ngõ để hoàn thành mục đích sống mà còn giúp bạn để lại một di sản lâu dài. Có nhiều cách để khơi gợi sự sáng tạo. Một trong những cách phổ biến đó là khám phá bản thân mình thông qua những trải nghiệm học hỏi khi đầu tư vào bản thân. Sau đó, đừng quên tìm kiếm các cơ hội được sử dụng khả năng sáng tạo của mình, dù về mặt chuyên môn hay xã hội. Một khi bạn bắt đầu đầu tư vào bản thân, bạn sẽ tự nhiên khơi dậy được khả năng sáng tạo khi đắm mình trong đam mê và tài năng vốn có. Việc có nhiều tiền không còn là một đích đến tối thượng. Ngược lại, bây giờ, vai trò của bạn là tạo ra giá trị cho cộng đồng theo chiều hướng tích cực. Những đóng góp của bạn không còn phục vụ cho mục đích cá nhân như trước, mà phải xem xét rằng những điều bạn làm sẽ giúp ích được gì cho người khác? Chính sự sáng tạo là một phương tiện để bạn cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Ngoài vật chất, tài năng và những giá trị bạn truyền đạt đến người khác mới là một nguồn vốn đáng trân trọng.

3. Đầu tư vào việc vun đắp các mối quan hệ

Mối quan hệ tốt đẹp là thứ sót lại sau cùng, sau lẫn tiền bạc, tầng lớp xã hội, chỉ số thông minh và thậm chí là bộ gen của chúng ta. Không giống các hình thức vốn khác, các mối quan hệ không quá tốn kém nhiều về mặt tài chính để sở hữu và duy trì chúng. Nhưng bạn biết không, lợi nhuận thu được từ các mối quan hệ có giá trị sẽ được tính theo cấp số nhân. Với các mối quan hệ đang có, bạn có khả năng khai thác vốn tài chính, vốn sáng tạo và vốn xã hội của cá nhân đó. Những mối quan hệ tốt cũng là điều bạn có thể truyền lại cho thế hệ trong trường hợp bạn về hưu hay chuyển giao quyền lực cho các con trong sự nghiệp.

Không khó để trở thành một nhà đầu tư hạnh phúc. Đầu tư vào bản thân, đóng góp cho xã hội và vun đắp các mối quan hệ chính là những nguồn đầu tư vô cùng xứng đáng để gia tăng niềm hạnh phúc, mãn nguyện của bạn trên thương trường, lẫn cuộc sống đời thường.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment