Chinh phục sợ hãi khởi sự: Sao cho đúng? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Chinh phục sợ hãi khởi sự: Sao cho đúng?

Đã bao giờ bạn đong đếm giữa những liệt kê “hữu hình” từ kinh nghiệm, nền tảng, tiềm lực, khả năng và đối lập với nỗi sợ tuy “vô hình” nhưng đủ chi phối tất cả? Và rồi chợt nhận ra trên con đường hiện thực mong ước, tâm trí không tiến gần hơn đến niềm vui hay hạnh phúc mà bị bủa vây trong lo lắng?

Trong mỗi chúng ta đều ít nhiều có vô số nỗi sợ đến từ tiềm thức khiến ta chưa bao giờ “dám” đưa ra các quyết định với tâm lý vững vàng. Bạn lo sợ việc thích nghi trong môi trường mới, khởi đầu kế hoạch kinh doanh, vận hành guồng máy hoạt động… Nhưng, đời người rồi phải rẽ qua nhiều “khúc quanh”, không ai khác chính bạn sẽ là “người cầm lái” những cung đường mình chọn lựa và bao gồm cả việc chinh phục nỗi sợ hãi mang tên “bắt đầu”.

“Khởi động trí tuệ cảm xúc là cách tối ưu để quản lý nỗi sợ hãi.”

Trên thực tế việc tạo dựng tâm lý hoàn toàn thoải mái sẽ tiếp thêm nhiều năng lượng cho bạn chinh phục hành trình phía trước. Nhưng nếu sự lo lắng vượt quá “mức” cho phép, tất yếu sẽ hình thành rào chắn dần hủy hoại nhiệt huyết và ngăn cản tiến bước. Nhưng hãy thử tượng tượng, nếu không có sự xuất hiện của nỗi sợ thất bại, thì thực chất bạn đang tồn tại trên chính hành trình của mình mà chưa có bất kỳ nỗ lực nào để chuyển hóa “lo sợ” thành “động lực” phấn đấu. Do đó, trước tiên khi thực sự bước vào cuộc đua đích thực, bạn phải tách bạch rõ mầm tâm lý dần định hình trong suy nghĩ. Hãy nhường chỗ cho trí tuệ cảm xúc được khởi động, đủ khiến bạn ngộ ra rằng sẽ chẳng có “kế sách” nào khiến chúng ta ngưng hay dừng, thậm chí xóa tan nỗi lo, chỉ là phải trải qua giai đoạn truyền dẫn ấy nhằm “chiết xuất” động lực và “nung nấu” để lo sợ ức chế nên thành công mà thôi.

“Vượt chướng ngại vật là hành trình không ngừng làm mới chính mình trong quyết tâm tột cùng.”

Chướng ngại vật thoạt đầu có cảm giác đáng sợ bởi ít nhiều sẽ tác động đến các quyết định. Nhưng cuối cùng, có lẽ chướng ngại mà chúng ta cần vượt qua và can đảm đối mặt lại chính là bản thân. Chỉ khi chiến thắng được con người nội tại bên trong mới có thể dẫn nguồn nên trạng thái bức phá, đưa ta đến với sự dứt khoát trong từng lựa chọn cần cân nhắc. Khi đã thực sự nắm giữ sự chủ động trong hầu hết mọi tình huống, bạn phải là người điều khiển, quản lý được cảm xúc. Tiết chế được xúc cảm hoài nghi, chán nản, bức bối trước những khó khăn trừu tượng là lúc bạn thực sự tiến xa trên chính hành trình của mình. Bởi lúc này khát khao trong tâm trí dần đủ lớn để có thể chế ngự loạt cảm xúc kia, nếu không điều khiển được nỗi sợ sẽ chẳng thể trưởng thành, xa hơn là đạt thành tựu. Chưa dừng lại ở đó, vượt chướng ngại còn nằm ở chiến thuật không ngừng làm mới bản thân và tìm ra đáp án xác thực cũng chính là mục đích cuối cùng – bạn làm vì điều gì? Vấn đề còn lại là thoát khỏi những nguyên tắc cố hủ bất biến đã từ lâu “bào mòn” suy nghĩ của chính chúng ta, từ sự tra xét của người thân, bao ánh mắt hoài nghi xung quanh, thậm chí tương lai mù mịt đến thảm hại khi thất bại. Tất cả, đều có thể hóa giải bằng “cú nhảy” then chốt trong việc khắc chế nỗi sợ trên bước tiến của bạn.

“Thời điểm vượt qua chướng ngại vật chính là thời điểm tăng tốc.”

Khi đã “nhảy qua” hàng loạt các rào chắc ban sơ, bạn thường có xu hướng nghĩ rằng mọi việc đã dần đi vào lộ trình ổn định và từ giờ đã giải quyết dứt điểm những ngăn trở nên có thể ung dung tiến về phía trước. Nhưng không! Điều đó chẳng đảm bảo tiếp theo sẽ không có vấn đề nào phát sinh nữa và bạn sẽ thôi lo lắng về điều đó. Hãy xem việc vượt qua được các rào chắn đó là bước ngoặc thời điểm giúp bạn tăng tốc chạy tiến về phía trước. Bởi thời điểm bắt đầu thực hiện không mang tính định liệu mức độ thành công mà để nắm bắt và hiện thực hóa kế hoạch, được ví như “bàn đạp” giúp bạn dần chiến thắng nỗi sợ. Sau đoạn đường dài tăng tốc, bạn cần để tâm lý được nới lỏng vì cuộc đời sẽ còn phải trải qua nhiều “khởi đầu” khác chứ không chỉ duy nhất lần này. Hãy học dần thả trôi những lo lắng và không đặt quá nhiều áp lực lên tâm trí của chính mình.

“Về đích còn là cách thức hoàn thành tốt thử thách.”

Cuối cùng, chạm đến đích cũng là một điểm trong chuỗi quy trình các cảm xúc lo lắng. Đích đến này có thể là chiến thắng vang dội, đôi khi hoàn thành một số chỉ tiêu nhất định hoặc thậm chí thất bại. Nhưng đây là giai đoạn thực sự ý nghĩa trong toàn bộ chuỗi những nỗ lực, bạn nhận ra dù thành công hay thất bại thì mình đã tích lũy cho bản thân được vô số kinh nghiệm quý báu. Nếu mỗi người coi thành công là lợi nhuận hay là tiến triển tốt đẹp trong sự nghiệp thì chắc chắn đó là một sự nhầm lẫn. Bởi thành công thực sự còn là cách mỗi người về đích như thế nào, có thể chưa đạt như kỳ vọng nhưng không hẳn đã thất bại vì tất cả chỉ là thử thách, sau thất bại bạn hoàn toàn có thể làm lại.

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: Quỳnh Như

Có thể bạn quan tâm:

Cách start-up thông minh: Hãy tuyển dụng phụ nữ!

Comment