ỐNG CỔ TAY “TRỞ CHỨNG” - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

ỐNG CỔ TAY “TRỞ CHỨNG”

Xem ra có khá nhiều hiểm họa bệnh tật rình rập giới văn phòng. Hội chứng ống cổ tay (hay hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa) là một trong số những hiểm họa đó.

PHỤ NỮ DỄ MẮC PHẢI

Hội chứng ống cổ tay được biết đến từ giữa thế kỷ 18 bởi James Paget. 3% người Mỹ mắc phải và cứ 1.000 người Anh có 1 người phải điều trị hội chứng này. Ở Việt Nam, con số bệnh nhân trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng tuy chưa có thống kê cụ thể. Mặc dù một số thông tin cho rằng, bệnh thường gặp ở tuổi 40-50, nhưng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, và đang có xu hướng trẻ hóa. Đặc biệt, phụ nữ mắc bệnh này gấp 2-3 lần nam giới, có thể gặp khi đang sử dụng thuốc tránh thai, và gặp khá nhiều ở phụ nữ giữa hay cuối thai kỳ.

Giới văn phòng làm việc liên tục với máy tính không lâu sau xuất hiện cảm giác như kiến bò, ngứa hay nóng rát ngoài da ở một số ngón tay, ban đầu thường là ngón trỏ, ngón giữa, ngón cái, một phần ngón đeo nhẫn kèm theo đau và tê bì. Đau, tê tăng dần về đêm, giảm đi khi sử dụng bàn tay hoặc đưa tay lên cao hay hạ xuống thấp. Những dấu hiệu đó không chỉ khu trú ở những ngón tay, mà lan lên cẳng tay, nhiều khi đau đến vai. Đau, tê ở một tay, có khi cả hai tay, ban đầu là từng cơn, về sau gần như liên tục khiến người bệnh bứt rứt, khó chịu, giảm sút chất lượng sống và hiệu quả công việc. Các triệu chứng run tay, khó viết và cầm nắm, hay làm rơi đồ vật thường xuất hiện sau. Tuy không gây chết người, nhưng bệnh có nhiều khả năng dẫn tới tàn tật nếu không chữa trị do tổn thương thần kinh, teo cơ mô cái.

Bên cạnh đó, các bệnh lý toàn thân như: nhiễm trùng, bệnh chuyển hóa, bệnh mãn tính, những chấn thương gây trật khớp xương bán nguyệt (1 trong 8 xương vùng cổ tay), gãy đầu dưới xương quay (1 trong 2 xương cẳng tay)… có thể gây nên hội chứng ống cổ tay.

CHỦ ĐỘNG VIỆC ĐIỀU TRỊ

Nên biết rằng, ống cổ tay là một lối đi hẹp trong lòng bàn tay. Cấu trúc này không co giãn được vì thành sau của ống là nhóm tám xương cổ tay, thành trước là dây chằng ngang cổ tay, một mô xơ dày và chắc. Cho nên, ống càng hẹp, những mạch máu nuôi dây thần kinh giữa teo nhỏ, máu tới nuôi dưỡng thiếu, thần kinh giữa bị rối loạn cảm giác làm tê, đau. Tiếp sau đó các nhánh vận động của dây này chịu tác động khiến nhóm cơ nhỏ mà nó chi phối rối loạn, dẫn đến yếu cơ hay liệt cơ. Cần lưu ý rằng, đừng chờ tới lúc cầm nắm yếu, cử động ngón khó khăn, teo cơ mô cái, đó là những dấu hiệu muộn màng cho biết đã có tổn thương thần kinh, dù can thiệp phẫu thuật cũng khó phục hồi. Khi có những triệu chứng ban đầu của rối loạn vận động như: run tay, khó cầm nắm, khó viết… cần được phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay để giải áp và phóng thích thần kinh giữa.

Để có chẩn đoán chính xác và can thiệp thích hợp, ngoài những triệu chứng cơ năng người bệnh cảm nhận được, thầy thuốc còn dựa vào các dấu hiệu thực thể thông qua các phương pháp thăm khám. Bác sỹ cho người bệnh duỗi cổ tay tối đa, và gõ lên ống cổ tay để tạo cảm giác tê, đau lên các ngón tay, gọi là dấu hiệu Tinel. Nghiệm pháp Phalen cũng thường áp dụng bằng cách cho người bệnh gập cổ tay tối đa trong một phút, tạo cảm giác tê trên các ngón tay. Ngoài ra, bác sỹ có thể tìm hiểu chức năng dẫn truyền cảm giác, vận động của thần kinh giữa qua việc dùng một dòng điện cường độ nhỏ kích thích và đo thời gian đáp ứng về cảm giác hay vận động ở những vùng thần kinh giữa chi phối. Phương pháp ấy có thể giải đáp cho thầy thuốc và người bệnh về khả năng có hay không thương tổn cả hai tay, khi các biểu hiện lâm sàng chưa rõ rệt, tiên lượng được khả năng phục hồi sau phẫu thuật nếu tiến hành. Siêu âm với đầu dò phẳng, tần số cao (7-13MHz) có khả năng đánh giá khá chính xác về mặt giải phẫu, xác định mức độ phù nề, biến dạng, phì đại của thần kinh giữa và các thành phần trong ống cổ tay. Trong nhiều trường hợp, việc chẩn đoán bệnh chỉ cần hai hoặc nhiều hơn các tiêu chuẩn, một hoặc nhiều hơn một dấu hiệu cơ năng và một hoặc nhiều hơn một triệu chứng thực thể, người ta đã có thể tiến hành trị liệu.

Những trường hợp mới xuất hiện, chưa có thương tổn thần kinh giữa, nên thay đổi cách làm việc, cách sử dụng bàn tay sao cho không gập cổ tay quá nhiều và thường xuyên. Bạn có thể dùng bao tay để bất động cổ tay, dùng thuốc kháng viêm không steroids, và nhớ đừng lạm dụng tiêm corticoides vào ống cổ tay.

Nếu những biện pháp nói trên không làm thuyên giảm bệnh và thấy xuất hiện những rối loạn vận động của thần kinh giữa, cần phẫu thuật mở rộng ống cổ tay qua động tác xẻ mạc giữ gân gấp. Tốt nhất là phẫu thuật bằng nội soi, vì vết rạch nhỏ, hạn chế nhiễm trùng sau mổ, và thời gian phục hồi nhanh hơn cách mổ thông thường.

Những đối tượng của hội chứng ống cổ tay, nên chăng giữ cho mình thói quen áp dụng vài biện pháp phòng tránh hậu họa sau:

  • Thực hiện nhiều lần trong ngày với những động tác vê ngón tay, duỗi ngửa, duỗi sấp khuỷu và cổ tay.
  • Không nên ngồi bên máy vi tính quá lâu, sau 60-120 phút nên đứng dậy, vận động toàn thân chút ít, tập những động tác về tay và cổ tay như trên.
  • Ngồi trước máy vi tính phải đúng tư thế: lưng, gáy thẳng, sát vào ghế ngồi, đùi và cẳng chân vuông góc, lòng bàn chân đặt sát nền.
  • Hướng mắt nhìn màn hình máy vi tính chếch 18-200, cổ tay uốn cong 200, cẳng tay thẳng.
  • Ăn uống đầy đủ và cân đối các chất, có thể bổ sung chút ít vitamin (nhất là nhóm B) giúp cơ thể tạo lập được khả năng chống đỡ hữu hiệu những hiểm họa, trong đó có hội chứng ống cổ tay.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment