Nhỏ mà tuyệt • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nhỏ mà tuyệt

Bầu không khí làm việc tích cực với những nhân viên bận rộn, đầy nhiệt huyết và không thiếu nụ cười thường trực trên môi chính là giấc mơ của mọi nhà lãnh đạo. Giấc mơ đó có xa vời với chủ doanh nghiệp nhỏ? Hoàn toàn không

Rất nhiều công ty hứa hẹn về một môi trường làm việc tốt để rồi sau đó thường khiến nhân viên có cảm giác hụt hẫng. Không ít chủ doanh nghiệp nhỏ từng kinh qua những trải nghiệm như vậy trong thời gian “làm công”. Chính điều đó đã trở thành động lực nhưng đồng thời cũng là áp lực để họ tạo nên một môi trường làm việc tốt khi “ra riêng”.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể học được những kỹ năng xây dựng một môi trường làm việc tốt. Không đơn giản là “khao” tập thể ăn uống hoặc đề nghị mức lương “khủng” với nhiều phúc lợi hấp dẫn, một môi trường làm việc tốt phải tạo được cho nhân viên những ấn tượng sau:

1Đáng tin

Để gầy dựng được niềm tin nơi nhân viên, chủ doanh nghiệp cần tiếp cận ở cả ba góc độ: tin tưởng, tôn trọng và công bằng.

  • Tin tưởng đủ để cho phép nhân viên nhiều tự do hơn trong công việc. Càng được tự chủ, công việc càng có ý nghĩa, từ đó tiếp thêm động lực để nhân viên làm việc tốt hơn.
  • Tôn trọng đủ để cho phép nhân viên là chính mình. Nhiều nhân viên nói rằng họ buộc khoác chiếc áo “chuyên nghiệp” khi đi làm, và không cảm thấy thoải mái với việc để lộ con người thật của mình. Nghiên cứu cho thấy nếu nhân viên có thể là chính mình nơi công sở, họ sẽ tìm được nhiều niềm vui hơn trong công việc. Cảm giác thoải mái cũng giúp họ gắn bó lâu dài hơn với công ty.
  • Công bằng đủ để nhân viên cảm thấy những đóng góp của mình được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng.

Team of young men rowing a boat

2Tự hào

Làm việc trong một môi trường tốt khiến nhân viên cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và đang góp phần tạo ra sự khác biệt cho công ty. Những phản hồi mang tính xây dựng của cấp trên sẽ giúp duy trì và củng cố niềm tin đó. Đừng quên, mục đích của việc phản hồi là giúp nhân viên nhận ra và hiểu rõ những mặt/kỹ năng cần cải thiện, chứ không phải để khiển trách khi họ phạm sai lầm.

3Gắn kết

Trong một môi trường làm việc tốt, tính tập thể được bao phủ toàn công ty chứ không gói gọn chỉ nội bộ từng phòng. Nhân viên phải cảm thấy họ là một phần của nhóm làm việc với cùng mục tiêu chung để đồng lòng hợp sức đưa công ty phát triển. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có định hướng rõ ràng về đường lối, thể hiện ngay ở tuyên ngôn sứ mệnh. Bên cạnh đó, mọi nhân viên đảm bảo hiểu rõ sứ mệnh này cũng như tầm quan trọng của họ trong việc giúp công ty hoàn thành sứ mệnh.

Lưu ý là đồng thời với việc chú trọng đến hiệu quả làm việc nhóm, công ty cũng cần cổ vũ những thành công và sự sáng tạo của từng cá nhân. Chủ doanh nghiệp nên biết cách sử dụng tài năng cá nhân nhân viên sao cho đạt được mục tiêu chung của tập thể.

4Thân thiện

Ở những môi trường làm việc tốt, nhân viên thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Họ thường cảm thấy được chào đón ngay từ ngày đầu tiên. Để tuần đầu tiên không trở thành trải nghiệm ngượng ngùng hoặc đáng sợ, công ty nên có những hướng dẫn hữu ích giúp nhân viên mới hòa nhập nhanh chóng với môi trường làm việc. Các nguồn lực hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc phải dễ dàng tiếp cận. Ban giám đốc cũng cần tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển và hoàn thiện kỹ năng để trở thành “tài sản” giá trị hơn trong công ty.

5Đối thoại mở

Một doanh nghiệp nhỏ chỉ có thể phát triển khi thiết lập được chế độ giao tiếp mở. Trò chuyện với nhân viên, bạn có thể bất ngờ thu được nhiều thông tin nội bộ hữu ích liên quan đến môi trường làm việc, biết được những vấn đề nhỏ phát sinh trước khi chúng kịp leo thang. Để khuyến khích đối thoại mở, ban giám đốc phải dễ tiếp cận hơn thay vì ngồi cả ngày sau cánh cửa văn phòng đóng kín. Định kỳ xuất bản những bản tin nội bộ cũng là một cách tốt để giúp nhân viên luôn được cập nhật những bước phát triển mới của công ty.

 

Có thể bạn quan tâm: 

10 Lý do nhân tài ra đi

Cùng nhau thay đổi

Comment